Phạm Quang Nghị – Những mẩu chuyện thời chưa về Hà Nội

Người xem: 157

Viết về ông Phạm Quang Nghị thật khó, phần vì ông là một chính khách, phần vì ông không phải là người khoa trương, nhưng lại rất thực tế. Ấn tượng khi gặp gỡ và trao đổi với con người này là tác phong và thái độ làm việc. Với ông, chỉ có làm và làm, làm mà không cần nói. Có lẽ đó là tác phong của ông!

Đây là những mẩu chuyện mà tác giả Nguyễn Hòa đã kể về ông Phạm Quang Nghị.
 
Cách đây nhiều năm, tôi có chuyến công tác tại tỉnh Hà Nam để viết bài về mô hình xoá đói giảm nghèo. Hôm đó, vào độ cuối năm, trời mưa khá dày hạt. Sau khi xuống cơ sở nắm bắt tình hình, vào các ban ngành của tỉnh thu thập thêm tài liệu, tôi có nhã ý xin gặp đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ
 
Mấy anh bên Văn phòng Tỉnh uỷ báo lại, đồng chí Bí thư chỉ dành được 10 phút vì sắp có cuộc họp với Uỷ ban. Trong gian phòng rộng chừng vài chục mét vuông, được trang trí khá đơn giản, đồng chí Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Trung ương Đảng lúc đó là Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam cởi mở tiếp chúng tôi. Nhìn lên đồng hồ treo trên tường, Bí thư Phạm Quang Nghị vào đề luôn: “Còn 15 phút nữa là tôi phải chủ trì một cuộc họp, chúng ta tranh thủ trao đổi với nhau thật nhanh nhé!”. Biết chúng tôi vừa từ dưới huyện Thanh Liêm về, không cần bất cứ một tài liệu nào đồng chí Bí thư giới thiệu về diện tích, số dân, điều kiện kinh tế ở huyện này. Đặc biệt, những con số phần trăm bao nhiêu hộ đã vươn lên làm giàu, bao nhiêu hộ đã đẩy lùi cái nghèo, cái đói tụt lại phía sau… chính xác đến mức khó tin. Trước lúc chia tay, Bí thư Phạm Quang Nghị nêu ra một vài quan điểm chỉ đạo đối với phong trào xoá đói giảm nghèo ở địa phương mà nghe ra thật đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện chứ không hề đao to, búa lớn như đã từng thấy ở nhiều nơi khác. Với chuyến đi đó, tôi có bài viết “Thanh Liêm nghèo đang giàu lên” in trên báo Nhân dân và kể lại cho đồng nghiệp nghe “sự kiện” cuộc gặp không chuẩn bị trước, không cần “phao” văn bản, giấy tờ mà Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Phạm Quang Nghị vẫn giúp chúng tôi có được những thông tin quan trọng và cần thiết. Nhiều người biết ông đã nhận xét: “Chỉ có thường xuyên gần, sát với cơ sở, nắm bắt và chỉ đạo kịp thời thì mới nhớ, hiểu đến mức như thế”.
 
Cũng cách đây gần 5 năm, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Phạm Quang Nghị được Trung ương điều về làm Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin.
 
Vào thời điểm này, ngành Văn hoá – Thông tin đang có một vấn đề được dư luận cả nước đặc biệt quan tâm là nạn xây động giả, chùa giả và những lộn xộn đến bê bối ở chùa Hương (Hà Tây) đã rộ lên từ nhiều năm trước mà vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Thật ra, để giải quyết tình trạng này, nhiều năm trước, chính quyền địa phương, các cơ quan Bộ, ngành Trung ương, trong đó có Bộ Văn hoá – Thông tin đã vào cuộc với thái độ khá kiên quyết, nhưng rồi vẫn như “đá ném ao bèo”, đâu vẫn hoàn đấy. Khi đó, dư luận đang rất trông chờ vào cách giải quyết của vị tân Bộ trưởng Phạm Quang Nghị. Nói “trông chờ” nhưng thật ra nhiều người trong cũng như ngoài Bộ tỏ ra khá hoài nghi, rằng khó có thể “dẹp” được một cách triệt để vì đây đã là “di sản” của quá khứ gần 10 năm để lại. Kể sự nghi ngại đó cũng thật dễ hiểu bởi ông mới nhậm chức chưa được mấy tháng, hơn nữa đây lại là chuyện khá nan giải, rất đỗi nhạy cảm, vừa là chuyện đời, chuyện đạo, chuyện tâm linh, chuyện tiêu cực của cán bộ cơ sở… quyện vào nhau, phức tạp, nhằng nhịt không dễ gì một sớm, một chiều giải quyết được. Mặc dù mới “chân ướt chân ráo” trên cương vị Bộ trưởng, song ông đã hạ quyết tâm phải làm bằng được. Nói đi đôi với làm, ngay ngày hôm sau, ông vào chùa Hương cùng đoàn cán bộ Bộ Văn hoá – Thông tin trong vai người dân đi dự hội. Ông đến tận nơi 42 điểm xây động, chùa giả trái phép. Ông đã trực tiếp đứng quan sát vị trung tá về hưu tham gia xây chùa giả đứng ra thu tiền của khách; trực tiếp đứng nghe một chủ hộ có chùa giả chửi rủa không tiếc lời những người chủ trương dẹp chùa giả của bà. Vẫn với tác phong nắm rõ, nắm kỹ tình hình cơ sở, tìm hiểu sâu nguyên nhân dẫn đến tình trạng sai phạm tại nơi “Nam Thiên đệ nhất động”, ông đề nghị các Cục, Vụ làm báo cáo, đồng thời đề xuất những biện pháp thật cụ thể và mang tính khả thi cao. Ông yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Tây cùng ký một văn bản mang tính chất của một “Bản tuyên bố chung”, trong đó nói rõ tỉnh, huyện, xã phải làm gì; Bộ Văn hoá – Thông tin phải làm gì, rồi tổ chức họp báo, công bố cho toàn dân biết, giám sát. Và chỉ vài ngày sau, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị đã có buổi làm việc với các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Hà Tây. Những ai được chứng kiến buổi làm việc hôm đó mới cảm nhận hết thái độ kiên quyết và khả năng quyết đoán của người đứng đầu ngành Văn hoá – Thông tin. Cũng tại thời điểm này, dư luận nói ra, bàn vào rằng, trước đó họp hành liên miên, nhưng cuối cùng có ra cơm cháo gì đâu. Năm đó, áp lực giải quyết “động giả, chùa giả ở chùa Hương” đối với tân Bộ trưởng Phạm Quang Nghị không hề nhỏ. Vì thế, không quen với kiểu nói rồi để đấy, trong quá trình chỉ đạo, giải quyết ông đã vào chùa Hương trên, dưới chục lần. Mỗi lần vào chùa Hương là mỗi lần “vi hành”. Nhận thấy điều gì chưa ổn, ông chỉ đạo ngay tại hiện trường. Chưa đầy 4 tháng sau, những điểm động, chùa giả đã được dẹp xong. Trong buổi tổng kết, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị nói rất đơn giản: “Trước đây, chúng ta không thiếu quyết tâm để làm. Nhưng cái chúng ta thiếu là biện pháp. Có được kết quả này chính là, chúng ta vừa có quyết tâm cao vừa có biện pháp đúng”. Cả hội trường nín lặng đồng tình. Chỉ riêng việc ông thuyết phục được mọi người vượt qua được nỗi lo ngại tâm linh, rằng những người xây động giả, chùa giả chính là những người không vì tâm linh nào cả. Họ hoàn toàn chỉ vì tiền. Nếu họ thành tâm thì họ đã góp tiền, góp công để tô chuông, đắp tượng, xây chùa chính chứ không nên lợi dụng thánh thần để thu lợi cho cá nhân. Đến đây, chắc ai cũng hiểu rằng, lý luận ấy không phải là điều gì quá mới mẻ, song để thực hiện nó thì không phải ai cũng làm được. Về sau, mỗi lần vào chùa Hương, chúng tôi được nghe người dân, cán bộ địa phương cứ nhắc đi, nhắc lại thái độ, cung cách giải quyết triệt để vấn nạn động, chùa giả nơi đây của Bộ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin Phạm Quang Nghị như một bài học kinh nghiệm và như một lời cảm ơn chân thành.
 
Những năm gần đây tôi có điều kiện được tiếp xúc nhiều hơn với ông. Mà mỗi lần tiếp xúc như vậy cũng chỉ được mươi phút bên hành lang Quốc hội. Trong những kỳ họp Quốc hội gần đây, vấn đề văn hoá được rất nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn. Mỗi khi bị, phải, được “đăng đàn” để trả lời về một hay nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực văn hoá – thông tin trước Quốc hội, “Tư lệnh trưởng” Phạm Quang Nghị thường đi thẳng vào vấn đề một cách gãy gọn, rõ ràng, khúc triết với một tầm hiểu biết phong phú và dám thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình. Song, ông là một trong số ít vị lãnh đạo ít khi hứa trước Quốc hội. Tại diễn đàn Quốc hội, cũng có lúc ông “chất vấn” trở lại các đại biểu khiến nhiều người phải… giật mình. Còn nhớ, trong kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XI, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị nhận được câu chất vấn: “Tại sao lại để xảy ra tình trạng chảy máu cổ vật tại nhiều di tích?”. Bộ trưởng Phạm Quang Nghị một mặt thừa nhận tình trạng trên, mặt khác chỉ ra cho các đại biểu thấy rằng, hệ thống văn bản luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của các cấp chính quyền từ xã, phường, huyện, thị xã, tỉnh trong việc quản lý di sản văn hoá, trong đó có cổ vật tại di tích. Thế nhưng, vì sao nó vẫn bị xảy ra? “Có phải lắm sãi không ai đóng cửa chùa?”. Với câu hỏi đồng thời cũng là câu trả lời này, Bộ trưởng Phạm Quang Nghị đã nhận được sự tán đồng từ các đại biểu. Hoặc khi bị chất vấn về tình trạng nhiều ca sĩ ăn mặc hở hang. Ông hỏi lại Quốc hội: “Nếu các ca sĩ ăn mặc hở hang mà bị la ó, phản đối thì chắc rằng không ai dám hở. Nhưng đằng này mỗi khi họ hở, thì khán giả lại vỗ tay rầm rầm”. Với phong cách ấy, ông thuyết phục được các đại biểu không phải bởi sự khéo léo né tránh, mà bởi sự thẳng thắn, dám nhìn thẳng vào sự thật. Nhiều người, trong đó có cả báo chí lấy làm ngạc nhiên là vì sao, tại một diễn đàn quan trọng như vậy mà Bộ trưởng Phạm Quang Nghị lại “dám” trích dẫn câu nói dân gian “lắm sãi không ai đóng cửa chùa” để diễn đạt cho nguyên nhân trên và ông lại còn dám chất vấn lại Quốc hội.
 
Nhiều người bạn cùng học đại học với ông nay đã là những nhà khoa học, nhà văn, nhà báo nói rằng, Phạm Quang Nghị có một cá tính rất đáng nể là bình tĩnh, thậm chí kiên nhẫn trước những vấn đề phức tạp đang gây tranh cãi nhưng tiếp sau sự kiên nhẫn ấy sẽ là những giải pháp hết sức quyết đoán, chính xác và bất ngờ. Từ lần đầu tiên tiếp xúc với ông trên cương vị Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam và nay là Bộ Trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin, tôi nghiệm thấy rằng lời nhận xét ấy đến tận bây giờ vẫn đúng. Ai có dịp làm việc gần ông đều nhận thấy ông là một người vừa dễ gần, dễ hiểu, chân thật và quyết đoán. Khi cần, ông có đủ phẩm chất mềm dẻo, bình tĩnh, kiên nhẫn, song dường như không bao giờ vòng vo, né tránh.
 
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Thanh, bên dòng sông Mã thấm đẫm bề dày lịch sử, văn hoá. Với bản tính hiếu học, ông đã trải qua thời niên thiếu khá vất vả, vừa học vừa phải dãi nắng dầm sương trên đồng ruộng. Năm 1967, Phạm Quang Nghị vào Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và học tại Khoa Lịch sử. Ông luôn tự hào là được học với những người thầy rất nổi tiếng. Vào cuối thập kỷ 60 đầu 70 thế kỷ trước, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang bước vào giai đoạn ác liệt. Cũng như bao thanh niên khác, ông đã xếp bút nghiên để vào chiến trường. Nhiều người bạn thời sinh viên với ông kể lại, hồi ấy, Phạm Quang Nghị là một trong những người trong lớp viết đơn tình nguyện đi chiến trường. Nghĩ cũng lạ, trong suốt quá trình học, sinh viên Phạm Quang Nghị là người rất kiệm lời, bản tính dung dị, nhưng ít ai ngờ khi được kêu gọi đi B ông lại hăng hái đến thế. Khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1975, chàng trai 21 tuổi Phạm Quang Nghị bước vào chiến trường B2 và trở thành phóng viên chiến trường, là cán bộ nghiên cứu Ban Tuyên huấn Trung ương Cục (R), cán bộ biên tập Tạp chí “Sinh hoạt văn nghệ” thuộc Tiểu ban Văn nghệ (R), miền Nam.Tay súng, tay bút Phạm Quang Nghị đã cùng bao đồng đội chiến sĩ khác xẻ dọc Trường Sơn vào tận chiến trường Nam Bộ cho đến ngày đất nước hoà bình, thống nhất. Ngay trong chiến trường khói lửa, chàng thanh niên Phạm Quang Nghị đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, năm 1973.

Sau ngày đất nước giải phóng, chàng sinh viên Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm nào, nay lại lao vào học tập tại Chuyên ban Triết học, Trường Nguyễn Ái Quốc 5. Sau một số năm làm việc ở Ban Tuyên huấn Trung ương, ông làm nghiên cứu sinh Khoa Công tác tư tưởng và bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sĩ Triết học tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Nhiều lần tôi ướm hỏi ông: Trong quãng đời sinh viên ông đã “làm quen” với khoa học lịch sử, sao lại nhảy sang một lĩnh vực có thể nói là rất khó như triết học. Ông mỉm cười rồi nói: “Khó mà cắt nghĩa được trọn vẹn. Hình như đấy là mối lương duyên khoa học “sử triết bất phân”. Dòng chảy của lịch sử rất cần được lý giải và nhận thức với một tư duy biện chứng. Và chỉ có triết học mới có thể làm được điều này”. Từ năm 1985 đến năm 1988, Phạm Quang Nghị là cán bộ Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương đồng thời là Thư ký riêng cho đồng chí Đào Duy Tùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng – một nhà lãnh đạo tư tưởng có uy tín lớn của Đảng. Trong khoảng 10 năm, từ 1988 đến tháng 10.1997, TS. Phạm Quang Nghị trải qua nhiều chức vụ khác nhau; từ Phó giám đốc, Giám đốc Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng rồi đến Phó Trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương; năm 1994, là Bí thư Đảng uỷ cơ quan Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Uỷ viên Ban Cán sự Đảng ngoài nước, Bí thư Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương về công tác tư tưởng.
 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Từ tháng 11.1997 đến tháng 6.2001, ông được Trung ương điều về làm Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Hà Nam. Đó là quãng thời gian, như ông từng thổ lộ, ông phải đảm nhiệm một công việc, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, vượt quá sức mình. Ông nói: “Giá như Trung ương cử tôi đi B để đánh giặc lần thứ hai có lẽ còn dễ hơn”.
 
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Từ tháng 7.2001 đến nay, ông được Trung ương điều về làm Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ Văn hoá – Thông tin. Tháng 5.2002, là đại biểu Quốc hội khoá XI. Và mới đây, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, ông được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.
 
Năm tháng trôi qua, trên mọi vị trí công tác, Phạm Quang Nghị vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Và đặc biệt hơn là ông luôn để lại dấu ấn của mình bằng kết quả công việc. Nói về ông, bạn bè, đồng nghiệp thường kể về tác phong làm việc tận tâm, khoa học, quyết đoán và đã làm việc gì thì làm đến nơi đến chốn cho dù gặp không ít khó khăn thử thách. Những người được gần ông trong quá trình công tác thường đề cập đến khả năng gắn kết lý luận với thực tiễn một cách nhuần nhuyễn và đầy hiệu quả. Ông là người am hiểu lý luận nhưng không bao giờ tỏ ra là một người chỉ có tôn thờ sách vở. Ông thường dẫn câu nói nổi tiếng của triết gia Mạnh Tử: “Tận tín thư, bất như vô thư” (Quá tin vào sách thì thà không có sách). Ông là người xử lý công việc với tinh thần cầu thị và tôn trọng thực tiễn, luôn lắng nghe và không muốn để cho mình bị lạc hậu.
 
Những câu chuyện tôi viết ở trên cũng chỉ là một vài dấu ấn nho nhỏ ông đã để lại trên chặng đường công tác của mình mà tôi may mắn là người biết được.
 
Bài của Nguyễn Hoà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *