Bản tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945 mở đầu một lý tưởng nhân văn và cao đẹp cho Việt Nam. Ngày nay, 2.9 là dịp để chúng ta cùng tự vấn và tìm câu trả lời cho các vấn đề hiện tại.
Thoát nô lệ, vẫn lệ thuộc
Chúng ta có độc lập gần 70 năm qua, nhưng về mặt phát triển hầu như bất cứ lĩnh vực nào liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật, chúng ta đều lệ thuộc nước ngoài. Phụ thuộc có lẽ không phải là điều quá đáng ngại, nhưng lệ thuộc mới đáng quan tâm.
Tại sao đã gần 70 năm mà chúng ta vẫn còn kém? Cần nhìn nhận rằng trình độ của người Việt chưa theo kịp những vấn đề mà phát triển kinh tế – xã hội đặt ra. Điểm xuất phát của chúng ta là một nền văn minh và văn hoá nông nghiệp, và khi trong quá trình hội nhập thế giới được định hình bởi nền văn minh công nghiệp, thì nảy sinh rất nhiều vấn đề. Có nhiều sự chênh lệch giữa nhu cầu phát triển và khả năng đáp ứng của nội lực Việt Nam. Điều này có thể giải thích tại sao các công trình xây dựng, công trình nghiên cứu khoa học của Việt Nam không đạt chất lượng cao.
Có lẽ sự chênh lệch giữa khả năng nội lực và nhu cầu thực tế được thể hiện rõ nhất qua những vấn đề liên quan đến y tế. Báo chí hay hỏi tại sao chúng ta có những bác sĩ giỏi mà bệnh nhân giàu vẫn sang các nước trong vùng để điều trị. Theo tôi, câu trả lời là sự phát triển kinh tế và xã hội còn thiếu tính đồng bộ và thiếu tính hệ thống. Đây đó chúng ta có những chuyên gia có thực tài, nhưng nhìn chung họ chỉ là những cá nhân đơn lẻ, không đủ để định hình một nền khoa học. Có thể Việt Nam có những bác sĩ phẫu thuật không thua kém Singapore, nhưng chúng ta không có một hệ thống hỗ trợ hậu phẫu để lấy được niềm tin tưởng của bệnh nhân. Có thể chúng ta chỉ giỏi về kỹ thuật, mà kỹ thuật thì chỉ là một trong nhiều khâu quan trọng.
Đánh thức lòng tự trọng dân tộc
Trong vài năm gần đây, người ta đặt câu hỏi tại sao chúng ta có vẻ “thành công” trong chiến tranh nhưng không có thành tích nổi bật trong thời bình. Lịch sử cũng chỉ ra rằng trong thời bình, người Việt Nam không đoàn kết như trong chiến đấu chống ngoại xâm. Đất nước thống nhất gần 40 năm, nhưng lòng người hình như chưa thống nhất. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng rộng hơn. Người Việt trong và ngoài nước chưa thật sự đồng lòng. Tất cả những yếu tố đó chỉ làm suy yếu cộng đồng dân tộc, và làm cho Việt Nam chưa phát triển đúng với tiềm năng dân tộc.
Trong lịch sử cận đại, chưa bao giờ nước ta có một thời gian hoà bình lâu dài như hiện nay. Thế mà cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia nghèo, có thời gian còn nằm trong nhóm nghèo nhất thế giới! Câu hỏi đặt ra là tại sao, và đã có nhiều câu trả lời cũng như cách tiếp cận câu hỏi đó. Tôi nghĩ lý do gần mà chúng ta có thể nhận ra được là chúng ta đã dành quá nhiều sức lực và tài nguyên cho chiến tranh. Đối với các nước lớn, chiến tranh là một cuộc chơi, hay thậm chí là một thương vụ, họ không mấy quan tâm đến thắng thua theo nghĩa kinh điển. Nhưng đối với nước nghèo như Việt Nam thì khi chiến tranh xảy ra là dốc toàn lực toàn tâm để giành thắng lợi. Trong cuộc chiến vừa qua, có trên 50.000 quân nhân Mỹ tử vong, nhưng Việt Nam thì trên 2 triệu người chết. Sau hơn 20 năm chiến tranh thì xã hội có dấu hiệu mệt mỏi cũng là điều không khó hiểu.
Nhưng tại sao có những nước, như Hàn Quốc và Nhật Bản, vươn lên rất nhanh sau chiến tranh, còn Việt Nam thì vẫn còn nghèo? Có ba giả thuyết chính được đề ra để giải thích sự khác biệt về mức độ phát triển kinh tế – xã hội giữa các quốc gia trên thế giới: địa lý – khí hậu, văn hoá, và thể chế. Chúng ta không thay đổi được địa lý, nhưng có thể thay đổi văn hoá và tạo ra một thể chế dung hợp hơn nữa, một thể chế mà trong đó mọi thành viên có cơ hội đóng góp chứ không phải chỉ vài nhóm lợi ích chiếm đoạt tài nguyên và lũng đoạn quốc gia.
Trên đôi cánh tự do
Mối đe doạ lớn nhất đến phát triển đất nước hiện nay là môi sinh và đạo đức xã hội. Nước ta là nước nhỏ (về diện tích), mật độ dân số khá cao, và môi sinh đang xuống cấp nghiêm trọng. Nếu không ngăn chặn hay khắc phục kịp thời, chúng ta sẽ không còn gì để lại cho các thế hệ mai sau. Kinh nghiệm của các nước như Trung Quốc cho thấy phát triển kinh tế nhanh nhưng phá huỷ môi trường sẽ làm cho sự phát triển trả giá rất đắt về lâu dài.
Làm gì để chúng ta vươn lên? Tôi nghĩ chúng ta nên quay lại với một lý tưởng quan trọng của ngày 2.9.1945: tự do. Hai chữ này có thể hiểu rất khác nhau giữa các cá nhân, nhưng ở đây, tôi muốn hiểu tự do theo nghĩa tự do tinh thần, và tự do kinh tế. Giới kinh tế cho rằng tự do kinh tế được xem là động lực và cũng là nguyên khí của phát triển kinh tế xã hội. Do đó, tôi rất tâm đắc với nhận xét của Amartya Sen (nhà kinh tế học gốc Ấn Độ được trao giải thưởng Nobel Kinh tế 1998) rằng phát triển có thể xem như là tự do.
Tự đổi mới
Người ta hay nói đến triết lý phát triển, còn tôi thì suy nghĩ đến nguyên lý phát triển. Tôi nghĩ đến nguyên lý “phát triển bền vững” sẽ là cách phù hợp nhất để Việt Nam đi lên trong bối cảnh hiện nay. Phát triển đi đôi với huỷ hoại môi sinh, hay phát triển mà chỉ lệ thuộc nước ngoài về khoa học và công nghệ, thì không thể xem là phát triển lâu dài được. Do đó, phát triển bền vững có nghĩa là chú trọng chất lượng cuộc sống cho người dân, và đồng thời tăng nội lực dân tộc.
Có danh nhân từng nói đại khái rằng biết được sự thật sẽ làm cho chúng ta tự do. Sự thật có thể không phải lúc nào cũng đẹp, nhưng vẫn là bài học để chúng ta vươn lên. Ở Úc, tôi thấy họ lấy cuộc chiến mà Úc thất trận ra dạy cho học sinh tiểu học và trung học. Họ không mặc cảm vì thất trận. Nhưng họ cũng không hạ thấp đối phương (là cựu thù). Trong sách giáo khoa sử của Úc, tôi không thấy những hận thù trong đó, tất cả sự kiện đều được trình bày bằng một văn phong khách quan và không cảm tính. Tôi được biết ở Nhật, người ta cũng dạy học sinh rằng Nhật từng là nước chiến bại.
Tôi cho rằng, trong việc giáo dục lòng yêu nước, cần phải truyền đạt cho giới trẻ nằm lòng rằng: làm thế nào để không cần đổ xương máu mà vẫn có độc lập. Chuyện quá khứ là quá khứ, nhưng chuyện quan trọng hơn là hiện tại: Việt Nam đang đứng trước một chặng đường đầy nguy cơ: kinh tế, văn hoá, giáo dục, khoa học đều suy thoái, nền tảng đạo đức xã hội lung lay. Để tránh nguy cơ đó, tôi nghĩ mỗi chúng ta phải tự mình đổi mới. Mỗi chúng ta, chứ không ai khác, có nghĩa vụ đưa đất nước đi lên.
GS. Nguyễn Văn Tuấn
Đại học New South Wales, Australia
Theo SGTT.vn
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga