ĐỐI THOẠI VÌ HÒA BÌNH

Người xem: 183

Phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây tiếng vang tại Hội nghị Shangri-La 12.
Từ các vấn đề an ninh Ðông á tới thúc đẩy hợp tác kinh tế châu Âu, hay đối thoại về đa văn hóa toàn cầu… thế giới tuần qua đã chứng kiến nhiều cuộc đối thoại quy mô lớn. Dù chủ đề, lĩnh vực và thời điểm khác nhau, song các diễn đàn đối thoại đều có điểm chung là hướng tới mục tiêu hòa bình, thịnh vượng và phát triển.

1. Tâm điểm chú ý của dư luận tuần qua là Hội nghị an ninh châu Á lần thứ 12 (Ðối thoại Shangri-La 12), diễn ra từ ngày 4-6, tại Xin-ga-po (Singapore). Ðối thoại Shangri-La 12 có sáu phiên họp toàn thể với các chủ đề: các thách thức an ninh mới ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; sự phân phối quyền lực mới tại châu Á và tác động của nó với khu vực; lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc; đối phó với những thách thức an ninh biển mới; xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất. Trong hội nghị, vấn đề an ninh biển đã được các đại biểu cũng như các học giả đặc biệt quan tâm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng, và Bộ trưởng Quốc phòng – Ðại tướng Phùng Quang Thanh cùng Ðoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam cũng tham dự hội nghị này. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, phát biểu dẫn đề của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đúng với kỳ vọng của tất cả các quốc gia, và đã trở thành tâm điểm của hầu hết các ý kiến về việc tăng cường xây dựng, củng cố lòng tin chiến lược, từ đó giảm thiểu các nguy cơ, thách thức và nâng tầm hợp tác vì hòa bình, ổn định, thịnh vượng ở khu vực.

2. Song song với Ðối thoại Shangri-La 12, Hội nghị cấp cao Nga – EU (Liên hiệp châu Âu) lần thứ 31, diễn ra trong hai ngày 3 và 4-6, tại TP Ê-ka-tê-rin-bua (Nga), cũng rất “nóng bỏng”.

Với sự tham dự của Tổng thống Nga V.Pu-tin (V.Putin), Chủ tịch Hội đồng châu Âu H.Rôm-pơi (H.Rompuy) và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) G.Ba-rô-xô (Baroso), trong hai ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo Nga – EU đã trao đổi về nhiều vấn đề kinh tế và an ninh thế giới. Các vấn đề được đưa ra trong phiên họp toàn thể này là cơ sở mới cho thỏa thuận giữa Nga và EU về thương mại song phương và năng lượng, quan hệ hợp tác trong lĩnh vực vận tải hàng không (trong đó có vấn đề chuyển giao dữ liệu cá nhân của hành khách và vấn đề quy chế miễn thị thực cho công dân nhập cảnh trong thời gian ngắn).

Chương trình nghị sự tại hội nghị lần này cũng như các hội nghị thường kỳ gần đây cho thấy: bất chấp một số khác biệt, Nga và EU đang ngày càng cần nhau hơn. Giới phân tích cho rằng, việc hai đối tác lớn như Nga, EU “chung tay” trong các vấn đề quốc tế chắc chắn sẽ có lợi cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Âu nói riêng và thế giới nói chung.

3. Hai quốc gia lớn ở Bắc Mỹ cũng không “đứng ngoài” guồng quay chung. Ngày 3-6, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố treo giải thưởng lên tới 23 triệu USD cho những ai có thể cung cấp thông tin nhằm bắt giữ năm thủ lĩnh hàng đầu của các nhóm khủng bố đang hoành hành ở châu Phi.

Trong khi đó, Ca-na-đa (Canada) thông báo đã chuẩn bị xong một danh sách các trang thiết bị hỗ trợ cho Goa-tê-ma-la (Guatemala) nhằm giúp quốc gia này cải thiện tình hình an ninh, như một phần trong cam kết hợp tác giữa Ca-na-đa và tất cả các nước láng giềng cải thiện an ninh toàn khu vực. Ngoài ra, qua chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mắc Kây (Peter McKay), Ca-na-đa cũng tỏ ý sẵn sàng chìa tay thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Trung Quốc.

4. Một sự kiện đáng chú ý khác là Diễn đàn đối thoại đa văn hóa toàn cầu lần thứ hai, với phương châm “Cùng sống trong thế giới đa văn hóa”, đã khai mạc tại Thủ đô Ba-cu (Baku) của A-déc-bai-gian. Tham gia diễn đàn dưới sự bảo trợ của Tổng thống A-déc-bai-gian I.A-li-ép (I.Aliyev) này gồm lãnh đạo hàng loạt tổ chức quốc tế có khả năng định hình các khuynh hướng văn hóa, chính trị thế giới, trong đó có Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Hồi giáo (ISESCO), đại diện giới tinh hoa chính trị, khoa học và sáng tạo đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ðối tác chính của diễn đàn năm nay là UNESCO, ISESCO, Liên minh các nền văn minh thuộc LHQ, Hội đồng châu Âu và Tổ chức Du lịch thế giới.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận phương thức tổ chức và phát triển đối thoại đa văn hóa, các vấn đề giao thoa văn hóa, thái độ khoan dung đối với sự đa dạng văn hóa, vai trò của du lịch trong việc bảo đảm sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc trên thế giới. Việc tổ chức Diễn đàn đối thoại đa văn hóa toàn cầu tổ chức hai năm một lần, được coi như bước khởi đầu để hình thành những định hướng nhân văn mới trong hệ thống quan hệ quốc tế toàn cầu.
TRÀNG AN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *