Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn kêu gọi giúp đỡ ngư dân bị tàu Trung Quốc đập phá, cướp cá.
Máy móc, thiết bị trên tàu QNg 95739 bị phía Trung Quốc lấy mất. |
Liên tiếp trong 2 ngày 2-3.1, hai tàu cá của ngư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa đã bị lực lượng tàu kiểm ngư Trung Quốc đuổi bắt, đánh đập dã man các thuyền viên và cướp hết tài sản trên tàu. Hành động ăn cướp này khiến các ngư dân trở về gặp phải vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, các ngư dân vẫn không sợ hãi, nhanh chóng sửa tàu để tiếp tục bám biển Hoàng Sa.
Lại phá tàu, cướp cá
Đến chiều 6.1, ngư dân Phạm Quang Thạnh (SN 1980, đoàn viên Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn) vẫn còn vẻ phẫn uất khi kể về hành vi vô nhân đạo của tàu Trung Quốc.
Ông Thạnh cho biết, tàu QNg 95739 do ông làm thuyền trưởng, xuất bến An Hải ngày 10.12.2013, trên tàu có 12 ngư dân, thẳng tiến đến vùng biển Hoàng Sa, tổ chức khai thác hải sản.
Khoảng 11h ngày 3.1, khi đang đánh bắt, các ngư dân phát hiện có tàu màu trắng mang số hiệu 4 chữ của Trung Quốc và số 2 đang chạy đến. Khoảng 30 phút sau, họ bị tàu Trung Quốc đuổi kịp. Tàu Trung Quốc thả canô màu đỏ viền đen mang số hiệu 306, cập vào tàu QNg 95739.
“Ba người Trung Quốc nhảy lên tàu chúng tôi, cầm dùi cui điện khống chế và huy hiếp 12 ngư dân, dồn về phía trước mũi tàu. Sau đó, tàu lớn Trung Quốc áp sát vào tàu chúng tôi, để 8 người nữa nhảy sang, bắt các ngư dân dỡ hầm hốt hết 5 tấn cá chuyển sang tàu Trung Quốc. Không chỉ dừng ở đó, bọn họ còn bẻ gãy 2 cây cờ tổ quốc trên cabin, đập phá đồ đạc, lấy đi cả trang thiết bị trên tàu, vứt xuống biển”.
Đến lúc 15h cùng ngày, tàu Trung Quốc thả tàu QNg 95739, và các ngư dân về đến Lý Sơn ngày 4.1 trong tình trạng tả tơi, phẫn uất.
Máy móc, thiết bị trên tàu QNg 95739 bị phía Trung Quốc phá hỏng. |
Ngay trước đó – ngày 2.1, tàu Trung Quốc cũng đã bắt, cướp và hành hạ các ngư dân An Hải (Lý Sơn) trên tàu QNg 96679. Ông Bùi Ngọc Thanh, thuyền trưởng tàu QNg 96679 kể lại: “Tàu tôi xuất bến ngày 31.12.2013, vừa đến Hoàng Sa thả neo đánh bắt thì khoảng 11h ngày 2.1 bị tàu ngư chính màu trắng số 2 của Trung Quốc rượt đuổi. Sau đó có thêm tàu số hiệu 64101 đến tham gia vây bắt.
Họ dùng canô số hiệu 306 áp sát mạn tàu, dùng vòi rồng xịt nước lên tàu suốt 3 tiếng đồng hồ liền, nhưng vẫn không làm gì được chúng tôi. Đến 13h thì họ cho mũi tàu trắng số 2 đâm thẳng vào tàu chúng tôi, làm tàu chúng tôi sắp lật. Hành động như vậy nào khác gì muốn giết chết những ngư dân tay không tấc sắt.
Thế rồi họ cho 5 người nhảy lên tàu, dùng dùi cui điện khống chế 15 ngư dân, bắt trói 2 ngư dân Bùi Sinh, Bùi Phải, đánh tra điện rất dã man. Sau đó, họ chiếm đoạt hết tài sản rồi mới chịu thả chúng tôi về Lý Sơn”.
Vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển Hoàng Sa
Các tàu cá An Hải trở về trong tình trạng hư hỏng nặng, các ngư dân đều hết sức phẫn uất. Thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh cho biết:
“Tôi cùng với ngư dân Bùi Văn Phải đã từng bị tàu Trung Quốc bắn cháy tàu QNg 96382 ở vùng biển Hoàng Sa cách đây 2 năm. Họ tưởng những hành động trấn áp dã man như vậy có thể khiến ngư dân chúng tôi chùn bước, bỏ biển Hoàng Sa. Nhưng họ lầm. Bản thân tôi là con cháu dòng dõi các cai đội hùng binh Hoàng Sa là Phạm Quang Ảnh và Phạm Hữu Nhật, nên sẽ nối bước cha ông, sống chết với Hoàng Sa. Lần này, dù họ cướp phá hết tàu chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn vay mượn và đang sửa chữa tàu, khoảng 2-3 ngày nữa sẽ trở lại Hoàng Sa đánh bắt”.
Tàu ông Thạnh bị cướp hết 5 tấn cá (trị giá 200 triệu đồng), cùng nhiều máy móc, thiết bị có giá trị lớn như máy Icom, máy dò cá, máy định vị, thúng, dầu…, tổng thiệt hại khoảng 300 triệu đồng. Tàu ông Bùi Ngọc Thanh còn bị cướp phá nhiều hơn, gồm 2 máy định vị, 2 máy dò cá, 2 máy Icom, 7.000 lít dầu… và bị hư hỏng tàu, tổng thiệt hại hơn 400 triệu đồng.
Ngư dân Mai Khắc Vũ với vết thương do bị phía Trung Quốc hành hung và cột cờ bị bẻ trên tàu QNg 95739 |
Ông Nguyễn Quốc Chinh – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã An Hải, huyện Lý Sơn – cho biết: “Sau khi trở về, nghiệp đoàn đã hướng dẫn các chủ tàu đến khai báo với Đồn biên phòng Lý Sơn về mọi sự việc. Hành động của lực lượng Trung Quốc lần này hết sức dã man, vô nhân đạo. Chúng tôi đề nghị các cấp, cơ quan chức năng cần can thiệp với phía Trung Quốc, để ngư dân chúng tôi được đánh bắt, làm ăn hợp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Ông Chinh cũng cho biết, tất cả các ngư dân bị nạn đều là đoàn viên nghiệp đoàn, đời sống khó khăn. “Thiệt hại tài sản trên quá lớn. Tập thể đoàn viên các tàu không đủ khả năng để mua sắm lại những trang thiết bị máy móc và đồ dùng khai thác. Ngay sau tai nạn, các ngư dân đã vay mượn để kịp thời sửa chữa tàu, tiếp tục vươn khơi bám biển. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng, các đơn vị từ thiện quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ cho các ngư dân để chúng tôi sớm tiếp tục vươn khơi bám biển Hoàng Sa và Trường Sa nhằm mục đích mưu sinh cho gia đình và bảo vệ chủ quyền biển đảo của tổ quốc”.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố