TƯỚNG NGỌ QUA ĐỜI, “ÔNG ANH” KHÁC CÓ BỊ ĐIỀU TRA?

Người xem: 196

(Kienthuc.net.vn) – “Chỉ đình chỉ điều tra đối với ông Ngọ. Dương Chí Dũng còn khai hối lộ 20.000 USD cho một quan chức ngành công an, nên cơ quan điều tra phải tiếp tục”, luật sư Thạch nói.

Thượng tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an đã từ trần hồi 16h ngày 18/2 tại Bệnh viện Quân đội 108 vì bệnh ung thư gan.

Tướng Ngọ được nhiều người biết đến khi xử lý biến động ở Thái Bình năm 1997, giám sát vụ Tiên Lãng, Hải Phòng. Và gần đây nhất, ông Ngọ đóng vai trò là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines. Việc tướng Ngọ qua đời đã khiến nhiều người không khỏi sốc, bởi nhiều lý do, trong đó có vụ đại án tham nhũng tại Vinalines vẫn chưa khép lại, lời khai của Dương Chí Dũng liên quan đến ông Ngọ vẫn chưa được điều tra làm rõ và đưa ra kết luận cuối cùng.

Nhiều người băn khoăn, liệu ông Ngọ qua đời thì vụ án này sẽ được giải quyết như thế nào? Việc điều tra những nội dung liên quan đến lời khai của Dương Chí Dũng sẽ tiếp tục ra sao?

Ảnh: Ông Phạm Quý Ngọ.

Theo Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, ngay khi ông Ngọ qua đời, tất cả những gì liên quan đến tố tụng, đến thân phận pháp lí của ông này xem như chấm dứt.

“Trong vụ án này, ông Dương Chí Dũng đã tố giác hành vi của ông Phạm Quý Ngọ. Đây là căn cứ để khởi tố vụ án “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”. Đến nay, cơ quan điều tra mới chỉ Khởi tố vụ án, chưa khởi tố bị can.

Tuy nhiên, nghi phạm chính trong vụ án – cũng là người bị tố giác là ông Phạm Quý Ngọ đã qua đời. Do vậy, nếu đã có quyết định khới tố vụ án nhưng chưa tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo quy định tại khoản 7 điều 107 và khoản 1 điều 108 Bộ luật tố tụng hình sự, người đã ra quyết định khởi tố vụ án, phải ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố; đồng thời, thông báo cho người đã tố giác (tức ông Dương Chí Dũng) biết và gửi quyết định này cùng toàn bộ hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát trong vòng 24 giờ.

Trường hợp đã tiến hành hoạt động điều tra thì căn cứ theo Điều 164 Bộ luật tố tụng hình sự, cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và quyết định đình chỉ điều tra.

Trường hợp mà ngoài ông Ngọ ra còn có nghi phạm khác liên quan tới lời khai của Dương Chí Dũng và tới vụ án thì chỉ đình chỉ điều tra đối với mình ông Ngọ. Còn vụ án và nghi phạm khác thì vẫn điều tra. Khi nghe lời khai của bị cáo Dương Chí Dũng, TAND TP Hà Nội chỉ khởi tố vụ án làm lộ bí mật nhà nước. Nhưng, trong lời khai của Dương Chí Dũng còn có vụ án hối lộ 20.000 USD liên quan đến một quan chức khác của ngành công an, nên cơ quan điều tra phải tiếp tục công việc của mình”, luật sư Thạch nói.

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, Luật sư Trần Đình Triển cho rằng, ông Ngọ qua đời, cơ quan điều tra sẽ phải làm rõ trách nhiệm dân sự, những vấn đề mà ông Ngọ có liên quan để những người hưởng thừa kế của ông Ngọ phải có trách nhiệm trước Nhà nước và trước những người khác.

Trước đó, trong vụ án xét xử nguyên Đại tá công an Dương Tự Trọng về tội tổ chức cho anh trai mình trốn ra nước ngoài, Dương Chí Dũng đã khai tại tòa rằng ông Ngọ chính là người mật báo cho mình trước khi có quyết định khởi tố vì những sai phạm trong vụ án tại Vinalines. Ông Dũng còn tố cáo ông Ngọ đã nhận của mình tổng cộng 510.000 USD để giúp “chạy án”. Từ những lời khai trên, ngày 8/1/2014, TAND TP Hà Nội đã khởi tố vụ án cố ý làm lộ bí mật nhà nước. Trả lời báo chí ngày sau đó, ông Phạm Quý Ngọ phủ nhận lời khai này.

Minh Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *