TS.Phạm Bích San |
Trong các phản biện, chúng tôi nói thật. Vấn đề ở chỗ có công khai hay không mà thôi.
PV: Thưa TS Phạm Bích San, tròn 10 năm sau khi xuất hiện chính thức hai từ “phản biện” đến giờ, diễn đàn để trí thức tham gia tư vấn phản biện xã hội vẫn đang hoài thai. Phải chăng sự “nhạy cảm” là lý do cho sự nâng lên đặt xuống nhiều đến như vậy?
TS Phạm Bích San: Diễn đàn để các trí thức tham gia tư vấn phản biện xã hội trăn trở chưa đưa ra được quy chế. Cái khó có lẽ ở chỗ vì tại diễn đàn đó các phát biểu cần phải được chắc chắn không bị quy chụp. Cái khó thứ hai là vấn đề tiếp cận thông tin. Tôi phải khẳng định là thông tin mà chúng ta có, ngay cả thông tin những người làm công tác phản biện có, còn kém xa so với thông tin mà cơ quan quản lý có trong tay. Cái khó thứ ba đó là việc công bố thông tin. Xin nói rõ hơn, các thông tin trong các phản biện thường tạo dư luận, nếu không bình duyệt cẩn thận thì việc công bố sẽ có thể có tác động rất lớn về mặt dư luận xã hội. Việc thông tin được công bố đến đâu? ai chịu trách nhiệm trước? công bố thế nào? Hiện vẫn còn chưa thống nhất. Nhưng điều quan trọng nhất, theo tôi, là Diễn đàn không thể có nếu các quyền dân chủ trong học thuật và tự do trình bày ý kiến không được đảm bảo
PV: Liên hiệp Hội từng tiến hành phản biện những dự án lớn như Đường sắt cao tốc, Bauxite Tây Nguyên, Điện hạt nhân, hay Quy hoạch Thủ đô hay gần đây là động đất Sông Tranh, việc cung cấp thông tin có được xem là đầy đủ để phản biện không? Thưa tiến sĩ?
TS Phạm Bích San: Thực chất, hoạt động phản biện là quá trình thu thập và đánh giá thông tin, nhưng trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam quả thực cũng có nhiều cái khó để tiến hành một cuộc phản biện theo đúng quy trình. Tùy từng vấn đề phản biện và người đặt hàng phản biện, các thông tin có thể được cung cấp rất đầy đủ hoặc một phần hoặc không có. Ví dụ như Quy hoạch Thủ đô được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp rất đầy đủ, nhưng dự án Điện hạt nhân thì chúng tôi lại phải tự tìm kiếm là chính, có cả sự hỗ trợ của những nhà khoa họcViệt kiều. Phía cơ quan quản lý, có thông tin gì họ cung cấp cái đó. Có điều, có khi đó chỉ là một phần của thông tin. Chẳng có gì để đảm bảo họ sẽ cung cấp đầy đủ khi thông tin là lợi ích!
Chúng tôi cũng lấy làm tiếc khi Luật Tiếp cận thông tin không còn được đặt lên bàn Quốc hội như một luật cần làm gấp nữa. Đó là một thiệt thòi cho xã hội nói chung và phản biện xã hội nói riêng. Hiến pháp cho quyền tự do báo chí nhưng khi không có khả năng tiếp cận thông tin thì ý nghĩa của tự do báo chí cũng bị giới hạn nhiều..
PV: Trong phản biện của Liên hiệp hội sự thật được nói đến một cách đích đáng không, thưa Tiến sĩ?
TS Phạm Bích San: Đích đáng, tôi nghĩ thế. Đường hướng của LHH là phản biện dựa trên bằng chứng, cố gắng xác thực. Chúng tôi cũng cố gắng giữ thái độ điềm đạm với các kết luận cẩn thận, có chừng mực để đóng góp được nhiều nhất có thể. Nhưng trong các phản biện, chúng tôi nói thật. Vấn đề ở chỗ có công khai hay không mà thôi. Từ 2004 đến nay, chúng tôi đặt mục tiêu cố gắng tìm hạt nhân duy lý trong các chính sách của Nhà nước. Mọi sự tồn tại đều có lý của nó. Dù chính sách đó có phù hợp hay không là chuyện khác. Bởi trong thực tế, với một đối tượng chưa phát triển có khi phải dùng biện pháp rất cực đoan, thoạt nhìn tưởng phi lý.
PV: Trước khi ban hành, Nghị định 71 về chuyện chính chủ đã được phản biện thế nào, thưa Tiến sĩ?
TS Phạm Bích San: Tôi có biết người dân gọi nghị định này là gì.Nhưng ở cơ quan tôi không thấy có sự phản biện này . Vấn đề trong các chính sách hiện nay thông thường là trước khi ban hành, chúng được gửi một vòng cho các bộ ngành, cơ quan, ai góp gì thì góp. Cái này thật khó gọi là phản biện. Như đã nói, phản biện là quá trình thu thập và đánh giá thông tin theo các phương pháp khoa học chuẩn mực. Nó đòi hỏi sự nghiêm cẩn và khách quan trong việc phân tích mọi chiều cạnh của một vấn đề hay một chính sách. Hơn nữa, đầu ra của nó dứt khoát phải có giải pháp rõ ràng chứ không thể chỉ phê phán chung chung.
PV: Năm 1997, ông chính là một tác giả của nghiên cứu xã hội học về Thái Bình. Sau 15 năm, những sự thật trong đó chưa hề được công bố chính thức, ngoài vài dòng trong cuốn sử Thái Bình, thưa Tiến sĩ, tiêu chí nào để các phản biện hoặc được công bố hoặc không?
TS Phạm Bích San: Điều này phụ thuộc hoàn toàn vào cơ quan đặt hàng. Chúng tôi chỉ có thể phân tích bằng những thông tin mình có và đưa ra các khuyến nghị. Tiêu chí công bố không phải là quyền của người làm phản biện.
PV: Xin hỏi cách khác, thưa TS. Vì sao phản biện đường sắt cao tốc thì có hẳn một cuộc họp báo để công bố công khai, trong khi phản biện đối với Dự án Bauxite Tây Nguyên thì không, thưa ông?
TS Phạm Bích San (cười): Có thể ĐSCT là một dự án có quá nhiều phi lý! Còn dự án bauxite Tây nguyên thì Chính phủ dành cả một ngày, 9/4/2009, tại khách sạn Melia để các nhà khoa học phản biện và có rất nhiều báo tham dự.
PV: Như thế sự thật phụ thuộc vào việc các nhà quản lý sử dụng phản biện chứ không phải phụ thuộc vào sự thật được nói đến trong phản biện? Thưa ông?
TS Phạm Bích San: Có lẽ những người làm phản biện như chúng tôi cho rằng ít nhất, các nhà quản lý cũng đã có những thông tin trái chiều để cân nhắc trước khi đặt bút ký quyết định, trước khi ban hành chính sách. Quyền chọn lựa thuộc về họ chứ không phụ thuộc chúng tôi.
Xin trân trọng cảm ơn TS Phạm Bích San
Tin cùng chuyên mục:
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia