PetroTimes – Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 7 ngày nghỉ tết (từ 28/1 đến 3/2), tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của 286 người, bị thương 324 người. Đối chiếu với năm ngoái, số người chết tuy có giảm (57 người), nhưng số người bị thương tăng 182 người. Và tất nhiên, đã có không ít tờ báo chẳng ngần ngại quy ngay trách nhiệm cho Bộ Giao thông Vận tải.
Năng lượng Mới số 294
Quy trách nhiệm thì dễ. Nhưng nếu như đi ra các vùng nông thôn, thậm chí ngay cả ở các thành phố thì mới thấy rất nhiều người tham gia giao thông đang… chán sống!
Bằng chứng là họ uống rượu say khướt, chở kẹp 3, kẹp 4, phóng xe máy như bay trên đường và tất nhiên chẳng đội mũ bảo hiểm. Những người này không những đã coi thường tính mạng của mình, mà còn coi thường cả tính mạng của người khác.
Họ chán đời ư?
Họ bất đắc chí ư?
Họ buồn bực trong lòng, lấy rượu giải sầu ư?
Và họ vui quá ư?
Không phải vậy!
Khi đã ngồi vào mâm rượu, người ta có đủ mọi lý do để bào chữa cho việc nốc thật lực và say khướt của mình.
Người Việt Nam thật là hay!
Vui cũng uống rượu, buồn cũng uống rượu, mà không vui, không buồn cũng uống rượu.
Chẳng thế mà tỷ lệ tiêu thụ rượu bia tính theo đầu người ở Việt Nam đứng vào hàng cao ngất ngưởng ở châu Á. Các công ty sản xuất bia rượu luôn tự hào báo cáo rằng, sản lượng năm sau cao hơn năm trước. Và dĩ nhiên, kèm theo sự “tăng trưởng buồn” về bia rượu ấy là tai nạn giao thông cũng tăng lên.
3 năm nay, kể từ khi ông Đinh La Thăng làm “tư lệnh” ngành giao thông vận tải, ông đã đề ra rất nhiều biện pháp quyết liệt để làm giảm tình trạng ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông. Quả thực, tai nạn giao thông năm 2013 đã giảm tương đối so với năm trước, nạn ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã giảm nhiều. Vào những lúc cao điểm nhất ở Hà Nội như dịp tết vừa rồi cũng không có ùn tắc giao thông kéo dài.
Có lẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền về giao thông là nhiều nhất và có mật độ dày nhất. Kèm theo đó là những chế tài xử phạt ngày một mạnh hơn, kiên quyết hơn. Nhưng khổ một nỗi, những biện pháp đó chỉ có giá trị, ý nghĩa đối với những người có ý thức chấp hành luật pháp – trong đó có các quy định về an toàn giao thông. Đối với những người không có ý thức, “chán sống”, những biện pháp này chẳng tác động gì được đến họ. Cho nên ngành giao thông vận tải cùng với lực lượng cảnh sát giao thông và hệ thống chính trị cả nước có làm thế chứ làm nữa cũng không thể nào ngăn được những kẻ “chán sống” này.
Hiện nay, có 1 ông Đinh La Thăng chứ có đến 10 ông Đinh La Thăng cũng không ngăn nổi tình trạng nốc rượu bia say khướt, rồi tham gia giao thông.
Cũng còn có một lý do nữa là trong những ngày đầu xuân, lực lượng cảnh sát giao thông ngại bắt, ngại xử phạt bởi tâm lý của người Việt là “hỷ xả” khi năm hết, tết đến.
Chúng ta cứ nói dân ta cần cù, chịu khó, rồi là thanh lịch, hiếu khách và đủ những đức tính tốt khác. Nhưng tại sao không nói rằng, dân ta có ý thức chấp hành luật pháp, trật tự văn minh đô thị, kỷ luật lao động có lẽ vào loại bét nhất thế giới. Ở đâu có người Việt là ở đó có sự chen lấn, xô đẩy, ngay từ việc rất nhỏ là xếp hàng lên máy bay. Ở đâu có người Việt là ở đó có sự tùy tiện về giờ giấc, kỷ luật làm việc và tham cái lợi trước mắt.
Rất nhiều thói hư, tật xấu khác của người Việt đã không được mổ xẻ, phân tích, tìm ra những nguyên nhân gây nên tình trạng đó và có những biện pháp, chế tài đủ mạnh để răn đe. Bấy lâu nay, chúng ta cứ vỗ ngực, tự mình khen mình. Người ta cứ nói rằng cần phải tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục… Nhưng với những người không có ý thức thì “đa ngôn đa oán” – nói lắm, chỉ gây cho họ sự bực mình và cũng là “nước đổ đầu vịt”. Chúng ta đang đi ngược, lẽ ra dân trí thấp, ý thức chấp hành của người dân kém thì phải có những biện pháp cứng rắn để buộc mọi người trước khi định làm việc gì đó có thể vi phạm các quy định của pháp luật phải nghĩ ngay rằng sẽ bị phạt, sẽ bị mất tiền, thậm chí là bị xử lý hình sự. Nếu như cứ để mọi người nghĩ rằng “chắc sẽ bị nhắc nhở, rồi sẽ cho qua” thì chẳng bao giờ có thể xây dựng được một xã hội trật tự, văn minh.
Từ chuyện trật tự an toàn giao thông, nhìn sang các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, thì mới thấy rằng, người Việt Nam ta chấp hành luật pháp kém ở tất cả mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong trật tự đô thị. Ý thức chấp hành luật pháp kém là nguyên nhân gây ra đủ thứ chướng tai gai mắt, lộn xộn như hiện nay. Tất nhiên, bên cạnh đó là còn do sự hư hỏng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức – những người chỉ vì một chút tiền bạc mà sẵn sàng làm sai lệch, bóp méo sự thật, hoặc dung túng cho những kẻ làm bậy.
Bao năm nay, chúng ta ra sức luận bàn xây dựng một Nhà nước pháp quyền, đề cao ý thức thượng tôn luật pháp, nhưng giáo dục mà không có biện pháp kèm theo thì cũng chỉ là nói suông mà thôi.
Bây giờ đã thấy rõ ràng rằng, rượu bia là nguyên nhân lớn nhất gây ra tai nạn giao thông. Ai cũng thấy rằng, đường càng tốt, càng nhẵn, xe càng có điều kiện chạy tốc độ cao thì người tham gia giao thông càng chạy ẩu. Vậy tại sao không có biện pháp để người dân giảm uống bia rượu. Trong khi chúng ta còn nghèo, đang phải “thắt lưng buộc bụng” để làm nhiều việc, vậy mà “giàu tham việc, thất nghiệp tham ăn”, kinh tế càng khó khăn thì số người đi ăn nhậu xem ra càng lắm. Vậy tại sao không đánh thuế nặng hơn nữa vào sản xuất và nhập khẩu bia, rượu? Hoặc bắt các công ty sản xuất bia, rượu phải nộp vào quỹ an toàn giao thông một số tiền trên mỗi lít bia bán ra? Có làm như vậy thì mỗi người khi bước vào quán bia mới nghĩ đến túi tiền của mình. Không nên khuyến khích sản xuất rượu bia và tốt nhất là các nhà sản xuất bia, rượu đừng có thi nhau tăng sản lượng bia, rượu của mình.
Một điều nữa là phải làm thế nào để chấm dứt ngay tình trạng mất tiền oan vì tai nạn giao thông. Một chiếc xe ôtô dừng đỗ bên đường đúng luật, những kẻ say rượu lao vào ôtô đang dừng, rồi lăn đùng ra chết thì người lái ôtô có khi cũng mất một khoản tiền kha khá. Đầu tiên là vì lý do nhân đạo “người ta đã thiệt mạng rồi, hỗ trợ cho họ để bớt khó khăn”, còn nếu không thì sẽ kiện tụng rắc rối, lôi thôi. Ở Việt Nam, nói đến kiện thì có ai không sợ.
Gần đây, những nhà nghiên cứu luật pháp sản sinh ra rất nhiều quy định mới, trong đó có nhiều quy định “trên trời”, hoàn toàn không có tính khả thi và đã bị dư luận lên án. Trước đây là chuyện ngực lép, nhẹ cân không được lái xe máy, rồi chuyện ghi tên cha mẹ vào chứng minh thư mới, gần đây nữa còn có những quy định vợ chồng không được cãi nhau, không được ngăn cản con cái ra khỏi nhà… Toàn là những thứ vớ vẩn của những người rỗi hơi. Hình như họ cố nặn ra những quy định này để chứng tỏ họ đang làm việc.
Nhưng họ không nghĩ đến một điều rằng, tất cả những điều đó chẳng có giá trị gì, nếu không có những biện pháp buộc mọi người chấp hành quy định đó.
Như Thổ
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA