Chất nghệ thiên-đàng

Người xem: 194

Chất nghệ thiên-đàng

TM & CM: Bài biên của tác giả có bút danh Vương Văn Quang, một cây viết khá sắc sảo và gai góc trong làng cầm bút. Bài viết là một bức tranh thu nhỏ mặt trái của giới văn nghệ sĩ Hà thành nói riêng và cả xã hội An-nam nói chung của một thời thiên-đàng.

Bài viết được copy từ blog Liên danh Bựa. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc TM & CN.

Tôi sinh ra và lớn lên trong môi trường nghệ thuật, tất cả mọi người xung quanh tôi đều là văn, nghệ sĩ. Được hít thở bầu không khí nghệ thuật từ bé, nên khi lớn lên, tôi cũng là một nghệ sĩ, như một điều tất yếu. Tôi là một nghệ sĩ múa. Sau khi tu nghiệp bẩy năm tại trường múa Việt Nam, tôi vào làm việc tại một đoàn ca múa nhạc thuộc thành phố HCM.

Từ đó tới nay đã hơn chục năm, vậy mà tôi cứ tưởng như mới hôm nào. Tôi luôn nhớ về cái nôi nghệ thuật của mình, một khu nghệ thuật tổng hợp, nằm ở ngoại vi thủ đô Hà Nội. Mọi người thường gọi là khu Văn công. Theo tôi được biết, thì phần lớn văn nghệ sĩ nước ta có xuất phát điểm hoặc có liên quan tới cái khu này.

Khu Văn công gồm các đoàn nghệ thuật đủ mọi thể loại, và một số trường đào tạo năng khiếu nghệ thuật, cũng đủ mọi thể loại. Khu được thành lập từ những năm sáu mươi của thế kỉ trước, nó được xây dựng rất qui củ, hài hoà. Bên cạnh những khối nhà tập và làm việc của các đoàn, các trường, các khu nhà ở của nghệ sĩ, là những thảm cỏ xanh mướt, những hồ nước nhỏ xinh xinh với hàng phi lao thẳng tắp, vi vu… Nói chung là đẹp, thơ mộng, rất hợp với một trung tâm nghệ thuật.

Trong gia đình tôi, chỉ có duy nhất một người không liên quan tới nghệ thuật, không phải là nghệ sĩ, đó là mẹ tôi. Bà là nhân viên của bếp ăn ca ba thuộc nhà máy in Tiến Bộ, giờ làm việc của bà là đêm, nên ban ngày bà tranh thủ kiếm thêm bằng cách bán cháo lòng tiết canh ngoài chợ. Tôi rất lấy làm không tự hào về điều này. Nhưng nhờ có bà mà cả nhà tôi sống qua thời kì gian khổ, là thời bao cấp, một cách khá dễ chịu. Mọi việc liên quan tới vật chất trong nhà đều do một tay bà lo liệu, ngoài cái quán cháo lòng tiết canh, thì ngày nào đi làm về (vào lúc ba giờ sáng) bà cũng có chiến lợi phẩm, là những thứ thừa thãi của cái bếp ấy. Khi thì ít lòng lợn, lúc thì vài lạng thịt đầu thừa đuôi thẹo v.v. Có hôm những thứ này đã bốc mùi, nhưng chưa bao giờ anh em chúng tôi thấy nó không ngon, hoặc bị đau bụng ỉa chảy vì những thứ thiu thối ấy. Nhờ có bà mà nhà tôi hồi đó nổi tiếng lẫy lừng là ăn cơm ngày nào cũng có thịt.

Nhà tôi ở trong khu tập thể diễn viên của đoàn Chèo. Đây là một dẫy nhà cấp bốn, trước mặt dẫy nhà có một cái ao nhỏ rất đẹp. Sát vách nhà tôi, về bên trái là nhà của ông Đ., một diễn viên chèo, có vợ dưới quê. Chẳng hiểu sao ông không cho vợ lên ở cùng, chỉ thỉnh thoảng thấy mấy đứa con lên thăm. Bên trái là nhà cô V., cô V. cũng là một nghệ sĩ chèo có tiếng, cô còn nổi tiếng về hát ca trù và ngâm thơ. Chồng cô V. là chú M., chú M. là ca sĩ nhưng mất giọng do mổ amiđan, nên chú chuyển nghề làm lái xe, chú lái xe cho đoàn ca múa trung ương. Tuy đã chuyển nghề, nhưng chú M. có vẻ còn luyến tiếc nghiệp ca hát lắm, cứ tối đến, sau khi đã làm xị rượu là chú M. lại vác đàn ghi-ta ra phập phèng ngoài bờ ao và ca những bản tình ca não nuột. Chú M. thấp bé hom hem, răng cải mả, nhưng được cái nhiều râu, nên trông cũng oách. Ngoài ra, chú M. còn nổi tiếng là tay trăng hoa, lãng mạn. Không biết có thật không, thấy mọi người đồn là toàn bộ nữ vũ công bên đoàn ca múa đều đã được chú M. “duyệt”. Hồi đó tôi không hiểu chú M. “duyệt” gì các cô diễn viên múa.

Ở nhà, bố tôi hay có thói quen cứ mười giờ đêm là mở đài tiếng nói Việt Nam, để nghe chương trình “Tiếng thơ”. Tôi cũng rất thích chương trình này. Đặc biệt, tôi rất thích nghe cô V. ngâm thơ, cô thường xuyên ngâm thơ trên sóng phát thanh. Có hôm cả nhà tôi (trừ mẹ tôi) đang nghe “Tiếng thơ” trên làn sóng điện qua giọng cô V. mượt mà truyền cảm diễn ngâm một bài thơ tình của Xuân Diệu; tôi đang chăm chú như nuốt lấy từng câu, thì bên nhà cô V., cũng vẫn cái giọng nữ cao ấy vút lên, nhưng đây là giọng thật chứ không phải trên radio: “Tổ sư bố thằng khốn nạn nhá, mày cút cha mày đi với con mặt lồn ấy luôn đi, còn dám vác mặt mày về đây thì bà thề có vong linh thằng bố mày là đêm nay thì bà thiến”. Hoá ra cô V. chửi chú M.. Nhưng cả dãy nhà đều biết, cô V. chỉ thề thốt trả vờ cho oai thôi, vì đã bao lần thề như thế rồi mà chú M. vẫn vô sự. Chiều đến, chú vẫn phập phèng ghi-ta và rên ư ử. Những câu chuyện chú “duyệt” nữ vũ công vẫn không thôi lan truyền.

Bố tôi là trưởng phòng nghệ thuật của đoàn Chèo. Bố xuất thân là diễn viên chèo, nhưng ông thuộc loại diễn viên không giỏi lắm. Các vai bố tôi sắm thường chỉ xuất hiện vào cuối vở diễn, hay những đoạn hoành tráng có màn chạy cờ. Khi đó bố tôi xuất hiện, mặt bôi lem luốc, tay cầm một lá cờ rõ to, chạy hai vòng trên sân khấu, thế là xong vai diễn. Những vai này thường không có tên trong kịch bản. Trong sự nghiệp diễn viên của bố tôi, có một lần bố tôi sắm một vai có tên đàng hoàng. Ông thể hiện rất thành công vai này. Đó là vai Hương “câm” trong vở chèo nổi tiếng “Quan Âm thị Kính”. Tôi không được xem bố tôi thể hiện vai này, nhưng qua kịch bản, tôi biết, vai Hương “câm” xuất hiện trên sân khấu tới mười phút, nhưng không múa may hát hò gì cả. Hương “câm” chỉ ngồi một chỗ, sau đó đi vào. Thế là hết.

Sau thời kỳ làm diễn viên, bố tôi trải qua nhiều công việc khác nhau như: hậu đài; bảo quản phòng truyền thống; tổ chức biểu diễn, v.v.; rồi cuối cùng ông cố định với chức vụ trưởng phòng nghệ thuật. Nói chung, bố tôi là một nghệ sĩ tử tế.

Phòng nghệ thuật, nhân sự hơn chục người, họ là những nhà biên kịch, phê bình lý luận sân khấu, đạo diễn. Toàn những tay cự phách. Phòng này, cứ đầu tuần là họp định kì, hoặc đột xuất có ai đọc kịch bản là họ lại họp. Nhưng có điều đặc biệt mà tôi không sao hiểu nổi, đó là họ toàn tổ chức họp ở nhà tôi. Bố tôi với chức danh trưởng phòng, nhưng trong các cuộc họp, tôi để ý, không bao giờ bố tôi nói gì. Chức năng của ông là ghi chép và pha trà rót nước. Mãi sau này tôi mới hiểu, tại sao họ hay tổ chức họp hành ở nhà tôi. Chả là khi đó, nhà tôi vốn nổi tiếng đề huề về vật chất. Những thứ như trà, thuốc lào, thuốc lá cuốn và kể cả rượu “ cuốc lủi” nhà tôi bao giờ cũng sẵn, thỉnh thoảng các vị còn được thưởng thức cả lòng lợn, tiết canh nếu như mẹ tôi ế hàng.

Trong số nhân viên phòng nghệ thuật, tôi đặc biệt nhớ một người. Ông không thuộc biên chế đoàn Chèo, nhưng ông rất hay tham gia họp cùng phòng nghệ thuật. Ông là nhà biên kịch nổi tiếng L.Q.T.. Hồi đó các đoàn nghệ thuật khi mời biên kịch hay đạo diễn cộng tác thường phải mời họ về đoàn và bao luôn cả ăn ở. Có lần ông T. được đoàn Chèo mời viết. Theo thông lệ, trong thời gian viết, ông T. sẽ được ăn ở tại đoàn. Mặc dù nhà riêng ông T. cũng ngay Hà Nội, nhưng ông vẫn không từ chối đặc ân này. Thế nhưng, khổ cho anh em chúng tôi, ông T. mang tiếng là ăn ở tại đoàn Chèo, nhưng ông chỉ ở thôi, còn ông ăn ở nhà tôi. Mà có phải chóng vánh gì cho cam, gần sáu tháng trời. Tiêu chuẩn đoàn chèo phải chi cho ông là một đồng/một ngày, mà ông ăn ở nhà tôi, thì mẹ tôi phải bù ra đồng nữa. Dù sao ông cũng là khách, mà lại là văn sĩ có tiếng, lùi xùi sao được, cứ phải cơm rượu đàng hoàng. Đã thế tới bữa, vì có ông ta, cho nên anh em tôi cứ phải khép na, khép nép. Trong mâm cơm có gì ngon là không dám gắp, phải chờ ông ta ăn xong, anh em chúng tôi mới được dùng các thứ đó. Nhưng những thứ gọi là ngon thì chả mấy khi ông để thừa.

Đã thế ông còn lấn cả vào phần quà của chúng tôi nữa. Chuyện thế này: dạo đó, mẹ tôi rất hay mang về nhà một thứ bánh, gọi là bánh sữa. Không hiểu là tiêu chuẩn hay gì đó mà mẹ tôi có được, đến giờ tôi vẫn không biết. Bánh sữa là một loại bánh mà không có trong danh mục bánh kẹo ngày nay, nó là hỗn hợp gồm bột, đường và sữa, đôi khi có lẫn cả lông bò. Nhưng hồi đó, với tất cả trẻ con, có bánh đó mà ăn là cả một niềm mơ ước. Thế nhưng từ ngày ông T. ăn ở nhà tôi, thì anh em tôi phải chịu nhịn. Vì bữa tối, sau khi cơm nước trà lá xong xuôi, ông T. về phòng để viết, bao giờ ông cũng mang hết theo số bánh sữa. Và bao giờ cũng vậy, sau khi đút vào túi áo mấy chiếc bánh, ông cũng nghiêm trang nói: “Để làm việc đêm”.

Ăn dầm dề nhà tôi sáu tháng, có lẽ thấy áy náy nên ông mang vào một lọ mắm, bảo là “góp gạo thổi cơm chung”. Không hiểu là mắm gì, thấy ông bảo đó là đặc sản quê ông, quí lắm. Một lần, nhà ăn cơm có món thịt lợn luộc, ông bảo mang lọ mắm ra ăn kèm. Khi lọ mắm được mang ra, ông rất trịnh trọng mở nắp, thì bên trong nhung nhúc toàn dòi. Mấy anh em tôi bịt mũi. Rất bình thản, ông bảo: “Đây là vi khuẩn tự nhiên, trong không khí sinh ra”. Rồi ông múc lũ dòi ra bọc ni-lon, sai tôi mang vứt. Lúc quay lại, tôi thấy cả cả nhà mặt tái mét, còn ông T. vẫn đang ăn uống rất ngon lành.

Ở đầu hồi nhà tôi, có vài quán nước của mấy cô hành chính rảnh việc ra kiếm thêm. Nơi đây thường rất đông vui. Không vui sao được khi mà quần tụ toàn là văn nghệ sĩ? Khách thường xuyên túc trực ở mấy quán nước này cũng là một người rất nổi tiếng. Bác ta có mặt ở quán nước bất cứ lúc nào. Là một hoạ sĩ sân khấu, về nghề nghiệp, bác không nổi lắm, nhưng bác nổi tiếng về uống rượu. Bác cứ ngồi quán nước và uống rượu, chỉ uống không, không cần dùng đồ nhắm bao giờ. Có hôm, vừa uống bác vừa đái. Đái mà không cần vạch quần, tự nhiên chỉ thấy cái quần bác ướt sũng. Thế mới tài. Không những nổi tiếng về rượu, bác còn nổi tiếng nhờ một chuyện thế này. Bác vốn không thích tắm và thay quần áo, một lần có người bảo bác rằng cái mông quần bác thủng, thế là bác cởi quần ra xem, quả thật là nó thủng, thủng cả hai bên, mỗi bên một miếng chừng bàn tay trẻ con. Quần bác màu đen, nên bác đã giải quyết vấn đề đó bằng cách dùng thuốc vẽ tô đen cặp mông, thế là ổn, đố ai phát hiện bác mặc quần thủng đít. Hình như cái thuật nghữ “chất nghệ” ra đời từ đó, nó là một điển tích về bác.

Cũng ở mấy cái quán nước này, có hôm tôi được chứng kiến cô ca sĩ H. (cô này bây giờ là nghệ sĩ nhân dân, cực nổi tiếng) cãi nhau với anh ca sĩ Q. (anh này bây giờ là nghệ sĩ ưu tú, nổi tiếng không kém cô H.). Cả hai đều là diễn viên của đoàn ca múa. Hình như hồi đó họ dan díu với nhau thì phải, gọi là “dan díu” vì cô H. đã có chồng. Phải công nhận, anh Q. hát rất hay, hồi đó tôi mê giọng hát của anh ấy lắm, và cũng như đám trẻ bây giờ, tôi rất hay theo dõi anh, từ đời thường cho tới báo chí. Có lần, trên báo, để trả lời câu hỏi, rằng anh cảm hứng nhất khi hát trước đối tượng khán giả nào. Anh bảo: “Nói chung, tôi đều có cảm hứng, dù khán giả là ai. Nhưng đặc biệt gây cho tôi nhiều cảm hứng, là các chiến sĩ ngoài biên giới, hải đảo”. Phóng viên lại hỏi, rằng giả sử có đợt biểu diễn nước ngoài trùng thời gian với một đợt biểu diễn nơi biên giới hải đảo, nếu được lựa chọn, anh sẽ chọn đâu. Anh bảo: “Chẳng cần suy nghĩ, tôi sẽ lên biên giới”.
Không hiểu câu chuyện cãi nhau từ đầu thế nào, chỉ biết từ lúc tôi chứng kiến, tôi thấy cô H. bảo: “Địt mẹ thằng Sở Khanh, mày chừa mặt bà ra. Nghe chưa.” Anh Q. mỉm cười rất tao nhã: “Ừ, tao Sở Khanh đấy, thế mà vẫn bị mày lừa. Cái nhẫn mày đang đeo trên tay là của thằng Sở Khanh đấy”. Cô H. bảo: “Bà ỉa vãi vào. Này, trả mày”. Nói rồi cô H. tháo chiếc nhẫn đang đeo trên tay ném xuống đất. Chiếc nhẫn lăn vòng trên vỉa hè. Anh Q. hớt hải đuổi theo vồ, nhưng hụt. Chiếc nhẫn lăn xuống cống. Anh Q. thò tay xuống cống mò. Cống đầy bùn đen sì, thỉnh thoảng lẫn cả cứt trẻ con. Anh Q. lúc đầu mò bằng một tay, còn tay kia bịt mũi. Lát sau, anh sục cả hai tay xuống, cuối cùng anh cũng vớt được chiếc nhẫn. Anh giơ lên ngắm nghía, rồi anh cười hỉ hả: “May quá, tí toi mẹ nó hai cái áo lông”. Đấy là anh muốn nói tới hai cái áo lông của Đức, đoàn ca múa chả vừa đi lưu diễn ở Đức về mà. Cùng thời gian đó, đoàn ca múa cũng có cử một tốp diễn viên “xung kích” lên phục vụ biên giới phía Bắc. Nhưng anh Q. lại đi Đức!

Dù là khu văn công, nhưng thời bao cấp, cho nên mọi căn hộ đều không có toa-lét riêng, mọi người cùng dùng chung một dãy toa-lét công cộng, gọi là nhà xí. Nhưng là nhà xí công cộng của giới nghệ sĩ, nên nó cũng mang đầy tính nghệ thuật. Trong đó, trên tường có rất nhiều bài thơ, do các văn nghệ sĩ ứng tác lúc đang hành sự. Toàn thơ cổ điển, đủ thể loại, từ tứ tuyệt cho tới thất ngôn… nhưng chiếm đa số vẫn là lục bát. Nội dung chủ yếu là phê bình sân khấu, nhưng cũng có thơ đả kích mang nặng tính cá nhân. Bên cạnh thơ thì loại hình nghệ thuật thứ hai được sử dụng nhiều là hội hoạ. Cũng đủ các trường phái và cũng rất phong phú về chất liệu. Từ bút chì, bút bi cho tới phấn mầu rồi cả than củi… Nhiều khi các hoạ sĩ nổi hứng bất chợt mà trong tay không sẵn chất liệu, phương tiện, họ dùng cả cứt mình mới ỉa ra. Trong vô vàn các bức hoạ, có một bức gây cho tôi rất nhiều ấn tượng. Bức hoạ đó dùng chất liệu chì đen, mô tả một cánh đồng lúa. Nó có nét nhang nhác bức “Mùa thu vàng” của Le-vi-tan. Nổi bật trên cái nền cảnh đồng quê ấy là một đôi trai gái đang làm tình, ở đôi trai gái này hoạ sĩ sử dụng chất liệu phấn viết học sinh, màu đỏ rực. Nhưng có điều đặc biệt là trên thân người con trai, hoạ sĩ đã ghi tên rất cụ thể: L.A. Còn trên người cô gái là M.PH. Bên dưới bức tranh, hoạ sĩ ghi rất tỉ mỉ nội dung, ý đồ mình muốn thể hiện.

L.A là một nhà biên đạo múa, ông này đã đứng tuổi, có vợ và bốn con. M.PH. là nữ diễn viên tuồng, rất trẻ, mới ra trường. Cô này đặc biệt xinh đẹp. Từ sau hôm bức hoạ kia được công bố trên tường nhà xí, ở ngoài quán nước luôn râm ran bàn tán. Chuyện giữa ông L.A và cô M.PH là đề tài mang tính thời sự trong suốt một tuần. Trong thời gian đó, vợ chồng ông L.A cãi nhau và đập phá đồ đạc liên tục. Đến khi câu chuyện trở nên cũ và không hấp dẫn được mọi người nữa, tưởng rằng mọi việc đã qua đi thì xẩy ra chuyện tầy đình. Cô M.PH uống bả chuột tự tử, chết không cứu được. Thế mới biết, sức mạnh của văn hoá nghệ thuật ghê gớm thật.

Khi tôi ra trường và vào Sài Gòn công tác, đất nước bắt đầu mở cửa, đời sống vật chất của mọi người nói chung, cũng như giới văn nghệ sĩ nói riêng, trở nên dễ chịu rất nhiều. Đặc biệt trong Sài Gòn, ở đây bọn tôi chạy show như điên. Tôi thường hay nhẩy nhót minh hoạ cho ca sĩ, nhưng chủ yếu là múa trong các nhà hàng. Nói chung là không hết việc, bận túi bụi và cũng đếm tiền túi bụi. Được cái là bận thế thì chỉ tốn thời giờ thôi, chứ không mệt nhọc gì lắm. Bởi diễn nhà hàng thì ai múa cứ múa, ai hát cứ hát, ai ăn cứ ăn.
Gần đây, có mấy đứa học cùng lớp tôi được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Thực ra, chúng chẳng có giỏi giang gì hơn tôi, chỉ vì chúng nó công tác tại mấy đoàn trung ương, hoặc có thể vì lý do nào đó, mà chúng nó được phong. Nói về mọi tiêu chuẩn, tôi đều có thừa, đã thế tuổi nghề môn nghệ thuật của tôi lại ngắn, không tranh thủ thì đến về hưu có khi vẫn chưa được. Vậy mà năm lần bẩy lượt gửi đơn từ, hồ sơ… đều không được duyệt. Thế có tức không.

Tôi có nghe bạn bè nói, bây giờ ông Đ. Cục phó cục P. (thuộc bộ văn hoá) là người giải quyết rất giỏi vụ này. Giá cả lại cụ thể: 15 triệu là hoàn tất nghệ sĩ ưu tú. Ông Đ. là người tôi quá quen thuộc (là ông hàng xóm liền vách về bên trái nhà tôi, ngày xưa ông cũng là diễn viên chèo, đẳng cấp diễn viên của ông cũng bằng bố tôi, vậy mà không hiểu sao, ông ta làm to thế!), nên đợt này, nhân chuyến đoàn tôi ra Hà Nội biểu diễn, tôi sẽ quyết tâm giải quyết vụ này cho xong. Tôi chuẩn bị tiền bạc đầy đủ, chỉ chờ ngày lên đường. 

Mới có mấy năm mà khu văn công bây giờ lạ quá. Ao hồ lấp sạch cả, những hàng phi lao mơ mộng người ta cũng chặt hết ráo. Mọc lên rất nhiều nhà cao tầng, lô nha lô nhô. Kiến trúc đủ kiểu, đông tây kim cổ kết hợp, bát nháo dị hợm. Trông gớm chết. Hoá ra thẩm mỹ của giới nghệ sĩ chúng ta cũng hoà nhã ra phết. Chỉ có nhà tôi vẫn thế, vẫn là căn nhà cấp bốn. Bố tôi đã mất mấy năm nay, mẹ tôi về hưu cũng đã lâu. Anh tôi chẳng thèm lấy vợ, vì vậy, chả thiết nhà cửa cũng phải. Anh là một nhà biên kịch điện ảnh nổi tiếng (lại nổi tiếng). Anh viết khoẻ, viết hay. Gần đây, anh mới hoàn thành một kịch bản phim truyền hình dài 72 tập về đề tài chống tệ nạn xã hội, bộ phim đã được đưa vào sản xuất. Chính vì thế nên anh kiếm rất nhiều tiền, nhưng kiếm bao nhiêu, anh tiêu hết bấy nhiêu. Anh tôi nghiện thuốc phiện. Nghiện nặng.

Tôi sang nhà lão Đ., lão đã bỏ bà vợ nhà quê và mới cưới một cô vợ bằng tuổi con của lão. Nhà lão to và rất nhiều đồ đạc tân cổ giao duyên, toàn thứ đắt tiền. Tôi trình bầy với lão về ý định của mình. Lão đồng ý ngay, nhưng giá không phải là 15 triệu như tôi tưởng. Lão đòi những 20 triệu, không bớt. Lão bảo 15 triệu là giá từ năm kia.

Tôi về nhà mồm cứ lầu bầu chửi đời, chửi giời, chửi lão Đ.. Mẹ tôi nghe thấy, biết chuyện, bà bảo: “Mày đi buôn lậu hay sao mà cũng thừa tiền gớm? Cuồng tiền rồi rửng mỡ hả?”

Đang bực mình nên tôi vặc: “Bà già thì biết cái gì, buôn lậu là thế nào, tôi lao động nghệ thuật hẳn hoi. Việc tôi mua danh chẳng có gì là xấu cả, bây giờ ai chả thế. Già rồi lẩm cẩm”.

Mẹ tôi bảo: “Tôi già nên có lẩm cẩm, nhưng đạo đức giả thì không. Nghe được câu nào thì nghe, không nghe thì bỏ ngoài tai. Dào ôi, nghệ thuật cái tử tiệt, trò khỉ thì có. Không hiểu tại sao thiên hạ họ lại bỏ tiền để mua cái thứ nghệ thuật của chúng mày. Kể ra chúng mày cũng giỏi! Giỏi lừa! Càng học nhiều càng lừa giỏi. Hão huyền.”.

Anh tôi bảo: “Nó có tiền, nó muốn mua gì nó mua. Đấy là biểu hiện của xã hội văn minh. Bà già can thiệp làm gì? Mua danh, mua chức thì có khác gì mua cá, mua thịt? Không có giá trị vĩnh cửu. Cái này hôm nay được tung hô, ngày mai đã bị vứt vào sọt rác. Giá trị đạo đức cũng cũng không nằm ngoài qui luật đó. Con người phải được tự do, tự do là biểu hiện cao nhất của một con người ưu tú. Mà con người thể hiện xã hội. Suy ra, xã hội con người ưu tú đang sống là xã hội ưu tú”.

Mẹ tôi cười nhạt: “Tự do lừa, tự do hiếp dâm, tự do ăn cướp. Mẹ cha cái đồ ngộ chữ. Học lắm rồi hoá dại, rồi sinh ra khốn nạn”.

Tôi ngán ngẩm quay sang bảo anh: “Em thiếu năm triệu, bác có cho em vay, đằng nào cũng thế, tốn một lần cho xong …”.

Anh tôi im lặng. Tôi buột miệng: “À, mà quên mất, ai lại vay tiền ông nghiện bao giờ”.

Bị chạm nọc, anh tôi nhẩy cẫng lên: “Tao nghiện đấy, nhưng tao đã phải ngửa tay xin mày chưa? Tao nghiện bằng chính sức lao động của tao. Tao không ăn xin ăn cắp, lừa đảo ai cả. Tao làm nhiều tiền, không tiêu đi để ít nữa chết đem chôn theo à? Hay là mày bảo tao đi làm từ thiện? Tao là con người tự do, tao có quyền chọn lựa. Nghiện chỉ xấu xa khi kẻ đó không chịu tự lao động kiếm tiền”.

Mẹ tôi bảo: “Thôi, thôi, tôi xin ông, tôi lạy ông văn sĩ, chẳng hay hớm lắm đấy. Cứ nghĩ rằng có tiền muốn làm gì cũng được thì loạn à?”.

Tôi bảo mẹ: “Hay là mẹ xuống vay chị G. cho con năm triệu. Bảo chị ấy là vào Sài Gòn con gửi trả ngay”.

Mẹ tôi thở dài rồi bảo: “Con ơi, nghe mẹ đi, đừng làm cái việc ấy, dơ dáng lắm con ạ. Có thừa tiền chăng thì cũng đừng nên quăng vào cái việc hão huyền ấy. Nếu không biết xấu hổ với lương tâm thì làm sao mà dám vỗ ngực là nghệ sĩ. Thật thà là cha giả dối, sống trên đời cần nhất thật thà. Như tao đây này, ngày xưa bán tiết canh, cháo lòng, chỉ biết lấy công làm lãi. Tao chưa bao giờ đánh tiết canh bằng nước lã, bao giờ cũng nước xuýt đàng hoàng. Cứ vô sự với đời là lòng thanh thản, mà đời cũng chẳng sự sinh với mình. Bon chen cho cố, toàn phù du vô nghĩa. Văn sĩ, thi sĩ hay tiến sĩ, bác sĩ… Muốn là sĩ gì thì cũng cứ phải biết làm người trước đã”.

Tôi không ngờ rằng đó là lần cuối cùng tôi được nói chuyện với mẹ. Sau khi vào Sài Gòn đúng một tháng thì mẹ tôi mất. Cũng may, tôi đã nghe lời bà, bỏ ý định mua cái danh nghệ sĩ ưu tú. Lúc chết, mẹ tôi có khuôn mặt nửa cười, nửa mếu. Có lẽ bà mếu vì anh tôi. Còn nụ cười? Không hiểu bà cười cái gì?

Nguồn bài viết: Ở đây
Được đăng bởi 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *