40 năm đã trôi qua kể từ cuộc hải chiến để giành lại Hoàng Sa, bài học quá khứ vẫn còn hiện diện trong tâm trí của mỗi người Việt.
Trò chuyện với NTNN, Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Công an chia sẻ, 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc hải chiến để giành lại Hoàng Sa, bài học quá khứ vẫn còn hiện diện trong tâm trí của mỗi người Việt.
Và cho đến nay, lời cảnh tỉnh nếu không kiên quyết, khéo léo thì vẫn có thể xảy ra những nguy cơ khác.
Chúng ta đã đổ máu
Trung Quốc đã âm mưu chiếm trọn Hoàng Sa từ đầu thế kỷ 20, nhưng phải đến đầu năm 1974, Trung Quốc nhận thấy cơ hội đã chín muồi cho một cuộc tấn công để chiếm toàn bộ quần đảo, lúc bấy giờ đang thuộc chủ quyền của Việt Nam Cộng hòa (VNCH) theo sau Hiệp định Geneve về phân chia lãnh thổ Việt Nam.
Bốn chiến hạm của quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tham dự trận hải chiến Hoàng Sa bảo vệ lãnh thổ vào năm 1974.
Tuy nhiên, nói về kết quả của trận hải chiến Hoàng Sa mà nhắc đến “vấn đề tương quan lực lượng” là sự ngụy biện mà thôi. Việt Nam chưa bao giờ mạnh bằng Trung Quốc, đó là sự thật. Từ những năm 1428 – 1789, trong thời phương Bắc cực thịnh, phương Nam cực suy, nhưng cha ông ta vẫn giữ nguyên bờ cõi. Mất Hoàng Sa không phải vì quân đội VNCH lúc đó yếu, Trung Quốc mạnh. Tháng 1.1974, Trung Quốc đưa quân đánh chiếm Hoàng Sa của chúng ta. Trong tình cảnh khá đơn độc, khả năng bảo vệ Hoàng Sa của chính quyền VNCH suy giảm nghiêm trọng, dù họ vẫn sở hữu lực lượng hải quân và không quân khá mạnh. Một trận hải chiến ngắn ngủi nhưng khốc liệt mà kết cục của nó trở nên vô cùng đau đớn cho đất nước Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm đóng Hoàng Sa của chúng ta từ đó.
Vấn đề cần nhận thức rõ ở đây là: Thứ nhất, Trung Quốc là kẻ xâm lược. Quân đội VNCH là người đổ xương máu bảo vệ mảnh đất thiêng mà cha ông ta để lại.
Ở trong nước, chúng ta phải thường xuyên tuyên truyền thông tin về Hoàng Sa cho người dân Việt Nam. Trong đó, báo chí đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa tin, nhắc nhở quốc tế về phần lãnh thổ Hoàng Sa của mình. Việt Nam phải phản đối Trung Quốc về bất cứ sự kiện nào liên quan đến Hoàng Sa như việc thiết lập cái gọi là thành phố Tam Sa… đồng thời yêu cầu cộng đồng quốc tế phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay trên thế giới đang có một lượng lớn tài liệu cổ của Ấn Độ và Tây Âu viết khẳng định Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Tôi được biết có khoảng 40-50 cuốn sách như vậy và chúng ta cần phải dịch hết những tài liệu này để làm bằng chứng rõ ràng về phần lãnh thổ của chúng ta bị Trung Quốc xâm lược.
Bài học về bảo vệ lãnh hải
Trận đánh tháng 1.1974 là một trận quyết chiến dũng cảm và oanh liệt của người Việt Nam. Sự kiện như vậy phải đưa vào lịch sử Việt Nam cho các thế hệ người Việt học tập.
“Dù là người lính Việt Nam Cộng hòa hay là người lính CHXHCN Việt Nam thì đều mang trong mình dòng máu Việt và họ đã ngã xuống để đấu tranh bảo vệ đất nước, hành động đó là anh hùng, cần được vinh danh…”.
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Không chỉ có thế hệ trẻ mà ngay cả tầng lớp trung lưu, những cán bộ đương chức hiện giờ cũng rất mù mờ về trận hải chiến này. Chúng ta nói Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, nhưng đến giờ chúng ta không có chữ nào trong sách giáo khoa nói về trận hải chiến Hoàng Sa. Hơn ai hết, người Việt Nam phải hiểu rõ về quá trình cha ông ta bảo vệ biển đảo.
Ngoài việc giáo dục lịch sử, chúng ta cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền theo đúng pháp luật Việt Nam. Trong Hiến pháp của chúng ta có quy định việc người dân có quyền được thông tin, vì thế phải thông báo cho dân những vụ việc liên quan đến biển đảo, đến những vụ vi phạm, đụng độ của Trung Quốc trên quần đảo của chúng ta.
Ta làm điều này, tuyệt đối không phải để kích động chủ nghĩa chống Trung Quốc, mà là phát động phong trào hướng ra biển đảo. Chúng ta đã làm được những quỹ hỗ trợ cho người nghèo, thì tại sao chúng ta không làm những quỹ cho biển đảo, hỗ trợ cho bà con đánh cá. Phải làm sao để cả dân tộc hướng về biển đảo, đó là chiến lược bảo vệ lãnh hải của chúng ta.
Với Trung Quốc, chúng ta phải thường xuyên đối thoại để giải quyết vấn đề từ dễ đến khó, nếu cần song phương chúng ta sẽ đàm phán song phương, nếu vấn đề đa phương chúng ta sẽ tham gia đàm phán đa phương. Quan trọng nữa, chúng ta phải tạo mối quan hệ rộng rãi với bạn bè quốc tế, đặt Việt Nam trong lòng thế giới, để có những mối quan hệ hữu nghị, phát triển bền chặt.
Các mốc lịch sử
Ngày 11.1.1974, Trung Quốc tuyên bố mạo nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của mình.
Chiều 15.1.1974, trước đông đảo đại diện báo chí trong nước và ngoài nước, Tổng trưởng Ngoại giao VNCH Vương Văn Bắc đã lên tiếng tố cáo trước quốc dân và quốc tế về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 16.1.1974, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hòa ra Tuyên bố về việc Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam Cộng hòa trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong 4 ngày, từ 16.1 tới 19.1.1974 đã diễn ra cuộc đụng độ và đỉnh điểm là ngày 19.1. Sau trận chiến dữ dội, Hải quân VNCH có 74 người tử vong, 48 người bị bắt làm tù binh. Trung Quốc chính thức chiếm đóng Hoàng Sa từ 19.1.1974.
Nhân dịp 40 năm trận Hải chiến Hoàng Sa, việc vinh danh những con người đã từng ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa là cần thiết, để từ đó đoàn kết dân tộc nhằm đòi lại chủ quyền vùng đảo thiêng liêng này.
Tiến sĩ Nguyễn Nhã – sử gia nghiên cứu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Nhiều năm qua, phía Trung Quốc đã liên tục dùng vũ lực để truy đuổi, bắt giam, bắn bị thương và tịch thu tài sản của ngư dân khi ra đánh bắt tại Hoàng Sa. Riêng bản thân tôi đã 5 lần bị phía Trung Quốc bắt giữ, đánh đập và tịch thu tàu. Chúng ta phải đoàn kết, đấu tranh đòi lại Hoàng Sa để ngư dân đỡ khổ, để khẳng định chủ quyền.
Ngư dân Tiêu Viết Là
55 tuổi, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố