“Thông cáo” về vụ ở Giáo xứ Mỹ Yên: Lại vu khống, kích động
Không những không đứng ra can ngăn những hành động quá khích và vi phạm pháp luật của các giáo dân, chỉ ngay sau 1 ngày xảy ra sự việc, ngày 5/9/2013 Tòa Giám mục lại “sốt sắng” ra cái gọi là “Thông cáo” với nhiều nội dung vu khống và quy chụp, bóp méo sự thật.
Liên quan đến vụ việc hàng trăm giáo dân giáo xứ Mỹ Yên kéo đến trụ sở UBND xã Nghi Phương (Nghi Lộc) bao vây, uy hiếp, dùng đá, gậy gộc, hung khí các loại tấn công cán bộ và người dân đang có mặt tại trụ sở xã khiến hàng chục người bị thương, diễn ra vào ngày 4/9/2013 mà chúng tôi đã phản ánh trong các ngày qua, ngày 5 tháng 9 năm 2013, trên trang thông tin Giáo phận Vinh đã đăng cái gọi là “Thông cáo” của Tòa giám mục Xã Đoài (Giáo phận Vinh) có nội dung:
“Chính quyền Nghệ An đã tổ chức hàng trăm công an, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ và “côn đồ”, với các loại vũ khí và chó nghiệp vụ, gây hỗn loạn và đánh đập dã man bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên khi họ tập trung ôn hòa trước cổng UBND xã Nghi Phương để nhận lại người thân là ông Ngô Văn Khởi và anh Nguyễn Văn Hải. Hai giáo dân này đã bị Công an Nghệ An bắt cóc và giam giữ từ ngày 27/6/2013. Đây được coi là hành vi cố tình che đậy việc bắt người sai pháp luật, trái đạo đức của Công an Nghệ An trong vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trên đường đến Trại Gáo ngày 22/5/2013, đồng thời phủ nhận cam kết thả người của chính quyền các cấp ký ngày 3/9/2013”. Thông cáo này còn cố tình nhấn mạnh “Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi các lực lượng công quyền tràn vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, phá phách bàn thờ tổ tiên, hành hung và bắt người vô tội”.
“Thông cáo” của Tòa Giám mục Xã Đoài trên trang thông tin Giáo phận Vinh |
Là những người trực tiếp có mặt, chứng kiến toàn bộ diễn biến sự việc, chúng tôi khẳng định đây là những thông tin xuyên tạc, vu khống trắng trợn, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận, thậm chí còn đánh lừa cả những giáo dân khiến họ có những hành vi quá khích đã gây ra vụ hỗn loạn chiều 4/9/2013. Vì thế những người dân lương thiện đã bị sai khiến trở thành người vi phạm pháp luật.
Thứ nhất, Tòa Giám mục đã không đưa ra được bất cứ một bằng chứng nào để chứng minh chính quyền đã tổ chức “côn đồ” … đánh đập dã man bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Yên khi họ tập trung ôn hòa trước cổng UBND xã Nghi Phương. Ngay cả trên các trang thông tin Giáo phận Vinh và một số trang mạng phản động đăng những thông tin vu khống cũng không đưa lên được những hình ảnh để khẳng định về cái mà họ gọi là “côn đồ”, đánh đập dã man. Mà chỉ thấy những hình ảnh phản cảm của một số giáo dân quá khích hò hét, ném đá, bao vây trụ sở chính quyền, tràn ra đường tỉnh lộ 34, gây ách tắc giao thông… và những băng rôn, khẩu hiệu với những nội dung kích động, chống đối…
Sự thật là: Vào 8 giờ 30 phút sáng ngày 03/9/2013, hàng trăm giáo dân đã kéo đến trụ sở UBND xã Nghi Phương (Nghi Lộc) đe dọa, phong tỏa trụ sở làm việc và giữ trái pháp luật 6 cán bộ chính quyền huyện và xã và uy hiếp, dùng vũ lực ép Chủ tịch UBND xã Nghi Phương và các cán bộ phải ký tên vào cái gọi là “bản cam kết” đề nghị Công an tỉnh Nghệ An thả hai đối tượng Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải (đây là hai đối tượng đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội gây rối trật tự công cộng, quy định tại Điều 245 Bộ Luật hình sự). Việc bắt hai đối tượng này “thông cáo” của Tòa Giám mục đã bịa đặt là “bị bắt cóc”.
Thực tế, việc tiến hành bắt 2 bị can này được diễn ra công khai, đúng quy trình, quy định của Điều 80 Bộ Luật Tố tụng hình sự. Tại cơ quan điều tra, chính bản thân đối tượng bị bắt cũng đã thành khẩn nhận tội. Như vậy, không thể gọi là “bắt cóc”, “bắt người sai pháp luật”, “trái đạo đức” như “thông cáo” đã vu khống một cách trắng trợn cho Công an Nghệ An.
Còn cái gọi là “cam kết thả người” của ông chủ tịch xã bị đánh đập, uy hiếp, rồi ép buộc ký vào ngày 3/9/2013 không thể xem là “cam kết thả người của chính quyền các cấp”! Trong việc bắt giữ các bị can liên quan đến sự kiện ngày 22/5/2013, chính quyền xã Nghi Phương không đủ thẩm quyền để quyết định việc bắt hay thả, mà việc này là do Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Nghệ An quyết định. Do đó, không thể có chuyện người dân đến “trước cổng UBND xã Nghi Phương để nhận lại người thân là ông Ngô Văn Khởi và anh Nguyễn Văn Hải” như “Thông cáo” của Tòa Giám mục Xã Đoài đã “dụ” một số giáo dân nhẹ dạ.
Hơn nữa, chẳng lẽ chỉ đến để “nhận lại hai người thân” mà cần phải rung chuông huy động hàng trăm người, mang theo hung khí như vậy ? Đã rõ, việc đòi thả 2 người chỉ là cái cớ của kẻ đang có âm mưu gây bất ổn, chia rẽ mối đoàn kết lương – giáo, rồi đổ lỗi, vu khống cho chính quyền.
Sự việc hỗn loạn này xảy ra ngay trước cổng trụ sở UBND xã Nghi Phương và trên tỉnh lộ 34, vậy mà “thông cáo” lại “lôi tuột” các “lực lượng công quyền vào nhà dân, đập vỡ tượng thánh trên bàn thờ, phá phách bàn thờ tổ tiên, hành hung và bắt người vô tội”.
Sự thật là, chúng tôi thấy và đủ bằng chứng khẳng định, một số đối tượng quá khích đã lấy gạch đá (được tập kết từ trước) ở một số nhà gần đó tấn công lực lượng chức năng. Và trong suốt thời gian xẩy ra hỗn loạn, những ngôi nhà này chứa chặt những người quá khích, không kiểm soát được hành vi của mình.
Thứ hai, “thông cáo” còn lớn tiếng “cực lực lên án chính quyền tỉnh Nghệ An dùng bạo lực đàn áp quần chúng nhân dân”, “không tôn trọng sự thật”, “phủ nhận thiện chí đối thoại của Toà Giám mục Giáo phận Vinh trong việc bênh vực quyền lợi người dân, bảo vệ công lý xã hội”.
Nếu chính quyền có ý định đàn áp nhân dân, thì trong thời gian chỉ chưa đầy 1 tuần có đến 3 lần, một số giáo dân quá khích kéo lên UBND xã để gây rối, hành hung, giữ người trái pháp luật, thì liệu những kẻ quá khích ấy có thể ra về bình an bất cứ lúc nào họ muốn được không? Mà ngược lại chính quyền vẫn kiên trì vận động, thuyết phục.
Thậm chí, những cán bộ bị giữ trái pháp luật còn phải “chiều” theo yêu sách của một số đối tượng cực đoan, ký vào cái gọi là “bản cam kết thả người” dù họ biết theo quy định của pháp luật thì “bản cam kết” đó là vô giá trị.
Những hình ảnh trên một số trang thông tin công giáo trái với nội dung của “thông cáo” |
Ở đây, ai là người chăm lo, “bênh vực” cho người dân thì đã quá rõ. Khi ngay sau ngày xảy ra sự việc, hàng trăm giáo dân quá khích gây rối, hành hung, khống chế các cán bộ xã, huyện suốt nhiều giờ đồng hồ, chính quyền xã Nghi Phương vẫn tổ chức cuộc họp quân dân chính mở rộng (vào 2 giờ chiều ngày 4/9/2013) để ổn định đời sống sản xuất của người dân và việc quản lý, điều hành ở địa phương. Nhằm tránh những tình huống xấu xảy ra như ngày 3/9/2013, cuộc họp này có sự bảo vệ của các lực lượng chức năng.
Trong khi cuộc họp đang diễn ra, nhiều giáo dân quá khích kéo về tụ tập trước cổng trụ sở UBND xã, ban đầu họ chửi bới, lăng mạ và la ó nhằm làm gián đoạn cuộc họp. Các lực lượng chức năng đã dùng loa yêu cầu bà con giải tán, không gây mất trật tự. Nhưng, sự việc lại càng như “lửa đổ thêm dầu” khi vào lúc 15giờ 30 phút Giáo xứ Mỹ Yên, Bình Thuận rung chuông nhà thờ, huy động hàng trăm giáo dân mang hung khí tiếp tục kéo đến vây kín đoạn đường tỉnh lộ 34 trước trụ sở UBND xã Nghi Phương. Nhiều đối tượng quá khích vừa chửi bới vừa dùng gạch, đá ném vào phía cán bộ và người dân ở trong trụ sở. Lực lượng chức năng bảo vệ cuộc họp vẫn kiên trì kêu gọi, thuyết phục bà con không nên manh động, gây rối trật tự và cản trở giao thông.
Tuy nhiên, tình hình càng ngày càng nghiêm trọng khi đám đông quá khích liên tục dùng gạch đá, gậy gộc và các loại hung khí (được chuẩn bị từ trước) tấn công quyết liệt khiến nhiều người bị thương nặng. Trước tình hình căng thẳng trên, lực lượng chức năng buộc phải bắt giữ một số đối tượng hung hãn, nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho cán bộ và người dân có mặt tại trụ sở UBND xã Nghi Phương.
Nếu lực lượng công an không kịp thời ngăn cản những hành động quá khích này theo đúng thẩm quyền, chức năng thì chưa biết sự việc sẽ đi đến đâu! Khi sự việc xảy ra, nhiều người dân cả lương và giáo lẫn lực lượng chức năng cũng bị thương và đều được lực lượng y tế sơ cứu tại chỗ, những người bị thương nặng được xe cứu thương chuyển đến bệnh viện.
Thử hỏi trong sự việc này ai là người chủ động khơi mào? Ai là người đi gây rối? Ai là người thiếu thiện chí? Chẳng lẽ những kẻ quá khích mang hung khí kéo đến gây rối và làm loạn tại trụ sở chính quyền địa phương lại được coi là “ôn hòa”, có “thiện chí”. Còn những người bảo vệ chính quyền, những người đến dự họp và làm việc tại trụ sở UBND xã Nghi Phương lại tự đi “gây hỗn loạn” ngay chính trung tâm hành chính của xã chăng?
Buổi chiều xảy ra sự việc ngày 4/9/2013, các cấp chính quyền đã yêu cầu Tòa Giám mục Xã Đoài có mặt để phối hợp giải quyết. Thế nhưng, ngoại trừ sự xuất hiện của linh mục phêrô Nguyễn Xuân Quý – quản xứ Xuân Mỹ vào 17h30 cùng ngày, còn người đứng đầu Tòa Giám mục xã Đoài đã không hề xuất hiện tại hiện trường, thì căn cứ vào đâu để “thông cáo” khẳng định là “chính quyền phủ nhận thiện chí đối thoại của Tòa Giám mục Vinh trong việc bênh vực người dân”.
Không những không đứng ra can ngăn những hành động quá khích và vi phạm pháp luật của các giáo dân, chỉ ngay sau 1 ngày xảy ra sự việc, ngày 5/9/2013 Tòa Giám mục lại “sốt sắng” ra cái gọi là “Thông cáo” với nhiều nội dung vu khống và quy chụp, bóp méo sự thật. Sự việc này cho thấy, không ai khác chính người nhân danh Tòa Giám mục Xã Đoài ra cái gọi là “Thông cáo” mới là người “không tôn trọng sự thật”, vi phạm một trong 10 điều răn của Chúa “không được làm chứng dối, che giấu sự gian dối”.
Thứ ba, không dừng lại ở chỗ vu khống, bóp méo sự thật với những lời lẽ cổ súy, thậm chí kích động như: “khẩn thiết kêu gọi mọi tín hữu Giáo phận Vinh và những người yêu chuộng hòa bình hiệp thông cầu nguyện cho các nạn nhân của vụ đàn áp và lên tiếng bênh vực cho công lý”! mà “Thông cáo” này còn có mưu đồ tạo nên những cuộc hỗn loạn tiếp theo. Nếu thực sự “yêu chuộng hòa bình”, “bảo vệ công lý xã hội”, “bênh vực quyền lợi người dân” thì người ra “thông cáo” này có thể có những lời lẽ theo kiểu “đổ thêm dầu vào lửa” như vậy không?
Với những lời lẽ, việc làm sai trái đó, liệu Tòa Giám mục Xã Đoài đã tuân thủ pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bổn phận dẫn dắt giáo dân vào đường hướng “sống tốt đời đẹp đạo”, “kính Chúa yêu Nước” của Giáo hội Công giáo hay chưa, mà còn lớn tiếng “yêu cầu chính quyền các cấp hành xử theo cách của một Nhà nước pháp quyền”?!
Nhóm PV
Nguồn: CANA
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga