CHUYỆN NHÀ “CÔNG” THÀNH NHÀ “ÔNG”

Người xem: 204

Khoai@


Trên báo Tiền Phong có bài “Công khai danh tính quan chức không chịu trả nhà” nói về chuyện quan chức được cấp nhà công trong thời gian công tác, sau khi về hưu họ đã không trả lại nhà mà tìm cách hợp thức hóa thành nhà riêng.

Đây là câu chuyện không mới, nhưng nhức nhối, khó chịu như ngứa ghẻ. Nói mãi cũng thế, họ chây ì, lì lợm và…vẫn không chịu trả. 


TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với quan chức cố tình chây ỳ, không chịu trả lại nhà sau khi nghỉ, cần có biện pháp mạnh như: Công khai danh tính trên báo chí hoặc thậm chí có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế. 

Có lẽ, là quan chức dù đã về hưu mà để phải công khai danh tính như một biện pháp đấu tố thì không hay chút nào.

Chuyện nhà công được cấp cho lãnh đạo khi đương nhiệm là bình thường. Thực tế là quan chức, kể cả đương nhiệm hay đã về hưu, được phân sử dụng nhà công vụ nhưng lại không sử dụng mà chuyển cho con cái, họ hàng, thậm chí đem cho thuê… là có vi phạm về việc sử dụng không đúng mục đích của nhà công vụ. Đáng tiếc nó vẫn diễn ra, ngay cả với quan chức cấp cao. 

Nhức nhối nhất hiện nay là tình trạng các quan chức về hưu, nhưng nhất định không chịu bàn giao lại nhà cho Nhà nước, mà tiếp tục sử dụng để ở hoặc cho thuê kiếm lời. Đáng nói, họ là những con người một thời làm “đầy tớ” cho dân, luôn miệng lên lớp dạy đời về đạo đức làm người và văn hóa ứng xử, nhưng chí họ khi về hưu lại chây ì tới mức khó chấp nhận.

Việc không chịu trả lại nhà của cán bộ về hưu dẫn đến việc nhà nước gặp khó khăn trong việc thực hiện chính sách với những cán bộ mới, làm xuất hiện tình trạng thiếu công bằng, gây mâu thuẫn nội bộ. Nguy hiểm hơn, đó chính là tình trạng nhà nước bị thất thoát tài sản công một cách vô lý. Dưới góc nhìn văn hóa, những lãnh đạo không chịu trả nhà là những tấm gương tối, làm tha hóa đạo đức cũng như lối sống cho những thế hệ tiếp theo. 

Xin được nói thẳng, tình trạng này nếu không được giải quyết thấu đáo sẽ dẫn đến tình trạng mất niềm tin của quần chúng đối với đảng và Nhà nước.

Nên có quy chế nêu rõ chỉ được sử dụng nhà công vụ cho những người được phân công theo chức vụ. Nhà công vụ thường là những khu nhà riêng biệt, được xây dựng chất lượng tốt hơn. Việc thiếu quy định chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng người đương chức thừa nhà, đem nhà cho con cái, cho người khác sử dụng trong khi những người khác lại không được sử dụng.

TS Lê Đăng Doanh



Thực tế, ở ta không thiếu những tấm gương tốt. Đã có nhiều lãnh đạo cấp cao đã trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lại căn nhà ở 72 Phan Đình Phùng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trả lại nhà. Căn nhà này hiện đã được phân cho người khác ở. Các lãnh đạo cấp cao đã chấp hành như vậy, tại sao một số quan chức khác lại suy nghĩ và không chấp hành quy định?

Để xảy ra tình trạng này, tôi cho rằng có nhiều nguyên nhân.

Dưới góc nhìn pháp luật: Chính các cơ quan quản lý nhà công và cơ quan có lãnh đạo về nghỉ hưu không chấp hành tốt các quy định của nhà nước về quản lý tài sản công. 

Là người dân, chúng tôi không đòi hỏi các cơ quan này phải “tăng cường”, “quyết liệt”, mà chỉ cần “chấp hành đúng” các quy định của nhà nước về quản lý nhà công vụ là được.

Nói thêm, lãnh đạo các cơ quan trên nhất định phải là người chịu trách nhiệm cao nhất và trực tiếp về việc để cho lãnh đạo về hưu không chịu trả nhà. 

Dưới góc nhìn tâm lý, đạo đức và văn hóa: Những người trực tiếp làm công tác bàn giao, quản lý, và thu hồi những căn nhà nói trên cần phải gạt bỏ tâm lý “cảm thấy tế nhị và ngại đụng chạm do hầu hết các cán bộ được phân nhà công vụ đều có hàm từ Thứ trưởng trở lên ở các bộ ngành”. Suy nghĩ như thế là thiếu văn hóa trong một xã hội văn minh, thượng tôn luật pháp. Các quan chức được phân công quản lý tài sản nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Các ông, dù là ai cũng nên hiểu làm việc đúng theo quy định của pháp luật hiện hành mới là có văn hóa, có đạo đức và văn minh.

Công khai danh tính làm nhục mặt kẻ tư túi và tham lam đôi khi cũng cần thiết, nhưng nhất quyết không phải phương thức tốt và tối ưu. Nhanh, hiệu quả và văn hóa nhất chính là sử dụng các quy định của nhà nước.

Cứ truy trách nhiệm anh lãnh đạo cơ quan quản lý nhà công và anh lãnh đạo cơ quan có anh về hưu không chịu trả nhà là xong. Anh không làm được việc quản lý thì anh phải chịu kỉ luật, thậm chí cách chức.

Đặng Ngọc Thu Tuân


Cuối cùng, một ông lãnh đạo nên thể hiện mình là người có văn hóa bằng cách sòng phẳng chấp hành pháp luật như một người dân bình thường và phải nhớ trả lại (bàn giao) nhà cho nhà nước.

Buôn Mê Thuột 24/3/2014

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *