HÃY CẢNH GIÁC VỚI CÁI GỌI PHONG TRÀO DÂN CHỦ

Người xem: 197

Mõ Làng

Trong không khí sôi động của toàn dân góp ý xây dựng Hiến Pháp 1992 sửa đổi các trào lưu tư tưởng đang nảy nở. Đấy là điều mừng cho đời sống tư tưởng của dân tộc. Các giới trí thức, học giã, chức sắc tôn giáo, dân thường. Các tầng lớp dân chúng trong xã hội từ giới chính trị gia cao cấp đến thương gia, công nhân, nông dân, sinh viên, phụ nữ, thanh niên… đều đăng đàn với nhiều hình thức hội thảo, trao đổi, viết bài đăng báo, lập blog, ra kiến nghị… để nói lên tiếng nói của mình. Tất cả đều rất tâm huyết và rất đáng trân trọng. Mới đây, thường trực ban dự thảo đã quyết định mở rộng và kéo dài thêm thời gian góp ý làm sôi động đời sống chính trị trong nhân dân.

Song thật đáng tiếc, bên cạnh những tâm huyết vì dân tộc, vì nhân dân mà chẳng quản ngại “cấm kị, nhạy cảm” chân thành góp ý, phảng phất ở đâu đó những dụng ý lái hướng cuộc chơi sang một mục đích khác. Nói một cách thẳng thắn đó là những biểu hiện lợi dụng diễn đàn góp ý xây dựng Hiến Pháp, lợi dụng dân chủ để tập hợp lực lượng, tạo đối trọng để gây sức ép chính trị. Không biết như vậy có thái quá không nhưng thâm tâm tôi vẫn mong muốn những điều tốt đẹp cho dân tộc. Điều tốt đẹp đó là mỗi người dân chúng ta được sống trong một đất nước hòa bình ổn định và có cơ hội thuận lợi để thể hiện tài năng của mình làm cho mình và xã hội phồn vinh, hạnh phúc hơn.

Sẽ có người hỏi tôi rằng, căn cứ vào đâu mà nói như vậy. Xin thưa rằng có những vấn đề làm tôi nghi ngại:

Thứ nhất, đó là thái độ ứng xử của một số người là rất thiếu thiện chí. Văn hóa ứng xử rất thái quá, họ thể hiện thái độ hằn học qua ngôn từ chửi bới, miệt thị đối tượng, đôi khi đối tượng đó là cả một dân tộc, một vị đại diện cho đảng, nhà nước, quốc hội… mà đến cả kẻ thù cũng không dùng ngôn từ như vậy. Họ đưa ra những nhận định, suy đoán theo hướng tiêu cực nhân một sự kiện, hiện tượng nào đó rồi quy chụp cho đối tượng công kích những điều xấu xa để kích động sự thù ghét của nhân dân. Họ dẫn ra những sai lầm, khuyết điểm của đảng, chính phủ (mà những điều này đã được công khai) với thái độ phủ định sạch trơn, vô tình, vô nghĩa để lôi kéo đồng đảng. Không lẽ đó là thái độ có trách nhiệm với đất nước. Quá nhiều bài, nhiều blog, kiến nghị tập thể chỉ nói khía cạnh cái sai, cái tiêu cực làm phân tâm dân chúng. Những cái đó làm tôi nghi ngại sự trong sáng của ý kiến góp ý.

Thứ hai, là tung hỏa mù làm rối ren, lạc lối tư tưởng của những ai thiếu kiến thức thấu đáo về chính trị, về ý thức hệ để lung lạc lòng tin. Đó là cách dẫn ra những mô hình đang vận dụng thực tế, có hiệu quả ở một số nước rồi khẳng định nó là chân lí cho VN mà lờ đi những điều kiện nền tảng về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước ta. Mưu đồ tạo những rối ren xã hội để thực hiện ý đồ của họ. Hoặc ít ra là kích động dân chúng bất tính với chính thể hiện tại, ủng hộ, vào hùa với họ mỗi khi có cơ hội. Chẳng hạn, người ta hô hào rằng mô hình tam quyền phân lập là một tiến bộ của xã hội dân chủ. Điều đó không sai. Song để tam quyền phân lập được thì phải phi chính trị hóa tòa án, tạo đối lập chính trị trong quốc hội, tách bạch tuyệt đối giữa các nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong lúc ở VN cơ cấu chính trị chưa cho phép áp dụng ngay được. Nếu làm ngay thì sẽ phân rã hoàn toàn, vô hiệu hoàn toàn hệ thống quyền lực hiện có. Và như vậy hệ lụy bất ổn xã hội dưới dạng “cách mạng đường phố” là khó tránh khỏi. Tại sao họ không ủng hộ một lộ trình cải cách, đổi mới không gây xáo trộn.

Thứ ba, đây đó đã xướng xuất những cách thức để tạo lập lực lượng đối trọng dưới hình thức kiến nghị, tuyên bố, yêu sách nhiều người. Cách thức này là một viên đạn trúng hai đích. Một mặt nó khích lệ dân chúng rằng đây là ý kiến của số đông, mang tính quần chúng, nên nó là chân lí. Đi theo, ủng hộ nó là đúng đắn, chẳng có gì mà ngại. Một mặt nó tạo ra sự liên kết, xâu chuỗi như là một tổ chức nhưng không có người cầm đầu, đại diện để tránh đòn pháp luật. Người ta gọi nó dưới những cái tên rất hợp mốt ngưỡng mộ của dân chúng, phong trào này, trào lưu nọ. Người ta dùng nó như một công cụ để tạo sức ép với Đảng, Quốc hội, Nhà nước. Tại sao lại như vậy? Chân lí đúng đắn thì sẽ được mọi người công nhận, có cần phải tạo áp lực để buộc bên kia phải chấp nhận không? Có người cho rằng, tại vì bên kia bảo thủ, không vì lợi ích toàn dân nên phải gây sức ép. Vậy có chủ quan phiến diện không khi mà những người đó cũng đã từng vào sinh, ra tử với cộng đồng dân tộc. Hôm nay họ cầm quyền nên đã bị tha hóa hoàn toàn sao, là thứ bỏ đi sao?

Yêu nước và thành tâm vì nước là phẩm chất cao quý của công dân. Song cũng cần tỉnh táo để nhận chân giá trị những gì đang diễn ra quanh mình mà chọn thái độ ứng xử. Đừng ngộ nhận mà có thể vô tình tiếp tay cho cái xấu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *