SAM RAINSY – NGỰA QUEN ĐƯỜNG CŨ

Người xem: 165


(PetroTimes) – Ngày 17/1/2014, LHQ đã cảnh báo đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) đối lập tại Campuchia về hành vi kích động chống Việt Nam để thu hút người ủng hộ. Thực ra đây không phải là lần đầu CNRP kích động chống đối Việt Nam và người đứng đằng sau tất cả chuyện này không ai khác ngoài chủ tịch đảng CNRP, Sam Rainsy. PetroTimes giới thiệu bộ mặt thật của ông Sam Rainsy.

Ngựa quen đường cũ

Tờ The Phnom Penh Post ngày 17/1 dẫn lời Đặc phái viên nhân quyền LHQ Surya Subedi đã cảnh báo đảng CNRP đối lập tại Campuchia về hành vi kích động chống Việt Nam để thu hút cử tri. Ông Subedi cho biết đã nói với các lãnh đạo CNRP rằng “việc phổ biến quan điểm kích động hận thù, phân biệt chủng tộc cũng như hành vi bạo lực hoặc kích động chống lại bất kỳ chủng tộc hay nhóm người có màu da hoặc có nguồn gốc dân tộc khác… đều không có chỗ trong một xã hội dân chủ”.

Ông Subedi cũng lưu ý lãnh đạo CNRP về các cuộc tấn công nhằm vào nhiều cửa hàng của người Việt trong vụ đụng độ giữa cảnh sát và các công nhân may mặc nước này ngày 3/1/2014. Đảng này lâu nay thường dùng những từ ngữ mang tính miệt thị người gốc Việt và các công ty Việt Nam tại Campuchia trong các cuộc biểu tình vừa qua.

Về phần mình, Trung tâm nhân quyền Campuchia cũng đã chỉ trích phe đối lập sử dụng ngôn ngữ có hại đối với Việt Nam. Lãnh đạo đối lập Campuchia, Sam Rainsy, bị thất cử trong cuộc bầu cử quốc hội hồi cuối tháng 7/2013 nhưng vẫn một mực không cam chịu mà còn đang giở nhiều chiêu trò nhằm lôi kéo sự ủng hộ của cử tri Campuchia. Vụ kích động chống phá Việt Nam trên đây của ông này là ví dụ điển hình mới nhất. Trước đó không lâu, nhân vật này còn ngang ngược khẳng định đảo Phú Quốc (mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo của Huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Việt Nam) là của Campuchia.


Ảnh: Sam Rainsy ngang ngược khi tuyên bố đảo Phú Quốc là của Campuchia


Sam Rainsy, con trai của một cựu quan chức cao cấp trong chính phủ Campuchia trước đây, hiện là người đứng đầu Đảng Cứu nguy dân tộc đối lập Campuchia (CNRP). Sự nghiệp chính trị của nhân vật này bắt đầu từ năm 1991 sau khi gia nhập Đảng Funcinpec của hoàng thân Norodom Ranariddh. Vì có bằng cấp về khoa chính trị học, kinh tế học, kế toán và quản trị doanh nghiệp và là con nhà “nòi” nên ông ta được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính thời đó. Nhưng 3 năm sau, ông bị cách chức khỏi vị trí bộ trưởng đồng thời bị khai trừ khỏi đảng Funcinpec và đại biểu quốc hội.

Sau sự kiện này ông đã ra thành lập đảng Sam Rainsy mang tên mình, hiện nay là một trong ba chính đảng lớn nhất ở Campuchia. Năm 2005, ông rời khỏi đất nước sau khi mất quyền miễn tố của đại biểu quốc hội. Năm 2006, ông trở về sau khi được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá.

Ngày 25/10/2009, ông Rainsy, khi đó là chủ tịch đảng Sam Rainsy (SRP) của Campuchia đã tới khu vực đang phân giới cắm mốc giữa tỉnh Long An và tỉnh Svay Rieng, nhổ 6 cọc dấu tạm thời xác định vị trí mốc 185 mang về Phnom Penh. Ông Sam Rainsy cũng đã có nhiều phát biểu vu cáo Việt Nam “chiếm đất của Campuchia thông qua việc phân giới cắm mốc”. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Nga nói đã lên án mạnh mẽ hành vi này của ông Rainsy.

Hành động của ông Sam Rainsy là ngang ngược, phá hoại tài sản chung, vi phạm pháp luật của cả Campuchia và Việt Nam, vi phạm các Hiệp ước, Hiệp định và thỏa thuận giữa hai nước, ngăn cản và phá hoại tiến trình phân giới cắm mốc. Các phát biểu vu cáo Việt Nam của Sam Rainsy là thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm, nhằm mục đích kích động hận thù, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia. Chính phủ Việt Nam lên án mạnh mẽ những hành động và phát biểu của ông Sam Rainsy, đồng thời yêu cầu Chính phủ Campuchia có các biện pháp xử lý thích đáng những hành động phá hoại.

Trước sự phá hoại này, chính quyền huyện Chantrea, tỉnh Svay Rieng làm đơn kiện ông ra tòa và Sam Rainsy bị kết án 2 năm tù ngày 27/01/2010 và phạt 60 triệu riel (khoảng 15.000 USD) vì tội phá hoại tài sản nhà nước và có hành động kích động phân biệt sắc tộc.

Để tránh bị bỏ tù, Sam Rainsy bỏ chạy sang Pháp định cư, vì ông mang hai quốc tịch (Pháp và Campuchia). Không bao lâu sau, ngày 23/9/2010 tòa án Phnom Penh tuyên phạt ông Sam Rainsy một bản án vắng mặt nặng nề hơn, 10 năm tù về tội giả mạo và công bố một bản đồ sai lạc về biên giới nhằm cản trở công tác phân giới cắm mốc của Campuchia với Việt Nam.

Ngày 12/7/2013, Sam Rainsy lại được Quốc vương Norodom Sihamoni ân xá theo đơn xin của đương kim Thủ tướng Hun Sen “vì lợi ích của đất nước và trên tinh thần hòa giải dân tộc”.

Sau hai lần được ân xá, Sam Rainsy vẫn chứng nào tật ấy. Trả lời trên tờ Phnom Penh Post mới đây, phát ngôn viên đảng CNRP của Sam Rainsy ngang ngược khẳng định đảo Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam) là của Campuchia. Người này còn lớn tiếng cam kết đảng CNRP của Sam Rainsy sẽ tập trung vào việc “đòi Phú Quốc từ người Việt Nam”.

Bợ đỡ, bài xích để tranh cử

Đây không phải là lần đầu tiên, vấn đề đảo Phú Quốc (thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam) được sử dụng làm quân bài tranh cử của ông Rainsy và một số chính trị gia đối lập Campuchia.

Cái bất bình thường của chính trị gia này là ở chỗ, vì không có hậu thuẫn của quần chúng nên dùng lá bài chống Việt Nam để tranh phiếu.

Tại Pháp, Sam Rainsy tuy có nhiều bạn bè trong giới chính trị nhưng ít ai ủng hộ lập trường chống Việt Nam của ông ta. Những dân biểu trong Đảng xã hội Pháp như ông François Brottes, dân biểu quốc hội tỉnh Isère, chỉ yêu cầu chính phủ Pháp cưu mang Sam Rainsy khỏi bị kết án tại Campuchia.

Sau nhiều lần thất bại trong các cuộc tranh cử, khẩu hiệu chống Việt Nam lần đầu tiên được Sam Rainsy sử dụng năm 2003. Trong lần tranh cử quốc hội hồi tháng 7 vừa qua, những khẩu hiện bài xích người Việt của Sam Rainsy càng hung hãn hơn.

Trong cuộc vận động này, Rainsy trắng trợn vu cáo “Nhiều người yuon (danh từ miệt thị chỉ người Việt Nam) đã đến đây. Chúng di dời các cột mốc biên giới vào lãnh thổ chúng ta… Hãy bỏ phiếu cho Rainsy để bảo vệ lãnh thổ Campuchia”.

Kem Sokha, cấp phó của Sam Rainsy trong đảng CNRP cũng hứa hẹn với cử tri: “Nếu thắng cử, chúng tôi sẽ đuổi hết người yuon về Việt Nam”. Luận điệu vu cáo, bôi nhọ Việt Nam, đe dọa quyền định cư hợp pháp của kiều dân Việt Nam tại Campuchia liên tục được Sam Rainsy và Kem Sokha nhai đi nhai lại trong mọi cuộc vận động tranh cử.

Trang tin Asia Sentinel (Hong Kong) mô tả thái độ này của Sam Rainsy là “tâm thần hoang tưởng”, Sam Rainsy tự vẽ ra những câu chuyện để dẫn dắt một bộ phận cử tri Campuchia thiếu thông tin đến chỗ sợ hãi người Việt Nam vì tin rằng Việt kiều ở Campuchia cướp mất công ăn việc làm của họ. Trong khi đó, theo Asia Sentinel, rất nhiều người Việt ở Campuchia chỉ làm nghề thi công điện nước hoặc thợ cắt tóc, những công việc mà người Campuchia rất ít khi làm.

Rainsy thậm chí còn vu cáo rằng người Việt Nam tràn qua biên giới sang Campuchia để bỏ phiếu trái phép trong đợt bầu cử hồi tháng 7/2013, trong khi các nhà quan sát nước ngoài ở khu vực biên giới Campuchia tiếp giáp với Việt Nam đều khẳng định không hề có chuyện này. Chính vì những thông tin bịa đặt của Rainsy mà một thanh niên có ngoại hình giống người Việt Nam đã bị hành hung dã man tại một điểm bầu cử ở Phnom Penh dẫn đến chấn thương nặng, mặc dù anh này là người Campuchia.

Các phát biểu vu cáo Việt Nam của Sam Rainsy là thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm, nhằm mục đích kích động hận thù, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

Để chuẩn bị tranh cử, Sam Rainsy tìm cách lấy lòng Trung Quốc. Trả lời kênh truyền hình Phượng hoàng của Hong Kong ngày 29/7/2013, Sam Rainsy nói rằng đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia xem Bắc Kinh là một đồng minh quan trọng: “Chúng tôi nghĩ là Trung Quốc có thể mang lại ảnh hưởng có tính cân bằng. Trung Quốc luôn luôn là đồng minh của Campuchia, giúp Campuchia bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.

Không những thế, Sam Rainsy cũng nói rất rõ rằng đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia sẵn sàng ủng hộ Trung Quốc đối với tranh chấp trên Biển Đông: “Đảng của chúng tôi ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ toàn bộ lãnh thổ của các bạn. Tất cả mọi hòn đảo do Trung Quốc bảo vệ là lãnh thổ của Trung Quốc. Chúng tôi lên án bất cứ hành động xâm lược nào. Những hòn đảo ấy là của Trung Quốc và chỉ thuộc về Trung Quốc mà thôi”.

Trong cơn men tranh cử, Sam Rainsy sẵn sàng tuyên bố bất cứ điều gì để tranh thủ cử tri Khmer, bất chấp những chủ trương hay tuyên bố đó có thể gây phương hại đến quan hệ hữu nghị với Việt Nam.

Sam Rainsy cũng bất chấp ký ức đau thương của người dân Khmer khi nói rằng chế độ Khmer Đỏ từng được Trung Quốc giúp đỡ.

Những khẩu hiệu bài xích Việt Nam của Sam Rainsy chỉ là những chiêu bài tranh cử, đó không phải là những suy nghĩ chín chắn của một người có trình độ học thức.

Rốt cục, luận điệu vu cáo, bôi nhọ và chiêu bài “đòi chủ quyền” vô căn cứ của Rainsy và phe đối lập cũng không thể thay đổi được sự thật lịch sử, và cũng không thể giúp họ đạt mục đích. Mà ngược lại, nó chỉ khiến cho cộng đồng quốc tế thêm cảnh giác đối với những chính trị gia không từ bất cứ thủ đoạn nào để giành phiếu bầu và chuốc lấy thất bại nhục nhã như ngày hôm nay.

Hy vọng tình hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia không bị ảnh hưởng bởi những luận điệu miệt thị, bài xích, vu cáo Việt Nam của một số chính trị gia đối lập Campuchia. Và sẽ mãi son sắt như tờ Bruchichun từng nói: “Trên thế giới này có không biết bao nhiêu kẻ mạnh kẻ giàu nhưng chỉ có người bạn láng giềng Việt Nam tới cứu sống dân tộc ta mà thôi”.

Theo Thủ tướng Hun Sen, thời điểm mà Campuchia lâm nguy nhất, chính Việt Nam đã không quản gian khó và hy sinh cứu giúp nhân dân Campuchia. Trung Quốc không giúp đỡ, Mỹ cũng không nhảy vào, mà chỉ có Việt Nam xuất hiện vào thời khắc Campuchia khó khăn nhất, nên ông Hun Sen và nhân dân Campuchia vô cùng biết ơn nhân dân Việt Nam.

Cố vấn chính phủ Hoàng gia Campuchia Chai In Yêng “điều gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỉ 20 đó là tình hữu nghị, lòng biết ơn và hình ảnh về một đội quân nhà Phật đến cứu giúp nhân dân Campuchia”.

H.Phan (tổng hợp)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *