PV VÕ THANH TÙNG VIẾT THƯ HỐI LỖI, THỪA NHẬN SAI PHẠM

Người xem: 155

Bị can Tùng viết thư hối lỗi, thừa nhận sai phạm 

Do đã nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nên Võ Thanh Tùng đã khai báo thành khẩn về việc làm của mình, bởi theo Tùng viết: “Tôi đã tự nguyện khai báo tất cả các nội dung sự việc với mong muốn sửa chữa các sai lầm, khắc phục các vi phạm. Tôi biết việc vi phạm pháp luật của tôi sẽ bị Nhà nước trừng trị. Nhưng việc trừng trị để cho tâm hồn tôi được thanh thản nên tôi sẵn sàng chấp nhận”. 

Chiều 16/8, Viện KSND tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, tạm giam đối với 3 đối tượng: Võ Thanh Tùng, 31 tuổi; Nguyễn Văn Tài, 21 tuổi; Dương Văn Minh, 24 tuổi, cùng trú tại xã Thiện Tân (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Đáng tiếc rằng, Võ Thanh Tùng là một nhà báo khá nổi danh của Báo Pháp luật TP HCM với bút danh Duy Đông. Tùng đã có những bài viết được đánh giá là gây dư âm, thậm chí đã được giải báo chí về đề tài chống tiêu cực. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, Tùng đã không giữ được chữ “tâm” của nhà báo, lại sử dụng chính những phát hiện tiêu cực của mình để cưỡng đoạt tài sản của nhiều người khác. Để đến lúc này, khi sa vào vòng lao lý, chính bị can đã phải thốt lên rằng “Tôi đã không chiến thắng được những cám dỗ của vật chất!”.

Theo thông tin chính thức từ cơ quan CSĐT – Bộ Công an, hồi 12h15 ngày 7/8, tại khách sạn Wooshu (TP Biên Hòa, Đồng Nai), cơ quan Công an đã bắt quả tang Võ Thanh Tùng đang nhận 50 triệu đồng của một chủ quán bar trên địa bàn TP Biên Hòa.

Tại cơ quan CSĐT, Tùng khai nhận được Ban biên tập Báo Pháp luật TP HCM phân công thu thập tin tức, nắm tình hình và viết bài về sai phạm trong lĩnh vực xã hội tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Để thực hiện nhiệm vụ được phân công, Tùng cùng với Nguyễn Văn Tài, Dương Văn Minh đã xâm nhập vào hầu hết các quán bar trên địa bàn TP Biên Hòa để thu thập tài liệu viết bài. Đáng chú ý, Tài hiện đang là sinh viên của Trường Đại học Đồng Nai, còn Minh là nhân viên tổ trật tự quản lý đô thị phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, được Tùng tự tuyển làm cộng tác viên cho mình.

Trong quá trình tác nghiệp, Tùng đã phát hiện tại một số quán bar có biểu hiện múa cột, dùng ma túy. Sau đó, từ các tài liệu thu thập được, Tùng đã viết loạt bài “Vào quán bar xem múa cột” để đăng trên Báo Pháp luật TP HCM. Nội dung bài báo này tập trung vào các sai phạm của quán bar MTM (K30, khu phố 7, phường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa).


Từ trái qua: Dương Văn Minh, Nguyễn Văn Tài và Võ Thanh Tùng.
Sau khi bài báo đầu tiên được đăng trên Báo Pháp luật TP HCM, anh Trần Thế Duy Thanh, chủ quán bar MTM đã liên hệ với Tùng xin được gặp mặt để thương lượng không tiếp tục đăng bài về quán của mình nữa. Tùng thông báo luôn cho anh Thanh biết, sẽ tiếp tục đăng cả loạt, 4 kỳ về những sai phạm của quán bar MTM trên Báo Pháp luật TP HCM. Nếu anh Thanh chịu gặp người của Tùng sớm thì Tùng sẽ không cho đăng tiếp kỳ 2. Và Tùng yêu cầu anh Thanh liên hệ giải quyết việc này với phóng viên Hiền Khang (bút danh của Nguyễn Văn Tài).

Theo yêu cầu của Tùng, anh Thanh đã 2 lần gặp gỡ 2 cộng tác viên của Tùng là Tài và Minh tại các quán cà phê trên địa bàn TP Biên Hòa. Lần thứ nhất vào ngày 29/7 tại quán cà phê Vàng, lần 2 ngày 30/7 tại quán cà phê Pop. Trong 2 lần gặp mặt này, anh Thanh đã phải đưa “lót tay” trước cho bọn Tùng, Tài, Minh 15 triệu đồng. Tuy nhiên, để giải quyết “việc chính” là dừng đăng các bài báo tiếp theo, các đối tượng yêu cầu anh Thanh phải đưa 10 nghìn USD.

Sau lần gặp thứ 2, Tùng chỉ đạo Tài liên tục gọi điện đe dọa, thúc giục anh Thanh phải chuyển tiền vào tài khoản của Tài. Rồi Tùng lại thay đổi ý định, yêu cầu anh Thanh phải đưa 200 triệu đồng cho Tùng. Do quá sợ và lo ảnh hưởng đến việc kinh doanh của quán bar, anh Thanh đã phải rút 200 triệu đồng tại ngân hàng để đưa cho Tùng, đồng thời anh gửi đơn tố cáo đến cơ quan CSĐT Bộ Công an để nhờ cơ quan Công an can thiệp.

Buổi sáng 7/8, Võ Thanh Tùng hẹn anh Thanh đến khách sạn Wooshu để giao 200 triệu đồng. Khi anh Thanh đến và giao số tiền trên cho Tùng, vì phát hiện camera trong khách sạn đang hướng về mình nên Tùng chưa nhận tiền. Tùng rút một tập (50 triệu đồng) bên dưới, ra ký hiệu cho anh Thanh mang vào phòng VIP ở gần đó để đưa cho kín đáo. Khoảng 12h30 cùng ngày, Võ Thanh Tùng bị cơ quan CSĐT – Bộ Công an bắt quả tang trong túi quần có số tiền 50 triệu đồng vừa nhận của anh Thanh tại tầng 6 khách sạn Wooshu.

Ngay sau khi Tùng bị bắt quả tang, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở của Võ Thanh Tùng, ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Nguyễn Văn Tài, Dương Văn Minh vì đồng phạm với Tùng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản. Khám xét nơi ở của Tùng, cơ quan Công an đã thu giữ được nhiều tài liệu, phương tiện, thiết bị, các dữ liệu liên quan đến hành vi phạm tội của 3 đối tượng trên và một số đối tượng khác.

Kết quả đấu tranh ban đầu, Võ Thanh Tùng, Nguyễn Văn Tài, Dương Văn Minh đều khai nhận đã bàn bạc, phân công nhau cùng thực hiện hành vi cưỡng đoạt tiền của anh Thanh. Đặc biệt, qua mở rộng điều tra, cơ quan CSĐT đã làm rõ Tùng và các đồng phạm đã lợi dụng hoạt động báo chí để gây ra một số vụ vi phạm pháp luật khác, thu lợi hàng trăm triệu đồng. Chẳng hạn, sau khi viết bài “Rừng quanh Vườn quốc gia Cát Tiên ngày đêm chảy máu”, Tùng đã đứng luôn ra mua gỗ trái phép từ rừng Đạ Tẻh, Lâm Đồng để vận chuyển về Đồng Nai tiêu thụ. Hiện cơ quan CSĐT đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án…

Khi nghiên cứu vụ việc này, quả thực, chúng tôi cũng thấy xót xa. Võ Thanh Tùng là một phóng viên trẻ, xông xáo, có “nhãn quan” của người làm báo, biết phát hiện những tiêu cực trong cuộc sống. Tùng đã có hàng loạt bài viết về chống tiêu cực trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lĩnh vực bảo vệ rừng được dư luận quan tâm, chú ý. Thậm chí, Tùng đã đoạt giải nhất thể loại tin, ảnh báo chí, của giải báo chí TP HCM, với tác phẩm “Cướp lại 2,2 tấn thịt bò bẩn bị tiêu hủy”. Một phóng viên trẻ có tiềm năng như thế, tiếc thay, đã đánh mất mình vì sự cám dỗ của đồng tiền.

Lá thư xin lỗi của Võ Thanh Tùng.
Sau khi bị bắt, Tùng cũng rất ân hận và nhận thức được những hành vi của mình là vi phạm pháp luật. Trong bức thư xin lỗi bạn đọc gửi đến Ban biên tập Báo Pháp luật TP HCM, Tùng đã chua xót viết: “Khi bạn đọc biết đến tôi như một nhà báo, phóng viên đã dũng cảm đấu tranh, chống tiêu cực thì chính những lúc này, tôi đã phải đối mặt với hình phạt của pháp luật khi không chiến thắng được những cám dỗ của vật chất. Chính tôi đã lợi dụng các bài báo trên để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng là phóng viên để tác động vào các hoạt động đúng đắn của Nhà nước để trục lợi cá nhân. Việc làm trên của tôi đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Báo Pháp luật TP HCM nói riêng và hình ảnh của người làm báo, cũng như tôi đã làm xấu đi hình ảnh của tôi trong lòng bạn đọc…”.

Do đã nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật nên Võ Thanh Tùng đã khai báo thành khẩn về việc làm của mình, bởi theo Tùng viết: “Tôi đã tự nguyện khai báo tất cả các nội dung sự việc với mong muốn sửa chữa các sai lầm, khắc phục các vi phạm. Tôi biết việc vi phạm pháp luật của tôi sẽ bị Nhà nước trừng trị. Nhưng việc trừng trị để cho tâm hồn tôi được thanh thản nên tôi sẵn sàng chấp nhận”.

Võ Thanh Tùng đã gửi lời xin lỗi đến tất cả bạn đọc và Ban biên tập Báo. Chúng tôi tin rằng, đó là những lời xin lỗi tận đáy lòng như bị can nói. Nhưng chúng tôi vẫn mong rằng, tất cả những người làm báo, đừng bao giờ phải nói lời xin lỗi muộn màng ấy. Bởi khi người phóng viên đã lợi dụng hoạt động báo chí để vi phạm pháp luật, không chỉ bản thân họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật, mà tai hại hơn, họ đã tạo ra dư luận không tốt trong quần chúng nhân dân, ảnh hưởng đến hoạt động đúng đắn của một đội ngũ những người làm báo luôn dũng cảm đấu tranh chống tiêu cực, cố gắng xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn…
Nguồn: www.cand.com.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *