Ðã là người, ai cũng phải chết. Ngoài các truyền thuyết hoặc thần thoại, chưa hề nghe nói có ai trong lịch sử thoát khỏi cái chết. Thần Chết đối xử thật là bình đẳng với tất cả mọi người, tuyệt đối không thiên vị ai, trước sau như một, từ xưa đến giờ và mãi mãi về sau.
Thái độ của con người đối với cái chết, nói chung, là sợ hãi, coi nó như một điều xấu ghê gớm nhất, và cố tìm đủ mọi cách để xa tránh, để trốn thoát, nhưng chưa hề có ai thành công. Cái chết luôn đè bẹp hữu hiệu tất cả những nỗ lực chống lại nó. Biết bao nhiêu nỗ lực của con người tìm thuốc trường sinh, để trốn thoát hoặc để chống lại cái chết, cuối cùng chỉ là công dã tràng. Có thành công thì chỉ là kéo dài tuổi thọ một vài năm, nhiều lắm cũng chỉ được chục năm là cùng. Nói chung, chẳng ai muốn chết cả, ai cũng muốn sống hoài sống mãi, nhưng đó chỉ là một khát vọng chưa bao giờ được thỏa mãn. Nghĩ thế, ta thấy Tạo Hóa thật là oái oăm: một đằng thì đặt nơi con người một khát vọng sâu xa là muốn sống mãi, một bản năng tự vệ để bảo tồn sự sống rất mạnh, nhưng đằng kia lại để cho cái chết luôn luôn toàn thắng, khiến cho cơn khát đó của con người dường như vô phương cứu chữa. Một cơn khát không có thứ nước nào thích hợp uống cho đã khát! Nỗi khao khát đó mạnh đến nỗi: Thà sống khổ còn hơn là phải chết!
“Ðành chết là hết nợ,
Thế mà ai cũng sợ,
Mới hay bụng thế gian,
Khổ mà sống còn hơn!”
(La Fontaine)
Chết là gì mà người ta phải sợ hãi và trốn tránh như thế? Bản chất của sự chết là gì? Chết có phải là hoàn toàn hết sống hay chết là chuyển sang một hình thức sống khác? Chết rồi đi đâu?
Ðịnh Luật cho Thế Giới Hiện Tượng
Người Phật Tử coi cái chết là một trong 4 khâu của định luật “thành, trụ, hoại, diệt”. Bất cứ sự vật nào thuộc thế giới hiện tượng, nghĩa là có hình có tướng, đều phải trải qua bốn giai đoạn của hiện hữu: Thành (từ chưa có trở nên có), Trụ (tồn tại một thời gian), Hoại (bị hư hoại, yếu dần, suy thoái), và Diệt (cuối cùng bị tiêu diệt, mất đi, không còn tồn tại nữa). Chết chính là khâu cuối cùng của 4 giai đoạn hiện hữu trên cho mọi vật sống, mọi chúng sinh, là giai đoạn từ có trở về không.
Ðịnh luật “thành, trụ, hoại, diệt” là định luật phổ quát tuyệt đối cho tất cả mọi sự vật vô thường (hay thay đổi) trong thế giới hiện tượng: Theo định luật này, phàm cái gì có sinh thì phải có diệt, chỉ những cái không sinh mới không diệt thôi. Hễ cái nào đã từng sinh ra, nghĩa là trước chưa có mà sau lại có, ắt thuộc loại bất tất, vô thường, hay thay đổi, mà thay đổi tức là phải “thành, trụ, hoại, diệt”, nghĩa là cuối cùng phải bị hủy hoại, tiêu diệt, chết. Không thể có sinh mà không có tử, cũng như không thể có tử mà trước đó đã không sinh. Vì thế, Phật Giáo không thể chấp nhận một linh hồn đã được sinh ra mà sau đó lại tồn tại vĩnh cửu, hay một thể xác sống lại để rồi tiếp tục sống mãi. Nếu có một linh hồn bất tử, thì linh hồn đó ắt phải có từ trước muôn đời không do ai sinh ra cả. Mà hễ do một nhân duyên nào sinh ra, ắt phải có ngày hủy diệt.
Như vậy, con người sinh ra rồi chết đi có phải là hết không? Thưa không, vì tuy sinh ra ắt phải chết, nhưng chết rồi lại phải sinh ra nữa. Cứ như vậy mãi. Cũng như một ngày sinh ra ban sáng, chết đi ban tối, rồi lại sinh ra vào sáng hôm sau, cứ như vậy liên tục mãi mãi. Hay như một năm sinh ra vào mùa xuân đầy sức sống, lên đến mức trưởng thành vào mùa hạ, yếu đi vào mùa thu, rồi tàn tạ và chết đi vào mùa đông, để rồi lại sinh ra vào mùa xuân năm sau. Cứ như thế liên tu bất tận. Ðó gọi là luân hồi. Cũng vậy, con người sinh ra chết đi ở kiếp này rồi lại sinh ra và chết đi ở kiếp sau. Cứ như thế liên tục mãi. Như vậy, trước kiếp hiện tại ta đang sống, thì ta cũng đã từng sống hằng hà sa số kiếp, và sau kiếp sống này, ta còn sống hằng hà sa số kiếp sống khác nữa. Các kiếp trước đây hoặc sau này, ta có thể là người mà cũng có thể là những loại chúng sinh khác cao hơn hoặc thấp hơn người, có thể ở trái đất này mà cũng có thể ở những nơi khác không phải là trái đất.
Thuyết Luân Hồi
Luân là bánh xe, Hồi là trở lại. Vì bánh xe quay, nên các điểm trên bánh xe sẽ phải dời đi chỗ khác, nhưng rồi sẽ có lúc phải trở về vị trí cũ, cứ đi rồi lại trở về như vậy hoài. Như vậy, luân hồi cũng có nghĩa như chu kỳ. Hiện hữu của con người là một chuỗi vô tận những kiếp sống, mỗi kiếp đều khởi đầu bằng việc sinh ra và kết thúc bằng việc chết đi. Sinh tử, tử sinh liên tục nối tiếp nhau như cái bánh xe cứ quay hoài quay mãi không ngừng.
Luân hồi không phải là thuyết đặc trưng của Phật Giáo, vì trước khi Phật Giáo ra đời thì thuyết luân hồi đã được lưu hành trong Ấn Giáo và Kỳ Na Giáo. Ðức Phật đã dùng thuyết luân hồi sẵn có trong hai tôn giáo này, đồng thời bổ túc củng cố thêm, để giải thích về số phận con người ngoài kiếp sống này. Ðức Phật dạy rằng nếu người ta có trí tuệ thanh tịnh sáng suốt, họ có thể nhớ được các tiền kiếp của mình. Chính Ngài có thể nhớ lại hằng hà sa số kiếp của Ngài cũng như của bao người khác. Ngài đã kể ra rất nhiều kiếp trước của Ngài và của một số người khác với đầy đủ tình tiết như khi kể về một số người rất quen biết.
Kinh Trung A Hàm viết: “Như Lai đã nhớ lại nhiều kiếp sống trong quá khứ như sau: trước hết một kiếp, rồi 2 kiếp, rồi 3, 4, 5, 20, đến 50, rồi 100, 1000, 100,000 kiếp, v.v…”
Kinh này kể lại: Chính trong đêm Phật Tổ đắc quả Chánh Ðẳng Chánh Giác, lúc canh một, Ngài đắc Túc Mạng Minh là trí tuệ biết rõ những kiếp sống quá khứ. Sang canh hai, Ngài đắc Thiên Nhãn Minh, nhận thấy chúng sinh chết từ kiếp sống này tái sinh vào kiếp sống khác. Ngài chứng kiến cảnh tượng “kẻ hèn người sang, kẻ đẹp người xấu, kẻ hạnh phúc người khốn khổ, chúng sinh cứ chết rồi tái sinh, tùy theo hành vi tạo tác của mỗi người”.
Mặc dù trong Ấn Giáo và Kỳ Na Giáo đã có thuyết luân hồi, nhưng Phật không dựa vào đó, chỉ dựa trên kinh nghiệm và nhận thức của mình, tuy siêu phàm, nhưng ai cũng có thể đạt được nếu tu tập trau giồi đúng mức. Túc sinh truyện có ghi lại các tiền kiếp của Ðức Phật. Kinh Trung A-Hàm và Tăng-Nhất A-Hàm thỉnh thoảng cũng đề cập đến những kiếp sống quá khứ của Phật.
Kinh Ðại Niết-Bàn ghi lại: Một hôm, Ðại Ðức Ananda hỏi Ðức Phật về số phận của một số người chết trong làng nọ, Phật nhẫn nại diễn tả trường hợp của từng người, từng hoàn cảnh. trong Tam Tạng Kinh có rất nhiều những đoạn ghi lại những trường hợp tương tự như vậy. Ðiều đó chứng tỏ Ðức Phật giảng giải thuyết tái sinh và luân hồi như một chân lý có thể kiểm chứng được.
Thuyết luân hồi của nhà Phật lấy luật nhân quả làm nền tảng: bất kỳ một sự cố nào cũng đều là hậu quả của một dãy nguyên nhân xảy ra trước nó và cũng là nguyên nhân cho một dãy hậu quả xảy ra sau nó. Nhân và quả liên kết với nhau chặt chẽ như một chuỗi dây xích vô tận: bất kỳ mắt xích nào cũng là nguyên nhân cho những mắt kế tiếp sau nó và là hậu quả cho những mắt liền trước nó. Việc luân hồi cũng có thể được minh họa như vậy: mỗi kiếp tương tự như một mắt xích trong một dây xích dài vô tận. Kiếp này sướng hay khổ, có những tài năng hay khuynh hướng bẩm sinh nào đều có nguyên nhân từ trong kiếp trước, và chính kiếp này lại là nguyên nhân quyết định những yếu tố cấu tạo nên kiếp sau.
Luân hồi có thể được minh họa dễ hiểu hơn bằng chuỗi ngày trong đời ta, với mỗi ngày tượng trưng cho một kiếp. Ngày hôm nay ta được (hay bị) như thế này là do kết quả của ngày hôm qua và các hôm trước nữa. Những gì ta có được, làm được hôm nay sẽ lại ảnh hưởng đến cuộc sống của ta ngày mai và những ngày kế tiếp. Chẳng hạn ngày hôm nay tôi viết cuốn sách này là vì ngày hôm qua có người đề nghị với tôi viết ra. Sở dĩ hôm qua người ấy đề nghị với tôi là vì những ngày trước đó tôi có đọc kỹ nhiều sách về Phật Giáo. Sỡ dĩ hôm trước tôi nghiên cứu là vì… Ngày nào ra sao cũng đều có lý do từ những ngày trước. Xét về tương lai thì vì ngày nay tôi viết sách này nên ngày mai sẽ đem in. Ngày mai tôi đem in nên ngày mốt nhiều người sẽ đọc tôi. Ngày mốt tôi được nhiều người đọc nên ngày sau đó tôi… Cứ như vậy, ngày nào cũng ảnh hưởng tới ngày kế tiếp nó. Vì thế, cứ xem hôm nay tôi thế nào, người ta có thể đoán được hôm qua và những hôm trước nữa tôi đã làm gì, và đoán được ngày mai và những ngày sau đó tôi ra sao.
Nhiều sự việc xảy ra cho tôi hôm nay là do những việc tôi làm cũng trong ngày hôm nay. Nhưng rất nhiều sự việc xảy ra cho tôi hôm nay sẽ không thể giải thích được nếu chỉ căn cứ vào những gì tôi làm trong ngày hôm nay, mà chỉ có thể giải thích được bằng những việc tôi đã làm từ hôm qua hay những hôm trước nữa. Nếu tôi quên hết những việc tôi đã làm hôm qua và trước nữa, thì nhiều chuyện xảy ra hôm nay tôi sẽ cho là phi lý, bất công. Nếu quên hết những gì xảy ra trong quá khứ của mình, có những tù nhân sẽ không thể hiểu nổi tại sao ngày nay mới sáng dậy, chưa làm gì cả, mình đã bị cảnh sát tới còng tay, đưa vào tù, bị coi là tội phạm, và chịu đủ mọi cực hình, đang khi có biết bao kẻ hôm nay đã phạm một số tội ác mà vẫn đang hưởng tự do và đang phè phỡn với những của bất công chiếm được. Nếu quên hết những gì mình đã làm trong quá khứ mà chỉ nhớ những việc mình làm hôm nay, từ sáng đến giờ mà thôi, thì thấy đời quả là bất công: kẻ vô tội như mình thì bị cầm tù, chịu đủ mọi khổ sở, còn kẻ tội lỗi thì lại tự do tung hoành và hưởng đủ mọi ưu đãi của cuộc đời. Nhưng chỉ cần nhớ lại được những những việc mình đã làm hôm qua hay trước đó, họ sẽ nhận thấy mình không phải là vô tội, mà đã phạm những tội ác không kém gì những kẻ đang phạm tội hôm nay. Những tên này có thể mai mốt cũng sẽ sa lưới pháp luật và cũng sẽ cảm thấy bất công nếu họ không nhớ được những việc họ làm ngày hôm nay.
Theo Phật Giáo, sự hiện hữu của mỗi người là một cuộc sống dài vô tận gồm nhiều kiếp liên tiếp nhau. Kiếp này kết thúc bằng cái chết để khởi đầu kiếp sau bằng việc sinh ra. nếu cuộc sống dài vô tận ấy ví như cuộc đời này, thì mỗi kiếp trong đó ví như một ngày, như trong minh họa trên. Có điều đáng thắc mắc là tại sao tôi không thể nhớ nổi kiếp trước tôi đã làm gì, ở đâu, cuộc sống thế nào. Ðiều đó được giải thích như sau:
Ban tối, khi xét lại những việc tôi đã làm ngày hôm nay, tôi cảm thấy tương đối dễ dàng nhưng vẫn có những tình tiết mà tôi không thể nhớ được hết. Nếu phải xét lại những việc hôm qua, tôi cảm thấy khó hơn, vì những việc làm hôm qua tính đến nay, đã bị gián đoạn phần nào vì phải trải qua một đêm là thời gian tôi sống không ý thức. Những việc làm ngày hôm qua đã bắt đầu chìm vào tiềm thức của tôi, và để nhớ lại chúng, trí nhớ tôi phải nỗ lực nhiều hơn là nhớ những việc hôm nay. Nếu phải nhớ những gì đã làm trước, tháng trước, năm trước, thì lại càng khó hơn nữa, càng xa về trước càng khó nhớ. Trí nhớ phải moi móc trong tiềm thức và nếu không có những sự việc trung gian giúp liên tưởng đến những việc muốn nhớ, thì rất khó mà nhớ. Rất nhiều việc trong quá khứ, thậm chí mới tháng trước hay năm trước, ta không còn nhớ chút nào. Và sự việc còn tệ hại hơn khi phải nhớ những việc từ thời thơ ấu. Những sự việc xảy ra trong kiếp này được ghi nhớ trong cùng một bộ não mà đã khó khăn lắm mới nhớ được, nhất là những việc xảy ra đã lâu, huống chi những việc trong kiếp trước, được ghi nhớ trong một bộ óc xác thịt khác, trước khi chuyển sang bộ óc xác thịt của kiếp này. Những sự việc xảy ra trong những kiếp trước, khi chuyển sang bộ óc của kiếp này, đã được xếp trong tiềm thức ở các tầng lớp sâu hơn những việc được ghi nhớ trong kiếp này. Muốn nhớ được những gì đã được ghi nhận trong kiếp quá khứ, cần phải có một tâm hồn thật sáng suốt, thanh tĩnh. Muốn thế, cần phải tu tập nhiều năm nhiều kiếp mới làm được. Chính Ðức Phật nói Ngài đã nhớ lại được rất nhiều kiếp sống quá khứ của Ngài, và bất kỳ ai tu tập được như Ngài, cũng sẽ chứng ngộ được điều ấy.
Việc quên đi tiền kiếp như thế là điều cần thiết và ích lợi để luật báo ứng được thi hành tốt đẹp. Chẳng hạn, có hai kẻ thù với nhau từ kiếp trước còn mắc nợ nhau về tình cảm yêu thương khiến họ phải trở thành cha con, hay vợ chồng, hoặc anh em của nhau trong kiếp này. Nếu khi là người thân yêu của nhau trong kiếp này mà họ nhớ được mối thù với nhau từ kiếp trước, thì làm sao họ có thể yêu thương nhau như nghiệp đòi hỏi. Lúc đó họ sẽ trở thành thù địch nhau chứ không thể sống với nhau như cha con, vợ chồng hay anh em được nữa. Hoặc như một người kiếp trước gặp đủ mọi buồn phiền lo lắng, nên kiếp này họ được hưởng một đời sống tốt đẹp thoải mái, nếu họ nhớ được hết những buồn phiền bực bội, hay những buồn tủi, hận thù từ kiếp trước, thì làm sao họ có được đời sống thoải mái vui tươi. Những sự kiện đáng tiếc cũ mà nhớ lại được sẽ đè nặng tâm tư họ trong kiếp này, sẽ ám ảnh họ và làm cho họ đau khổ, chua chát. Vì thế, việc quên đi kiếp quá khứ để có thể bắt đầu một cuộc đời hoàn toàn mới là một điều hết sức cần thiết và ích lợi cho mọi chúng sinh. Khi chúng sinh chưa đạt tới trình độ giải thoát, tâm hồn chưa đủ thanh tịnh hay trong sạch, thì nhớ được kiếp quá khứ chỉ có hại chứ không có lợi. Do đó, khả năng nhớ lại được kiếp quá khứ chỉ dành cho những người đã hoặc sắp đạt tới trình độ giải thoát, tức đã có được tâm hồn thanh tịnh, tâm từ bi độ lượng. Những người này dù có biết được người kế bên mình hay người đang nằm trong tay mình là kẻ thù đã giết mình một cách độc ác trong kiếp trước, cũng sẽ để cho kẻ thù ấy bằng an, thậm chí còn làm ơn cho hắn nữa. Nhưng một người bình thường khi thấy người hàng xóm, hay người bạn học với mình, hay một ai đó trong gia đình mình chính là kẻ thù không đội trời chung với mình trong kiếp trước, làm sao có thể dung tha hay đối xử tốt đẹp với người ấy được? Nếu người trong thế giới này không quên được kiếp trước của mình, thì thế giới này sẽ loạn hơn, sẽ khốn khổ hơn rất nhiều vì oán thù chồng chất.
Ngoài những người thực hành thiền định và phát triển tâm lực đầy đủ có thể nhớ được những gì xảy ra trong các kiếp quá khứ, cũng có những trường hợp bất thường khác. Chẳng hạn trong quyển Reincarnation and the law Kamma, W. Atkinson trưng dẫn rằng Pythagore đã nhớ lại tường tận cái thuẫn ông đã dùng trong một tiền kiếp, lúc ấy ông đang vây hãm thành Troie. Trong kiếp ông tái sinh làm Pythagore, cái thuẫn ấy vẫn còn để trong một đền thờ Hylạp. Trong những sách nghiên cứu về siêu tâm lý (parapsychology) có kể ra nhiều trường hợp người bị thôi miên đã thuật lại những kinh nghiệm của mình trong kiếp quá khứ. Và căn cứ vào đó mà các bác sĩ tâm lý chữa bệnh cho một cách hữu hiệu. Có những người như Edgar Casey (Mỹ), là một y sĩ tâm thần, có thể chữa bệnh tâm thần cho bệnh nhân một cách hữu hiệu dựa trên những gì ông thấy được trong kiếp trước của họ. Có những em bé, do tư tưởng phối hợp bất ngờ, đã sực nhớ lại một đoạn đời hoặc một vài chi tiết trong kiếp quá khứ. Ðến khi lớn lên thì các em không còn nhớ nữa. Hầu như người nào cũng đều có kinh nghiệm này: có nhiều lần ta mục kích một cảnh nào đó mà ta chưa hề gặp bao giờ trong đời, nhưng tự nhiên ta có cảm giác là đã quen thuộc, hay đã từng gặp cảnh này rồi mà không xác định được lúc nào.
Trên thế gian có những hiện tượng lạ rất khó giải thích, mà người Phật Tử giải thích cách dễ dàng bằng thuyết luân hồi của họ. Chẳng hạn có những thần đồng như Christian Heineken có thể nói chuyện được ngay vài tiếng đồng hồ sau khi sinh ra đời, tự nhiên nói được nhiều đoạn trong Thánh Kinh lúc lên một, trả lời được những câu hỏi về địa dư lúc lên hai, nói được tiếng Latinh và tiếng Pháp lúc lên ba, và theo học các lớp triết lý khi lên bốn. John Stuart Mill có thể đọc chữ Hylạp khi mới ba tuổi. Macaulay Culkin có thể viết thế giới sử khi vừa lên sáu. William James Sidis đọc và viết rành rọt tiếng mẹ đẻ (Mỹ) lúc mới lên hai, và khi lên tám thì đã nói được tiếng Pháp, Nga, Anh, Ðức và biết chút ít về Latinh và Hylạp. Charles Bennet (Manchester) nói được nhiều thứ tiếng lúc mới lên ba tuổi. Việc nói ra những kinh nghiệm trong kiếp quá khứ của mình thì người khác không thể kiểm chứng được và có quyền nghi ngờ rằng ngụy tạo. Còn những sự kiện như thần đồng thì chúng ta có thể kiểm chứng được. Vậy thì làm sao giải thích được cho ổn thỏa? Nói rằng trời sinh ra như vậy, hay Thiên Chúa ban ơn đặc biệt như vậy thì ắt hẳn lắm người cho rằng quá đơn giản, và đồng nghĩa với không giải thích gì cả. Một số nhà khoa học giải thích rằng đó là sự phát triển khác thường của các hạch tuyến như tùng quả tuyến, tuyến giáp trạng, hạch thượng thận… Giải thích này bị bác bỏ ngay vì sự phát triển của những hạch này chỉ ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ hay trí thông minh hay một năng khiếu nào đó, chứ không thể tự nhiên mà có được kiến thức hay kinh nghiệm. Kinh nghiệm và kiến thức chỉ có thể học hay trải qua mới có. Cũng vì lý do đó mà giải thích bằng thuyết di truyền không thể đứng vững được. Vả lại, cha mẹ hay ông bà của các thần đồng thường không có được năng khiếu hay những kinh nghiệm hoặc kiến thức như thế. Thần đồng Mozart chẳng hạn, mới 6 tuổi đã sáng tác những bản nhạc bất hủ: Cha mẹ và tổ tiên nhiều đời trước của ông không ai giỏi âm nhạc cả, làm sao có thể di truyền cho ông năng khiếu ấy được? Nếu khoa học hay những giả thuyết khác không giải thích được ổn thỏa vấn đề thần đồng, thì giả thuyết về tái sinh và luân hồi trở nên đáng tin hơn.
Ðương nhiên mỗi tôn giáo đều có những cách giải thích hợp lý, ổn thỏa, nhưng người Phật Tử cho rằng thuyết luân hồi của họ giải thích ổn thỏa nhất. Theo luật nhân quả, bất kỳ một sự kiện nào cũng đều có nguyên nhân của nó, và không có chỗ cho ngẫu nhiên tuyệt đối. Nếu có người bị kết án oan trong kiếp này, thì chắc chắn trong kiếp quá khứ họ đã làm một hành vi ác tương xứng với hình phạt ấy, nên sự oan ức của họ trong kiếp này chẳng oan ức chút nào cả. Trong thực tế, nhiều người làm một điều rất ác xong thì chết, nên pháp luật của con người không trừng phạt được. Và có những trường hợp nhiều người trong đời chưa làm gì ác trong đời mà đã bị kết oán oan. Nếu chấp nhận thuyết luân hồi và tái sinh thì hai trường hợp trên rất ăn khớp với nhau. Vả lại, mỗi nhân đều phải có duyên (hoàn cảnh thuận lợi) mới kết quả được. Cũng như hạt giống phải được gieo xuống đất, phải có nước, có nhiệt độ, có chất bổ dưỡng trong đất thì mới mọc thành cây và sinh hoa kết quả. Vả lại, cùng gieo hạt giống xuống một lượt, nhưng cây ngô thì chỉ cần vài tháng là có quả, còn cây cam thì phải mấy năm. Cũng vậy, những việc lành cũng như việc ác phải gặp duyên (điều kiện thuận lợi) mới có hiệu quả, có những việc có kết quả ngay kiếp này, có việc phải qua kiếp sau hoặc kiếp sau nữa mới có quả báo.
Như vậy, những người làm lành mà gặp toàn cảnh ngang trái là vì việc lành của họ chưa có điều kiện thuận lợi để sinh hoa kết quả, đang khi cảnh đau khổ họ chịu chính là hậu quả của những việc ác họ làm từ kiếp trước bây giờ gặp điều kiện thuận lợi nên sinh hoa kết trái. Còn những kẻ làm ác mà gặp toàn thuận cảnh là vì việc ác của họ mới làm kiếp này chưa có điều kiện thuận lợi để sinh quả ác, và thuận cảnh họ đang hưởng chính là quả lành của những việc thiện họ đã làm trong kiếp trước. Hai trường hợp đó có khác gì một người trong tù chịu đủ mọi khổ sở mặc dù từ khi vào tù chưa làm điều gì ác, còn một tên cướp khác đang tung hoành làm đủ mọi điều ác ở ngoài mà vẫn sống phây phây với đủ mọi lạc thú. Kẻ trong tù vì đã làm ác nên mới bị tù, nhưng khi bị tù rồi thì không không gây ác nữa. Còn tên cướp ở ngoài vì trước đây chưa gây ác nên vẫn được hưởng tự do, nhưng sớm muộn gì hắn cũng sa lưới pháp luật và sẽ vào tù chịu khổ như chàng kia thôi. Nếu chỉ căn cứ vào hiện tại mà không dựa vào quá khứ thì rất nhiều sự việc trên đời không sao giải thích được. Cũng vậy, nếu chỉ căn cứ vào kiếp hiện tại và cho rằng không có kiếp trước thì rất nhiều chuyện không thể giải thích được và chỉ có thể đi đến kết luận là đời sống phi lý bất công.
Còn hiện tượng thần đồng là do kiến thức, kinh nghiệm, tài năng của một người thủ đắc được từ kiếp trước, và vì một lý do đặc biệt nào đó mà chuyển được sang kiếp sau. Chúng ta sẽ bàn về việc chuyển đi những di sản tinh thần từ kiếp này sang kiếp khác sau. Thuyết luân hồi cũng giải thích những khuynh hướng hay năng khiếu bẩm sinh nơi mỗi người: tại sao trong cùng một gia đình, thậm chí trong một cặp song sinh đồng nhất (do một noãn và một tinh trùng), các anh chị em lại có mỗi người một khuynh hướng bẩm sinh khác nhau? Người giỏi hội họa, người ưa âm nhạc? người thiên về đạo đức, người thiên về tư lợi vật chất? người ưa triết lý, người thích thực tế?… Các Phật Tử cho rằng mỗi người đều đã huấn tập những khuynh hướng bẩm sinh đó từ kiếp trước, và kiếp này lại bắt đầu từ chỗ kiếp trước đang dỡ dang. Nếu kiếp trước tôi say mê học hỏi về âm nhạc, thì kiếp này tôi sẽ tự nhiên thích và có năng khiếu về âm nhạc. Kiếp trước tôi chưa hề học toán bao giờ, nếu kiếp này tôi mới bắt đầu học toán thì tôi không thể giỏi toán được. Nếu các kiếp trước tôi là thú vật, và kiếp này tôi mới lên làm người thì chắc chắn tôi sẽ là một người sơ khai, mang nhiều thú tính. Nếu kiếp trước tôi đã là một nhà bác học tài ba, thì kiếp này có thể tôi sẽ là một thần đồng.
Luật quả báo
Theo thuyết luân hồi của Phật Giáo, không có vấn đề thưởng phạt sau khi chết, mà chỉ có quả báo. Thực ra, thưởng phạt hay quả báo chỉ là hai cách diễn tả khác nhau về cùng một thực tế, xuất phát từ hai quan điểm khác nhau về nguồn gốc vũ trụ vạn vật. Thưởng phạt hay quả báo đều diễn tả cùng một thực tế là: làm ác thì gặp ác, làm lành thì gặp lành. Nhưng theo quan niệm thưởng phạt thì có một Thượng Ðế (có ngôi vị) cầm cân nẩy mực xét đoán thế gian theo luật công bằng của mình và cũng có thể theo cảm tình của mình nữa, phần nào tương tự như một vị chánh án ở tòa án trần gian. Còn theo quan niệm quả báo, không có vị nào thưởng phạt cả, mà chỉ có luật quả báo hay nhân quả tác dụng một cách hết sức máy móc vào mọi người cũng như mọi vật, do đó hết sức khách quan, vô tư: Hễ gây nhân ác thì sớm muộn gì cũng sẽ gặp quả ác tương xứng, gây nhân thiện thì cũng sẽ gặp được quả thiện hoàn toàn tương xứng. Vì chỉ có luật thiên nhiên tác động một cách máy móc, nên không thể có tình cảm xen vào. Người Phật Tử cho rằng một vị Thượng Ðế hữu ngã (có ngôi vị), thì dù có công bằng đến đâu, cũng không thể công bằng bằng luật tự nhiên tác động một cách máy móc và hết sức chi ly. Có ngã vị thì dù Ngài có chủ trương không tây vị ai, Ngài cũng không thoát khỏi chuyện thương người này, không thương người kia, vì trong chúng sinh luôn luôn có những kẻ tin, yêu mến Ngài, và những kẻ không tin, không mến yêu Ngài. Những kẻ không tin yêu Ngài vẫn có thể yêu mến chân, thiện, mỹ và sẵn sàng làm điều thiện như ta vẫn thấy nơi nhiều người vô thần hoặc vô tôn giáo. Có những người năng cầu xin Ngài đủ điều, và có những người chẳng bao giờ cầu khẩn Ngài. Như vậy thì Ngài không vô tư như những định luật tác động cách máy móc được.
Theo luật quả báo của Phật Giáo, ai làm ác thì đã tạo ra một cái nhân ác. Nhân ác khi gặp nhân duyên thuận lợi đối với nó sẽ sinh ra quả ác, là đau khổ. Còn ai làm điều thiện thì tạo ra nhân thiện. Nhân thiện sẽ sinh ra quả thiện tức hạnh phúc. Nhân càng to thì quả càng lớn một cách rất tương xứng. Do đó, có sự công bằng hoàn toàn. Và quả dù có to lớn đến đâu thì cũng đều có giới hạn của nó. Chúng sinh dù có thông minh sáng suốt đến đâu, dù có quyền lực hay khả năng tới đâu cũng đều là những sinh vật hữu hạn, không thể tạo ra những nhân thiện hay ác vô hạn được, do đó không thể sinh ra những qủa thiện hay ác vô cùng được. Như vậy, những cảnh khổ hay sướng do những hành động ác hay thiện của con người luôn luôn có giới hạn, nghĩa là dù khổ hay sướng thì cũng chỉ chịu hoặc hưởng một thời gian nào đó thôi. Tất cả những cảnh giới đau khổ hay sung sướng, thiên đàng hay địa ngục của Phật Giáo đều là những trạng thái biến đổi, vô thường như mọi trạng thái hiện tượng khác. Do đó, không có một thiên đàng vĩnh cửu hay hỏa ngục đời đời nào cả. Một tội nặng nhất trần gian đi nữa thì cũng là một tội hữu hạn, thuộc bình diện hiện tượng vô thường, nếu có phạt thì hình phạt tương xứng cũng chỉ là hữu hạn, cũng thuộc bình diện hiện tượng vô thường thôi. Tội hữu hạn mà lại phạt bằng một hình phạt vô hạn thì làm sao gọi là công bằng được. Hình phạt phải tương xứng với tội ác mới công bằng. Vả lại, bản chất con người đâu phải cứ xấu mãi. Kẻ xấu nhất cũng phải có lúc tốt. Phạt vĩnh viễn là giả thiết rằng hễ đã xấu là xấu mãi, không sửa đổi được. Hơn nữa, hình phạt chỉ gọi là hình phạt khi nó có mục đích giáo dục, nghĩa là làm cho đối tượng trở nên tốt hơn. Nếu không có mục đích đó, thì không còn là hình phạt nữa, mà là báo thù. Phạt bằng một hình phạt vĩnh viễn thì rõ ràng là không có mục đích giáo dục, vì không còn cho họ có cơ hội hối cải để trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn. Do đó, hình phạt đời đời vừa là bất công, vừa mang tính trả thù độc ác mà người Phật Tử không thể chấp nhận được.
Còn thuyết luân hồi, mọi việc làm dù tốt hay xấu đều phát sinh những quả tương xứng, và quả đó có thể xảy ra trong kiếp hiện tại hay kiếp tương lai. Không có một tội ác nào mà không phải đền, cũng không có một việc lành nào mà không được bù đắp. Một người phạm một tội ác tày trời ngay trước khi chết và không kịp ăn năn, người đó sẽ phải đền tội ấy trong kiếp sau một cách rất tương xứng. Nếu trong thời gian đền tội ấy người đó có những việc làm tốt đẹp, thì số phận y sẽ trở nên tốt đẹp hơn. Như vậy, bất kỳ ở tình trạng nào, dù sướng hay khổ, thậm chí khổ cùng cực đi nữa, thì mọi chúng sinh đều có cơ may để làm cho tương lai của mình nên tốt đẹp hơn bằng những tư tưởng, lời nói hay hành động tốt đẹp. Không bao giờ có tình trạng tuyệt vọng như những người bị hình phạt đời đời cả.
Chúng sinh cứ trôi lăn trong vòng luân hồi đầy khổ đau như thế nên dần dần có kinh nghiệm và khôn ngoan hơn trong việc thoát khỏi khổ đau. Khi biết được tội ác là nhân phát sinh khổ đau, việc thiện là nhân của hạnh phúc, họ sẽ sống tốt đẹp hơn, trở nên những người tốt, cố đạt tới sự trọn lành. Nhưng tới một kiếp nào đó họ cũng nhận ra rằng việc tốt đến đâu cũng vẫn giữ họ ở mãi trong vòng luân hồi luẩn quẩn. Còn trong vòng luân hồi thì vẫn có nguy cơ làm ác và đau khổ, nên họ sẽ cố tìm ra con đường giải thoát, thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Và đương nhiên lâu ngày chầy tháng họ cũng phải tìm ra. Giống như những con chuột thí nghiệm được đặt trong những mê cung hết sức phức tạp. Sau một thời gian rất lâu chạy hết lối này sang lối khác đều bế tắc, cuối cùng chúng cũng tìm được lối ra khỏi mê cung. Mọi chúng sinh rốt cuộc cũng sẽ được giải thoát thành Phật sau vô số kiếp ngụp lặn trong vòng luân hồi đau khổ. Chỉ có vấn đề sớm hay muộn thôi. Ðó là ý nghĩa của lời Phật Tổ nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành”. Do đó, cái nhìn cuối cùng của Phật Giáo về số phận của mọi chúng sinh hết sức lạc quan, lạc quan mang tính tất yếu, và lạc quan hơn những tôn giáo chủ trương có hỏa ngục vĩnh cửu, vì dĩ nhiên sẽ có rất nhiều linh hồn bị kẹt trong tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng ấy: lỡ dại dột mà vào đó thì không bao giờ thoát ra được. Còn theo Phật Giáo, dù là kẻ có tội lỗi nhất trần gian thì cuối cùng rồi cũng sẽ thành Phật, hoàn toàn tinh khiết, đầy trí tuệ và an lạc.
Sáu nẻo luân hồi
Trong thuyết luân hồi của Phật Giáo, các kiếp liên tiếp nối theo nhau như một chuỗi mắt xích dài vô tận. Kiếp này là quả của kiếp trước và là nhân cho kiếp sau. Do đó các kiếp sống có vô số mức khổ sướng khác nhau, và không phải kiếp nào chúng sinh cũng là người cả. Có nhiều loại chúng sinh trong vòng luân hồi, chúng sinh loại này sau khi chết có thể biến thành chúng sinh loại khác. Chẳng hạn thú biến thành người, người biến thành thiên thần, v.v… và cũng có thể biến ngược lại. Tất cả đều do nghiệp lực quyết định, nghĩa là do những việc thiện hay ác mà chúng sinh ấy làm trong kiếp trước đó. Chúng sinh không phải chỉ có trong trái đất này mà còn ở trong hằng hà sa số hành tinh khác trong vũ trụ. Có những hành tinh làm bằng những chất mà mắt con người không thấy được dành cho những chúng sinh vô hình đối với con mắt loài người. Có thể nói chúng sinh bị luân hồi trong 6 nẻo, còn gọi là lục đạo luân hồi, tức sáu cảnh giới, xếp theo mức độ từ sướng tới khổ như sau:
1. THIÊN:
(Nguyên nghĩa là có thân sáng láng) là cảnh giới của những chúng sinh vô hình, phần nào tương tự như những “thiên thần”, có thân xác vi tế hơn con người, sống trong những điều kiện dễ dàng hạnh phúc hơn, đời sống cũng lâu dài hơn con người rất nhiều. Tuy nhiên, về mặt trí tuệ, chư Thiên thường không hơn con người. Họ sinh ra theo kiểu hóa sinh (nghĩa là bỗng nhiên xuất hiện dưới hình thức một thiếu nữ hay một thanh niên, không phải nhờ tới ai làm cha mẹ sinh mình ra cả). Chư Thiên cũng có nhiều loại, nhiều đẳng cấp khác nhau (dục giới, sắc giới, vô sắc giới, mỗi giới lại phân thành nhiều cảnh Trời khác nhau), mức độ hạnh phúc và cách thế sống hay tuổi thọ giữa các loại, các cấp cũng khác nhau.
2. NHÂN:
Cảnh giới của con người với những điều kiện sống khó khăn hơn, trong đó hạnh phúc và đau khổ lẫn lộn. Ðây là cảnh giới thuận lợi nhất để tu giải thoát nhờ có sự quân bình tương đối giữa sướng và khổ. Vì thế, các vị Bồ Tát thường chọn tái sinh vao cảnh giới này, do có nhiều hoàn cảnh thuận lợi để phục vụ và thực hành những pháp môn cần thiết để thành Phật. Kiếp cuối cùng của Bồ Tát luôn luôn ở cảnh người.
3. ATULA:
Cảnh giới này giống như cảnh giới thấp nhất của Chư Thiên (dục giới), nghĩa là thuộc thế giới vô hình, nhưng có rất nhiều đau khổ tinh thần. Ðó là nơi tập trung những chúng sinh nhiều tham vọng, ham quyền lực, kiêu căng, ghen tị, hay có chiến tranh…, tuy điều kiện vật chất dễ dàng hơn con người. Nhiều học giả xếp cảnh giới Atula ngay sau cảnh giới Thiên, rồi mới tới Nhân, vì xác thân họ, điều kiện sống của họ gần với Chư Thiên hơn. Cảnh giới này khiến ta liên tưởng tới cảnh giới của Satan là thiên thần sa ngã, còn cảnh giới của Chư Thiên như cảnh giới của các thiên thần tốt lành.
4. NGẠ QUỶ:
(Nghĩa là quỉ đói): Cảnh giới của những chúng sinh tham lam vật chất (tiền bạc, của cải, lạc thú thể chất như ăn uống, nhục dục…) lúc nào cũng khao khát những thứ đó nhưng không bao giờ được thỏa mãn, khiến họ luôn luôn khổ đau. Ðời sống của họ dài và đau khổ. Thân xác của họ vi tế hơn con người, nên mắt thương của con người không thấy được. Cảnh giới của họ không phải là một tinh tú riêng biệt. Họ thường sống trong rừng bụi, ở những nơi dơ bẩn trên mặt đất, và sinh sống bằng những thực phẩm thừa thãi hoặc thiu thối của con người hay của những động vật khác.
5. SÚC SINH:
Cảnh giới của loài vật mà chúng ta vẫn thấy: thú vật, chim chóc, cá… là những chúng sinh ít hiểu biết, kém ý thức, có đời sống rất thấp kém, hầu như không có đời sống tinh thần. Chúng thường xuyên phải sống trong sợ hãi (bị thú khác hoặc bị người giết ăn thịt, hoặc bị thúc đẩy đi giết các thú khác), nỗi sợ chung là sợ đói. Gia súc thì bị con người nuôi để ăn thịt, để giải trí. May mắn cho chúng ở chỗ đời sống chúng ngắn ngủi và ý thức trí tuệ chúng kém cỏi nên những đau khổ của chúng qua mau và hời hợt, không sâu sắc. Nhưng không may ở chỗ chúng khó có cơ hội để làm công đức, không đủ trí tuệ để tu tập thoát khỏi kiếp lầm than đó.
6. ÐỊA NGỤC:
Cảnh giới của những chúng sinh độc ác, hận thù, ích kỷ, ghen ghét, hay giận dữ, thích gây đau khổ cho người khác. Họ phải chịu những cực hình rất đau đớn, khắc nghiệt để trả quả cho những hành vi bất thiện đã tạo trong quá khứ. Ðời sống trong các địa ngục dài hay ngắn tùy theo từng địa ngục khác nhau. Mỗi địa ngục có một sắc thái riêng, với những cực hình khác nhau tương xứng với tội ác đã phạm. Sau thời gian có thể rất lâu tại đây để đền tội, tội nhân có thể ra khỏi để làm lại cuộc đời mới, trong một kiếp sống mới tốt đẹp hơn, để rồi về sau có thể trở thành Phật. Chính Ðức Phật, trong một vài tiền kiếp, đã từng sa địa ngục vì đã phạm những trọng tội.
Tất cả các cảnh giới trên đều bị chi phối bởi luật Vô Thường, nên không có ai ở mãi trong một cảnh giới nào cả. Không có một điều phúc đức nào vô cùng để đáng thưởng vô thời hạn trong một cảnh giới hạnh phúc nào đó. Và không có một tội ác nào lớn tới mức vô cùng để đáng bị phạt đời đời tại một cảnh giới đau khổ nào đó. Do đó, chúng sinh cứ trôi lăn trong lục đạo mãi, hết ở cảnh khổ lại qua cảnh sướng, hết cảnh sướng lại rơi lại vào cảnh khổ. Cho tới một lúc nào đó, chúng sinh giác ngộ được con đường giải thoát, và quyết tâm tu tập thành Phật, thì mới ra khỏi cái vòng luân hồi luẩn đó. Trong lục đạo, chỉ có hai cảnh giới được coi là sướng, là cảnh giới Thiên và Nhân, nhưng cảnh giới Nhân là quí hơn cả. Xét về mặt hạnh phúc thì cảnh giới Thiên có nhiều điều kiện thuận lợi hơn, nhưng chính vì vậy mà họ bị ru ngủ không muốn tìm sự giải thoát thật sự, để rồi khi họ hưởng hết phúc lành, họ lại rơi vào một cảnh giới khổ hơn. Các Atula thì tâm trí bị thu hút vào việc tranh cãi hơn thua, các ngạ quỉ thì quan tâm đến những thèm khát không được thỏa mãn, súc sinh thì u mê chỉ nghĩ đến thức ăn và thỏa mãn tính dục, còn ở địa ngục thì mọi chúng sinh bị hành khổ đủ cách nên không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến đạo giải thoát. Chỉ có con người có sướng có khổ một cách tương đối quân bình, nên có nhiều điều kiện thuận lợi để phát tâm đi tìm con đường giải thoát. Chỉ có con người là có nhiều tự do quyết định hơn cả, có đầu óc sáng suốt hơn cả để có thể đạt tới trí tuệ giải thoát. Trong lục đạo, chỉ có con người có nhiều cơ may, nhiều khả năng để thành Phật nhất. Do đó, theo Ðức Phật, được làm người là cả một cơ hội quí báu không nên uổng phí. Kinh Duy-Ma-Cật, Phẩm 8 (Phật Ðạo) nói rõ điều đó.
Theo Phật Giáo, chúng sinh không phải chỉ có ở trái đất này, mà còn ở trong hằng hà sa số các hành tinh khác. Chúng sinh nhiều vô cùng tận, và hệ thống tinh tú để chúng sinh ở cũng vô cùng tận. Trong Kinh Tăng-Nhất A-Hàm, Phật nói: “Không thể đi đến mức cùng tận của thế gian”. Về vấn đề chúng sinh, khoa học ngày nay chưa thể kiểm chứng được những điều Phật dạy. Nhưng về hệ thống tinh tú, thì các nhà khoa học thời nay đã nhìn nhận: Không thể xác định được vũ trụ đến đâu là cùng tận. Số tinh tú mà các nhà thiên văn học khám phá được đã nhiều hơn gấp bội dân số thế giới hiện nay. Vì thế, giữa muôn tỉ tinh tú, có vô số tinh tú lớn gấp triệu lần trái đất này, mà tin rằng chỉ trái đất mới có sự sống hay có loài người, thì quả là tin một điều hết sức mạo hiểm, xác xuất đúng hết sức nhỏ bé. Do đó, điều Phật nói rằng có chúng sinh ngoài trái đất này có rất nhiều khả năng đúng. Riêng về thiên văn học, quan niệm của Ðức Phật đã đi trước thế giới cả hàng ngàn năm, thậm chí 2000 năm.
Các chúng sinh trong cảnh giới này có thể đầu thai sang cảnh giới khác, trong tinh tú này có thể đầu thai sang tinh tú khác, tùy theo sự đòi hỏi của nghiệp lực khiến ta phải đầu thai vào nơi nào thích hợp nhất với ta tại thời điểm đó. Chẳng hạn như ngay giây phút này, một chúng sinh ở trái đất này vừa chết và cần có chỗ đầu thai thích hợp với nghiệp của mình. Nhưng vào giây phút đó, tại trái đất này không có một nơi nào để đầu thai phù hợp cả: những nơi có thể đầu thai được (do noãn và tinh gặp nhau), thì cha mẹ hay hoàn cảnh không phù hợp, còn những cha mẹ phù hợp thì lại không thụ thai vào thời điểm đó. Mà trong muôn tinh tú kia, thế nào chả có nơi thích hợp vào thời điểm đó? Ðương nhiên nơi nào gần nhất vẫn là ưu tiên. Vì thế, việc chuyển kiếp sang tinh tú khác thường hay xảy ra. Do đó, có những trường hợp chúng sinh ở tinh tú này càng ngày càng tăng lên, đang khi ở một tinh tú khác càng ngày càng giảm đi. Ðiều đó giải thích tại sao dân số địa cầu càng ngày càng tăng lên: cách đây mấy ngàn năm dân số thế giới chỉ tính bằng triệu, nhưng hiện nay phải tính bằng hàng tỉ, đang khi theo giáo thuyết của Phật, con số chúng sinh không hề tăng lên hay giảm đi. Vả lại, chúng sinh không phải chỉ là loài người, mà còn là nhiều loài khác trong lục đạo có thể chuyển đổi cho nhau. Hơn nữa, theo Phật tổ thì số chúng sinh nhiều vô tận: một con vi trùng cũng là một chúng sinh, mà một người trí tuệ cao cả như Phật tổ cũng là một chúng sinh.
Theo Phật Giáo thuần túy, hiện tượng tử-sinh, tức chết rồi đi đầu thai sang kiếp khác, xẩy ra ngay tức khắc, bất cứ ở nơi nào, cũng như làn sóng điện phát ra trong không gian được thâu tức khắc vào bộ máy thu thanh. Luồng nghiệp lực trực tiếp chuyển từ chết sang tái sinh ngay tức khắc, không trải qua một trạng thái chuyển tiếp nào cả. Nghĩa là không có chuyện linh hồn người chết phải tạm trú ở một nơi nào đó chờ đến khi tìm được một nơi nào thích hợp mới đi đầu thai. Như vậy là chết lúc nào thì đầu thai lúc đó, và luôn luôn có một nơi thích hợp trong vũ trụ để đầu thai. Vì vũ trụ là một bộ máy rất hòa hợp, mọi chuyện tự nhiên dù có vẻ ngẫu nhiên nhưng vẫn luôn luôn ăn khớp với nhau. Như vậy, theo Phật Giáo nguyên thủy, nếu hai người cùng chết một lượt thì sẽ đầu thai cùng một lúc ở hai nơi khác nhau, cho dù một nơi rất gần còn nơi kia rất xa. Tương tự như hai người ở cùng một chỗ có thể nghĩ đến hai nơi ấy cùng một lúc, không vì nơi này xa mà phải nghĩ đến sau nơi kia.
Tuy nhiên, về sau, nhiều thuyết cho rằng chỉ có những chúng sinh có nghiệp lực mạnh mới tái sinh ngay tức khắc, nghĩa là những người đã phạm nhiều tội ác thì tâm thức của họ sẽ bị những cảnh giới xấu thu hút ngay, hay những người đã làm rất nhiều việc thiện sẽ được những cảnh giới lành rút về ngay. Còn những người thuộc loại trung bình, không xấu lắm và cũng không tốt lắm, thì tâm thức họ có thể ở trong cõi trung ấm, và có thể dùng tư tưởng để tạo cho mình một xác thân bằng thanh khí của cõi trung ấm (cõi đó cũng chiếm cùng một không gian với cõi dương gian, ví như nước và miếng bọt biển có thể cùng chiếm một không gian và lồng vào nhau). Tâm thức ấy chỉ ở trong cõi trung ấm khoảng 49 ngày. Trong thời gian này, tâm thức vẫn có thể thay đổi tư tưởng (chẳng hạn quyết tâm trở nên tốt đẹp hơn, hay bị lôi cuốn vào những sân hận mới…) để có thể đầu thai vào những hoàn cảnh tốt đẹp hơn hoặc xấu xa hơn. Tối đa là 49 ngày, tâm thức phải đi đầu thai. Vì thế, trong vòng 49 ngày sau khi một người chết, thân nhân của người ấy có thể làm lễ cầu siêu cho người ấy (xem phần độ vọng ở sau).
Niết bàn
Sáu cảnh giới trên hay lục đạo là những cảnh giới có sướng có khổ, có vui có buồn, có cảnh sướng nhiều khổ ít, có cảnh vui ít buồn nhiều. Ðó là vòng luẩn quẩn như một mê cung hết sức phức tạp, làm cho các chúng sinh trong đó muôn đời hết leo lên lại lộn xuống, hết lộn xuống lại leo lên, từ kiếp này sang kiếp khác. Cho tới một kiếp nào đó, do tu tập trí tuệ trước đó nhiều kiếp, có chúng sinh giác ngộ được mình đang sống trong cái vòng đảo điên ấy và muốn tìm đường thoát khỏi. Những chúng sinh đã thoát khỏi vòng đảo điên ấy là các vị Phật. Và tình trạng hay cảnh giới mà các vị Phật ấy đang sống là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là gì?
Trước hết, Niết Bàn là một “trạng thái”, tạm gọi như thế, có thực, không phải là trạng thái hư vô (néant). Vì là một thực tại chỉ có những người đắc đạo mới chứng ngộ được, và không có một kinh nghiệm nào tương đương với những kinh nghiệm của người thường, nên Ðức Phật chỉ có thể diễn tả thực tại nay bằng những phủ định: nó không phải là cái này hay cái kia, chứ không thể xác định nó là cái gì. Do đó, những người chưa hiểu nhiều về Ðạo Phật thường quan niệm Niết Bàn là một cái gì tiêu cực, thậm chí đồng hóa nó với hư vô nữa. Ta thử minh họa điều đó bằng một thí dụ. Ðối với ai có mắt sáng như chúng ta, thì mầu sắc là một thực tại hết sức thiết thực, hoàn toàn tích cực. Nhưng nếu ta lạc vào một xứ gồm toàn những người mù từ lúc bẩm sinh, mù từ thời tổ tiên bao đời trước. Vì thế, không ai có một kinh nghiệm gì về màu sắc cả. Nếu ta phải diễn tả cho họ về màu sắc thì ta phải nói màu sắc là gì? cái gì tương đối tích cực để diễn tả về màu sắc thì đều vượt khỏi tất cả những kinh nghiệm họ có được. Và họ sẽ có khuynh hướng nghĩ màu sắc là cái này cái nọ mà họ có thể quan niệm được theo kinh nghiệm họ đã có. Như vậy chắc chắn họ sẽ quan niệm sai về màu sắc, khiến ta phải phủ nhận rắng màu sắc không hề là những thứ đó, ta không thể làm khác hơn. Thế là họ bắt đầu nghĩ rằng màu sắc là hư vô, là một cái gì hết sức tiêu cực. Rất nhiều “nhà Phật học” Tây Phương khi thấy Phật Tổ diễn tả Niết Bàn bằng cách phủ nhận tất cả, liền có thái độ tương tự như những người mù trên.
Vậy Niết Bàn là một thực tại có thực, rất tích cực, nhưng siêu thế, siêu nghiệm, không thuộc bình diện hiện tượng, nên bất biến, vĩnh cửu, bất khả tư nghị. Ðức Phật đã mô tả Niết Bàn bằng các từ ngữ như: Vô Tận, Bất Tùy Thế, Vô Song, Tối Cao, Tối Thượng, Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia), Chỗ Nương Tựa Tối Thượng, Chu Toàn, Ðảm Bảo, Hạnh Phúc, Duy Nhất, Phi Nhân, Bất Khả Diệt, Tuyệt Ðối Thanh Tịnh, Siêu Thế, Vĩnh Cửu, Giải Thoát, Vắng Lặng, v.v…
Niết Bàn là mục tiêu cứu cánh của Ðạo Phật, cũng là cứu cánh của tất cả mọi chúng sinh. Niết Bàn khác với Thiên Ðàng của Kitô Giáo ở chỗ: Mọi chúng sinh, dù hiện tại có độc ác hay thấp kém tới đâu, thì cuối cùng cũng đạt tới Niết Bàn, sau khi đã được tôi luyện qua hằng hà sa số kiếp trong lục đạo. Thật vậy, Phật Tổ đã định nghĩa: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”, nghĩa là chúng sinh đều sẽ là thành viên của Niết Bàn. Còn Thiên Ðàng của Kitô Giáo chỉ dành cho những người sống tốt lành xứng đáng là Con Cái Chúa ở trong kiếp sống duy nhất này, hoặc vào giây phút cuối cùng của đời sống đã trở nên như thế. Quan niệm xưa của Giáo Hội còn hạn chế số người vào Thiên Ðàng hơn nữa: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”. Số phận của những ai không được vào Thiên Ðàng thì thật là tuyệt vọng. Còn những ai chưa đạt được Niết Bàn thì không chỉ hy vọng mà còn chắc chắn sẽ có ngày đạt được như một điều tất yếu xảy ra. Cho dù mức độ trọn hảo phải có để đạt được Niết Bàn cũng rất cao, cao đến độ không có chúng sinh nào chỉ tu luyện trong một vài kiếp sống mà đạt được. Thiên Ðàng là một phần thưởng do Thiên Chúa ban do lòng nhân lành và đại độ của Ngài. Còn Niết Bàn không do ai ban thưởng và cũng không tùy thuộc ơn huệ của ai cả, mà là do định luật tất yếu của tự nhiên, tương tự như hễ ăn thì no, không ăn thì không no: no là kết quả tất yếu của việc ăn chứ không do ai ban cả.
Bản chất Niết Bàn thế nào không được Phật Tổ định rõ vì ngôn ngữ của loài người không đủ ý niệm để diễn tả, chỉ biết đó là một thực tại tốt đẹp vô song, là mục tiêu tối thượng của Phật Giáo. Tuy nhiên, nguyên nghĩa của tiếng Niết Bàn mang hình thức phủ định, do tiếng Bắc Phạn là NIR-VANA. NIR là không (phủ định), VANA là ái dục, là sợi dây nối liền hai đời sống. Nirvana hay Niết Bàn là sự dứt bỏ, tách rời (NIR) ra khỏi ái dục (VANA), sự thèm khát nhục dục. Ngày nào chúng sinh còn bị ái dục hay luyến ái trói buộc, làm động lực cho mọi hành động của mình, ngày đó chúng sinh còn tạo thêm nghiệp mới, và nghiệp này tất yếu phải trổ sinh quả, khiến cho chúng sinh phải tiếp tục sinh tử tử sinh để có điều kiện cho quả ấy trổ sinh. Theo giáo lý Phật Giáo, ái dục chính là đầu mối, là yếu tố quan trọng nhất khiến cho hành động của họ trở thành nghiệp, nghiệp tốt cũng như nghiệp xấu. Cả hai loại nghiệp đều làm cho vòng sinh tử tiếp tục mãi. Chỉ khi nào không còn ái dục nữa thì hành vi của chúng sinh không còn tạo nghiệp, không còn tiếp tục được nữa, tức ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, lúc đó ta thành đạt đạo quả Niết Bàn. Như vậy, nguyên nghĩa của từ NIẾT BÀN hay NIRVANA không nói lên bản chất của Niết Bàn, chỉ nói phương thế để đi đến Niết Bàn là diệt trừ ái dục.
Theo Phật Giáo, ái dục hay lòng ham muốn là nguồn phát sinh ra mọi đau khổ trên trần gian. Ham muốn đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nếu không được thỏa mãn thì đau khổ. Nếu được thỏa mãn thì cảm thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này không kéo dài, vì ham muốn không dừng lại ở một chỗ. Tâm lý con người cũng như mọi chúng sinh là “được voi thì đòi tiên”, “lòng tham không đáy”. Không ai được thỏa mãn ham muốn rồi mà hạnh phúc lâu dài cả, vì họ lại mong muốn một cái khác và nghĩ rằng mình chỉ được hạnh phúc khi được thỏa mãn điều đó. Cứ như vậy mãi. Vả lại, khi đã đạt được điều mong muốn nào thì phải lo bảo vệ và giữ nó, đó cũng là một điều khổ. Giữ không được mà phải để cho mất lại còn đau khổ hơn nữa. Chính vì vậy mà các nhà hiền triết đông cũng như tây đều khuyên con người nên giảm bớt ham muốn thì cuộc sống sẽ dễ có hạnh phúc hơn. Về vấn đề giảm bớt lòng ham muốn, Phật Giáo còn triệt để hơn nữa. Không phải chỉ là giảm bớt mà là tiêu diệt mọi ham muốn, thậm chí cả lòng ham muốn vào Niết Bàn nữa. Vì ham muốn này đòi hỏi được tiếp nối bởi một ham muốn khác, nên chúng tạo nên một nghiệp lực lôi kéo chúng sinh tái sinh hết kiếp này sang kiếp khác để những ham muốn đó được thỏa mãn. Chúng ta có thể cảm nghiệm lực đó khi ta ham muốn điều gì. Rõ ràng lòng ham muốn đó có năng lực thúc đẩy ta chịu khó, và cố gắng tạo mọi điều kiện để được thỏa mãn. Ta không bao giờ muốn chết khi đang ham muốn và khi ham muốn chưa được thỏa mãn. Phải sống để được thỏa mãn đã. Do đó, ham muốn khiến chúng sinh cứ luẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, muốn thoát khỏi vòng đó, phải diệt trừ ham muốn.
Nhưng muốn đi đến Niết Bàn, tức muốn giải thoát, thì chúng sinh phải mong muốn điều đó cách mãnh liệt. Phải ham muốn thật mãnh liệt sự giải thoát đó, người ta mới có động lực để dẹp đi mọi ham muốn khác, và thực hiện con đường tu tập. Nếu không có lòng ham muốn mãnh liệt đó, người ta sẽ không bao giờ dẹp được các ham muốn khác. Nhưng cuối cùng ham muốn đó cũng phải bị tiêu diệt mới có thể giải thoát được. Ham muốn Giải Thoát hay Niết Bàn là hình thức cao đẹp nhất của Ái Dục, và ái dục này vẫn tác động như bất kỳ một ái dục nào khác. Nhưng nhờ ham muốn Niết Bàn, ta mới trừ khử được tất cả mọi ái dục đến mức chỉ còn có một. Do đó mong muốn Niết Bàn là mong muốn cuối cùng, cao thượng nhất. Khi chỉ còn một mong muốn duy nhất này, trí huệ ta sẽ phát triển tới mức độ rất cao do tâm trí không còn bị những ham muốn tầm thường chi phối. Lúc đó ta sẽ giác ngộ và từ bỏ ham muốn cuối cùng đó. Và khi đã được Niết Bàn rồi thì lòng ham muốn đó cũng như mọi ham muốn khác không thể hồi sinh.
Chúng sinh sở dĩ luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi đảo điên là vì chúng sinh đã để tâm trí mình trụ vào những sự vật vô thường, chóng qua, có sinh có tử. Ðó là những thực tại trong thế giới hiện tượng mà người ta cảm nghiệm được, thấy được nên cho rằng có. Và người ta sống và ham muốn với những thực tại đó. Vì những thực tại này hay thay đổi, nay này mai khác, khi thì phù hợp với những ước muốn của chúng sinh, khi thì ngược lại, nên chúng sinh cũng bị thay đổi đảo điên theo: khi vui khi buồn, khi sướng khi khổ rất thất thường, tâm trí không được ổn định an lạc, tất cả mọi niềm vui đều chóng qua, sớm nhường chỗ cho những buồn phiền đau khổ. Còn chạy theo những thực tại vô thường bằng những ham muốn của mình, chúng sinh còn phải ngụp lặn trong vô thường, sẽ trôi lăn mãi trong lục đạo. Muốn hiện hữu của mình an định, không còn trôi lăn trong những cái vô thường, tâm trí chúng sinh phải an trụ nơi Thực Tại Thường Hằng Bất Biến, trong chính bản thân mình cũng như trong thế giới vạn vật, đồng thời hiệp nhất, trở nên một Thực Tại đó. Càng hiệp nhất với Thực Tại Vô Sinh Bất Diệt ấy, chúng sinh càng ít bị những thực tại vô thường chi phối, ảnh hưởng. Càng sống với Thực Tại Duy Nhất ấy, càng hiệp nhất với Thực Tại ấy, chúng sinh càng nhận ra rằng nơi bản thân mình, chỉ còn có một Thực tại ấy duy nhất sống động, hiểu biết, hành động, còn “cái tôi” mà từ trước đến giờ mình vẫn tự nhận là mình thì chưa từng hiện hữu bao giờ. Ðó là “vọng ngã” (cái tôi giả). Nơi bản thân, cái thực sự hiện hữu từ xưa đến giờ chỉ là Chân Ngã (Cái Tôi đích thực). Cái “vọng ngã” và Chân Ngã chỉ là một, chưa bao giờ là hai. Nhưng sự thật đó chỉ mới được giác ngộ sau một thời gian tu tập trí tuệ, và sống hết mình với Thực Tại Bất Biến Thường Hằng ấy. Giác ngộ như thế gọi là “kiến tánh”, là thấy được bản tánh đích thực của mình, tức “bản lai diện mục” của mình. Phải trải qua một quá trình như thế, chúng sinh mới có thể ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn và đi vào cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới vô sinh bất diệt.
Cái gì đi tái sinh?
Khác hẳn với mọi ý nghĩ bình thường, Phật Giáo chủ trương không có linh hồn như một thực tại tâm linh bất biến thường tồn, làm chủ thể trong mọi thay đổi xác thân. Phật Giáo không chủ trương có một linh hồn duy nhất mặc lấy những thân xác khác nhau giống như một người thay đổi áo: dù mặc nhiều áo khác nhau, nhưng từ đầu đến cuối vẫn chỉ là một người không thay đổi. Do đó, vấn đề phải được đặt ra là: người trong kiếp này và người của kiếp sau có phải cùng là một người không? Nếu không có một linh hồn duy nhất trong hai thân xác của hai kiếp ấy, làm sao có thể nói được câu “Kiếp trước của tôi”, vì câu đó dường như giả thiết rằng chỉ có một cái tôi duy nhất trong cả hai thể xác ấy? và sau khi thể xác tôi chết rồi thì cái gì đi tái sinh cho kiếp sau của tôi? Nếu không có một linh hồn bất biến làm nền tảng thì cái gì bị luân hồi?
Muốn hiểu được điều đó, cần biết rằng Phật Giáo chủ trương: ngay cả trong một kiếp, như kiếp tôi đang sống đây, cái tôi lúc 5 tuổi và cái tôi hiện tại không thể hoàn toàn đồng nhất hay là một với nhau được, vì lúc 5 tuổi tôi rất khác với bây giờ về đủ mọi phương diện: tuổi tác, cách suy nghĩ, tính tình, tài năng, khuynh hướng, v.v… Thậm chí tôi không còn nhớ lúc 5 tuổi thì con người tôi thế nào nữa. Nếu tôi lúc 5 tuổi và tôi bây giờ là một, đồng nhất với nhau, thì tất nhiên hai “cái tôi” đó phải giống nhau, không có gì thay đổi, và tôi bây giờ phải hoàn toàn nhớ được hồi 5 tuổi tôi ra sao. Tương tự như vậy, tôi trước đây một tiếng, hay 5 phút, hay một giây, không thể hoàn toàn đồng nhất với tôi bây giớ được… Chắc chắn vào những thời điểm khác nhau, “cái tôi” của tôi không đồng nhất, không là một, nhưng cũng không thể nói là hai hay là nhiều được, vì tôi vẫn thấy, vẫn nhìn nhận rằng tôi bây giờ hay tôi thời trước thì đều là tôi cả. Tôi vẫn chỉ vào tấm hình của tôi lúc 5 tuổi, 10 tuổi, 20 tuổi… và nói đó là tôi, bất chấp những “cái tôi” ấy có nhiều cái khác nhau. Ðây là một thực tế không có chỗ đứng trong luận lý học Tây Phương, vì theo luận lý này không có chuyện vừa đồng nhất lại vừa không đồng nhất, vừa là hai lại vừa không là hai.
Khoa học cho biết xác thân của tôi trong vòng 7 năm là mọi tế bào đều thay đổi hết. Như thế thì rõ ràng là xác thân của tôi lúc 5 tuổi và xác thân của tôi lúc 40 tuổi (hơn nhau 35 năm) làm sao có thể là một được? Cũng vậy, chiếc xe gắn máy của tôi mua mấy chục năm rồi, đã dần dần thay đổi hết mọi bộ phận, đến nỗi không còn một bộ phận nào trong đó là bộ phận nguyên thủy hồi tôi mua. Như thế thì làm sao tôi vẫn bảo chiếc xe bây giờ cũng chính là chiếc xe thời đó được? Tại bờ biển, tôi đưa mắt theo dõi một con sóng lớn từ ở ngoài khơi chạy vào bờ. Khi nó vào tới sát bờ, tôi vẫn coi nó chính là con sóng ở ngoài khơi, vì mắt tôi đã đi theo nó từ ngoài đó vào bờ không gián đoạn, dù tôi vẫn biết rằng con sóng đi tới đâu thì nhận lấy nước ở chỗ đó làm vật liệu cho mình. Nếu xét về vật liệu, thì con sóng ở ngoài khơi và con sóng vào gần bờ hoàn toàn khác nhau, không có một phân tử nước nào chung cả. Thế nhưng tôi vẫn có lý để coi hai con sóng đó là một! hay như dân tôc Việt Nam ta, từ 4000 năm về trước cho tới nay, mặc dù khác biệt nhau rất xa giữa người Việt nguyên thủy và người Việt ngày nay, nhưng vẫn được coi là duy nhất! Tại sao vậy?
Vì trong tất cả những trường hợp trên, có sự liên tục không gián đoạn trong sự chuyển biến từ tình trạng này sang tình trạng kia, cái này qua cái kia, và sự chuyển biến đó xảy ra một cách tiệm tiến, không đột ngột. Tại hai thời điểm kế tiếp nhau hay gần nhau, tuy có sự thay đổi, nhưng phần thay đổi không đáng kể so với phần không thay đổi làm nền tảng để làm cho nó vẫn còn là nó. Và luôn luôn có một tương quan nhân quả giữa các tình trạng khác nhau tại các thời điểm. Tình trạng trước là nguyên nhân cho tình trạng sau. Nếu không có tình trạng trước thì không thể có tình trạng sau. Như bản thân tôi, nếu không có cái tôi lúc 5 tuổi thì không thể có cái tôi bây giờ. Nếu hồi 5 tuổi tôi đã sống khác với thực tế quá khứ của tôi lúc đó, ắt vào bây giờ, tôi đã không giống như cái tôi thực tế bây giờ. Ðó là điểm chính yếu khiến tôi thấy tôi lúc 5 tuổi và tôi bây giờ chỉ là một cái tôi. Như vậy, theo Phật Giáo, không nhất thiết phải có một linh hồn trường tồn bất biến làm nền tảng để cho từ đầu đến cuối những thực thể khác nhau vẫn được coi là một. Cũng tương tự như Nước Việt Nam hay dân tộc Việt Nam đâu có nhất thiết phải có một cái hồn nước vĩnh cửu, bất biến làm nền tảng thì mới có thể gọi dân Việt Nam xưa và dân Việt Nam nay là một!
Theo Phật Giáo, cái tôi mà ta cảm nghiệm được không phải là một linh hồn trường tồn bất biến, mà là một dòng “tưởng” liên tục trôi như một dòng sông. Mỗi sát-na (đơn vị nhỏ nhất của thời gian) một “chặp tư tưởng” (tạm gọi như thế) nổi lên rồi biến mất ngay, nhường chỗ cho “chặp tư tưởng” kế tiếp. Chặp này là nhân cho chặp sau, và là quả của chặp trước. Mỗi chặp tư tưởng trong giây lát sinh, trụ, rồi diệt, và trong khi diệt, chuyển tất cả năng lực và cảm giác đã ghi nhận được cho chặp tư tưởng kế tiếp. Mỗi chặp tư tưởng mới gồm những năng lực tiềm tàng của chặp trước và thêm vào đó chút gì khác. Ðến lúc chết, chặp tư tưởng cuối cùng chấm dứt, cũng như trong đời sống mỗi chặp tư tưởng đều phải diệt, để nhường chỗ cho chặp tương tưởng kế tiếp phát sinh trong giây lát, mỗi chặp tư tưởng đều bao hàm thức của nó. Mỗi thức chứa toàn bộ những kinh nghiệm trong quá khứ do chặp tư tưởng trước để lại. Vậy cái thức mới trong kiếp sống mới chứa tất cả những kinh nghiệm, cảm giác ghi nhận được trong các kiếp quá khứ. Như thế, tất cả mọi tiềm năng đều được chuyển từ kiếp này sang kiếp khác, mặc dầu vật chất tan rã. Vì lẽ ấy đôi khi có người nhớ được kiếp quá khứ của mình. Nếu trí nhớ chỉ tùy thuộc nơi khối não, tất không ai có thể nhớ được tiền kiếp của mình. Như vậy, giữa kiếp trước và kiếp sau vẫn có sự liên tục về chặp tư tưởng, và chặp tư tưởng trong kiếp mới vẫn thừa kế toàn bộ di sản tinh thần từ kiếp trước để lại. Do đó, cái tôi của kiếp trước và cái tôi của kiếp sau vừa là khác mà cũng vừa có thể coi là một, tựa như cái tôi trong hai thời điểm khác nhau của cùng một kiếp vậy. Cứ như thế, kiếp này qua kiếp khác, dù vào cảnh thiên, nhân, hay súc sinh, ngạ quỉ, địa ngục chăng nữa, không cần phải có một linh hồn bất trường tồn nào cả.
Như vậy, luôn luôn có một cái tôi của một thân xác khác chịu tất cả mọi quả báo của cái tôi của thân xác này. Cái tôi này là nhân gây nên cái tôi kia, và cái tôi kia là quả của cái tôi này, y như cái tôi hiện tại của tôi bây giờ phải hay được lãnh nhận hậu quả của những gì mà cái tôi của tôi hồi trước đã làm. Chẳng hạn cái tôi tháng trước lười học thì cái tôi tháng này thi trượt, cái tôi trước chăm học thì cái tôi này thi đỗ. Tôi nhìn nhận hai cái tôi ấy đều là tôi cả, nhưng rõ ràng chúng khác nhau: cái tôi bây giờ không thể sửa đổi gì được cái tôi trước, và có thể cũng không đồng ý việc làm của cái tôi trước thì không thể cảm nghiệm được, thậm chí không biết gì về cái tôi sau. Do tôi nhìn nhận hai cái tôi đều là tôi mà tôi thấy không có sự bất công nào cả.
Ðể dễ hiểu về việc không cần có linh hồn mà cái tôi sau vẫn coi cái tôi trước là chính mình nhờ chuyển di qua những chặp tư tưởng, ta thử nêu lên một minh họa. Sự việc đó giống như một người dùng máy cassette để thâu băng. Trước hết anh ta thâu trực tiếp một số bài nhạc thêm vào những bài nhạc đã có trong băng. Sau đó anh sang toàn bộ những bài ca trong băng A vào băng B và hủy bỏ băng A. Anh lại tiếp tục thâu trực tiếp một số bài ca mới vào băng B. Rồi lại sang toàn bộ băng B sang băng C. Cứ tiếp tục như thế mãi. Cho tới lúc nào đó, chẳng hạn tới băng M, ta thấy tất cả những băng A, B, C, D… I, K, L đều đã bị hủy bỏ, nhưng toàn bộ những bài ca trong các băng đó đều có trong băng M, mặc dù xét về vật chất, băng M không nặng hơn các băng trước một microgram nào cả, đồng thời khác với những băng trước. Giả như băng M có khả năng suy tư và ý thức được, nó sẽ thấy các băng A, B, C… trước cũng chính là nó… Mỗi cuốn băng tượng trưng cho một kiếp sống. Mỗi kiếp sống thu thập được một số kinh nghiệm thêm vào những kinh nghiệm đã có trong các kiếp trước, đồng thời trao toàn bộ kinh nghiệm ấy cho kiếp sau. Sở dĩ có thể làm được chuyện ấy là nhờ khả năng thu nhận, tàng trữ âm thanh của loại băng cassette. Khả năng thu nhận và tàng trữ kinh nghiệm từ kiếp này qua kiếp khác của chúng sinh Phật Giáo gọi là Alạida thức. Có thể nói a-lại-da thức chính là cái đi tái sinh, là cái bị luân hồi. Và Alạida thức đó không thể gọi là linh hồn được. Vả lại Alạida thức thay đổi từng giây phút trong cuộc đời, cứ mỗi lúc lại thu nhận và tàng trữ thêm. Còn khả năng làm cho ý thức nhìn nhận những yếu tố cấu tạo nên mình là “tôi”, cũng như nhận những cái tôi khác nhau từng thời điểm một là một cái tôi duy nhất, khả năng ấy được Phật Giáo gọi là Mạt-na thức. Ðiều lý thú trong minh họa này là những gì cuốn băng kia không làm cho cuốn băng kia nặng thêm chút nào. Như vậy, những gì được truyền sang có vẻ như không phải là vật chất. Người duy tâm sẽ nghĩ nó là tinh thần. Vì truyền sang là thêm vào, mà thêm vào nếu là vật chất ắt phải làm cho nặng thêm. Mà không phải vật chất ắt là tinh thần. Nhưng đi sâu vào vấn đề hơn ta thấy có sự thay đổi cách sắp xếp về từ học: mặt băng bị nhiễm từ. Cũng tương tự như khi ta chụp hình, cuộn phim sau khi chụp không nặng hơn trước khi chụp, nhưng mặt phim đã bị ánh sáng tác dụng làm thay đổi mặt phim. Nhờ vậy phim ghi nhận được hình ảnh. Cái thêm vào không hẳn là vật chất nhưng là một cái gì do vật chất, và đương nhiên nhìn xa hơn ta thấy phải có sự góp phần của người chụp hay người thâu băng thì hình ảnh hay âm thanh mới ghi lại được trong băng (tác nhân bên ngoài).
Theo những điều đã nói trước đây, “chặp tư tưởng” (hoạt động của tâm thức luôn luôn có, cho dẫu ý thức không tư tưởng) vẫn liên tục sinh, trụ, diệt trong cùng một kiếp hay khi chuyển từ kiếp này qua kiếp khác. Do đó, những chặp tư tưởng cuối cùng của một kiếp đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định tức khắc cảnh giới hay hoàn cảnh để đầu thai cho kiếp sau. Nếu vào giây phút hấp hối, một người phúc đức đáng đầu thai ở cảnh thiên lại có những tư tưởng không tốt, hay tưởng tượng những điều không tốt, thì người đó có thể sinh vào những cảnh giới xấu, như atula hay súc sinh, hay cảnh người nhưng điều kiện ban đầu hẩm hiu. Tuy nhiên, vì nghiệp của người đó, nên dù sống trong những cảnh giới xấu hay điều kiện ban đầu hẩm hiu, nhưng số phận của chúng sinh ấy sướng hơn đồng loại của mình rất nhiều. Thật vậy, ta vẫn thấy có những con vật (chó, mèo) có cuộc đời vật chất cũng như tinh thần sướng hơn những con vật khác, thậm chí sướng hơn rất nhiều người trên trần gian. Trái lại, nếu vào giây phút hấp hối, một người xấu lại có được những tư tưởng tốt, hay tưởng tượng được những điều thánh thiện, thì có thể tái sinh vào những cảnh giới tốt, hay được những điều kiện sống ban đầu rất thuận lợi, nhưng vì nghiệp của họ xấu, nên số phận của họ vẫn khổ đau hơn những đồng loại của mình. Thật vậy, ta vẫn thấy biết bao kẻ giầu sang phú quí, thuộc hàng vua chúa, nhưng đời sống chẳng hạnh phúc chút nào, cuộc đời gặp đầy nghịch cảnh, hoặc về sau trở thành kẻ bần cùng…
Vì thế, vào những giây phút cuối cùng của cuộc đời người thân nhân mình, người Phật Tử phải lưu tâm giúp đỡ họ có những tư tưởng tốt, nghĩ về những hình ảnh đẹp, cao thượng, để họ có thể vãng sinh về những cảnh giới tốt đẹp, tạo điều kiện dễ dàng cho họ tiến tới mục đích giải thoát.
Việc độ vong
Trong Phật Giáo, không có chỗ đứng cho một Thiên Chúa sáng tạo, một Thiên Chúa điều khiển và chi phối mọi sự. Tất cả đều xảy ra theo qui luật của vũ trụ. Một người bị rơi vào địa ngục hay đầu thai vào cảnh giới nào, hoàn toàn không do một Ðấng Tối Cao nào phán xét và định đoạt cả. Cũng y như một người xử dụng dao không khéo bị cắt đứt tay, hay một người ích kỷ bị mọi người ghét, một người vui vẻ được nhiều người thương. Ðó là luật nhân quả tác động một cách khách quan như bao định luật khác. Việc cứu độ những vong linh người chết cũng chỉ dựa vào định luật, không thể cầu khẩn ai được cả. Cũng như muốn cứu một người bị điện giật, bị bệnh ung thư… điều quan trọng là có biết cách cứu hay không, có biết những định luật về điện, về bệnh tật hay không. Ðịnh luật có nhiều thứ: vật lý, tâm lý, siêu vật lý, siêu tâm lý…
Khi Phật Tổ còn sinh tiền, Ngài có dạy Mục Kiền Liên cách cứu mẹ ông là bà Thanh Ðề thời ấy đang bị đọa địa ngục. Phật đã áp dụng sức mạnh của chú nguyện. Chú là chú ý tập trung tư tưởng hay năng lực tinh thần vào, và nguyện là cầu mong, ước muốn. Chú nguyện là tập trung hết năng lực tinh thần của mình để ước muốn điều gì. Phật dạy Mục Kiền Liên thỉnh các chư tăng là những người có năng lực tinh thần rất mạnh đến chú nguyện cho bà Thanh Ðề để tác động vào tâm địa của bà, khiến bà thay đổi tâm địa, từ tâm ích kỷ bỏn xẻn độc ác thành tâm vị tha quảng đại từ bi. Tâm thay đổi thì sướng khổ cũng thay đổi theo: “Tội tùy tâm sinh, tội tùng tâm diệt” và “Khổ tùy tâm sinh, khổ tùng tâm diệt”. Nhờ vậy bà thoát khỏi cảnh địa ngục, sinh vào cảnh giới lành. Không có thần linh nào can thiệp vào chuyện của bà cả.
Vậy, việc độ vọng của Phật Giáo là dùng sức mạnh tinh thần của người chú nguyện ảnh hưởng trực tiếp tới tâm địa của người đang bị đau khổ để trợ thêm sức lực tâm linh cho họ hầu họ thay đổi tâm địa từ xấu thành tốt, nhờ vậy họ thay đổi được số phận. Ngay cả những người đang sống đây cũng có thể nhờ những người có năng lực tinh thần mạnh hơn để chú nguyện cho mình. Những người có năng lực để nhờ đó có thể là những người cùng sống, mà cũng có thể là những vị Phật hay Bồ Tát sống một cõi nào đó. Việc cầu siêu chính là nhờ những vị ấy chú nguyện dùm, để những người đã chết đang ở cảnh giới nào đó được siêu thoát khỏi khổ cảnh.
Như đã nói ở trên, Phật Giáo nguyên thủy chủ trương ngay khi chết là tái sinh sang đời sống mới liền. Nhưng nhiều nơi chủ trương chỉ những người có nghiệp mạnh, tốt hoặc xấu, mới được hoặc bị những cảnh giới thích hợp thu hút ngay. Còn những người có nghiệp yếu thì thức tái sinh, tức a-lại-da thức, chưa đi đầu thai ngay, mà còn ở trong cõi trung ấm, dùng năng lực tư tưởng tự tạo cho mình một thân xác bằng chất liệu của cõi đó, còn quyến luyến với kiếp sống cũ. Nhưng họ chỉ có thể ở tình trạng này tối đa 49 ngày. trong thời gian này, nếu họ có một tư tưởng nào mạnh, thì họ sẽ được hoặc bị rút về cảnh giới tương ứng với tư tưởng đó. Vì thế, trong thời gian 49 ngày, thân nhân của người quá cố thường thỉnh các vị tăng từ bậc đại đức trở lên tới chú nguyện cầu siêu cho người chết, dùng sức mạnh tinh thần của mình làm cho người quá cố đang ở cõi trung ấm phát tâm tốt đẹp để được sinh vào cảnh giới lành.
Trước nghi án (bàn thờ) với hương hoa đăng đèn đầy đủ, các vị tăng vừa tụng kinh A-Di-Ðà, hoặc kinh Ðịa-Tạng, vừa đánh chuông gõ mõ. Hai kinh này không phải là những lời cầu nguyện xin một vị thần linh nào, mà là những bài thuyết giảng của Phật Tổ về cảnh giới Phật A-Di-Ðà, một cảnh giới hết sức tốt đẹp (một cảnh của Thiên). Người chết nghe kinh này sẽ có những tư tưởng tốt đẹp, người đọc kinh cũng theo kinh mà có những tư tưởng tốt đẹp hầu tăng năng lực cho những tư tưởng tốt đẹp của người chết. Ngoài ra còn đọc thêm “chú vãng sanh”, tạo những âm thanh có sức mạnh để ảnh hưởng đến tư tưởng người chết. Sau nghi thức tụng niệm đó, người nhà có thể làm một việc phúc đức nào đó tại nhà như: phát kinh Phật để truyền bá Phật Pháp, hoặc dâng tiền để in kinh, hoặc phóng sinh (thả chim, cá… trả tự do cho chúng)… để tạo sức mạnh tốt đẹp ảnh hưởng đến tư tưởng người chết. Toàn bộ nghi thức độ vọng đều mang ý nghĩa: phải có tư tưởng tốt đẹp mới có tương lai tốt đẹp. Ðiều đó cũng rất phù hợp với định luật tâm lý.
S.T
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả