Về bài trả lời phỏng vấn của ông Lê Hiếu Đằng

Người xem: 117

LâmTrực@


Hôm nay xét xử phúc thẩm hai tên nghịch tặc, Phương Uyên và Nguyên Kha. Lại nhân Lê Hiếu Đằng có những đòi hỏi phi lý về thể chế chính trị tại đất nước này. LâmTrực@ xin được đăng lại bài đã viết cách đây vài tháng, để mọi người có thể hiểu đúng về bản chất của một người được những người chống cộng ở hải ngoại gọi là “kẻ trở cờ”.

Tình cờ đọc được bài phỏng vấn Luật sư Lê Hiếu Đằng với tựa đề: “Trấn áp không dập tắt được những tiếng nói yêu nước phản kháng” của Trọng Thành, phóng viên RFA, trên trang Ba Sàm. Là một công dân Việt Nam tôi có mấy điều suy nghĩ xin trao đổi cùng các bạn.


#1. Phản kháng.

Tôi không hề có ý định “chẻ chữ” với ai, mà chỉ có ý diễn đạt cách hiểu của mình như một hiện tượng phản biện xã hội. 

Phản kháng không có gì là xa lạ. Phản kháng chính là một cách phản ứng của người dân với những tác động của xã hội theo chiều hướng ngược lại. Rất đơn giản, tôi không đồng ý, không đồng thuận với ai, thì đó là phản kháng. Mức độ nặng hơn nữa của phản kháng là chống lại.

Hiểu theo nghĩa này, phản kháng dù xuất hiện ở đâu cũng là chuyện bình thường. Theo tôi, thì ngay tại nước Mỹ, nơi được coi là xứ sở của tự do vẫn xuất hiện sự phản kháng. Trước hết, đó là sự không đồng tình của người dân, sau nữa là sự chống đối của họ với các chính sách hay chủ trương của Nhà nước. Phản kháng luôn diễn ra như một quy luật của sự phát triển dù nhà nước có trấn áp hay không trấn áp. Vì thế, ông Đằng nói câu đó tôi cho là đúng quy luật và nhắc lại quy luật, chứ hoàn toàn không có gì mới mẻ.

Vấn đề là ở chỗ ông Đằng nói câu đó để làm gì? Nếu để kích động, và chống lại xã hội ông đang sống, chống lại đất nước, dân tộc đã sinh ra ông thì đó là điều đáng nói. Tôi không bình luận về câu nói của ông trong bối cảnh này.

#2. Mất dân chủ?

Trả lời câu hỏi của phóng viên, ông Đằng cho là: “Phiên tòa sáng nay xét xử nhạc sĩ Việt Khang và nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình thì cũng như tất cả các phiên tòa khác, như phiên tòa xử anh Cù Huy Hà Vũ, hay mới đây xử 3 blogger (Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần và Phan Thanh Hải). Nói là phiên tòa công khai nhưng không khí rất là căng thẳng. Công an dàn lực lượng ra để đối phó với những người đi tham dự phiên tòa. Nếu đã nói công khai minh bạch, tại sao không cho dân người ta tham dự ? Và nếu không cho nhân dân tham dự, thì ít nhất cũng phải cho người thân được tham dự. Nhưng gần đây, có hiện tượng, ngay cả những người thân, ví dụ sáng nay chẳng hạn, những người thân của anh Việt Khang và Trần Vũ Anh Bình lại không được dự. Tôi nghĩ là điều đó là không có dân chủ. Nhất là đối với lực lượng báo chí thì chúng ta cứ cho tham gia, kể cả báo chí nước ngoài nói chung.

Nếu nhà nước thấy rằng việc làm của mình đúng đắn, tự tin, thì mình làm công khai minh bạch, cho nhiều người tham gia càng tốt, thì cái việc làm mình nó sáng tỏ. Còn nếu thấy việc làm chưa đủ tự tin, hay là như thế nào đó, mà lại úp úp mở mở, và dàn hết lực lượng cảnh sát công an ra để ngăn chặn, thì tôi cho là cái này rất là «thất chính trị». Anh có thể thắng, theo nghĩa nào đó, là xử tù người ta. Nhưng cái mất của anh rất lớn, là mất lòng tin của dân, và ảnh hưởng đến uy tín của nhà nước Việt Nam. Nhất là trong thời buổi này, vấn đề nhân quyền, vấn đề bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân tất cả các nước đang là một vấn đề mà người ta đều rất quan tâm với xu thế tiến bộ hiện nay“. 


Tôi có ý kiến thế này:

Một là: sẽ chẳng cần đến lực lượng công an can thiệp nếu như không có những kẻ chuyên rắp tâm lợi dụng để quấy nhiễu, gây sự để chờ những phản ứng tiêu cực của những người có trách nhiệm rồi tung lên mạng, lu loa nói xấu chế độ, và đòi hỏi này khác. Đã hơn một lần tôi chứng kiến những kẻ mà ta quen gọi là quá khích gân sự với nhân viên công quyền. Tất nhiên, sự quá khích đó là có sự chuẩn bị từ trước và có tổ chức. Đứng đằng sau những kẻ này, luôn có nhưng kẻ khác xúi bẩy, sẵn sàng chụp ảnh, ghi âm, quay video để tô vẽ cho cái mà chúng dự định tung lên mạng.

Hai là: Ông bảo phiên tòa úp mở? Ông đã nhầm, hay cố tình không biết? Đây là phiên tòa công khai, người nhà và báo chí được phép tham dự và đưa tin vì thế tin tức vụ này đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, chẳng lẽ ông không đọc báo, nghe đài hay xem ti vi? 

Tất nhiên, những kẻ gây rối hay có nguy cơ gây rối thì dứt khoát không được vào. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người khác và làm mất không khí trang nghiêm của phiên tòa. Quốc gia nào cũng thế thôi ông ạ.

Thứ ba: Ông Đằng nói rằng phiên tòa làm mất lòng tin của người dân. Câu này, tôi không thể đồng ý với ông. Ông định nói đến dân nào? Nếu ông ám chỉ dân là mấy tay vọng ngoại, cõng rắn cắn gà nhà thì có thể đúng với ông. Vì với họ, âm mưu lợi dụng phiên tòa để chống phá không thực hiện được. Nhưng với tôi, với tư cách là người dân Việt Nam, tôi mừng vì đã bỏ tù được bọn tội phạm, bọn cơ hội, lợi dụng dân chủ để chống lại dân tộc. Vì thế, với tôi đó là dân chủ và phù hợp hoàn toàn với luật pháp Việt Nam và điều này tạo cho tôi niềm tin vào chế độ vào dân tộc.

#3. Đấu tranh cho dân chủ và tiến bộ?

Ông Đằng phát biểu: “Tôi cho rằng, đứng trước đòi hỏi chính đáng của người dân, trước phong trào đấu tranh vì dân chủ, vì tiến bộ xã hội, đấu tranh để thực hiện các quyền tự do dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, thì thay vì đáp ứng lại các đòi hỏi chính đáng ấy, cũng như các đòi hỏi về ruộng đất của nông dân, thì chính quyền lại dùng các biện pháp trấn áp. Bắt bớ, đàn áp, đạp vào mặt người biểu tình, bắt người dân, hay đàn áp các cuộc đấu tranh của nông dân Văn Giang, Hải Phòng, Nam Định… hay một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long“.

Tôi đồng ý với ông, đấu tranh vì dân chủ, tiến bộ xã hội là điều nên làm, đó cũng là điều được Nhà nước Việt Nam khuyến khích. Bản thân tôi cũng đang làm điều này mà không hề bị sự cấm cản nào cả. Sự khác nhau chính là phương pháp đấu tranh mà thôi. Tuân thủ pháp luật khi đấu tranh thì sẽ không có bắt bớ, trấn áp nào cả.

Ông cũng thừa biết rằng, nhà nước nào cũng vậy, rất cần đến bộ máy cảnh sát hay an ninh để duy trì trật tự xã hội và chống lại nguy cơ đe dọa đến an ninh quốc gia và có mục tiêu tối thượng là bảo về người dân, bảo đảm chủ quyền và lợi ích của dân tộc. Thử hỏi một xã hội thiếu vắng đi lực lượng này thì xã hội đó sẽ ra sao? Chắc chắn rằng xã hội sẽ loạn. Điểm này, ông sẽ không phản ứng với tôi đâu vì ông là luật sư và hiểu rõ điều đó hơn tôi.

Tôi đồng tình với ông rằng người dân có quyền đấu tranh vì dân chủ nhân quyền như Hiến pháp đã quy định. Nhưng không có Hiến pháp của bất kể quốc gia nào cho phép người dân đấu tranh bằng bạo lực hoặc sử dụng cách thức vô văn hóa để thực hiện quyền đó của mình. 

Ông thừa biết thời gian qua, những người mà theo ông là đấu tranh vì dân chủ, nhân quyền là ai, và người dân Việt Nam chân chính cũng không lạ. Họ kéo đến trụ sở cơ quan công quyền, tụ tập ở những nơi công cộng la hét, chửi bới, xúc phạm những nhân viên công lực. Thậm chí, có kẻ còn cố ý gây gổ để tạo cớ gây bạo loạn, có kẻ còn tự rạch mặt ăn vạ kiểu Chí Phèo bất chấp lời khuyên và sự nhẫn nại của những người có trách nhiệm; số khác khỏa thân hoặc mặc áo cờ Tổ quốc (Đó là sự xúc phạm đến Quốc kỳ) để bêu xấu chính quyền. Vậy đó là cách thức đấu tranh vì dân chủ ư? Tôi không tin đó là dân chủ. Vì hành động đó, làm ảnh hưởng đến xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người dân khác trong đó có tôi.

Tôi đã chứng kiến vài cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược biển đảo của chúng ta. Tôi cực kỳ phẫn nộ trước lối hành xử côn đồ của phía Trung Quốc. Tôi ủng hộ những người xuống đường vì mục đích phản đối Trung quốc xâm lược, nhưng tôi phản đối những người lợi dụng biểu tình chống Trung quốc để bêu xấu nhà nước, chống đối chính quyền hoặc đánh bóng tên tuổi bản thân một cách vô sỉ. Nhìn lại những cuộc biểu tình trên, có vài ba cuộc ban đầu còn giữ được mục đích cao đẹp của nó. Những cuộc biểu tình sau, không nói thì ông cũng biết đó là những kẻ phá hoại đất nước chứ không phải yêu nước chân chính. 

Ông cũng thừa biết rằng, để bảo vệ đất nước, chúng ta cần đến sức mạnh của cả dân tộc, trong đó có sức mạnh quốc phòng, sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh của ngoại giao. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sử dụng ngoại giao như một con đường giải quyết các xung đột lãnh thổ đang là xu thế của thời đại. Tôi không phủ nhận, biểu tình cũng là biểu dương sức mạnh và thái độ của chúng ta đối với việc giải quyết xung đột, nó gửi tới bạn bè quốc tế và ngay cả Trung Quốc rằng, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Nhưng, cái gì cũng có chừng mực của nó, lạm dụng hoặc đi quá xa sẽ phản tác dụng. Chúng ta không thể cứ kêu gào, hò hét, giương biểu ngữ là bảo vệ được lãnh thổ. Chính tôi sẽ xuống đường biểu tình khi cần thiết nếu nó góp phần cộng hưởng sức mạnh cho dân tộc.

Ông cũng biết rõ có một số kẻ kêu gào rằng, nhà nước hèn hạ khi không có phản ứng gì trước hành động hung ác của quân xâm lược. Tôi nghĩ ông đã quá lời và tôi không nghĩ như ông. Nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của dân tộc, nhưng không nhất thiết phải báo cáo với mọi công dân, trong đó có ông rằng họ làm như thế nào, họ tiến hành ra sao. Vì thế, những kết luận vội vàng của các ông cần xem lại.

#4. Bản án nặng hay nhẹ?

Ông Lê Hiếu Đằng, trả lời rằng bản án dành cho những kẻ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân trong thời gian gần đây là quá nặng. 


Xin lưu ý ông là một luật sư. Tội nặng hay nhẹ ông không thể phán xét, càng không thể cảm nhận, chỉ có tòa án mới có quyền đó. Chúng tôi thấy rằng, những con sâu mọt đó, xứng đáng với bản án mà pháp luật hiện hành dành cho họ. Tất nhiên bản án đó là thái độ của cả một dân tộc đối với những kẻ phản bội lại lợi ích của chính dân tộc mình.

Ông Đằng cũng nói rằng: “Với việc sử dụng tòa án, trấn áp anh cũng không dẹp tắt được ngọn lửa yêu nước của nhân dân Việt Nam đâu. Nó sẽ bùng lên thôi chứ không thể nào dập tắt được. Tôi nghĩ như vậy“. 

Tôi và nhiều người khác cho là ông đã quá hợm mình và xúc phạm đến người dân Việt Nam khi nghĩ và tuyên bố rằng, chỉ có những người khiếu kiện, những người đi biểu tình, những người viết Blog, những kẻ lợi dụng văn học nghệ thuật chửi bới chế độ mới là yêu nước.

Chúng tôi không so sánh lòng yêu nước của chúng tôi với ông, nhưng chúng tôi có quyền thể hiện lòng yêu nước theo cách của mình. Theo tôi, trước hết mọi hành động của chúng ta cần phải tôn trọng luật pháp và quy tắc ứng xử xã hội, sau nữa là hành động cho đúng bổn phận của một công dân. Điều này chắc chắn ông sẽ phải đồng tình với tôi vì ông là một luật sư.

#5. Trấn áp kiểu phát xít?

Một điều cuối cùng xin nói với ông Lê Hiếu Đằng, ông nói rằng, nhà nước trấn áp người dân kiểu phát xít. Đến đây tôi thấy thất vọng về ông ghê gớm. 

Xin hỏi ông, những kẻ chống đối điên cuồng, cực đoan và thiếu văn hóa liệu có cần đến xích sắt hay không? Tôi không trả lời hộ ông, nhưng ông hãy xem phim ảnh nước ngoài, xem thời sự quốc tế xem cảnh sát của họ ứng xử như thế nào đối với những kẻ quá khích nhé. Nếu không có vòi rồng, dùi cui, võ thuật, súng to súng nhỏ.v.v..tôi không làm người. 

Cuối cùng, xin chúc ông khỏe và bình tâm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *