Việc viết lại sách giáo khoa phổ thông hãy để cho các nhà giáo dục lo liệu, kẻ ngoại đạo chớ có can thiệp vào! Rách việc lắm!
Bùi Đức (NLM số 239)
Cách đây 1 năm, dư luận rộ lên những ý kiến lo lắng đề án của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc dự chi 70.000 tỉ đồng để viết sách giáo khoa mới. Sau cuộc hội thảo “Trí thức thủ đô với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam” thì dư luận đã tạm thời lắng xuống. Bởi tại cuộc hội thảo này, các giáo sư đầu ngành, những người tâm huyết với giáo dục đã phân tích thực trạng, đề xuất phương án, hướng đi phù hợp cho ngành giáo dục hiện nay. Và đề xuất viết sách giáo khoa cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp mà hầu hết đều khẳng định: “Không cần đến 70.000 tỉ đồng để viết sách giáo khoa mới!”.
Theo lộ trình được đề xuất thì năm 2015 mới bàn tiếp về đổi mới giáo dục phổ thông và làm thí điểm, rồi sau đó mới viết lại sách giáo khoa. Thế nhưng, cách đây mấy ngày, trên kênh truyền hình VTV lại có hai vị khách mời say sưa bàn về vấn đề này. Nói lại chuyện cũ đã là việc không cần thiết lúc này nhưng những giải pháp mà các vị đưa ra lại đáng phải xem xét lại bởi nó rất lạ đời. Một vị là giáo sư có tên tuổi nhưng không phải chuyên gia về lĩnh vực làm sách giáo khoa; vị khách thứ hai là đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng. Chủ thể để bàn về viết sách giáo khoa mà lại là người ngoại đạo thì làm sao ý kiến có tính khả thi bằng các chuyên gia suốt đời cống hiến cho công việc đó. Vậy hai vị đã nói những gì?
Sau nửa giờ đồng hồ “diễn” trên sóng truyền hình, vị giáo sư và nhà đạo diễn điện ảnh nêu ra nhiều ý kiến xung quanh việc đổi mới sách giáo khoa. Nhưng có một ý kiến rất mới lạ là hãy để cho mọi người đều tham gia vào việc viết sách giáo khoa rồi sau đó chọn lọc, thử nghiệm để đưa vào chương trình giảng dạy chính thức! Một sáng kiến gây sốc cho những người làm giáo dục. Ngay sau khi xem chương trình này, PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó giám đốc Trường ĐH Quốc gia Hà Nội đã nói: “Tại sao việc viết sách giáo khoa mà lại để cho mọi người cùng tham gia được. Tôi thấy lạ và thực sự ngạc nhiên với ý kiến của hai vị đó”.
Quả thật, chỉ nghe giới thiệu danh tính của hai vị khách mời này thì những người không công tác trong ngành giáo dục cũng đã thấy cuộc trao đổi, hiến kế không có tính thuyết phục rồi. Huống chi những chuyên gia trong ngành chả bức xúc! Vị giáo sư chỉ chuyên giảng dạy theo giáo trình và chương trình đã được quy định chứ không phải chuyên gia viết sách.
Còn đạo diễn điện ảnh Lê Hoàng thì chỉ nổi tiếng ở lĩnh vực đạo diễn phim, tên tuổi của ông gắn liền với nhiều bộ phim được giải thưởng. Nhưng vài năm gần đây, Lê Hoàng đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác chẳng có liên quan gì đến công việc chuyên môn của mình. Ông tham gia ban giám khảo các cuộc thi khiêu vũ, thi giọng hát hay và tại các sự kiện ấy, ông cũng nhiều lần bị khán giả và thí sinh phê phán bởi trình độ chuyên môn. Hiện nay ông còn tham gia dẫn chương trình “Chuyện đêm muộn” trên VTV3, chuyên nói về tình yêu, tình dục. Có hôm, ông quên vai trò của người dẫn chương trình nên nói nhiều hơn cả người được phỏng vấn. Do ông không chuyên sâu những lĩnh vực này nên nhiều chương trình rất tẻ nhạt, tầm phào. Thế mà giờ đây, ông lại tham gia ý kiến cho việc viết sách giáo khoa nữa. Những người tổ chức sự kiện và chương trình giải trí không tìm đâu ra người khác hay sao mà chỗ nào cũng thấy Lê Hoàng xuất hiện? Chẳng lẽ nhà đạo diễn điện ảnh này đa tài đến thế?
Trở lại vấn đề viết sách giáo khoa phổ thông, chúng ta hãy xem các nhà giáo và các chuyên gia bậc lão làng trong nghề nói gì. GS Nguyễn Lân Dũng (Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn khoa học – giáo dục, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) nêu ý kiến: “Việc in sách giáo khoa nên để cho từng nhóm tác giả và từng nhà xuất bản làm. Còn việc lựa chọn bộ sách nào để giảng dạy, để học là tùy thầy cô và học sinh. Chỉ có cạnh tranh khoa học, lành mạnh như vậy mới mong sớm có được những bộ sách giáo khoa tốt. Nên dựa vào các hội khoa học chuyên ngành để lựa chọn những chuyên gia giỏi, kết hợp với thầy cô giáo có kinh nghiệm lâu năm, biên soạn ngay một chương trình mới. Bộ GD&ĐT chỉ cần xin chương trình phổ thông của những nước đáng học hỏi để tham khảo kinh nghiệm… Chương trình sau khi biên soạn xong thì đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trước khi thông qua hội đồng quốc gia đầy đủ tín nhiệm. Bộ sách nào hay sẽ được tái bản nhiều lần và ngược lại. Tôi mong việc này có thể làm ngay mà không cần phải chờ đến năm 2015”.
Hơn 40 năm làm nghề dạy học, Nhà giáo nhân dân Khổng Doãn Điền cho rằng, không nên coi sách giáo khoa là trọng tâm của đổi mới giáo dục và càng không thể đồng tình với dự án đổi mới sách giáo khoa với số tiền 70.000 tỉ đồng, trong khi đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn mà Đảng và Nhà nước cũng đã dành cho giáo dục nhiều ưu ái. Số tiền dự định làm sách giáo khoa nên dành để đầu tư trường, lớp và cho vùng sâu, miền núi. Tôi đã nhiều lần chứng kiến sự gian khổ của các thầy cô giáo miền xuôi lên cắm bản, cần phải dành cho họ sự ưu tiên nhất định, nếu không làm được việc đó thì chưa thể đổi mới.
Là một trong những người đầu tiên tham gia viết sách giáo khoa từ năm 1956, Nhà giáo nhân dân Lê Hải Châu cho biết: “Lúc bấy giờ, sách giáo khoa thường có ít nhất 2 người biên soạn, khi cần có thể mời thêm một số giáo viên giỏi tham gia. Chúng tôi cũng tham khảo thêm chương trình của một số nước. Sau đó cử một số tổ trưởng các môn dạy thí điểm tại các trường. Nhờ đó mà kịp thời chỉnh lý nội dung kiến thức, phương pháp trình bày sao cho dễ nhớ, dễ hiểu, gắn với thực tiễn và vận dụng tốt.
Bây giờ sách giáo khoa phải cùng lúc biên soạn chương trình mới ở tất cả các môn từ lớp 1 đến lớp 10 và viết sách tập trung, không làm kiểu cuốn chiếu hoặc chia giai đoạn. Trong quá trình viết, phải luôn trao đổi với nhau giữa các môn, các cấp, kể cả giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Cần phải huy động một đội ngũ cán bộ, giáo viên thực sự giỏi chuyên môn và có nhiều kinh nghiệm sư phạm để viết sách giáo khoa, tránh để sai kiến thức, đưa vào những nội dung rườm rà, vô bổ, không thiết thực, mâu thuẫn, diễn đạt khó hiểu như sách giáo khoa hiện hành”.
Chỉ qua mấy ý kiến đóng góp trên đây, chúng ta cũng thấy rõ 2 điều: một là việc viết sách giáo khoa phải giao cho những chuyên gia và giáo viên giỏi, nhiều kinh nghiệm trong ngành giáo dục; hai là không cần thiết phải chi 70.000 tỉ đồng như đề án của Bộ GD&ĐT.
Từ xưa, các cụ ta đã có câu “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Làm việc gì phải hiểu rất rõ về việc đó, phải tinh thông nghiệp vụ thì mới bảo đảm chất lượng công việc, nghĩa là phải có nghề. Một người không thể giỏi nghề này lại nhảy sang làm ngay nghề khác mà không được học hành, không có thâm niên tích lũy kinh nghiệm. Cũng không có ai lại hiểu biết và giỏi nhiều nghề. Câu ví “một nghề thì sống, đống nghề thì chết” là nói về những người tham lam, ôm đồm, việc gì cũng làm và không thành công ở lĩnh vực nào cả. Thực tế cho thấy, đã có nhiều cán bộ được xếp nhầm vị trí, không phát huy được sở trường nên liên tiếp thất bại trong thừa hành công vụ. Họ càng tích cực làm thì càng hỏng việc nặng. Những người dốt nát mà được giao làm những việc quan trọng nữa thì trở thành kẻ phá hoại. Lê-nin đã đúc kết: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt trở thành sức mạnh phá hoại” là thế.
Cho nên, việc viết lại sách giáo khoa phổ thông hãy để cho các nhà giáo dục lo liệu, kẻ ngoại đạo chớ có can thiệp vào! Rách việc lắm!
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga