BỔ NHIỆM PHÚT 89

Người xem: 136

Không ai lại bổ nhiệm hàng loạt ở phút 89

TT – Ông Vũ Phạm Quyết Thắng (nguyên phó tổng Thanh tra Chính phủ – TTCP) nhận xét như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc ông Trần Văn Truyền (nguyên tổng TTCP) bổ nhiệm 60 cán bộ trong vòng sáu tháng trước khi về hưu.

Ông Vũ Phạm Quyết Thắng – Ảnh: Việt Dũng

– “Biết sử dụng nhân tài là tư cách của bậc quân vương”. Trong một lần tranh luận trên mạng với những thanh niên thế hệ 9X, tôi được nghe câu ấy bật ra từ một bạn trẻ người Việt (hiện đang ở TP Portland, Hoa Kỳ) có tâm huyết trước những dư luận xôn xao về việc bổ nhiệm cán bộ chẳng giống ai đang được các cơ quan thông tin đại chúng bàn thảo. Chữ quân vương thời nay hiểu rộng ra hàm ý chỉ có người tài mới sử dụng được người tài. Phải chăng các bạn trẻ đang nhìn vào tư cách của người lãnh đạo qua những quyết định về nhân sự.

* Nghe nói ông từng đóng góp ý kiến với lãnh đạo TTCP nhiệm kỳ này về công tác cán bộ?

– Trong lần thực hiện kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, với tư cách là ủy viên Ban cán sự Đảng TTCP thời kỳ trước, tôi có đóng góp thẳng thắn bằng văn bản gửi tới TTCP về vấn đề này, chắc cơ quan TTCP còn lưu. Rõ ràng ở ta công tác cán bộ có ảnh hưởng quyết định đến việc sử dụng nhân tài. Chừng nào không làm tốt công tác cán bộ, chừng đó sẽ có những sai lầm.

Ai là người sử dụng cán bộ? Đó là những người đứng đầu cơ quan công quyền từ trung ương đến địa phương. Chúng ta hay nói người đứng đầu là tư lệnh lĩnh vực, là thuyền trưởng, nếu chọn thuyền trưởng đủ đức đủ tài thì đến lượt người thuyền trưởng sẽ biết chọn thủy thủ giỏi. Nếu chọn thuyền trưởng sai thì đó có thể không phải là thuyền chiến, không phải là thuyền buôn mà là con thuyền tiêu cực.

Về sự việc mà báo chí nêu, có nhiều ý kiến đủ rõ rồi nên tôi không muốn nói thêm. Rõ ràng là không nên bổ nhiệm cán bộ vào phút 89, thậm chí vào phút 90 khi sắp rời nhiệm sở. Cách làm như vậy không thể nói là trách nhiệm với thế hệ sau. Còn làm vì cái gì thì tự mỗi người trong chúng ta có thể phần nào hiểu được.

* Thời kỳ ông còn công tác ở TTCP đã bao giờ chứng kiến việc bổ nhiệm nhiều cán bộ trong thời gian ngắn như vậy chưa?

– Thời kỳ tôi chưa bao giờ có những chuyện như thế.

* Với đặc thù ngành thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng phải chọn được những cán bộ đặt sự liêm chính lên đầu. Ông có đồng tình không?

– Chọn được cán bộ đủ đức đủ tài là yêu cầu không riêng gì với ngành thanh tra. Chúng ta chỉ có thể kiểm chứng được người hiền tài qua thực tiễn, qua sự đánh giá khách quan của xã hội. Cho nên phải có dân chủ thật sự từ cơ sở. Chẳng hạn như trong công tác cán bộ có quy trình lấy phiếu tín nhiệm, nhưng với ông lãnh đạo nào đó thì phiếu tín nhiệm chỉ có ý nghĩa nếu người được lấy phiếu đã “chấm” từ trước, còn nếu không thì phiếu tín nhiệm cũng chỉ là một kênh tham khảo. Nghĩa là tín nhiệm từ cơ sở, từ đơn vị được đặt lên bàn hay vứt vào sọt rác là do ý chí chủ quan của ông lãnh đạo. Cá nhân tôi quan tâm đến cái tâm của người cán bộ, rồi mới đến cái tài. Trước đây, thời anh Tạ Hữu Thanh làm tổng thanh tra, anh thường nói với tôi rằng phải chọn người tử tế. Người tốt chưa đủ, vì người tốt có thể tốt với gia đình, với người thân nhưng chưa chắc tốt cho xã hội. Vấn đề là anh phải tử tế, sống đàng hoàng theo quy định pháp luật, liêm chính và minh bạch. Bản thân tôi cũng nói với đồng chí vụ trưởng Vụ Tổ chức lúc bấy giờ là chúng ta phải chọn người tử tế, nếu không thì về sau sẽ rất mệt mỏi, rất phức tạp.

* Ông quan niệm thế nào về sự giàu – nghèo của người cán bộ?

– Năm 2007, trong chương trình “Người đương thời”, nhà báo hỏi tôi có giàu không? Tôi trả lời thật là rất giàu. Nhưng giới hạn giàu của mình với người khác sẽ khác nhau. Anh chấp nhận như thế nào là giàu? Với người nào chỉ cần có hai bữa cơm ăn no, đủ chất, sáng có ly cà phê, ấm trà, như vậy đã tự thấy đủ. Ngược lại có những tỉ phú biệt thự này, biệt thự kia nhưng họ vẫn cảm thấy chưa đủ. Trong khi rất nhiều người chỉ mong có căn hộ 30m2 để hai vợ chồng và hai đứa con ở là thấy hạnh phúc rồi.

* Ông có nghĩ rằng nên nhân rộng cách thức thi tuyển cán bộ có số dư để hạn chế tiêu cực trong công tác cán bộ?

– Tôi ủng hộ, nhưng thi tuyển suy cho cùng cũng do con người. Vấn đề chính là ai sẽ chấm bài, ai ra đề thi, tư cách của ban giám khảo như thế nào? Cho nên, theo tôi, chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, trước hết là phải có một “bộ lọc” – mà ở xã hội ta “bộ lọc” đó là cấp nào thì mọi người đều rõ, chính ở đấy sẽ chọn ra được những vị tư lệnh, những thuyền trưởng xứng đáng để chèo lái con tàu đi tới đích.

VÕ VĂN THÀNH thực hiện

Dư thừa lãnh đạo

Theo điều 15 nghị định 178/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ thì số lượng cấp phó của các tổ chức thuộc bộ không quá ba người. Tuy nhiên, sau khi ông Trần Văn Truyền, nguyên tổng TTCP, bổ nhiệm hàng loạt hàm vụ trưởng, vụ phó và tương đương, hầu hết các cục, vụ của TTCP đều có số lượng phó vụ trưởng, phó cục trưởng vượt quá quy định này. Thậm chí ngay cả sau khi thành lập ba vụ mới, có đơn vị vẫn còn đến sáu cấp phó.

Cụ thể, chỉ riêng Văn phòng TTCP có sáu cấp phó, Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ 1) có năm phó vụ trưởng và một cán bộ hàm phó vụ trưởng, Vụ Thanh tra khối văn hóa xã hội (Vụ 3) có năm phó vụ trưởng, Vụ Thanh tra khối nội chính và kinh tế tổng hợp (Vụ 2) có đến bốn phó vụ trưởng. Ở các cục, con số này còn nhiều hơn, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực I (Cục I) có bảy phó cục trưởng, Cục Giải quyết khiếu nại tố cáo và thanh tra khu vực II và III (Cục II, III), Cục Chống tham nhũng mỗi cục có đến sáu phó cục trưởng…

Lý giải của vị lãnh đạo làm công tác tổ chức dưới thời ông Trần Văn Truyền cho biết việc bổ nhiệm cán bộ của ông Truyền trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 8-2011 nhằm chuẩn bị lực lượng phục vụ việc thành lập mới ba đơn vị gồm: Vụ Kế hoạch tài chính và tổng hợp, Vụ Giám sát – thẩm định và xử lý sau thanh tra, Vụ Tiếp dân. Thế nhưng ngay cả khi chia tách, thành lập ba vụ mới thì số lượng lãnh đạo các cục, vụ của TTCP vẫn vượt quá quy định của nghị định 178. Điển hình là Vụ 1, Vụ 3 có đến ba vụ trưởng, các cục đều có ít nhất bốn phó cục trưởng, thậm chí Cục III còn có đến sáu phó cục trưởng và một cán bộ hàm cục trưởng.

Theo quy định tại quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo thuộc TTCP do chính ông Trần Văn Truyền ký quyết định ban hành năm 2009, cán bộ công chức được bổ nhiệm phải nằm trong quy hoạch, nhưng trên thực tế có những trường hợp được vận dụng đặc biệt để bổ nhiệm trong giai đoạn sáu tháng trước khi ông Truyền nghỉ hưu. Có một số lãnh đạo bổ nhiệm trong giai đoạn này sau đó bị kỷ luật hoặc bị truy tố trước pháp luật. Điển hình là một phó cục trưởng Cục I có hành vi chống người thi hành công vụ, lái xe hất cảnh sát giao thông lên nắp capô, vị phó cục trưởng này bị cách chức và bị đưa ra truy tố trước pháp luật. Hay trường hợp giám đốc Trung tâm thông tin của TTCP cũng bị điều chuyển về đơn vị khác, đang chờ xem xét kỷ luật về những tiêu cực tại đơn vị mình phụ trách. Có một phó vụ trưởng tại Vụ 3 cũng đang trong giai đoạn chờ xem xét kỷ luật do có vi phạm trong một cuộc thanh tra và tố cáo sai sự thật với một phó vụ trưởng khác.

MINH QUANG
Cần sớm làm rõ

Chiều 4-3, trả lời Tuổi Trẻ về thông tin từ tháng 3-2011 đến tháng 8-2011 người đứng đầu Thanh tra Chính phủ đã bổ nhiệm 60 cán bộ cấp vụ và tương đương, ông Vũ Quốc Hùng (nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương) nói:

“Tôi cũng chỉ vừa biết thông tin này qua báo chí. Theo tôi, trong bối cảnh hiện nay, dư luận đang đòi hỏi đánh giá lại chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Đảng và Nhà nước cũng đang tiến hành nhiều công việc để đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, vấn đề báo Tuổi Trẻ nêu ra liên quan đến công tác cán bộ ở Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ trước đây cần sớm được làm rõ. Qua đó có câu trả lời rõ ràng trước công luận. Nếu trong quy trình, thủ tục bổ nhiệm có gì không đúng thì xử lý theo quy định pháp luật, còn nếu đúng rồi thì cũng để tránh những dư luận bất lợi đến uy tín của tổ chức và cá nhân có liên quan.

Trước hết, Thanh tra Chính phủ cần xem xét kỹ phản ánh của báo chí, có phát ngôn theo đúng quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Bộ Nội vụ cũng không thể đứng ngoài cuộc sự việc này. Chúng ta đã nói nhiều đến tính công khai, minh bạch là điều không thể thiếu trong đời sống xã hội, cùng với đó là trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý nhà nước. Với tinh thần như vậy, tôi nghĩ rằng các cơ quan Ban Tổ chức trung ương, Ủy ban Kiểm tra trung ương cũng cần xem xét, có ý kiến về vấn đề này”.

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Quốc Bảo – phó bí thư Tỉnh ủy Bến Tre – cho biết về nguyên tắc, tất cả đảng viên về hưu, dù là ai cũng thuộc quản lý, giám sát của chi bộ tại địa phương. Gần đây dư luận có đặt vấn đề về khối tài sản của ông Trần Văn Truyền, đồng thời cũng đặt vấn đề về trách nhiệm của chi bộ đối với việc quản lý, giám sát đảng viên, tất nhiên chi bộ có quyền yêu cầu ông Truyền báo cáo nhưng để xác minh nguồn gốc tài sản đó như thế nào thì khả năng của chi bộ là không thể. “Theo tôi biết, đồng chí Truyền có giải trình bằng văn bản cho đơn vị công tác cũ là Thanh tra Chính phủ và Bộ Thông tin – truyền thông” – ông Bảo nói thêm.

Đề cập đến tài sản của ông Truyền tại Bến Tre, ông Bảo nói Đảng bộ địa phương chỉ nắm được tài sản liên quan đến nhà và đất. Cụ thể, ở Bến Tre ông Truyền có hai ngôi nhà. Căn nhà thứ nhất tại phường 1 (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) ông Truyền mua theo nghị định 61 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc mua bán và kinh doanh nhà ở, trong đó có việc bán nhà thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê. Căn thứ hai ở xã Sơn Đông, thành phố Bến Tre thì phần đất là của con trai ông Truyền mua. Riêng ngôi nhà ở phường 6 gần chùa Bạch Vân ông Truyền trả lại Tỉnh ủy trước khi được mua ngôi nhà ở phường 1. “Có người thích đơn giản, người thì thích cầu kỳ, nhưng đảng viên cất nhà lớn thì dư luận dễ đặt vấn đề” – ông Bảo nhận xét khi có ý kiến cho rằng cơ ngơi của ông Truyền ở xã Sơn Đông quá đồ sộ.

Theo ông Nguyễn Khắc Hải – bí thư Đảng ủy phường 1 (TP Bến Tre), ông Trần Văn Truyền là đảng viên sinh hoạt tại Đảng bộ phường 1 từ tháng 2-2012. Ông Hải thừa nhận gần đây có nhiều dư luận về khối tài sản của ông Truyền nhưng Đảng bộ chỉ nắm được những thông tin qua báo chí phản ánh. Chi bộ chưa có trao đổi, đặt vấn đề để ông Truyền có báo cáo. “Đồng chí Truyền là cán bộ hưu trí do trung ương quản lý nên có bất cứ dư luận hoặc vấn đề gì Đảng bộ phải chờ ý kiến hoặc chỉ đạo từ cấp trên” – ông Hải nói.

V.V.Thành – NGỌC TÀI ghi

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *