Ông Hoàng Xuân Quế – giảng viên Trường Đại học Kinh tế quốc dân – kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra toà – liên quan đến việc ban hành quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông do “đạo văn”.
Chưa bàn đến chuyện lý lẽ sẽ thuộc về ai trong vụ kiện này, điều quan tâm chính là ở chỗ, công dân kiện một ông bộ trưởng ra toà vì đã ban hành một văn bản xâm phạm đến lợi ích của cá nhân mình.
Ý thức về quyền của công dân, nhận thức được pháp luật là công cụ để bảo vệ quyền, lợi ích của công dân là cơ sở cho một cá nhân trong xã hội tuân thủ pháp luật cũng như đấu tranh cho bản thân và cộng đồng bằng pháp luật.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận phải đối mặt với một vụ kiện và có thể là bên thua cuộc.
Mấy tuần qua, ông Huỳnh Uy Dũng – chủ doanh nghiệp ở Bình Dương – đã tố cáo ông Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương lên tận Thủ tướng.
Cái gan dám kiện lãnh đạo tỉnh khi mình đang làm ăn tại địa phương của ông Dũng đã lay động giới doanh nghiệp. Nếu chủ tịch tỉnh hay quan chức cơ quan công quyền sai thì phải tố cáo, phải kiện, không sợ hãi làm “phận thảo dân” cay đắng cam chịu.
Nói như thế bởi vì, từ trước đến nay, người dân nghe nói tới quan chức là e ngại không dám đụng chạm, cỡ hàm chủ tịch tỉnh, bộ trưởng thì chỉ đứng xa mà nhìn.
Người dân, doanh nghiệp nghĩ phận mình nhỏ nhoi, kiện quan chức tầm lãnh đạo thì chẳng khác gì ”con kiến mà kiện củ khoai”. Dân thường dù không sợ uy quyền thì cũng ngại cửa quan, còn doanh nghiệp sợ bị nguy hiểm đến hoạt động của đơn vị.
Kiện quan đâu không thấy, tan tành sự nghiệp đã là nhãn tiền. Vậy thì, hãy xem những cá nhân, doanh nghiệp biết sử dụng pháp luật để khởi kiện quan chức bằng cái nhìn tích cực.
Ít nhất, hành động của họ tác động đến cộng đồng xã hội, để mọi người dân nhận thức đầy đủ hơn về các quyền của công dân trong một xã hội dân chủ, một đất nước pháp quyền.
Còn nữa, nóng sốt nhất là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn – không phải là chuyện oan sai 10 năm lao lý nữa, mà là chuyện bị bức cung nhục hình trong quá trình điều tra mà ông là nghi can giết người.
Ông Chấn kể với phóng viên báo chí về những hành vi dọa giết, tra tấn tinh thần ông của các điều tra viên.
Thực ra, ông Chấn đã tố cáo hành vi bức cung, nhục hình của cán bộ điều tra trước hai phiên toà, nhưng không được hội đồng xét xử xem xét. Ông Chấn cũng đã tố cáo điều này thông qua nhiều đơn kêu oan gửi đến các cơ quan có thẩm quyền, nhưng cũng không được xem xét.
Ông Chấn còn tiếp tục đòi lại công bằng, ông không thể ngồi yên, chờ đợi sự công tâm của ai đó để dẫn dắt công lý đến trả lại công bằng cho ông. Nếu như công lý không lôi những người cố tình gây oan sai ra toà thì ông Chấn phải chủ động đấu tranh.
Một số quan chức có kiểu ứng xử như quan lại phong kiến là vì người dân chưa khai thác hết quyền và nghĩa vụ của công dân trong một xã hội dân chủ. Dân còn sợ quan chức như thảo dân sợ quan lại thời phong kiến thì áp bức bất công còn nhiều! Hãy biết, chúng ta đã và đang là công dân, không còn là thần dân!
Theo Lao Động
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố