TRANH LUẬN VỀ HIẾN PHÁP VỚI BBC

Người xem: 143

Lê Dân 

Nhân đọc bài viết của tác giả Trần Đức Tuấn trên BBC:

Tôi có một số ý kiến như sau:
Điểm sáng
Bài viết đưa ra luận điểm thứ nhất đã được giới luật học quốc tế thừa nhận là: “Cơ chế bảo hiến”. 
Thực ra đây là sự khẳng định một chân lý nhưng chưa có gì mới.
Luận điểm thứ hai: “chính quyền không được thiết lập bởi hiến pháp là một chính quyền không chính nghĩa”.
Tuy nhiên, với luận điểm này, tác giả cần nhớ rằng: trong lịch sử nhân loại, các chính quyền đầu tiên mở ra một chế độ mới thường không phải được thành lập thông qua bầu cử mà thông qua các cuộc cách mạng, đấu tranh giữa các giai cấp. Ngay cả nhà nước tư sản đầu tiên cũng được hình thành từ những cuộc đấu tranh như thế. 
Và rõ ràng, cái gọi là “hiến pháp” (do chế độ phong kiến đặt ra) nếu có cũng không bao giờ thừa nhận tính “hợp hiến” của chính quyền mới được thiết lập (vì nó mâu thuẫn với chính quyền cũ). Do vậy, thông thường các chính quyền đầu tiên xuất hiện trước, sau đó mới soạn thảo ra hiến pháp. Còn các chính quyền tiếp theo phải hợp hiến.
Luận điểm thứ ba: “hiệu lực của hiến pháp thường phụ thuộc vào mức độ tôn trọng nó từ nhà cầm quyền”. 
Về điểm này, tác giả đã thừa nhận vai trò quyết định của chính quyền trong việc tôn trọng hiến pháp. Nếu như hiến pháp chỉ là “khế ước xã hội” có trước chính quyền (theo tác giả) thì hiến pháp đó không có hiệu lực với chính quyền đương thời nếu nó không đáp ứng được ý chí của giai cấp thống trị. 

Hiến pháp là luật pháp, mà luật pháp thì phải bắt buộc thực thi bởi sức mạnh của quyền lực. Một khi nó không đảm bảo tiêu chí đó thì cái “khế ước xã hội” đó không thể là hiến pháp.
Luận điểm thứ tư: “giá trị của luật pháp là phương tiện hỗ trợ chính quyền trong phụng sự nhân dân”. 

Điểm này cần làm rõ: 1 – chính quyền sử dụng luật pháp để quản lý xã hội; 2 – Mục đích tối thượng của chính quyền là phục vụ nhân dân.
Như vậy, xoay quanh các luận điểm trên, dù không chủ ý (hoặc không muốn) nhưng nó đều chứng minh một điều: Hiến pháp luôn gắn liền với quyền lực nhà nước.
Điểm mờ
Tác giả đưa ra luận điểm: “hiện nay, hiến pháp là tổng hợp các nguyên tắc, quy định để thiết lập và chi phối chính quyền”. 
Luận điểm này không sai nhưng chưa đầy đủ. Hiến pháp với tư cách là một đạo luật cơ bản, là “luật mẹ” của quốc gia thì nó không chỉ dừng lại ở việc thiết lập và chi phối chính quyền, mà hiến pháp còn là đạo luật ghi nhận những quyền cơ bản của công dân.
Luận điểm: “hiến pháp thành văn và hiến pháp không thành văn” theo tôi chưa thuyết phục. 
Tác giả viện dẫn trong trường hợp các quốc gia áp dụng “hiến pháp không thành văn” với “hệ thống chính quyền xuyên suốt và phức hợp”, đồng thời dẫn “nguồn của hiến pháp” từ các đạo luật của nghị viện, quyết định của tòa án và thậm chí là các nguyên tắc do thủ tướng ban hành. 
Đây là luận điểm còn nhiều tranh cãi. Luận điểm này còn mâu thuẫn với chính luận điểm mà tác giả đưa ra. Nếu như một quốc gia áp dụng “hiến pháp không thành văn” thì làm sao lại có thể dẫn nguồn của hiến pháp? Hiến pháp là một đạo luật (trích dẫn lời tác giả) mà lại không tồn tại các điều luật thì đó có phải là hiến pháp?
Tác giả trích dẫn luận điểm của Tom Paine về “khế ước xã hội” để khẳng định: “hiến pháp có trước chính quyền”. 
Về vấn đề này, thì ngay cả nguồn dẫn vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau. Tác giả dường như đang đánh đồng giữa “khế ước xã hội” với “hiến pháp”. 
Có thể khẳng định: hiến pháp là một dạng khế ước xã hội. Nhưng nên lưu ý: không phải bất cứ một “khế ước xã hội” nào cũng là hiến pháp. “Khế ước xã hội” xuất hiện trước chính quyền, đó là sự thỏa thuận giữa dân chúng với nhau, nội dung khế ước đó có khi chỉ là những thỏa thuận về quy tắc dân sự hoặc hợp đồng lao động. Còn hiến pháp ra đời luôn luôn gắn liền với quyền lực nhà nước. 
Luật pháp với tư cách là tổng thể những quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung. Điểm đáng lưu ý ở đây là tính chất “bắt buộc”, tức là phải có cơ chế bảo đảm những quy tắc đó phải được chấp hành. 

Vậy ai, tổ chức nào đứng ra làm nhiệm vụ “bắt buộc” đó? Đó chính là chính quyền, là nhà nước. Nếu không có cơ chế thực thi, thì luật pháp cũng chỉ là những quy tắc thông thường như đạo đức (dựa trên cơ sở tự nguyện) mà thôi. Đó cũng chính là điểm khác biệt giữa luật pháp với đạo đức. Do đó, Nhà nước đặt ra pháp luật (bao gồm cả hiến pháp) nên không thể có chuyện hiến pháp có trước chính quyền.
Lời kết
Qua việc luận giải cũng như phản biện các luận điểm của tác giả bài viết trên, tác giả bài viết này có thể đi đến khẳng định: Hiến pháp nói riêng và luật pháp nói chung luôn luôn gắn liền với quyền lực nhà nước; đồng thời với tư cách là đạo luật thì nó luôn phản ánh ý chí và nguyện vọng của giai cấp thống trị trong xã hội. 
Vấn đề ở đây là giai cấp thống trị (hay giai cấp lãnh đạo xã hội) đó có đại diện cho ý chí và nguyện vọng của đa số nhân dân hay không mà thôi. 
Nếu một chính quyền chỉ phục vụ cho một thiểu số người trong xã hội thì hiến pháp dù có cũng như không. 
Nhưng nếu một chính quyền biết đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên hết và phấn đấu vì mục tiêu đó thì hiến pháp là vô giá. 
Dĩ nhiên, hiến pháp không thể thỏa mãn được nguyện vọng của toàn xã hội, hiến pháp gắn liền với quyền lực nhà nước, do đó các điều luật của nó có thể triệt tiêu sự chống đối của một nhóm thiểu số người khác trong xã hội để phục vụ cho đa số. Để thực thi nhiệm vụ đó, các “luật con” ra đời, mà một trong những luật quan trọng nhất là pháp luật hình sự.

Nguồn: Sự Thật Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *