Jimmy Carter
Cựu Tổng Thống Hoa Kỳ
GHI NHỚ VỀ
CHIẾN TRANH TRUNG QUỐC – VIỆT NAM NĂM 1979
Ngô Bắc dịch
***
Phần 1
Trích dịch từ hồi ký của Jimmy Carter, Keeping Faith, Memoirs Of A President, A Bantam Book: New York, November 1982, các trang 194-211, 254-259 rải rác.
…Ngoài chuyện giải quyết vấn đề các quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc, tôi đã phải quyết định về phương cách đối xử với các sự mở đường thân thiện được đưa ra với chúng tôi bởi phía Việt Nam. Trong khoảng đầu năm 1978, phía Trung Quốc có nhắn lời với tôi rằng họ sẽ hoan nghênh sự chuyển động của chúng tôi đối với Việt Nam ngỏ hầu điều tiết các chính sách của nước đó và giữ nó nằm ngoài phe Sô Viết. Bộ Ngoại Giao nghiêng về sự thương thảo của chúng ta với cả Việt Nam lẫn Trung Quốc cùng một lúc, nhưng nhân viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và một số các thân hữu của chúng tôi tại Quốc Hội lại nghĩ rằng sẽ có một cơn bão lửa bất kỳ khi nào chúng tôi phải đối phó với vấn đề Trung Quốc – Đài Loan, và rằng vấn đề này tự bản thân sẽ là một nghị trình bận rộn. Sự chuyển động về Trung Quốc đã có một tầm quan trọng tối thượng, vì thế sau một vài tuần lễ lượng định, tôi đã quyết định đình hoãn nỗ lực về Việt Nam cho đến sau khi chúng tôi ký kết xong thỏa ước của chúng tôi tại Bắc Kinh. Sau này, khi chính phủ tại Hà Nội đã quyết định xâm lăng Kampuchea (Căm Bốt) và cũng bắt đầu khoác lên mình các trang sức của một bù nhìn của Sô Viết, chúng tôi đã không muốn theo đuổi ý tưởng này nữa.
Liệu với một sự đáp ứng tích cực hơn trước sự ngỏ lời trước đó của Việt Nam, chúng tôi đã có thể ngăn chặn hai hành động sau cùng này hay không, theo ý tôi, là điều rất đáng ngờ vực – nhưng tôi sẽ không bao giờ đoan chắc được. Đây là một câu hỏi cứ quay trở lại: liệu có nên hay không nên thừa nhận một chế độ đã lật đổ một chính phủ mà chúng tôi vốn đã từng có các quan hệ tốt đẹp. Để giải quyết vấn đề này dứt khoát một lần cho xong, tôi đã bị lôi cuốn trong vài dịp để thay đổi chính sách của Hoa Kỳ thành một chính sách chấp thuận sự thừa nhận ngoại giao tự động cho bất kỳ một chính phủ được thiết lập đầy đủ nào và trao đổi các đại sứ ngay sau khi các sự dàn xếp thỏa đáng có thể được hoàn tất. Nếu có một sự tranh chấp chưa được giải quyết trong nước giữa hai chính phủ tranh luận, chúng tôi dĩ nhiên sẽ phải đưa ra một phán quyết về ngoại giao. Sự thừa nhận tự động một chế độ không bị tranh chấp sẽ mang lại cho chúng ta một lợi thế khởi đầu tại nước không thân thiện và một cơ hội làm nhẹ bớt các sự căng thẳng, gia tăng ảnh hưởng của Mỹ, và phát huy hòa bình. Một số các nước, kể cả Pháp, theo đuổi một chính sách như thế, và xem ra nó phục vụ tốt cho họ. …
… Cuộc viếng thăm của Đặng Tiểu Bình đã là một trong những kinh nghiệm tuyệt diệu trong nhiệm kỳ Tổng Thống của tôi. Đối với tôi, mọi việc đã diễn tiến đúng đắn, và nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như cũng hài lòng không kém.
Tôi có ấn tượng tốt về họ Đặng. Ông ta thì nhỏ con, cứng rắn, thông minh, thẳng thắn, can đảm, đáng mến, tự tin, thân thiện, và thương thảo với ông ta là một điều thú vị. Trích Nhật Ký Ngày Thứ Hai, 29 Tháng Một,
Chúng tôi đã trù định ba phiên họp công tác cùng với nhau, và đã khởi đầu với một sự phân tích về thái độ của mỗi nước đối với các sự vụ trên thế giới. Họ Đặng đã yêu cầu tôi trình bày trước….
… Họ Đặng đã hình dung Việt Nam như một Cuba tại Phương Đông, với năm mươi triệu dân và một lực lượng quân sự hùng mạnh. Ông ta đã ghi nhận rằng cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều đã có các sự tiếp xúc lâu dài và khó chịu với người Việt Nam. Việt Nam và Liên Bang Sô Viết giờ đây đề xướng một hệ thống an ninh tập thể Á Châu, điều sẽ rất nguy hiểm cho phần đất đó của thế giới.
Ông nói ông không chống đối thỏa ước SALT II; rằng nó có thể cần thiết. Nhưng ông cảm thấy rằng cuộc thương thảo thứ tư này nhất định sẽ có cùng kết quả như ba lần thương thảo kia – có nghĩa, không kiềm chế được một sự tăng cường quân sự chiến lược của Sô Viết. Họ Đặng đã vạch ra rằng CHNDTQ không mong muốn chiến tranh. Phía Trung Quốc cần một thời kỳ hòa bình kéo dài để thực hiện đầy đủ các chương trình hiện đại hóa của họ. Phía Sô Viết sau rốt sẽ phóng ra chiến tranh, nhưng chúng tôi có khả năng để trì hoãn chiến tranh trong 22 năm [cho đến cuối thế kỷ]. Ông ta không nghĩ rằng chúng ta phải có một liên minh chính thức giữa Hoa Kỳ, CHNDTQ và Ấn Độ, nhưng chúng ta phải phối hợp các hoạt động của mình để kiềm chế Sô Viết. Trích Nhật Ký ngày 29, Tháng Một, 1979….
… Đối với các khu vực xáo trộn khác, tôi [Carter] đã nói ngắn gọn về những gì chúng tôi đang làm tại Iran, và nói với ông ta rằng chúng tôi muốn có một chính quyền ổn định, hòa bình ở đó, được thành lập đúng theo hiến pháp Iran. Tôi nói chúng ta tin tưởng cách hay nhất để đối xử với Việt Nam như một nước xâm lược là cô lập nó với phần còn lại của thế giới; bởi lần đầu tiên, các nước đang phát triển tại Liên Hiệp Quốc mới đây đã kết án Việt Nam cùng với Liên Bang Sô Viết và Cuba. Tôi đã cố gắng để cổ vũ Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của họ tại Bắc Hàn hầu trợ lực cho việc dàn xếp các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các nhà chức trách chính phủ của Bắc và Nam Hàn. Tôi không chắc tôi đã làm được nhiều sự tiến bộ về điểm đó, nhưng ít nhất họ Đặng đã hiểu được lập trường của tôi….
… Đã gần đên giờ để chuẩn bị cho bữa tiệc buổi tối, nhưng họ Đặng yêu cầu rằng chúng tôi tách rời khỏi nhóm các cố vấn đông người của chúng tôi, sao cho ông ta có thể thảo luận một vấn đề bí mật hơn với tôi. [Phó Tổng Thống] Fritz, [Ngoại Trưởng] Cy, [Cố Vấn An Ninh Quốc Gia] Zbig, và tôi đã đi cùng với họ Đặng và các thông dịch viên từ Phòng Họp Nội Các sang Văn Phòng Bàu Dục, và lắng nghe cẩn thận khi nhà lãnh đạo Trung Quốc phác họa các kế hoạch dự liệu của ông cho Trung Quốc để thực hiện một cuộc công kích trừng phạt ngang qua biên giới của nó vào Việt Nam. Khi ông ta hỏi lời khuyến cáo của tôi, tôi đã cố gắng để can ngăn ông, vạch ra rằng Việt Nam ngày càng bị cô lập hơn trong cộng đồng thế giới và đang bị kết án bởi họ là các kẻ xâm lăng, đã vượt qua biên giới vào Kampuchea. Điều có thể khơi dậy cảm tình cho họ và khiến cho một số quốc gia quy buộc Trung Quốc như một kẻ có tội nếu các lực lượng Trung Quốc tiến tới Hà Nội. Hơn nữa, tôi có nói, bước tiến quân sự khả dĩ của ông sẽ góp phần vào việc bác bỏ một trong các luận cứ hay nhất của chúng ta cho mối quan hệ mới giữa Trung Quốc – Hoa Kỳ: rằng nó sẽ trợ lực cho hòa bình và ổn định hơn nữa tại Á Châu. Viên Phó Thủ Tướng đã cám ơn tôi về các ý kiến của tôi, và nói thêm rằng điều đáng ước ao cho Trung Quốc rằng các lân bang ngạo mạn của nó nhận biết rằng chúng không thể quấy rầy Trung Quốc và các nước khác trong vùng mà không bị trừng phạt.
Khi đã khá trễ, tôi đề nghị ông ta rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc đàm thoại vào buổi sáng hôm sau. Họ Đặng đồng ý, và khoảng một giờ sau đó, chúng tôi đã tụ họp cho buổi quốc yến — sẽ trở thành phần mở đầu cho một buổi tối rất thú vị. Ông ta là một bạn cùng mâm gây thích thú, hoàn toàn không kiềm chế trong các ý kiến của ông ta. Trong suốt bữa ăn, ông ta ưa thích nói về đời sống tại đất nước của chính ông, và ông đã nghĩ nó đang được thay đổi tốt hơn như thế nào. Chúng tôi đã có một cuộc tranh luận khá khôi hài về chương trình truyền đạo Thiên Chúa mà tôi đã quan tâm đến khi còn là một đứa trẻ, và ông đã miễn cưỡng nhìn nhận rằng một số nhà truyền giáo tốt lành đã đến Trung Quốc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng nhiều người trong họ đã có mặt ở đó chỉ nhằm thay đổi lối sống Đông Phương theo một khuôn mẫu Tây Phương. Tôi đã nhắc nhở ông ta về tất cả các nhà thương và trường học đã được thiết lập, và ông nói rằng nhiều cơ sở như thế vẫn còn hiện hữu. Ông đã mạnh mẽ chống đối bất kỳ sự tái lập một chương trình truyền giáo ngoại quốc nào và nói rằng các người Trung Hoa theo Thiên Chúa Giáo đồng ý với ông, nhưng ông đã chăm chú lắng nghe khi tôi nêu ý kiến rằng ông nên cho phép sự phân phát không hạn chế các Thánh Kinh và hãy để dân chúng có quyền tự do thờ phụng. Ông đã hứa hẹn cứu xét đến việc đó. (Sau này, ông đã hành động một cách thuận lợi đối với cả hai đề xướng này).
Họ Đặng xem ra hoàn toàn quan tâm đến các quan hệ tốt đẹp hơn với Saudi Arabia, và một lần nữa nhấn mạnh đến khía cạnh tôn giáo của vấn đề. Có lẽ đã có đến bảy triệu tín đồ Hồi Giáo tại Trung Hoa, ông ta cho hay, và chính phủ của ông đã không can thiệp vào sự thờ phụng của họ. Khi tôi hỏi là liệu các tín đồ này có được phép để du hành tới Mecca [thánh địa Hồi Giáo, chú của người dịch], ông ta trả lời là không, nhưng cũng nói rằng nêu sự du hành như thế là quan trọng, chính sách này có thể được thay đổi. Chúng tôi sau đó có chuyển tin tức này đến các nhà lãnh đạo Saudi.
Liên quan đến nhân quyền, họ Đặng nói người Trung Quốc từng đấu tranh để thực hiện các sự thay đổi trong hệ thống tư pháp của của họ bởi đã không có sự đồng nhất của sự trừng phạt đối với các tội ác nghiêm trọng. Trung Quốc có ít luật sư, và ông ta đang ở vào một tình thế lung túng rằng liệu đất nước sẽ khá hơn nếu có thêm nhiều luật sư hay không. Ông đã quan sát sự tranh tụng thường trực, các sự trì hoãn, và sự kỳ thị giai cấp rõ ràng tại các tòa án ở các nước khác, và không chắc là liệu có muốn du nhập các vấn đề này vào nước của ông hay không. Ông rõ ràng đã quyết định cho phép giải quyết các vụ án hình sự và dân sự địa phương trong khuôn khổ các cộng đồng nhỏ và thân thuộc nơi mà các sự tranh chấp hay các tội ác diễn ra, và giới hạn sự gia tăng các luật sư vào nhân số cần thiết dành cho việc thương thảo các thỏa thuận và các khế ước liên can đến các nước khác. Ông ta nói Trung Quốc tán thành sự hợp nhất của bất kỳ gia đình bị phân tán nào, đã không kiểm duyệt báo chí, và gần đây đã cho phép tự do đáng kể trong sự phát ngôn và bày tỏ. Trong hệ thống Trung Quốc, ông ta nói thêm, các quyền tự do này đã phải được giải quyết một cách rất thận trọng.
Chúng tôi có mời cả hai vị cựu Tổng Thống Mỹ đến dự bữa quốc yến chính thức, và, như có thể tiên đoán được, báo chí Hoa Thịnh Đốn đã say đắm với sự hiện diện của Tổng Thống Nixon tại Tòa Bạch Ốc. Mặc dù ông không quen biết với các nhà lãnh đạo hiện thời của Trung Quốc, ông đã thích thú nói chuyện với họ trong buổi tiếp tân ngắn về chuyến thăm viếng trước đây của chính ông. Điều hiển nhiên từ các ý kiến riêng tư của họ rằng đối với phía Trung Quốc, ông luôn luôn là một người bạn được kính trọng, và rằng họ xem các sự cáo buộc liên can đến vụ Watergate là vớ vẩn.
Trong các lời chúc tụng chính thức và trong các cuộc đàm thoại kín đáo, mọi người đều ở vào một tâm trạng vui vẻ và hân hoan, như thể ý định khai thông vỏ bọc ngoại giao chính thức đã thường bóp chết các cơ hội như thế. Tôi đặc biệt thích thú nhìn thấy các chuyên viên về Trung Quốc từ Bộ Ngoại Giao hăng hái tìm kiếm tin tức trực tiếp về lịch sử và các phong tục hiện đại của nước ngoài mà họ đã dành cả đời để học hỏi.
Tại Trung Tâm Kennedy, chúng tôi đã có một buổi trình diễn tuyệt diệu. Sau đó, họ Đặng và tôi, vợ của ông ta, bà Zhoulin, Rosalyn, và Amy [vợ và con gái Tổng Thống Carter, chú của người dịch] đã đi lên sân khấu với các người trình diễn, và đã có một cảm giác chân thật của sự xúc động khi ông ta vòng tay ôm các nghệ sĩ trình diễn Mỹ, đặc biệt các trẻ em đã hát một bài hát tiếng Trung Hoa. Ông ôm hôn nhiều đứa trẻ trong đó, và báo chí sau này có nói rằng nhiều người trong khán thính giả đã khóc.
Thượng Nghị Sĩ Laxalt, kẻ từng là một người chống đối mạnh mẽ sự bình thường hóa, sau đó có nói rằng cuộc trình diễn mà chúng tôi đã làm đã đánh bại họ: đã không có cách nào để bỏ phiếu chống lại các trẻ nhỏ hát các bài ca Trung Hoa.
Họ Đặng và vợ của ông xem ra thực lòng ưa thích quần chúng, và ông đã thực sự thành công với khối khán thính giả hiện diện cũng như với các khán giả truyền hình. Trich Nhật Ký ngày 29 Tháng 1, 1979.
Có lẽ bởi ông ta quá niềm nở và quá nhỏ bé, họ Đặng đã là một người được ưa mến bởi Amy và các đứa đứa trẻ khác vào buổi tối hôm đó. Cảm nhận dường như có tính cách hỗ tương.
Sáng sớm hôm sau, họ Đặng và tôi một lần nữa hội kiến tại Văn Phòng Bàu Dục, chỉ có một thông dịch viên hiện diện. Tôi đã đọc to và trao cho ông ta một bức thư viết tay tóm tắt các lý luận của tôi nhằm ngăn cản một cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam. Ông ta đã nhấn mạnh rằng nếu họ quyết định chuyển động, họ sẽ triệt thoái các bộ đội Trung Quốc sau một thời gian ngắn – và các kết quả của một cuộc hành quân như thế nhiều phần có lợi và có hiệu quả lâu dài. Hoàn toàn khác biệt với tối hôm trước, giờ đây ông ta là một lãnh tụ cộng sản cứng rắn, quả quyết rằng dân tộc ông không xuất hiện với vẻ yếu mềm. Ông ta tuyên bố vẫn còn đang cứu xét vấn đề, nhưng ấn tượng của tôi là quyết định đã sẵn được lấy. Việt Nam sẽ bị trừng phạt.
Sau đó họ Đặng và tôi nhập vào nhóm đông hơn, và thái độ của ông lại thay đổi một lần nữa. Công việc nghiêm trọng nhất của ông ta đã hoàn tất. Phiên họp này, với các phụ tá của chúng tôi, thị nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhiều so với các buổi thảo luận của ngày hôm trước. Chúng tôi đã thảo luận các vấn đề về các xác quyền hỗ tương của hai nước (phát sinh từ sự tịch thu tài sản của nhau vào lúc có cuộc cách mạng Trung Quốc năm 1949), và hứa hẹn làm việc một cách mau chóng để giải quyết vấn đề này và các vấn đế khác còn tồn đọng. Họ Đặng hiểu biết khá rõ về các chi tiết cụ thể của các vấn đề phức tạp này.
Tôi đã phác họa khó khăn với pháp chế tối huệ quốc – điều đó sẽ tạo ra một sự bất thăng bằng nếu chúng tôi kể gồm xứ sở của ông ta mà không có Liên Bang Sô Viết. Họ Đặng cho tôi hay rằng đã không có sự quân bình giữa Trung Quốc và Liên Bang Sô Viết về vấn đề xuất cảnh, và nói thêm rằng, “Nếu quý ông muốn tôi thả mười triệu người Trung Quốc để đến Hoa Kỳ, tôi sẽ vui lòng để làm như thế”. Và, dĩ nhiên, mọi người đều phá lên cười.
Tôi đã nêu lên một vấn đề về chương trình trao đổi sinh viên. Tôi đã không thích quyết định của ông ta rằng các người Mỹ sẽ phải sống trong một nhóm khá biệt lập, và không ở chung với các sinh viên và gia đình Trung Quốc. Ông ta đã giải thích rằng đã không có đủ nơi cư trú tại Trung Quốc hội đủ các tiêu chuẩn tối thiểu mà người Mỹ vốn quen thuộc. Tôi xem lời giải thích của ông ta là không đầy đủ, và đã nêu lên một điểm khác. “Một khi ông đồng ý về phương cách cho nhiều sinh viên có thể đến Trung Quốc, chúng tôi không muốn ông kiểm soát xem những ai là kẻ có thể đến”. Ông ta mỉm cười và nói rằng Trung Quốc thì đủ mạnh để kháng cự một ít sinh viên, và rằng Trung Quốc sẽ không tìm cách loại bỏ các sinh viên trên căn bản ý thức hệ. Sẽ có một số giới hạn về sự di chuyển đối với các thông tín viên Mỹ tại Trung Quốc, ông ta nói, nhưng sẽ không có bất kỳ sự kiểm duyệt nào. Tôi có nói với ông ta rằng bởi ông đề nghị cho tôi mười triệu người Trung Hoa, tôi đã đề nghị gửi đến ông mười nghìn ký giả. Ông ta cười to và tức thời khước từ.
Tôi yêu cầu ông đề cập [trong các lời tuyên bố công khai của ông khi ở tại Hoa Kỳ] về vấn đề Đài Loan và sử dụng các từ ngữ “hòa bình” và “kiên nhẫn”. Ông ta nói ông muốn Hoa Kỳ và Nhật Bản thúc giục Đài Loan thương thuyết, và rằng chỉ có hai tình huống trong đó họ sẽ không giải quyết một cách hòa bình và sẽ kiên nhẫn nếu có một thời khoảng kéo dài mà không có thương thuyết, hay nếu Liên Bang Sô Viết tiến vào Đài Loan. Ông ta yêu cầu tôi hãy thận trọng trong việc bán bất kỳ vũ khí nào cho Đài Loan sau năm nay, và ông ta để cho mọi người biết rằng họ không tán thành bất kỳ sự bán vũ khí nào. Trích NHẬT KÝ, Ngày 30 Tháng Một, 1979.
Tôi có nói với họ Đặng về sự đáp ứng của chúng ta với Brezhnev liên quan đến các vụ bán vũ khí: rằng chính sách của chúng ta là không bán vũ khí cho Trung Quốc cũng như Liên Bang Sô Viết, nhưng chúng ta sẽ không tìm cách để anh hưởng các đồng minh có chủ quyền độc lập của chúng ta trên các chính sách của riêng họ. Ông ta đã trả lời, “Vâng, tôi biết rằng đó là lập trường của các ông. Lập trường đó thì tốt”.
Chúng tôi bao hàm một vài vấn đề khác nữa, một ít trong chúng có tính chất bí mật cao độ, trong các cuộc thảo luận vừa vui vẻ lẫn có hiệu quả. Họ Đặng cũng tạo ra một ấn tượng rất tốt đẹp trong cuộc thăm viếng của ông ta tại Quốc Hội, với các lời bình luận sống động và hài hước. Phía Trung Quốc xem ra biết cách để biểu lộ sự tự tin trầm tĩnh và hãnh diện về xứ sở của họ mà không mang vẻ kiêu căng. Trong một bữa cơm tối riêng tư tại nhà của mình, Zbig bình luận rằng người Trung Hoa và người Pháp có một điểm chung: mỗi nền văn minh tự nghĩ mình ưu việt hơn tất cả các nền văn minh khác. Họ Đặng suy nghĩ trong chốc lát, và sau đó có nói, “Hãy để chúng tôi nói điều đó như thế này: tại Đông Á, thức ăn Trung Quốc ngon nhất; tại Âu Châu, thức ăn Pháp thì ngon nhất’”.
Trong cuộc gặp mặt cuối cùng của chúng tôi, khi chúng tôi ký kết các thỏa ước liên quan đến các phòng lãnh sự, mậu dịch, khoa học và kỹ thuật, trao đổi văn hóa, v.v…, ông ta được hỏi, “Ông đã có sự chống đối chính trị tại Trung Quốc hay không khi chúng ta quyết định bình thường hóa các quan hệ?” Mọi người chăm chú lắng nghe khi họ Đặng nói, “Có chứ!” Sau đó ông ngừng lại trong khoảnh khắc và nói thêm, “Tôi đã gặp sự chống đối nghiêm trọng tại một tỉnh của Trung Quốc – Đài Loan”.
Các buổi lễ thích thú đã qua. Giờ đây chúng ta có công việc khó khăn để thông qua pháp chế tại Quốc Hội hầu thi hành các thỏa ước. Chúng ta đã có sự ủng hộ tốt nhưng phải đối diện với một nhóm thuộc nhóm hoạt động chính trị cánh hữu được thúc đẩy một cách tích cực, vốn vẫn còn nài nỉ rằng cách nào đó Hoa Kỳ nên giúp đỡ các hậu duệ của Tưởng Giới Thạch quang phục lại lục đia. Đối với họ, Đài Loan là Trung Hoa, và không có cách nào để thuyết phục họ ngược lại. Họ muốn có một đạo luật sẽ làm đảo ngược hành động mà tôi đã lấy trong sự thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc nếu không bao gồm các điều khoản không thể chấp nhận được sao cho Trung Quốc sẽ bác bỏ toàn thể sự thỏa thuận. May mắn, chúng tôi ở vào thế chủ động.
[Tôi] đã chỉ thị ông Vance cương quyết về pháp chế Đài Loan. Nếu nó bị sửa đổi vi phạm đến các cam kết của tôi với CHNDTQ hay nếu ngôn ngữ cụ thể về Đài Loan vượt quá ngôn ngữ trong bản thân bản hiệp ước, tôi sẽ phải phủ quyết pháp chế, do đó khiến trở thành bất hợp pháp để thương thảo với Đài Loan trong bất kỳ phương thức hữu hiệu nào. Trích NHẬT KÝ Ngày 7 Tháng Ba, 1979.
Mặc dù sự phủ quyết của tôi là một đe dọa thực sự, chúng ta đã muốn hành động một cách có trách nhiệm với Đài Loan, và như thế chúng tôi đã phải làm việc gần hết cả năm trong việc định hình đạo luật sau cùng với Quốc Hội. Một số thành viên đã có một ngày thỏa thích với sự mị dân, đứng nơi khán đài chính đối với giới truyền thông và cử tri tại đơn vị nhà, nhưng chúng tôi cuối cùng đã thắng thế, chỉ còn dư vài ngày trước khi hiệp ước với Đài Loan bị chấm dứt và sự thỏa thuận đầy đủ của chúng ta với Trung Quốc được thi hành.
Trung Quốc đã là một trong ít các công tác chính sách ngoại giao của chúng ta chứng tỏ nhiều thú vị và hài lòng hơn những gì tôi đã ước định vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ của tôi. Khi đó tôi đã nghĩ rằng chúng ta đang tiến hành một dự án có thể bị thất bại bởi sự cố chấp của Trung Quốc trên một hay nhiều nguyên tắc sinh tử của chúng ta liên quan đến Đài Loan, các sự phức tạp không tiên đoán được tại các phần đất khác của Á Châu, một số sự đối đầu với Trung Quốc sẽ có ý nghĩa phủ quyết, hay sự chống đối chính trị không thể vượt qua được trong dân chúng và tại Quốc Hội của chúng ta.
Thay vào đó, mọi việc đã diễn tiến một cách tốt đẹp. Cả trước và sau khi bình thường hóa, phía Trung Quốc đã biểu lộ một sự nhạy cảm tinh tế về các bổn phận khác của tôi, và cũng như về các thực tế chính trị nội bộ của chúng ta. Họ cũng rất trợ lực trong các lời tuyên bố của họ về Thỏa Ước SALT II, quyết nghị về vấn đề Đài Loan, ảnh hưởng ổn định hóa tại miền tây Thái Bình Dương của các quan hệ ngoại giao mới của chung ta, nhu cầu hợp tác mạnh mẽ giữa chúng ta và Nhật Bản – và đã kiềm chế xuyên qua tất cả tiền trình này trong việc không phóng chiếu mối quan hệ mới của chúng ta với họ trong một giọng điệu chống Sô Viết. Trong tiến trình, tôi hiểu được tại sao một số người nói rằng người Trung Hoa là dân tộc văn minh nhất trên thế giới….
___
[Ngày 17Tháng Sáu, 1979, tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ở Vienna, Áo Quốc, giữa Carter và Brezhnev]
Trích lời tuyên bố của Tổng Thống Carter trong phiên họp với Brezhnev vào chiều ngày 17 Tháng Sáu, các trang 254-256:
[Carter]
… Chúng tôi có một số khu vực thuộc quyền lợi sinh tử, và Liên Bang Sô Viết phải nhìn nhận các quyền lợi này. Một trong những khu vực như thế tại Vịnh Ba Tư (Persian Gulf) và Bán Đảo Ả Rập. Sự kiềm chế thì thiết yếu về phía các ông [Liên Sô] để không vi phạm các quyền lợi an ninh quốc gia của chúng tôi.
Khi các sự khó khăn phát triển, chính sách của Hoa Kỳ là giải quyết chúng một cách hòa bình, nhưng đây không phải là chính sách của Sô Viết. Tại Mũi Phi Châu (Horn of Africa) thuộc Nam Phi Châu, tại Trung Đông, và tại Đông Nam Á, tôi [Carter] đã cố gắng để đạt tới hòa bình, nhưng các nhà lãnh đạo Sô Viết chỉ làm ngược lại. …Liên Bang Sô Viết cũng đã cổ vũ và ủng hộ Việt Nam trong sự xâm lăng của họ tại Căm Bốt…
Brezhnev đã trả lời như sau:
… Brezhnev đã tiếp tục nói rằng Trung Quốc đã đe dọa xâm phạm lãnh thổ các lân bang của nó, và đã muốn xô đẩy đến một cuộc thế chiến trong đó nó ngồi ở bên lề. Liên Bang Sô Viết có các nghĩa vụ theo hiệp ước với Việt Nam, và hành động của Trung Quốc có thể đã trở nên quá khiêu khích. Ông tuyên bố rằng tại Kampuchea, các công dân đã cám ơn phía Việt Nam về việc lật đổ chế độ đáng ghê tởm của Pol Pot, và rằng đó chỉ là điều tự nhiên đối với Sô Viết để trợ lực cho một nỗ lực như thế….
… Ông ta mỉm cười [nói tiếp]:
Liên quan đến các lời bình luận của Tổng Thống Carter về một sự hiện diện của Sô Viết tại Việt Nam, chúng tôi hiện giờ không có các căn cứ ở đó, hay chúng tôi sẽ không có căn ứ nào trong tương lai. Các tàu Sô Viết đã thực hiện các cuộc cập biến kinh doanh thông thường và các máy bay Sô Viết đáp xuống đúng theo tập tục quốc tế. Mặt khác, các căn cứ của Hoa Kỳ đã được thiết lập tại ngưỡng cửa của Liên Bang Sô Viết ở Nam Hàn, Nhật Bản và Phi Luật Tân…
…Tôi [Tổng Thống Carter] bắt đầu trả lời, nhưng ông ta [Brezhnev] yêu cầu tôi cho phép ông ta hoàn tất toàn thể lời tuyên bố của ông trước. Vì thế tôi đã ghi chú cẩn thận và chờ đợi ông tiếp tục nói. Ông ta xem ra rất hăng hái để đi đến phần kế tiếp, hóa thành một sự thỏa hiệp đến 90 phần trăm toàn thể công chuyện. Tôi đã tóm tắt các ý kiến của ông trong các sự ghi chép của tôi.
Tôi [Brezhnev] muốn nói về Trung Quốc. Chúng ta không phản đối các quan hệ bình thường giữa hai nước các ông, nhưng nó sẽ là một sai lầm cho bất kỳ ai muốn sử dụng các thái độ chống Sô Viết của Bắc Kinh để làm phương hại đến Liên Bang Sô Viết. Chúng tôi đã quan sát với sự quan ngại lớn lao rằng hành động đầu tiên của Trung Quốc theo sau sự thừa nhận bởi Hoa Kỳ là một cuộc tấn công vào Việt Nam. Các nụ cười và cúi chào của họ chắc chắn không phù hợp với sự vi phạm này vào sự ổn định tại Á Châu. Họ xem ra muốn Hoa Kỳ che chở cho hậu phương chính trị của họ. Điều được hay biết rất rõ rằng Trung Quốc có các tuyên nhận lãnh thổ chống lại Nhật Bản, Việt Nam, Ấn Độ, và Phi Luật Tân, và họ muốn các phần tử Tây Phương sẽ được sử dụng trong các vấn đề này. Bởi vì phía Trung Quốc không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp định quốc tế nào liên quan đến các vũ khí hạt nhân, sự đe dọa này có sự quan ngại gấp đôi.
Liên Bang Sô Viết tán thành các quan hệ chính thức với Trung Quốc và chúng tôi giờ đây đang tìm kiếm các cơ hội cho nhiều cuộc nói chuyện hơn. Chúng tôi muốn sự tôn trọng hỗ tương, một sự hứa hẹn không sử dụng vũ lực, không can thiệp vào các công việc nội bộ của các nước khác và một sự giảm bớt mối căng thẳng. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cứu xét bất kỳ điều gì vượt quá lằn tranh hiện tại giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ với sự quan ngại nghiêm trọng, và các quan hệ Sô Viết – Mỹ sẽ bị tổn hại. Hãy để tôi nhấn mạnh rằng sẽ không có sự mạo hiểm chống lại Hoa Kỳ bởi chúng tôi dưới bất kỳ tình huống nào….
…Ông ta đã kết thúc bằng cách cổ vũ các các phiên họp bổ túc, nhưng lại không cố gắng ấn định một thời biểu thường lệ. Ông ta đặc biệt hắng hái mời tôi sang thăm viếng Liên Bang Sô Viết Tôi hỏi ông ta một cách thẳng thắn rằng liệu ông ta có đủ sức khỏe để sang thăm Hoa Kỳ hay không, bởi đã đến lượt Sô Viết đáp trả trong lịch trình thăm viếng lẫn nhau. Ông ta cười lớn, và nói, “Có chứ! Mọi điều tôi phải làm là nhảy lên một máy bay khi đến giờ, và tôi sẽ có mặt ở đó không chút chậm trễ”.
Tôi nói với ông ta chúng ta đã xem mối quan hệ mới Trung Quốc – Mỹ là tốt cho chúng ta, cho Liên Bang Sô Viết, và cho thế giới. Ông ta la lớn, một cách khá thú vị, “Chắc chắn không tốt cho Liên Bang Sô Viết”….
_____
Phần 2
GHI NHỚ VỀ
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT
NĂM 1979
Trích dịch từ Jimmy Carter, White House Diary, New York: Farrar, Straus and Giroux, 2010, các trang 281-296, rải rác.
Ngày 12 Tháng Một, [1979]
…Vào nửa đêm, Ông Hoàng Sihanouk của Căm Bốt đã đến văn phòng phái bộ [Liên Hiệp Quốc] của chúng ta tại New York và xin tỵ nạn. Ông đã làm một công việc cực kỳ hữu hiệu trong việc trình bày lập trường chống Việt Nam/Sô Viết/Cuba tại Liên Hiệp Quốc, khiếu nại cuộc xâm lăng của Việt Nam vào Căm Bốt, cũng như các sự lạm quyền của chế độ Pol Pot. Ông đã quy trách mọi vấn đề tại Căm Bốt lên [cựu Tổng Thống] Nixon và [cựu Ngoại Trưởng] Kissinger. Ông xem ra mà một con người rất sâu sắc.
Ngày 24 Tháng Một
Cơ Quan Tình Báo Trung Ương (CIA) cung cấp cho chúng tôi một bản lượng định về Đặng Tiể u Bình, phân tích tâm lý, lý lịch của ông ta, sự tiên đoán về những gì ông ta sắp thảo luận với tôi khi ông đến thăm vào tuần tới….
Cuộc thăm viếng này, và nguyên do của nó, thực sự có tính chất lịch sử: cho đến thời điểm này, quốc gia chúng ta chưa hề có các quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ). Kể từ khi có sự thành lập CHNDTQ vào ngày 1 Tháng Mười 1949, Hoa Kỳ đã duy trì các quan hệ ngoại giao riêng biệt với tàn dư chính trị của các lực lượng Quốc Dân Đảng Trung Hoa bị đánh đuổi khỏi lục địa sang hòn đảo Đài Loan. Mối quan hệ này đã dần đượ.c khắc sâu vào trong các cơ sở thương mại, truyền thông, chính trị và quân sự của đất nước chúng ta. Trong thời gian này, CHNDTQ bị đề cập tới gần như bất biến trong các cuộc tranh luận chính trị là “Trung Hoa Đỏ” và “Cộng Sản”, vốn có một ý nghĩa tiêu cực tương tự như từ ngữ “khủng bố’ ngày nay. Sự đón tiếp Đặng Tiểu Bình tại Hoa Thịnh Đốn đã là một chỉ dấu ban đầu của sự chấp thuận dành cho quyết định mà tôi đã lấy để chuyển đổi các quan hệ ngoại giao đến Trung Hoa lục địa….
Ngày Thứ Hai, 29 Tháng Một
…Tôi có ấn tượng tốt về họ Đặng. Ông ta thì nhỏ con, cứng rắn, thông minh, thẳng thắn, can đảm, đáng mến, tự tin, thân thiện, và thương thảo với ông ta là một điều thú vị.
Tôi đã phác họa năm yếu tố căn bản đã định hình công luận Hoa Kỳ và đời sống người dân chúng ta: (a): nâng cao sức mạnh và ảnh hưởng của Hoa Kỳ để làm lợi cho người dân chúng ta và những dân tộc thuộc phần còn lại của thế giới; (b) nhận thức một ước muốn gia tăng khắp nơi trên thế giới về một phẩm chất tốt đẹp hơn của cuộc sống, với nhiều sự tham gia chính trị hơn, sự độc lập hay giải phóng đối với quần chúng, và một ước muốn tự do thoát ra khỏi sự thống trị của các ảnh hưởng bên ngoài; (c) quyền lực chuyển đổi từ một ít quốc gia như chính chúng ta và Sô Viết để đem chia sẻ giữa nhiều quốc gia, với các nước lãnh đạo cấp vùng chẳng hạn như Mexico, Venezzuela, Brazil, Nigeria, Ấn Độ, Nam Dương và Trung Quốc; (d) an ninh tương lai của Hoa Kỳ được nối buộc với các quan hệ tốt với những nước đang phát triển này, và (e) sự gia tăng mau chóng trong sức mạnh quân sự của Sô Viết. Chúng ta đã duy trì sự đồng đẳng quân sự của Hoa Kỳ, và Sô Viết thì yêu về mặt chính trị, kinh tế, ý thức hệ, và mặc cảm thua kém của họ đã gây ra một thái độ có tiềm năng tạo bất ổn đối với phần còn lại của thế giới. Chúng tôi đã muốn liên kết với Trung Quốc để sử dụng các phần tử tích cực trên thế giới hầu đối phó với các phần tử tiêu cực.
Họ Đặng tuyên bố rằng thế giới “không yên tĩnh”, và Hoa Kỳ cùng CHNDTQ đã có nhiều sự quan tâm chung. Mao (Trạch Đông) và Chu [Ân Lai] trước đây từ lâu có mô tả cùng với ông về ba thế giới: Thế Giới Thứ Nhất gồm Sô Viết và Hoa Kỳ, và Liên Bang Sô Viết đã là mối nguy hiểm chính. Ông ta nghĩ Hoa Kỳ nên gia nhập cùng với Thế Giới Thứ Nhì và Thứ Ba để chống lại Liên Bang Sô Viết.
CHNDTQ đã thừa nhận sự hiện hữu của Do Thái, nhưng khi tôi hỏi ông ta là liệu có một khả tính nào để thiết lập sự giao thương với Do Thái hay không, ông ta nói: “Không, vào thời điểm hiện nay, điều này thì không khả dĩ”. Ông ta nói các vấn đề Trung Đông nhiều phần sẽ lan tràn tới Iran, Saudi Arabia, và các nước khác trừ khi chúng bị đẩy lui.
Sự tiên đoán của ông ta thì chính xác. Nhiều phần rằng một yếu tố trong sự thù nghịch của các nước này đối với Do Thái chính là nỗi thống khổ không được giải quyết của người dân Palestine.
Trong suốt ngày, chúng tôi đã thảo luận đén khoảng hai mươi nước, kể cả Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, A Phú Hãn, Iran và Việt Nam. Ông ta đã ủng hộ Thỏa Ước SALT II nhưng nói rằng nó sẽ không kiểm soát được một sự tăng cường của Sô Viết. Trung Quốc cần một thời kỳ hòa bình lâu dài để thực hiện đầy đủ các chương trình hiện đại hóa của nó.
Tôi nói chúng tôi muốn có Sô Viết như một quốc gia có trách nhiệm và không bị cô lập với phần còn lại của thế giới.
Họ Đặng đã yêu cầu rằng chúng tôi gặp mặt một cách riêng tư tại Văn Phòng Bàu Dục về vấn đề Việt Nam. Ông ta đã phác họa mọi lý do và sau đó nói rằng họ đang dự tính một hành động trừng phạt ngang qua biên giới tiến vào Việt Nam. Tôi đã vạch ra tác động bất lợi của hành động này; điều hay nhất là hãy tiếp tục cô lập Việt Nam.
Chúng tôi sau đó đén dự buổi quốc yến, và đó là một kinh nghiệm thú vị. Trong bữa tiệc, tôi đã thảo luận về tôn giáo và nhân quyền với ông ta. Vấn đề bao trùm trong giới báo chí Mỹ là sự tham dự bữa tiệc của [cựu Tổng Thống] Nixon. …
Ngày 30, Tháng Một.
…Buổi sáng hôm sau, tôi đã viết một lá thư liên quan đén sự phản đối của chung ta đối với một cuộc công kích trừng phạt đánh vào V8ệt Nam, và bức thư đã được đọc rất cẩn thận cho họ Đặng. Tôi có đề nghị cung cấp cho ông ta một buổi thuýet trình tình báo về các sự trú đóng binh sĩ bao quanh Trung Quốc, và ông ta đã đáp ứng một cách hăng hái.
Trong buổi họp sau cùng của chúng tôi, tôi đã thảo luận về vấn đề các sự tuyên nhận [tài sản] và các tích sản, với các sự cáo tri chống lại tài sản Trung Quốc lớn hơn nhiều. Ông ta nói, “Ông có muốn giải quyết nó ngay trong ngày hôm nay hay không?”, tôi nói” “Có “. Ông ta đã trình bày các vấn đề một cách thận trọng và chính xác, cho hay [Đại Sứ] Hoàng Hoa sẽ làm việc với [Bộ Trưởnmg Ngân Khố] Blumenthal và sẽ giải quyết vấn đề trước ngày mai.
Tôi đã phác họa khó khăn với pháp chế tối huệ quốc. Ông ta nói không có sự liên hệ nào giữa Trung Quốc và Liên Bang Sô Viết. Ông ta nói, “Nếu ông muốn chúng tôi phóng thích 10 triệu người Trung Quốc đến Hoa Kỳ, tôi sẽ vui lòng làm như thế.” Mọi người phá lên cười. Tôi có nói với ông ta rằng ông đề nghị cung cấp 10 triệu người Trung Quốc, tôi đề nghị lại mười nghìn ký giả; ông ta đã mau chóng không đồng ý với xướng xuất đó….
Ngày 31 Tháng Một.:
… Tôi có buổi gặp gỡ cuối cùng với Đặng Tiểu Bình. Chúng toi đã ký kết các thỏa ước liên quan đến các văn phòng lãnh sự, mậu dịch, khoa học và kỹ thuật, trao đổi văn hóa và v.v…. Sau khi thảo luận các vấn đề chính trị mà tôi đã gặp phải trong việc bình thường hóa, [Cố Vấn An Ninh Quốc Gia] Zbig đã hỏi ông ta, “Ông có gặp sự chống đối chính trị tại Trung Quốc hay không?” Mọi người chăm chú lắng nghe khi họ Đặng nói, “Có chứ, tôi gặp phải sự chống đối nghiêm trọng từ một tỉnh của Trung Quốc – là Đài Loan”. …
Ngày 27 Tháng Hai: …
… Tôi đã có một buổi gặp gỡ thú vị với [Đại Sứ Liên So] Dobrynin, để nhấn mạnh tầm quan trọng nền tảng của mối quan hệ của chúng ta với Liên Bang Sô Viết. Tôi đã nói với ông ta chúng ta đang đòi hỏi rằng Trung Quốc triệt thoái ra khỏi Việt Nam. Và tôi nghĩ Việt Nam cũng phải triệt thoái ra khỏi Căm Bôt….
____
Phụ Lục 1
Cyrus Vance,
Cố Ngoại Trưởng Hoa Kỳ
GHI NHỚ VỀ
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT
NĂM 1979
Trích dịch từ hồi ký của Cyrus Vance, Hard Choices, Critical Years In America’s Foreign Policy, New York: Simon and Schuster, 1983, các trang 120-127
HƯỚNG ĐẾN MỘT ĐƯỜNG LỐI QUÂN BẰNG
***
TRUNG QUỐC
Mối quan tâm lớn nhất của tôi sau lời loan báo hôm 15 Tháng Mười Hai về sự khởi đầu các quan hệ ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (CHNDTQ) vào ngày 1 Tháng Một năm 1979, là chính quyền cần giữ một cảm thức về sự cân đối và chính sách hiện thực cùng tránh việc phóng đại các khả tính của sự chống đối chung đối với Liên Bang Sô Viết.
Ngay sau khi có lời loan báo, Mạc Tư Khoa đã nhấn mạnh với chúng ta và các đồng minh then chốt trong khối NATO sự quan ngại sâu xa của Nga Sô về bất kỳ các vụ bán các vũ khí Tây Phương nào cho Trung Quốc. Tôi tin tưởng rằng các sự e sợ của họ là chân thực, chứ không chỉ là một chiến thuật để phân hóa chúng ta với các đồng minh của chúng ta. Tổng Thống đồng ý nói rõ với Sô Viết, và cùng như với [Thủ Tướng Anh] Callaghan, [Tổng Thống Pháp] Giscard d’Estaing, và [Thủ Tướng Tây Đức] Schmidt tại hội nghị thượng đỉnh bốn nước ngày 6 Tháng Một tại Guadeloupe, rằng chúng ta có ý định theo đuổi các quyền lợi của chúng ta với Trung Quốc trong một cung cách tích cực, và không phải như một bước đầu chống lại Sô Viết. Tuy nhiên, lập trường “không can dự: hands off” của chúng ta về việc bán các vũ khí phòng thủ của các đồng minh của chúng ta, được tái xác định trong các cuộc tranh luận nội bộ hồi Tháng Mười Một và được tường thuật rộng rãi trong báo chí, có khuynh hướng san bằng các sự cam đoan này. Phía Sô Viết lo sợ một sự bao vây ngấm ngầm của NATO-CHNDTQ.
Tại Bộ Ngoại Giao, chúng tôi tin tưởng rằng họ Đặng sẽ sử dụng cuộc thăm viếng trong Tháng Một của ông ta, sẽ là một biến cố truyền thông, để cố gắng ảnh hưởng chúng ta hầu có một đường lối công khai cứng rắn hơn chống lại Sô Viết. Cả chúng tôi và phía Trung Quốc đều quan ngại về các liên hệ gia tăng giữa Mạc Tư Khoa và Hà Nội – một “hiệp ước hữu nghị” Sô Viết – Việt Nam đã được ký kết hôm 3 Tháng Mười Một – và các bất trắc của một sự chạm trán quan trọng châm ngòi bởi cuộc xung đột mở rộng của Việt Nam với Căm Bốt và chế độ diệt chủng Pol Pot. Trong một ý nghĩa, các vai trò trong năm 1977 và 1978 đã bị đảo ngược; giờ đầy chính phía Trung Quốc muốn chơi “lá bài Mỹ” như một đối trọng với ảnh hưởng của Sô Viết tại Việt Nam. Tôi mạnh mẽ khuyến cáo với tổng thống rằng ông cần nói rõ với họ Đặng rằng chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ sự đổ vỡ nào trong chính sách của chúng ta đối với Liên Bang Sô Viết.
Tổng Thống Carter hay biết rất rõ về các cạm bẫy. Ngay trước khi ông ta đên Hoa Kỳ, họ Đặng đã kêu gọi các nỗ lực lớn hơn của Trung Quốc – Hoa Kỳ để chống đối Liên Bang Sô Viết và đã đưa ra các sự cảnh cáo với Việt Nam. Holbrook [phụ tá Ngoại TrưởngVance khi đó, chú của người dịch] đã gặp gỡ vài lần với đại sứ Trung Quốc để thảo luận về các sự căng thẳng leo thang tại Đông Nam Á và để nói rõ sự chống đối của chúng ta đối với một cuộc xung đột giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Phía Trung Quốc tiếp tục nói với chúng ta rằng họ không thể bày tỏ sự kiềm chế lâu hơn nữa. Cùng lúc, chúng tôi đã cảnh cáo Mạc Tư Khoa không nên lợi dụng tình hình để giành đoạt các căn cứ quân sự hay hải quân tại Việt Nam.
Cuộc thăm viếng của họ Đặng đã là một biến cố hào nhoáng, và điều đó cũng dễ hiểu thôi. Nó tượng trưng cho sự thành đạt của một trong các mục đích nền tảng của chúng ta. Sự bình thường hóa các quan hệ với CHNDTQ với sự ủng hộ trọn vẹn của các thân hữu chúng ta tại Nhật Bản, khối ASEAN (Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á) và khối ANZUS (Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan và Hoa Kỳ) đã mở ra một chương mới trong chính sách của Mỹ nhằm phát huy sự ổn định tại Á Châu và để khắc phục di sản làm suy nhược của Chiến Tranh Việt Nam và “cơn chấn động Nixon” năm 1972. Trong quan điểm của tôi, chúng ta đã hoàn thành sự bình thường hóa trong một cung cách thỏa mãn được tất cả các mục tiêu của chúng ta.
***
Nỗi hân hoan của sự bình thường hóa và cuộc thăm viếng củahọ Đặng bị làm hỏng bởi sự cố chấp của viên phó thủ tướng trong việc chống đối một cách công khai chính sách của chúng ta đối với Liên Bang Sô Viết, mà tổng thống đã trình bày với ông ta trong các cuộc nói chuyện tại Tòa Bạch Ốc. Các lời tuyên bố chống Sô Viết công khai của ông nêu nghi vấn về giá trị của thỏa ước SALT II và đã đe dọa Việt Nam. Các sự đe dọa thì có thực. Vào ngày 17 Tháng Hai, lo âu, như họ Đặng nói như thế, để “dạy cho Hà Nội một bài học”, Trung Quốc đã phóng ra một cuộc tấn công biên giới lớn lao tại miền bắc Việt Nam. Tất nhiên, Mạc Tư Khoa đã giải thích cuộc tấn công, xảy ra ngay sau khi có cuộc thăm viếng của họ Đặng tại Hoa Kỳ, là ít nhất đã nhận được sự phù trợ ngấm ngầm của chúng ta.
Phía Trung Quốc đã tức thời thông báo chúng ta “cuộc chiến tranh giáo trừng” là một hoạt động hạn chế sẽ chỉ kéo dài trong khoảng độ hai tuần. Họ nói công khai là không lo ngại về phản ứng của Sô Viết, tin tưởng rằng nhiều lắm Sô Viết chỉ có thể khiêu khích các biến cố tại biên giới Nga-Hoa.
Chúng tôi đã triệu tập Ủy Ban Phối Hợp Đặc Biệt vào ngày 19 Tháng Hai để thảo luận về chính sách của chúng ta đối với cuộc xung đột. Tổng Thống đã chấp thuận các khuyến cáo của chúng tôi, bao gồm các bước tiến để tối thiểu hóa các hiệu ứng của chiến tranh trên các quan hệ của chúng ta với cả Trung Quốc lẫn Liên Bang Sô Viết, để đạt được sự triệt thoái của Trung Quốc ra khỏi Việt Nam và Việt Nam ra khỏi Căm Bốt, và để ngăn chặn Sô Viết khỏi việc leo thang cuộc xung đột. Tôi đã gặp gỡ Dobrynin [Đại Sứ Liên Sô tại Mỹ khi đó, chú của người dịch] hôm 24 Tháng Hai để cảnh giác Sô Viết về việc trở nên dính líu về mặt quân sự hay đồn trú các đơn vị quân đội hay hải quân tại Việt Nam. Dobrynin đã từ chối không chịu gạt bỏ khả tính của sự trợ giúp của Sô Viết cho Việt Nam nếu Trung Quốc không sớm ngưng chiến. Ông ta cũng nói rõ rằng nhiều người tại Mạc Tư Khoa tin tưởng rằng “thái độ thân Trung Quốc, chống Sô Viết của chúng ta” đã khuyến khích Trung Quốc tấn công.
Trong bàu không khí căng thẳng này, khi sự trầm tĩnh và thận trọng của Mỹ có tính chất thiết yếu để tránh bất kỳ sự giải thích sai lạc nào bởi Bắc Kinh rằng chúng ta ủng hộ sự phiêu lưu của họ hay bởi Mạc Tư Khoa rằng chúng ta đang thông đồng với Trung Quốc, chúng tôi tại Bộ Ngoại Giao được cho hay bởi các thông tin viên rằng họ đã được thuyết trình tại Tòa Bạch Ốc về một sự tăng cường của Sô Viết diễn ra ở biên giới Nga – Hoa. Trong thực tế, chúng ta không có bằng chứng nào như thế, và tôi có nói với Tổng Thống rằng đã không có sự di chuyển quân sự khác lạ nào ở bên phía Sô Viết của biên giới.
May mắn thay, phía Trung Quốc đã rút lui như họ nói họ sẽ làm. Tuy nhiên, các lực lượng to lớn của Trung Quốc và Việt Nam vẫn tiếp tục đối đầu với nhau ngang qua biên giới, và các căng thẳng vẫn còn ở mức độ cao.
VIỆT NAM
Một trong các trở ngai to lớn trong khả năng của chúng ta đê/ đối cân ảnh hưởng Sô Viết tại Đông Nam Á là sự vắng bóng một sự hiện diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội. Vào lúc ban đầu của chính quyền này, chúng tôi đã đồng ý rằng chúng ta sẽ chuẩn bị để thiết lập các quan hệ bình thường với Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng các quan hệ ngoại giao bình thường với Hà Nội, được ủng hộ mạnh mẽ bởi các nước bạn Á Châu của chúng ta, có thể làm gia tăng ảnh hưởng của chúng ta với Việt Nam và cung cấp cho họ các sự lựa chọn khác trên sự lệ thuộc quân sự, kinh tế, chính trị thái quá vào Liên Bang Sô Viết hay Trung Quốc. Trong các cuộc hòa đàm tại Paris, phía Việt Nam thường nói một cách khao khát về việc tự do để có các quan hệ bình thường với Hoa Kỳ, chính từ đó, giải thoát họ ra khỏi sự lệ thuộc này, một khi chiến tranh đã qua đi.
Các hy vọng của sự tiến bộ ban đầu bị ngăn trở bởi các điều kiện tiên quyết của Việt Nam được đưa ra trong các cuộc nói chuyện với Holbrooke vào mùa hè năm 1977, đặc biệt yêu sách rằng Hoa Kỳ phải cung cấp viện trợ kinh tế như là một vấn đề nghĩa vụ, “các khoản bồi thường [chiến tranh]”. Chúng tôi đã từ chối thảo luận sự bình thường hóa trên căn bản đó và các sự tiếp xúc kéo dài cho đến mùa hè năm 1978, khi chúng tôi nhận được các chỉ dấu rằng Hà Nội đã sẵn sàng để nói chuyện mà không đề cập đến các khoản bồi thường. Trong Tháng Chín 1978, trong một cuộc gặp gỡ với Holbrooke tại New York, Thứ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam đã bãi bỏ tất cả các điều kiện tiên quyết của Việt Nam. Tuy nhiên, các tình hình chính trị hồi cuối năm 1978, thì khác biệt khá nhiều với đầu năm 1977. Các báo cáo tình báo cho thấy rằng Việt Nam đang chuẩn bị cho một cuộc xâm lăng ồ ạt vào Căm Bốt. Hơn nữa, thuyền nhân, các người tỵ nạn bị thúc đẩy một cách cố ý và độc ác bởi Hà Nội, đang đổ ra Biển Nam hải, làm gia tăng một chiều kích mới cho thảm kịch nhân đạo to lớn của người dân Việt Nam. Các sự e ngại của Việt Nam về các ý định của Trung Quốc gia tăng, và trong Tháng Mười Một 1978, Hà Nội đã ký kết một hiệp ước hữu nghị với Mạc Tư Khoa. Sự việc này làm tiêu tan hy vọng bình thường hóa. Tổng Thống đã đồng ý rằng chúng ta không nên đáp ứng với phía Việt Nam, ngay dù họ có tiếp xúc với chúng ta một lần nữa trong Tháng Mười Hai. Các diễn biến có thể đã khác biệt biết bao nếu phía Việt Nam có được một lập trường ít cố chấp hơn trong năm 1977. Hàng nghìn sinh mạng có thể đã được cứu sống, và dòng lịch sử của Đông Nam Á có thể đã thay đổi một cách triệt để.
Các sự cứu xét chính trị vào đầu năm 1979 hiển nhiên chống lại sự tái tiếp xúc với Hà Nội. Tuy nhiên, trong khi các quan hệ ngoại giao với Hà Nội là điều bất khả thi dưới các tình huống đương hữu, tôi tin tưởng rằng các cuộc thảo luận trực tiếp với các đại diện Việt Nam tại New York vẫn có thể phục vụ cho các quyền lợi của chúng ta trong việc ngăn chận một cuộc tấn công vào Thái Lan, nơi mà các du kích quân Căm Bốt đang ẩn náu, và trong việc giảm bớt sự lệ thuộc của Hà Nội vào Liên Bang Sô Viết. Chúng ta đã không có đối thoại với Việt Nam kể từ các cuộc nói chuyện của Holbrooke tại New York hồi Tháng Chín 1978. Các đồng minh chúng ta trong khối ASEAN và ANZUS, cũng như Nhật Bản, đều quan tâm một cách mạnh mẽ về sự tái thiết lập sự ổn định lớn hơn tại Đông Nam Á và đang hướng nhìn đến chúng ta sẽ đóng giữ một vai trò lãnh đạo. Họ đều quan ngại rằng trong sự bận tâm của chúng ta với Trung Quốc, chúng ta đang cho phép chính sách Á Châu của chúng ta trở nên lệch lạc, rằng chúng ta đang thất bại không đóng vai trò tự nhiên của chúng ta, một vai trò có thể đối cân với ảnh hưởng của cả hai nước Cộng Sản khổng lồ và cung cấp một nguồn giải pháp thay thế của sự ủng hộ kinh tế, ngoại giao và chính trị cho tất cả các quốc gia trong vùng, kể cả Việt Nam. Họ đều lo sợ các hậu quả của sự đối nghịch tái tục của Sô Viết – Việt Nam, với khả tính của sự liên can quân sự trực tiếp của Sô Viết.
Trong Tháng Năm 1979, sau khi tình hình Đông Nam Á đã dịu bớt phần nào, tôi đã khuyến cáo lên Tổng Thống rằng chúng ta mở lại các sự truyền thông với Việt Nam xuyên qua phái đoàn tại Liên Hiệp Quốc của họ ở New York. Mục đích của tôi là để cảnh cáo Hà Nội phải hành động với sự kiềm chế tại Đông Nam Á, đặc biệt liên quan đến Thái Lan, và để cảnh giác họ về các hàm ý trong trường kỳ về sự hiện diện quân sự gia tăng của Sô Viết tại Việt Nam.
Vào ngày 30 Tháng Năm, [Tổng Thống] Carter cho phép sự tái lập các cuộc nói chuyện âm thầm với các đại diện Việt Nam. Các cuộc nói chuyện trong Tháng Bẩy giữa Robert Oakley, phụ tá cao cấp của Holbrooke, và Đại Sứ Hà Văn Lâu, đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc. Tôi có biết Đại Sư Lâu từ các cuộc hòa đàm tại Paris trong các năm 1968-69. Ông ta là một nhà thương thuyết cứng rắn, có khả năng, và khéo léo với kinh nghiệm sâu rộng, và tôi kính trọng ông ta. Ông Lâu nói với chúng tôi rằng phía Việt Nam vẫn muốn thiết lập các quan hệ bình thường với chúng ta và rằng họ đã quy trách Trung Quốc về tất cảc các sự căng thẳng tại Đông Nam Á. Chúng tôi đã trả lời rằng sự bình thường hóa là điều không thể có khi họ đang xâm lăng Căm Bốt và đe dọa các lân bang. Trong Tháng Tám, trong một thủ đoạn giao tế công cộng, phía Việt Nam nói với báo chí rằng chúng ta đang thực hiện các cuộc thương thảo bí mật. Để trả lời, tôi đã chấp thuận một bản tuyên bố rằng các cuộc nói chuyện bình thường hóa đã bị đình chỉ bởi cuộc tấn công của Hà Nội vào Căm Bốt và đã không thể tiến hành dưới các tình huống đương hữu. Hà Nội được nói để hiểu rằng chúng ta cương quyết đứng bên cạnh Thái Lan, nhưng cơ may cho sự bình thường hóa đã mất vào lúc đó.
CĂM BÔT
Có những lúc khi mà các trách vụ của bạn với tư cách một nhân viên chính quyền cao cấp buộc bạn phải có một lập trường, mặc dù thiết yếu cho các quyền lợi quốc gia của chúng ta, cùng một lúc lại cực kỳ chán ngấy. May mắn, các sự nghịch lý như thế thì hiếm có, nhưng khi chúng phát sinh, chúng gây nhức nhối đau đớn, ngay dù khi chỉ có ít sự lựa chọn cho vấn đề.
Điều này đặc biệt đúng trong năm 1979 khi Liên Hiệp Quốc đấu tranh với vấn đề với hai phái đoàn cạnh tranh để được thừa nhận làm đại diện Căm Bốt (hay Kampuchea) tại Liên Hiệp Quốc.
Một phe tuyên nhận là Cộng Hòa Nhân Dân Kampuchea (CHNDK = People’s Republic of Kampuchea: PRK), chính phủ đứng đầu bởi Heng Samrin và được dựng lên bởi Việt Nam trong cuộc xâm lăng hồi Tháng Mười Hai, 1978 của họ vào Căm Bốt, và được hậu thuẫn bởi Liên Bang Sô Viết. Phe tuyên nhận ghế đại diện kia là chế độ bị gạt ra ngoài thủ đô Phnom Penh bởi Việt Nam, Kampuchea Dân Chủ (KDC = Democratic Kampuchea: DK). Nó được ủng hộ bởi CHNDTQ.
Lựa chọn giữa hai chế độ này đã không phải là loại quyết định mà trên bề mặt của nó xem ra đáng lưu tâm đối với Hoa Kỳ. Cả hai phe tuyên nhận đều đã từng chiến đấu chống lại Hoa Kỳ chỉ mới ít năm trước đây. Một chế độ, được bảo trợ bởi Hà Nội, được áp đặt bởi các lực lượng bên ngoài và chắc chắn sẽ cư xử với sự tàn nhẫn. Phe tuyên nhận kia, đứng đầu bởi một Pol Pot tai tiếng, kẻ đã giành được một vị trí độc đáo trong các niên giám khủng bố. Các số ước lượng cao đến mức hai triệu dân Căm Bốt đã bị giết bởi Pol Pot và quân đội Khmer Đỏ của ông ta, kể từ khi họ nhận lãnh xứ sở trong mùa xuân 1975.
Theo tin tình báo, chúng tôi hay biết rằng Việt Nam, tấn công vào Nam Vang hồi cuối Tháng Mười Hai 1978, đã thành công một cách dễ dàng trong sự chiếm đoạt kinh đô và các thị trấn quan trọng khác. Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc hủy diệt cơ cấu quân sự phe Khmer Đỏ hay bắt giữ được giới lãnh đạo của nó. Và biểu tượng được quốc tế thừa nhận của quốc gia Căm Bốt, Hoàng Thân Norodom Sihanouk, đã lẻn ra khỏi nơi giam giữ của ông tại một biệt thự ở Nam Vang ngay trước khi quân Việt Nam đến nơi và đã tái xuất hiện một cách ngoạn mục tại Bắc Kinh.
Thử thách đầu tiên ghế đại diện của Kampuchea Dân Chủ (KDC) đã xảy ra gần như tức thời tại Hội Đồng Bảo An. Với Sihanouk thực hiện sự tái xuất hiện ngoạn mục trên quang cảnh thế giới để tố cáo cuộc xâm lăng của Việt Nam vào quê hương của ông, vấn đề đã được hoãn đến mùa thu và được ghi trên nghị trình của Đại Hội Đồng.
Các chiến tuyến giò đây được vạch cho một sự trắc nghiệm quan trọng của các liên minh và tình hữu nghị khắp nơi trên thế giới. Một bên là Việt Nam, Liên Bang Sô Viết và các đồng minh của nó, Cuba và một số ít các nước khác. Bên kia là Trung Quốc và, quan trọng nhất đối với chúng ta, năm nước đã tạo thành khối ASEAN (Association of Southeast Adsian Nations).
Năm quốc gia khối ASEAN – Indonesia, Malaysia, Phi Luật Tân, Thái Lan và Singapore – trong năm 1967 đã thành lập một tổ chức kinh tế mà đến khoảng giữa thập niên 1970 đã bắt đầu phô bày hiệu năng trong cả lãnh vực kinh tế lẫn chính trị. Trong thập niên 1970, khối ASEAN đã đạt được tỷ lệ tăng trưởng thực sự bền vững cao nhất trong bất kỳ miền nào bên ngoài các quốc gia dầu hỏa ở Trung Đông, và một sự ổn cố chính trị tương đối đã được thiết định trong khu vực. Từng có lúc bị nhìn như các con cờ dominoes mong manh sẽ lần lượt bị lật đổ nếu Hoa Kỳ thất trận tại Việt Nam, năm quốc gia khối ASEAN đã tồn tại qua các biến cố gây chấn thương của năm 1975 và đã tăng cường lớn lao sự hợp tác chính trị của họ. Chính quyền Carter đã đảo ngược chính sách trước đây về việc không đếm xỉa đến khối ASEAN và thương thảo với các thành viên của nó chỉ trên một căn bản song phương giữa quốc gia với quốc gia; tôi đã chủ tọa các cuộc thảo luận quan trọng đầu tiên giữa Hoa Kỳ – ASEAN trong Tháng Tám 1978 tại Hoa Thịnh Đốn, với mười bốn bộ trưởng khối ASEAN từ tất cả năm quốc gia đến tham dự.
Một trong các viên gạch xây dựng chính sách thời hậu [chiến tranh] Việt Nam của chúng ta, không chỉ tại vùng Đông Á mà khắp nơi trên thế giới, là ủng hộ các tổ chức chính trị hay kinh tế cấp miền có thể gánh vác một vai trò nặng hơn trong việc duy trì sự ổn định trên thế giới. Các sự sắp xếp an ninh cấp miền mới theo các đường lối của khối SEATO (bị chính thức giải tán trong Tháng Bảy, 1977) và CENTO thì không thể thực hiện được, với tâm trạng tại Hoa Kỳ sau Việt Nam, nhưng chúng tôi cảm thấy rằng chúng ta có thể giành được sự ủng hộ đáng kể cho một chính sách trong đó chúng ta ủng hộ và khuyến khích – mà không nhất thiết phải gia nhập – các tổ chức cấp miền. ASEAN có lẽ đã là thí dụ nổi bật của một sự tổ chức như thế. Và sự thay đổi chính sách của chúng ta đã được tán thưởng lớn lao trong vùng, cho dù các nỗi lo sợ về một sự rút lui của Mỹ thời hậu Việt Nam ra khỏi Thái Bình Dương vẫn còn dai dẳng.
Trong khi các quan hệ Trung Quốc – Mỹ phát triển, chúng tôi cũng thừa nhận rằng các bạn cũ của chúng ta tại Đông Nam Á, với nỗi lo sợ lâu dài của họ về việc bị đô hộ bởi lân bang khổng lồ của họ, sẽ đặc biệt quan ngại nếu chúng ta đã không nỗ lực để cân bằng sự tiến triển Trung Quốc – Mỹ với sự chú ý đặc biệt đến các quan ngại của họ. Giờ đây, trong năm 1979, với Quân Đội Việt Nam lần đầu tiên tại biên giới Thái Lan, với các lực lượng còn sót của Pol Pot rải rác ở vùng nông thôn, khối ASEAN đã tìm đến chúng ta và yêu cầu sự ủng hộ của chúng ta trong ba đường hướng quan yếu.
Hai hình thức của sự ủng hộ vật chất đã tức thời xảy ra. Chúng ta đã sẵn gia tăng viện trợ cho phần lớn các quốc gia khối ASEAN, đặc biệt Thái Lan. Giờ đây chúng ta một lần nữa đẩy nhanh sự trợ giúp quân sự của chúng ta cho Thái Lan. Thứ nhì, chúng ta cũng cầm đầu một nỗ lực cứu vớt và định cư dân tỵ nạn quốc tế rộng lớn để cứu nguy các người dân Đông Dương bị vây hãm đang trốn chạy các sự hỗn loạn của khu vực. Một số, chạy ra khỏi Việt Nam trong những chiếc thuyền bé nhỏ và thường không nên dùng đi biển, đã đe dọa ngốn mất các tài nguyên của các nước ASEAN có bờ biển mà họ trôi giạt đến, nhung các “thuyền nhân” giờ đây nổi tiếng, các kẻ đã gây ra cuộc khủng hoảng tại Mã Lai, Thái Lan, Singapore, và Indonesia, chỉ là một phần của vấn đề; một số lượng lớn hơn nữa các người Lào và Căm Bốt đang chạy trốn theo đường bộ sang Thái Lan. “Ngôi nhà chúng tôi thì chật cứng”, chính phủ Bangkok cầu cứu trong các lời tuyên bố chính thức, và đã hướng đến chúng ta nhờ giúp đỡ.
Tôi lấy làm hãnh diện rằng quốc gia chúng ta đã đáp ứng như nó đã làm. Trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Kinh Tế tại Tokyo hồu Tháng Sáu 1979, Tổng Thống Carter đã cho phép chúng tôi tăng gấp đôi số thu nhận các người tỵ nạn Đông Dương lên 17,000 người mỗi tháng – tổng số hàng năm là 168,000 người. Một tháng sau đó, Phó Tổng Thống Mondale đã lãnh đạo phái đoàn của chúng ta – và thế giới – trong một hội nghị lịch sử tại Geneva mà, tôi tin tưởng, đã buộc phải có các sự thay đổi trong chính sách của Việt Nam, cứu vớt vô số sinh mạng và buộc mở các cánh cửa của các nước khác cho các nỗ lực định cư rộng lớn hơn. Bài diễn văn cảm động của [Phó Tổng Thống] Mondale tại Geneva đã làm rơi lệ từ mắt của nhiều người trong khối thính giả, chính sách mà ông phác họa ngày hôm đó sẽ còn đứng vững lâu dài như một trong những hành động có ý nghĩa nhất của chính quyền Carter.
Lời yêu cầu thứ ba của khối ASEAN thì hoàn toàn khác biệt. Nhìn nhận một cách rõ ràng bản chất gớm ghiếc của chế độ Kampuchea Dân Chủ, các nước khối ASEAN tuy thế đã yêu cầu chúng ta tham gia với họ trong việc ủng hộ sự tuyên nhận của Kampuchea Dân Chủ để tiếp tục nắm giữ ghế đại diện Căm Bốt tại Liên Hiệp Quốc, cho dù vào lúc này Kampuchea Dân Chủ đã bị giảm xuống thành một lực lượng du kích 30,000 người đang tranh đấu để sống còn chống lại một Đội Quân Việt Nam 200,000 người.
Chúng tôi đã đối diện trước một sự lựa chọn khó khăn. Chúng ta đước yêu cầu bỏ phiếu cho việc giữ nguyên ghế đại diện tại Liên Hiệp Quốc cho một trong những chế độ man rợ nhất của lịch sử, một chế độ đã từng đánh lại chúng ta và giờ đây không còn kiểm soát một thành phố nào của Căm Bốt. Song đã có các lý do thúc bách để cứu xét lá phiếu một cách cẩn thận. Khối ASEAN đã có sự ủng hộ hoàn toàn của Nhật Bản, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan, và Trung Quốc, là các nước, dĩ nhiên đã nhìn Hà Nội như kẻ đại diện của Mạc Tư Khoa tại Đông Nam Á. Đa số Cộng Đồng Âu Châu, kể cả Pháp và Anh Quốc, đã chuẩn bị để hậu thuẫn khối ASEAN trừ khi chúng ta rời bỏ hàng ngũ.
Từ Bangkok, vị đại sứ xuất sắc của chúng ta, Morton Abramowitz, kể đã đóng một vai trò cốt yếu biết bao trong chính sách tỵ nạn, đã tranh luận về các hậu quả chiến lược của việc không đứng cùng khối ASEAN. Từ Bắc Kinh, Leonard Woodcock, một con người nhân đạo và khôn ngoan, đã đi theo cùng phía. Dick Holbrooke, thu thập các quan điểm từ toàn vùng, đã kết luận rằng một lá phiếu không thừa nhận ghế đại diện của Kampuchea Dân Chủ sẽ không mang lại điều gì lợi cho chúng ta và lại khiến chúng ta mất đi nhiều thứ. Nó sẽ cô lập chúng ta khỏi các thân hữu của mình, và rõ ràng hợp pháp hóa cho một sự cưỡng chiếm bằng vũ lực trên một nước bởi một nước khác.
Cá tiếng nói khác cũng được nghe thấy. Patricia Derian, địa diện quan điểm về nhân quyền, đã tranh luận một cách nhiệt tình cho một lá phiếu mạnh mẽ chống lại Pol Pot. Vài viên chức cấp dưới biểu lo sự quan ngại của họ, như Don McHenry đã làm trong phiên họp Đại Hội Đồng đầu tiên của ông với tư các đại diện thường trực của chúng ta tại Liên Hiệp Quốc. Và vào ngày trước khi bỏ phiếu, McHenry và Tony Lake [sau này là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia dưới thời Tổng Thống Bill Clinton, chú của người dịch] đã chuyển đến tôi qua băng tần CHÔNG ĐỐI (DISSENT channel)* một điện tín hùng hồn từ một viên chức cấp thấp tại Phái Bộ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, lập luận rằng một phiếu bầu bởi Hoa Kỳ tán thành việc duy trì ghế đại diện Căm Bốt cho Kampuchea Dân Chủ là không phù hợp với các giá trị Mỹ.
Tôi đã cân nhắc các ý kiến thuận và chống về vấn đề này trong nhiều tuần lễ. Ít ngày trước kỳ bỏ phiếu sau cùng, tôi đã đi đến kết luận rằng, thật khó chịu như nó xảy ra khi suy ngẫm việc bỏ phiếu, ngay dù mặc nhiên, cho phe Khmer Đỏ, [nhưng]chúng ta đã không thể chịu đựng được các hậu quả sâu xa của một lá phiếu sẽ cô lập chúng ta với toàn thể khối ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, các đối tác theo hiệp ước ANZUS của chúng ta, và phần lớn các đồng minh Âu Châu của chúng ta, và đặt chúng ta vào khối thiểu số thua cuộc cùng với Mạc Tư Khoa, Hà Nội, và Havana. Tôi đã chỉ thị McHenry bảo đảm chắc chắn rằng trong các lời tuyên bố của ông ta, ông cần nhấn mạnh sự chống đối toàn diện việc nhìn nhận Kampuchea Dân Chủ sẽ lại quay về nắm quyền ở Nam Vang; lá phiếu của chúng ta cũng sẽ được giải thích trên “các căn bản kỹ thuật theo nghĩa hẹp nhất”, “sự tuyên nhận ưu thế hơn” của Kampuchea Dân Chủ. Tôi đã khước từ để đồng bảo trợ hay vận động cho nghị quyết của khối ASEAN, nhưng có nói với các đồng sự ASEAN của tôi trong một loạt các cuộc gặp gỡ riêng tư rằng chúng tôi sẽ không để họ thất vọng. Phía Trung Quốc, vẫn có cam kết một cách xúc cảm với phe Khmer Đỏ, đã bực mình vì sự khẳng quyết của chúng ta trong việc chỉ trích Kampuchea Dân Chủ ngay dù có bỏ phiếu cho chúng.
Buổi tối trước ngày bỏ phiếu, tôi có gọi Holbrooke lên văn phòng tôi để duyệt xét lần cuối vấn đề. Tôi đã quyết đoán trong đầu óc của mình từ lâu, nhưng sự chán ngấy của riêng tôi về diễn tiến mà tôi đã cảm nhận tất nhiên đã được làm nổi bật lên bởi bức điện tín qua băng tần CHỐNG ĐỐI từ Nữu Ước. Dĩ nhiên, tôi có biết nhiều nước mà sự ủng hộ của họ thì quan trọng đối với chúng ta sẽ không hiểu được lá phiếu bầu, ngay dù sau khi có các sự giải thích.
Chúng tôi đã duyệt xét lại vấn đề một lần nữa, và rồi, với màn đêm buông xuống trên vùng Hoa Thịnh Đốn, tôi đã gọi điện thoại cho [Đại Sứ] Don ở New York và lập lại các chỉ thị của tôi. Chúng ta đã đưa ra một quyết định duy nhất phù hợp với các quyền lợi dân tộc tổng quát của chúng ta, cho dù, như đã được ước định, lá phiếu sẽ sớm trở thành một đề tài cho sự chỉ trích của cả Cánh Tả lẫn Cánh Hữu.
_____
* Băng tần CHỐNG ĐỐI không kiểm duyệt được thiết lập cho phép các viên chức trình bày lên bộ trưởng ngoại giao các sự phản đối về chính sách, bất kể quan điểm của các thượng cấp của họ ra sao.
***
Phụ Lục 2
Zbigniew Brzezinski
Cựu Cố Vấn An Ninh Quốc Gia
GHI NHỚ VỀ
CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TRUNG-VIỆT
NĂM 1979
Trích dịch từ hồi ký của Zbigniew Brzezinski, Power And Principle, Nemoirs of the National Security Adviser, 1977-1981, New York: Farrar, Strauss and Giroux, 1983, các trang
***
Bài Học Việt Nam
Cuộc thăm viếng của họ Đặng rõ ràng là một sự thành công quan trọng cả cho nhà lãnh đạo Trung Quốc lẫn chủ nhân tiếp đón. Tuy nhiên, trước khi giã từ nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thả một trái bom nhỏ xuống bàn chân chúng tôi. Như tôi đã ghi nhận trước đây, họ Đặng đã yêu cầu một buổi họp riêng với Tổng Thống, và nó đã được tổ chức vào hôm Thứ Ba [ngày 30 Tháng Một, 1979, chú của người dịch], lúc 5 giờ chiều và kéo dài khoảng một tiếng đồng hồ. Về phía chúng ta, Phó Tổng Thống, ông Ngoại Trưởng Vance và tôi cũng tham dự, và họ Đặng được tháp tùng bởi một Phó Thủ Tướng, Bộ Trưởng và Thứ Trưởng Ngoại Giao. Đề tài, như tôi đã ước định, là Việt Nam.
Chúng tôi đã hay biết từ các cuộc đàm thoại trước đây với phía Trung Quốc rằng họ quan tâm nghiêm trọng về sự chiếm đóng của Việt Nam tại Căm Bốt, nhìn nó như một cuộc xâm lược do Nga bảo trợ được trù hoạch nhằm củng cố Việt Nam như một căn vứ cho các hoạt động của Sô Viết tại Đông Nam Á. Trong các cuộc đàm thoại khác nhau với các viên chức thượng tầng của Mỹ, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng sự kiện này đại diện cho một sự đe dọa chiến lược đến an ninh của Trung Quốc, cũng như là một mối đe dọa trong trường kỳ đến sự ổn định của Đông Nam Á. Chế độ Căm Bốt mà phía Việt Nam đã hất đi, chế độ của kẻ sát nhân Pol Pot, đã là một đồng minh thân cận với Trung Quốc, và phía Trung Quốc quyết tâm trả đũa lại phía Việt Nam.
Khi chúng tôi ngồi xuống cùng nhau tại Văn Phòng Bầu Dục, tôi đã có một cảm nhận tổng quát về những gì đang sắp đến, và các thành viên khác của phía Mỹ cũng có cảm nhận như thế. Dù thế, đã có một sự khác biệt giữa việc dự liệu một tình trạng với việc thực sự trải nghiệm nó. Có điều gì đó trầm trọng và rất đặc biệt trong cung cách trầm tĩnh, cương quyết, và vững vàng mà họ Đặng đã trình bày về trường hợp của Trung Quốc. Trung Quốc, theo lời ông ta, đã kết luận rằng nó phải bẻ gãy các tính toán chiến lược của Sô Viết và rằng “chúng tôi xét thấy cần thiết để đặt ra một sự kiềm chế trên các tham vọng ngông cuồng của Việt Nam và để trao cho họ một bài học hạn chế thích đáng”.
Không đi vào chi tiết ở giai đoạn này về bài học cụ thể sẽ xảy đến, ông ta nói thêm rằng bài học sẽ có tính chất hạn chế trong phạm vi và thời khoảng. Sau đó ông đã chẩn đoán một cách trầm tĩnh cho chúng tôi các sự đáp ứng khả hữu khác nhau của Sô Viết, cho thấy cách thức mà Trung Quốc sẽ đối phó với chúng. Ông ta có bao gồm trong số các sự lựa chọn “khả tính xấu nhất”, nói thêm rằng ngay trong một trường hợp như thế, Trung Quốc sẽ kiên định, không nhượng bộ. Tất cả những gì ông ta yêu cầu là “sự ủng hộ tinh thần” trên lãnh vực quốc tế từ Hoa Kỳ.
Mặc dù chúng tôi đã có một vài cuộc thảo luận sơ bộ trước đó, tôi thắc mắc về việc Tổng Thống sẽ phản ứng như thế nào. Trước khi họ Đặng đến, tôi có lưu ý Tổng Thống về sự quan ngại gia tăng của Trung Quốc về Căm Bốt và tầm quan trọng ra sao đối với chúng ta là không truyền tải đến phía Trung Quốc bất kỳ sự hoảng hốt thái quá nào của Hoa Kỳ về các hành dộng khả dĩ của Trung Quốc. Tôi đã lo ngại rằng Tổng Thống có thể bị thuyết phục bởi [Ngoại Trưởng] Vance để đặt áp lực tối đa lên phía Trung Quốc đừng sử dụng vũ lực, bởi vì điều này sẽ đơn giản làm cho phía Trung Quốc tin rằng Hoa Kỳ là một “con hổ bằng giấy”. Theo đó, tôi đã hoàn toàn nhẹ nhõm khi Tổng Thống trả lời trong một cung cách thực tế, chỉ nêu ra rằng đây là một vấn đề nghiêm trọng mà ông thích thảo luận với các cố vấn của ông trước khi đưa ra phản ứng của mình. Ông đã ghi nhận quan điểm rằng hành động của Trung Quốc có thể tạo bất ổn cao độ và rằng sự kiềm chế thì đáng mong ước trong một tình trạng khó khăn như thế.
Họ Đặng đã đáp ứng bằng việc nói rằng nếu phía Việt Nam không bị kiềm chế, họ sẽ mở rộng các hoạt động của họ. Trung Quốc sẽ tiến hành một hành động hạn chế và sau đó triệt thoái các binh sĩ của mình một cách mau lẹ. Trưng dẫn cuộc đụng độ Trung Quốc – Ấn Độ năm 1962 như một thí dụ, họ Đặng đã nhấn mạnh rằng phía Việt Nam phải bị trừng phạt tương tự. Ông đã kết luận bằng cách nói rằng ông đã không kỳ vọng sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ, và trong thực tế thẩm định rằng đôi khi người ta đã phải làm một điều mà người đó sẽ ưa thích hơn nếu không phải làm như thế. Hiển nhiên là phía Trung Quốc đã cân nhắc mọi giải pháp và đã quyết định tiến hành hoạt động, ngay dù nó có liên can đến một sự đối đầu với Liên Bang Sô Viết. Tôi phải thú nhận rằng mình cảm thấy thán phục giọng điệu thận trọng và quyết tâm trong sự trình bày của họ Đặng.
Vào ngày hôm sau Tổng Thống đã họp với chúng tôi để thảo luận về việc đáp ứng sao cho tốt nhất. Chúng tôi đồng ý rằng ông nên gặp họ Đặng một mình và thúc giục ông ta bằng lời lẽ kiềm chế hãy cứu xét lại. Ngoài các âm vang quốc tế, chúng tôi quan ngại rằng hành động quân sự bởi Trung Quốc có thể triệt hạ sự ủng hộ trong quốc nội Hoa Kỳ cho sự bình thường hóa. Bản thân Tổng Thống đã thảo một lá thư viết tay cho họ Đặng, ôn hòa trong giọng điệu và điềm đạm trong nội dung, nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự kiềm chế và tóm tắt các hậu quả quốc tế nhiều phần bất lợi. Tôi cảm thấy rằng đây là một đường hướng đúng, bởi chúng tôi không thể thông đồng một cách chính thức với Trung Quốc trong việc bảo trợ cho điều không khác gì một cuộc xâm lược quân sự công khai. Cùng lúc, bức thư đã không khóa chặt Hoa Kỳ vào một vị thế có thể đưa đến các áp lực sau này để kết án Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Khi Tổng Thống gặp gỡ một mình với họ Đặng, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã biểu lộ sự tán thưởng của ông đối với các ý kiến của Tổng Thống, nhung lập lại quan điểm của ông ta rằng “Trung Quốc vẫn phải dạy cho Việt Nam một bài học”. Mặt khác, ông đã lập luận, phía Sô Viết có thể sử dụng Việt Nam theo cách họ đã sử dụng Cuba, nói thêm một cách tiên tri rằng sau này A Phú Hãn sẽ chịu chung cùng số phận. Họ Đặng tái khẳng định sự tin tưởng của ông rằng Trung Quốc đã có đủ sức mạnh cần thiết để hoàn tất cuộc hành quân và một lần nữa, đoan chắc với chúng ta rằng nó sẽ ngắn ngủi, chỉ kéo dài từ mười đến hai mươi ngày. Ông ta ước định các phản ứng quốc tế bị phân hóa, nhưng cảm thấy rằng trong lâu dài hơn, công luận thế giới sẽ nghiêng một cách thuận lợi về phía Trung Quốc. Họ Đặng đã kết luận bằng việc nói, một cách không giả dối, rằng thật tốt để có một người bạn mà với người đó các điều như thế này có thể được thảo luận một cách thẳng thắn. Tổng Thống có nói rằng ông muốn họ Đặng hiểu là lập trường của chúng ta đã không đặt trên sự lo sợ Liên Bang Sô Viết; đúng ra, chúng ta cảm thấy rằng việc cô lập Liên Bang Sô Viết và Việt Nam thì tốt hơn là tham gia vào các hành động có thể dành cho họ sự ủng hộ trên toàn thế giới nhiều hơn.
Tôi đã có các cuộc họp riêng với Ngoại Trưởng Trung Quốc Hoàng Hoa, một nhà ngoại giao lôi cuốn mặc dù cực kỳ quả quyết và phần nào hay khẩu chiến và tôi đã chia sẽ với ông ta mối quan ngại của tôi rằng phía Trung Quốc có thể bị buộc phải triệt thoái bởi một sự đe dọa hạt nhân của Sô Viết hay cuộc hành quân của họ có thể trở nên kéo dài hơn dự định. Mặc dù họ Hoàng giữ im lặng và rõ ràng không quá hốt hoảng, tôi hy vọng rằng sự cảnh cáo của tôi sẽ khuyến khích phía Trung Quốc tập trụng vào một bước chuyển động mau chóng và quyết đoán và không tiến hành một sự giao chiến kéo dài. Như một cử chỉ thân hữu đặc biệt, tôi đã đi ra bãi đáp trực thăng gần Tháp Kỷ Niệm Washington Mo0nument để giã từ họ Đặng một cách cá nhân. Tôi đã muốn nhấn mạnh đến sự ủng hộ của Tổng Thống, * và họ Đặng đã mang lại cho tôi cảm tưởng ông ta cũng hoàn toàn hài lòng. Chúng tôi đã có cái bắt tay bằng cả hai tay truyền thống, và họ Đặng đã thúc giục tôi sang thăm Trung Quốc lần nữa.
Phía Trung Quốc đã không đưa cho chúng ta một nhật kỳ chính xác cho “kinh ngiệm giáo dục” sắp xẩy đến mà họ đang dự trù dành cho Việt Nam. Trong vòng ít ngày sau sự ra đi bởi họ Đặng, tôi đã phác họa các quan điểm của tôi về phương cách mà Hoa Kỳ nên phản ứng. Tôi đã muốn né tránh một tình trạng trong đó chúng tôi sẽ bị áp lực, bởi cả dư luận thế giới lẫn Bộ Ngoại Giao, để kết án Trung Quốc như các kẻ xâm lược. Theo đó, tôi đã khai triển một đề xuất rằng Hoa Kỳ sẽ phải chỉ trích phía Trung Quốc về hoạt động quân sự của họ nhưng cộng với lời chỉ trích đó là một sụ kết án tương tự đối với Việt Nam vì sự chiếm đóng của họ tại Căm Bốt, và đòi hỏi rằng cả Trung Quốc lẫn Việt Nam hãy rút các lực lượng của họ về. Tôi biết rằng một đề xuất như thế sẽ hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với phía Việt Nam và Sô Viết, và từ đó sẽ cung cấp một cái dù ngoại giao cục bộ cho hành động của Trung Quốc mà không nối kết Hoa Kỳ với nó, nhờ thế cho phép Hoa Kỳ chấp nhận một cách công khai một lập trường phần nào bị chỉ trích.
Như thường lệ trong trường hợp có sự hoạch định tình trạng bất ngờ, đề xuất này đã không khơi dậy nhiều sự tranh cãi chừng nào nó vẫn còn ở trong giai đoạn giả thiết. Chính vì thế, ít nhất trong một ý nghĩa chính thức, một lập trường đã thỏa thuận xuất hiện, trong sự dự liệu về hành động của Trung Quốc. Một dấu hiệu về sự gấp rút của nó xảy ra cho chúng tôi trong khung cảnh không ngờ của bữa tiệc dành cho Tổng Thống López Portillo được khoản đãi bởi Tổng Thống Carter trong cuộc thăm viếng của ông tại Mexico City. Trong lúc có bữa tiệc, được tổ chức vào hôm 15 Tháng Hai, tôi được gọi ra khỏi phòng để nhận tin nhắn khẩn cấp từ Hoa Thịnh Đốn. Viên Đại Sứ Trung Quốc muốn có một cái hẹn với hoặc Ngoại Trưởng Vance hay tôi để chuyển giao một thông điệp quan trọng. Tôi đã chỉ thị cho phụ tá về Trung Quốc trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của tôi, Michel Oksenberg, để tiếp nhận nó, nhưng phía Trung Quốc trả lời bằng việc nói rằng các chỉ thị của họ là sẽ phải chuyển giao nó một cách chính xác vào lúc 9 giờ sáng Thứ Sáu. Sự kết hợp của tính khẩn cấp và một thời điểm cố định có tính chất gợi ý rất nhiều, và tôi đã quay về bàn tiệc và nói thầm vào tai Tổng Thống kết luận của tôi rằng hành động quân sự của Trung Quốc sắp được tiến hành.
Bởi cả [Ngoại Trưởng] Vance và tôi đều đi vắng, phía Trung Quốc đã không có cách nào ngoài việc chuyển giao lời nhắn nhủ của họ cho Oksenberg, người đã đón nhận nó thay tôi nhân danh Tổng Thống. Sáng Thứ Sáu, trong khi đang ngồi trên xe đi từ tư đinh của Đại Sứ Mỹ đến ăn điểm tâm với Tổng Thống López Portillo, tôi đã gọi điện thoại về Hoa Thịnh Đốn từ xe của Tổng Thống và được thuyết trình về lời nhắn của phía Trung Quốc. Phía Trung Quốc đã thông báo cho chúng tôi rằng họ đã cứu xét một cách thận trọng các sự phản đối của chúng tôi, nhưng khi nhìn đến sự tồi tệ của tình hình tại biên giới với Việt Nam, họ giờ đây đang tiến hành “các biện pháp hoàn kích tự vệ” cần thiết mà họ đã thảo luận trước đây với chúng tôi. Sau khi thuyết trình cho Tổng Thống và [Ngoại Trưởng] Vance, tôi đã gọi lại Hoa Thịnh Đốn và nói chuyện với Phó Tổng Thống. Theo các chỉ thị của Tổng Thống, tôi đã nói với ông triệu tập một phiên họp tức thời với SCC [một bộ phận Theo Dõi Tình Hình Khẩn Câp?], chỉ với các cấp trưởng cơ quan, để duyệt xét tình hình và để báo cáo lại vào sáng hôm sau.
Sau đó trong ngày, tôi đã nhận được bản văn đề xuất thông điệp gửi cho phía Trung Quốc mà chúng tôi đã khai triển trước đây và giờ đây tôi đang duyệt xét lại một lần nữa với Tổng Thống và [Ngoại Trưởng] Vance. Đã không có sự bất đồng giữa chúng tôi: chúng tôi cần phải ghi nhận sự không chấp thuận của chúng ta nhưng không làm như thế một cách hoảng hốt và chắc chăn không với cung cách trong thực tế sẽ đặt chúng tôi ở vào phía Sô Viết, nước chắc chắn nhất sẽ kết án phía Trung Quốc một khi hành động được khởi sự.
Ngay sau khi trở lại Hoa Thịnh Đốn, Tổng Thống đã triệu tập một phiên họp với Hội Đồng An Ninh Quốc Gia. Ông tỏ ra chính thức hơn thường lệ và bắt đầu cuộc họp bằng việc nói: “Đây là một phiên họp của Hôi Đồng An Ninh Quốc Gia. Xin ông Cố Vấn An Ninh Quốc Gia cho khởi sụ đuợc không”. Chúng tôi đã tái duyệt rất lâu đâu là thái độ mà chúng ta nên chấp nhận trong trường hợp Liên Bang Sô Viết sẽ phản ứng một cách mạnh mẽ đối với các sự thù nghịch. Mọi người đều đồng ý với quan điểm rằng yêu cầu của chúng ta về một sự triệt thoái các lực lượng Trung Quốc ra khỏi Việt Nam nên đi kèm với đòi hỏi về một sự rút quân của Việt Nam ra khỏi Căm Bốt. Phiên họp còn đồng ý về việc gửi một thông điệp cho phía Sô Viết thúc giục họ không nên có các hành động có thể làm trầm trọng hơn tình hình, đặc biệt xuyên qua các sự bố trí quân sự hay các hình thức khác của hành động quân sự. Tôi đã thúc đẩy rằng chúng ta bao gồm trong lời nhắn nhủ một câu đại ý căn bản rằng Hoa Kỳ đã chuẩn bị để thi hành một sự kiềm chế tương tự. Một số người trong phòng họp cảm thấy rằng điều này nghe có vẻ nhượng bộ một cách thái quá, nhưng tôi lập luận rằng điều quan trọng để mang đến cho phía Sô Viết một vài cảm giác về sự hỗ tương. (Một cách riêng tư, tôi cảm thấy rằng câu văn này cũng ám chỉ một sự sẵn lòng để đáp ứng về mặt quân sự nếu phía Sô Viết hành động như thế). Câu văn bổ túc sau cùng được chấp thuận, và thông điệp đã được gửi đến phía Sô Viết ngay sau đó. Tôi lấy làm hơi ngạc nhiên, [Ngoại Trưởng] Cy và những người khác đã không phản đối một đoạn văn trong bức thông điệp gửi đến Brezhnev xem ra có ám chỉ đến một số liên hệ giữa SALT và nhu cầu cần kiềm chế về phần Sô Viết.
Tôi đã trải qua ngày Chủ Nhật, 18 Tháng Hai, trong văn phòng của tôi, bởi các chiến sự giờ đây đã bùng nổ và các cuộc họp bổ túc cần thiết sẽ được tổ chức vào lúc cuối buổi chiều, tôi đã điện thoại với các cựu Tổng Thống Ford và Nixon để tóm lược tình hình cho họ. Nixon đã nhấn mạnh đến nhu cầu không có bất kỳ hành động nào sẽ bật đèn xanh cho phía Sô Viết chống lại Trung Quốc. Để thỉnh cầu sự cố vấn của ông, tôi đã đọc cho ông nghe thông điệp của chúng ta gửi cho phía Sô Viết, và ông đã tức thời nhận thấy sự ám chỉ tế nhị đến SALT và đã bình luận rất thuận lợi về điểm này, gọi đó “sự kết buộc”. Tôi ngờ rằng đây là ý định của mọi người trong phiên họp của Hôi Đồng An Ninh Quốc Gia khi bức thông điệp được chấp thuận. Tôi phải ghi nhận rằng, để bổ túc cho bàu không khí khủng hoảng đang hoành hành, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Iran đã bị chiếm giữ ngày hôm đó bởi các kẻ biểu tình bạo động, trong khi một ngày sau đó Đại Sứ Hoa Kỳ tại A Phú Hãn đã bị hạ sát bởi quân khủng bố, một biến cố bi thảm liên can đến hoặc sự bất lực hay thông đồng của Sô Viết.
Khi hành động của Trung Quốc chống Việt Nam kết tụ động lực, và khi nó trở thành đề tài của sự quan tâm quốc tế rộng lớn hơn, Bộ Ngoại Giao bắt đầu thay đổi lập trường của nó. Tại một phiên họp của bộ phận SCC, đề nghị được nêu ra rằng chguyến du hành sắp xảy ra đến Trung Quốc bởi Michael Blumenthal, Bộ Trưởng Ngân Khố, bị bãi bỏ nhu một sự biểu lộ cho sự không ưng thuận của chúng ta. Tôi được cho hay rằng Marshall Shulman và Peter Tarnoff, phụ tá của ông Vance, đã nói với ông Bộ Trưởng rằng một hành động như thế thì thích đáng bởi trước đây chúng ta đã bãi bỏ các chuyến du hành cấp Nội Các đến Liên Bang Sô Viết vì có hành vi sai lạc của Sô Viết. Trong cùng ngày chúng tôi cũng nhận được một thông điệp với lời lẽ mạnh mẽ từ Brezhnev, giống như thông điệp trước đó của chúng ta, đã chuyển đến qua đường dây nóng. Bức thông điệp đã đên nơi khi Tổng Thống và [Ngoại Trưởng] Vance đang vinh danh Đại Sứ Adolph Dubs trong dịp chở thi thể về Hoa Thịnh Đốn từ A Phú Hãn; vào lúc mà đám tang rời đi, Tổng Thống, ông Vance và tôi đã vào trong chiếc trực thăng của Tổng Thống để tham khảo về bức thông điêp. Tôi đã thông dịch bản văn từng chữ một từ nguyên văn bằng Nga ngữ khi ba người chúng tôi ngồi run rẩy ở đó trong nhiệt độ lạnh lẽo không thể tin đang được đổ xuống Hoa Thịnh Đốn. Chúng tôi tuyệt đối đông cứng.
Tôi rất lấy làm cảm kích bởi phản ứng của Tổng Thống, dường như tương xứng với nhiệt độ. Ông đã không xao xuyến chút nào về lời nhắn nhủ, và nói với chúng tôi giữ vững đường hướng mà chúng tôi đã ấn định trước đây. Trong thực tế, hơi nghiêng về phía Trung Quốc một chút. Tuy nhiên, trong số các cố vấn của ông, các sự phân cách sớm trở nên rõ nét hơn. Hôm Thứ Hai, 19 Tháng Hai, tại phiên họp của bộ phận SCC, vấn đế chuyến du hành của Blumenthal lại được nêu lên một lần nữa. Tuy nhiên, dự liệu điều này, tôi đề nghị rằng chúng ta trước tiên đồng ý trên nguyên tắc tổng quát rằng cuộc khủng hoảng giữa Trung Quốc và Việt Nam không nên được phép để ảnh hưởng đến các quan hệ song phương lần lượt đối với Liên Bang Sô Viết hay Trung Quốc. Công thức này được nhất trí chấp thuận, và chính vì thế khi vần đề chuyến du hành của Blumenthal sang Trung Quốc được nêu lên, tôi đã ở một vị thế để lập luận rằng sự bãi bỏ nó sẽ không phù hợp với đường hướng tổng quát vừa được chấp thuận, là không để cho các quan hệ song phương của chúng ta với cường quốc quan trọng nào bị ảnh hưởng. Mặc dù ông Vance tán thành sự bãi bỏ, tôi đã ngạc nhiên một cách thú vị bởi sự can đảm của Holbrooke khi đứng lên và ủng hộ quan điểm của tôi rằng Blumenthal nên tiến hành như đã trù định. Tôi cũng đã lôi kéo sự chú ý của nhóm đến một điện văn của Thủ Tướng [Anh Quốc] Callaghan, thông báo trong số các sự việc khác, cho thấy rằng Bộ Trưởng Kỹ Nghệ của Anh Quốc sẽ đi sang Trung Quốc cùng ngày và rằng Callaghan đã quyết định không bãi bỏ chuyến du hành đó bởi vì việc này sẽ không thuộc quyền lợi tốt nhất của Anh Quốc. Trên bản tường trình viết tay phiên họp SCC mà tôi đệ trình sau đó trong ngày lên Tổng Thống, Tổng Thống đã bút phê bên lề: “Blumenthal nên đi”.
Một cách lạ lùng, trong chuyến thắm viếng Trung Quốc của ông, Blumenthal đã đưa ra một số lời tuyên bố công khai có tính chất kết án mạnh mẽ hơn, khác với lập trường chính thức của chúng ta, như được loan báo tại Hoa Thịnh Đốn và như được tuyên bố trong các cuộc tranh luận tại Liên Hiệp Quốc. Tôi đã không có ý tưởng là liệu Blumenthal đã làm điều này do tự ý của ông hay ông ta đã được khuyến khích để làm như thế bởi một số chỉ thị (của Bộ Ngoại Giao?) từ Hoa Thịnh Đốn hay không. Trong bất kỳ trường hợp nào, sau khi kiểm tra lại với Tổng Thống, tôi đã gửi cho ông ấy một điện văn với lời lẽ mạnh mẽ đại ý rằng ông nên tập trung các ý kiến công khai hoàn toàn vào các vấn đề mậu dịch. Để phòng ngừa, tôi có nói với ông Cy rằng tôi sắp gửi điện văn này cho Blumenthal và ông Bộ Trưởng đã không phản đối.
Tại Hoa Thịnh Đốn, chúng tôi tiếp tục các sự cân nhắc của chúng tôi trong khi theo dõi chặt chẽ các phản ứng của Sô Viết. Các cố vấn của Tổng Thống đồng ý rằng chúng ta nên cảnh cáo Sô Viết rằng bất kỳ sự hiện diện quân sự có tổ chức nào của Sô Viết, đặc biệt sự hiện diện hải quân, tại Việt Nam (nổi bật tại Vịnh Cam Ranh), sẽ buộc chúng ta phải tái lượng giá vị thế an ninh của chúng ta tại vùng Viễn Đông. Hàm ý của lời nhắn nhủ này, dĩ nhiên, rằng một mối quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc loại nào đó sẽ phát triển như một hậu quả của sự can dự như thế của Sô Viết. Một lần nữa, lời nhắn nhủ này đại diện cho một bước tiến mặc nhiên đến một mối quan hệ rộng lớn hơn giữa Mỹ và Trung Quốc.
Trong suốt cuộc khủng hoảng này, tôi đã cảm thấy rằng phản ứng của Trung Quốc ở một số khía cạnh có thể có lợi cho chúng ta. Một thí dụ, nó đã phát lộ một số giới hạn của quyền lực Sô Viết bằng việc phô bày là một đồng minh của Liên Bang Sô Viết có thể bị quấy nhiễu mà tương đối không bị trừng phạt. Đây là một bài học nhất thiết không nên bị đánh mất đi đối với một số quan sát viên, nhất là những nước có tiềm năng bị đe dọa bởi Liên Bang Sô Viết. Tôi cũng cảm thấy rằng một lập trường kiên định của Hoa Kỳ sẽ thuyết phục phía Trung Quốc rằng chúng ta đã không phải là một “con hổ bằng giấy”, và rằng mối quan hệ với chúng ta chắc chắn có các lợi lộc an ninh hỗ tương và trường kỳ.
Như họ đã nói với chúng ta từ lúc bắt đầu, phía Trung Quốc sau khoảng hai mươi ngày đã chấm dứt cuộc hành quân của họ và triệt thoái các lực lượng của họ. Phản ứng của Sô Viết trong suốt cuộc chiến được giới hạn vào các lời đe dọa và quát tháo khoác lác. Từ một quan điểm quân sự, cuộc hành quân của Trung Quốc không có hiệu năng cũng như tạo hiệu quả rõ ràng như phía Trung Quốc đã dự liệu. Phía Việt Nam đã chứng tỏ dẻo dai hơn, trong khi sự chỉ huy và kiểm soát, cũng như sự tiếp vận của Trung Quốc, gặp trở ngai nhiều hơn ước tính trong các điều kiện của chiến tranh hiện đại – nhưng mặt chính trị đã được thực hiện một cách hữu hiệu. Phía Việt Nam đã bị buộc phải tái bố trí một số lực lượng của họ ra khỏi Căm Bốt, cuộc xung đột đã áp đặt các tổn hại rất quan trọng trên họ, gây ra một sự tàn phá lớn lao, và trên hết, đã phơi bày các giới hạn của sự trông cậy của họ vào Liên Bang Sô Viết. Quan trọng nhất, nhờ sự kiên định của Carter, mối quan hệ mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã vượt thắng được cuộc thử thách đầu tiên của nó./-
___
* Sau này [Tổng Thống] Carter có nói với tôi ông nhận thấy họ Đặng cực kỳ đáng mến và gây ấn tượng tốt; rằng các cảm nhận của ông đối với họ Đặng giống như các cảm nhận mà ông đã có với Sadat [Tổng Thống Ai Cập] – trong ngữ vựng của Carter, thực sự là sự tán thưởng cao nhất.
*****
Phụ Lục 3
Anatoly Dobrynin
Cựu Đại Sứ Liên Bang Sô Viết tại Hoa Kỳ
Trích dịch từ hồi ký của Anatoly Dobrynin, In Confidence, Moscow’s Ambassador To America’s Six Cold War Presidents (1962-1986), Times Books, Random House: New York, 1995, các trang 417-419.
… Tổng Thống [Carter] đã mời tôi đến để thảo luận tại văn phòng ông hôm 27 Tháng Hai [1979] để tái đoan quyết với chúng tôi về sự lưu tâm của ông trong việc duy trì các quan hệ tốt (một vấn đề gây ra một số quan ngại cho ông, bởi ông đang phải đối diện lại với cuộc tái bàu cử vào năm kế tiếp). Các tình trạng bất ổn của các quan hệ Sô Viết – Mỹ và các cuộc thương thảo bị trì hoãn về Thỏa Ước SALT II đã bắt đầu làm ông lo ngại, vì thế ông đã quyết định đích thân can thiệp vào diễn riến của các biến cố. [Ngoại Trưởng] Vance và [Cố Vấn An Ninh Quốc Gia] Brzezinski cũng có hiện diện, như thế tôi có thể nhận thấy chúng tôi bước vào một cuộc đàm thoại nghiêm trọng. Một đề tài là về SALT và sự liên hệ của nó với các sự chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Vienna, đề tài khác là Trung Quốc. Nhung quan trọng không kém là giọng điệu của Carter.
… Sau đó Tổng Thống Carter hướng đến các quan hệ với Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam hôm 17 Tháng Hai, Brezhnev và Carter đã trao đổi các thông điệp qua đường dây nóng, Brezhnev gọi Trung Quốc là các kẻ xâm lược trong khi Carter kêu gọi sự kiềm chế trong điều ông ta nhìn như một sự đáp ứng của Trung Quốc đối với sự xâm lược của Việt Nam vào Căm Bốt. Mỗi bên đều đã nghi ngờ về chiến lược của bên kia đối với Trung Quốc. [Tổng Thống] Carter yêu cầu tôi bảo đảm với Brezhnev rằng, trước tiên, đã không có các sự thỏa thuận bí mật giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, và thứ nhì, chính phủ Mỹ đã không được thông báo trước về các sự chuẩn bị của Trung Quốc để tấn công Việt Nam chưa đầy một tháng sau khi Đặng Tiểu Bình sang thăm viếng Hoa Kỳ. Tổng Thống có nói rằng bản thân ông đã cảnh cáo một cách mạnh mẽ nhà lãnh đạo Trung Quốc chống lại hoạt động quân sự tại Việt Nam và đã đòi hỏi một sự triệt thoái mau chóng các binh sĩ Trung Quốc sau cuộc tấn công – đúng y như Liên Bang Sô Viết đã mong muốn.
Tôi nói với Tổng Thống rằng các sự bảo đảm của ông sẽ được báo cáo về Mạc Tư Khoa. “Chúng tôi nhìn chúng [các sự cam đoan] là tích cực”, tôi đã nhận xét. “Nhưng sự cảnh giác của chúng tôi thì rất dễ hiểu. Sự kiện còn lại rằng cuộc xâm lăng của Trung Quốc vào Việt Nam đã diễn ra ngay theo sau cuộc viếng thăm của họ Đặng tại Hoa Kỳ. Điều đó không chỉ được ghi nhận bởi công luận Sô Viết mà còn ngay tại Hoa Kỳ”. Tôi đã nhắc ông Carter về câu hỏi của Brezhnev trong thông điệp mới nhất qua đường dây nóng của ông ta về cuộc xâm lăng: “Đó có phải chỉ là sự trùng hợp hay không?”
[Tổng Thống] Carter đã trả lời rằng ông thông cảm rất nhiều câu hỏi của Brezhnev, và rằng đó là lý do chính yếu để ông mời tôi đến.
Tôi rời Tòa Bạch Ốc với ấn tượng rằng Carter đang bắt đầu để biểu lộ sự quan tâm thực sự đến một sự thay đổi trong các quan hệ của chúng tôi. Một cách rõ rệt, đây là lần đầu tiên ông đã không đề cập đến đề tài ưa thích của ông về nhân quyền. Hơn nữa, trong tháng kế tiếp, một sự trao đổi các thông điệp cá nhân giữa Carter và Brezhnev đã giải quyết một trong những sự tranh cãi còn lại về Thỏa Ước SALT về thông tin đo lường từ xa (telemetric) trên các cuộc thí nghiệm hỏa tiễn chiến lược. Và khi [Ngoại Trưởng] Vance thông báo với tôi một cách kín đáo hôm 5 Tháng Ba rằng đại sứ Trung Quốc đã chính thức thông báo với Hoa Kỳ là Trung Quốc đang triệt thoái tất cả các binh sĩ của mình ra khỏi Việt Nam, ông cũng đã chuyển đến tôi sự tán thưởng của [Tổng Thống] Carter về sự kiềm chế được biểu lộ bởi giới lãnh đạo Sô Viết – điều không chính xác như những gì mà chính quyền {Mỹ} đã nói vào lúc cao điểm của cuộc khủng hoảng. Mạc Tư Khoa và Hoa Thịnh Đốn đã tìm cách để vượt qua thời kỳ khó khăn đó mà không gây ra tổn hại nghiêm trọng đến các quan hệ của hai bên, và theo lời của vị bộ trưởng ngoại giao, đó là một vấn đề có ý nghĩa không nhỏ. …
*****
Nguồn: Trích dịch từ hồi ký của Jimmy Carter, Keeping Faith, Memoirs Of A President, A Bantam Book: New York, November 1982, các trang 194-211, 254-259 rải rác.
Ngô Bắc dịch và phụ chú
18.03.2013
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới