Không biết xấu hổ trước thất bại bẽ bàng của cái gọi “thỉnh nguyện thư” gửi Chính phủ Mỹ yêu cầu gây áp lực buộc Việt Nam “cải thiện nhân quyền”; vừa qua trên diễn đàn We The People thuộc website của Nhà trắng, Nguyễn Ðình Thắng – kẻ cầm đầu tổ chức bịp bợm là “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS), đồng thời là kẻ chủ mưu của trò hề “thỉnh nguyện thư”, tiếp tục phát động cái gọi là “chiến dịch người Mỹ gốc Việt đòi tài sản”, trong đó đưa ra đề nghị “Washington ngưng viện trợ và không ban thêm đặc quyền mậu dịch với Việt Nam trong thời gian thương lượng”! Vậy Nguyễn Ðình Thắng là ai, hành tung của nhân vật này thế nào?
Nguyên quán tại Bùi Chu (Nam Ðịnh) và gia đình đã di cư vào nam, sau năm 1975, Nguyễn Ðình Thắng vượt biên sang Philippines, sau đó định cư tại Mỹ. Năm 1988, Thắng tham gia thành lập cái gọi là “Phong trào thanh niên cách mạng dân tộc Việt”. Ðây cũng là thời điểm vì những lý do khác nhau, một số người Việt Nam vượt biên nước ngoài. Ðánh hơi thấy có thời cơ kiếm chác, Nguyễn Ðình Thắng thành lập “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) và tự xưng là “chủ tịch” BPSOS chính là công cụ để Thắng thực hiện mục đích: kích động người Việt Nam rời bỏ đất nước để tạo cớ vu cáo Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền, có lý do xin tài trợ từ Quỹ Quốc gia vì dân chủ (NED) và lợi dụng cơ hội vận động quyên góp tiền bạc cộng đồng người Việt ở nước ngoài, trực tiếp là người Mỹ gốc Việt. Tới năm 1998, tình trạng người Việt Nam vượt biên hầu như đã chấm dứt, điều kiện kiếm ăn không còn, Thắng liền tham gia “Ủy ban tự do tôn giáo cho Việt Nam” (CRFV), và giữ chức “ủy viên thường trực”. Năm 2008, y thành lập cái gọi là “Liên minh bài trừ nô lệ mới tại châu Á” (CAMSA), mở “văn phòng” tại Malaisia, Ðài Loan… Về CRFV, một người Việt ở nước ngoài viết: “Gọi cái gọi là Ủy ban tự do tôn giáo là Ủy ban hoạt đầu chắc chắn không sai. Vì tiền thân cái ủy ban này là do linh mục Nguyễn Hữu Lễ và Nguyễn Ðình Thắng rủ nhau dựng lên. Nhưng dần dà “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” do mục đích nguyên nhân sâu xa nào đó về vấn đề “Fund”. Linh mục Nguyễn Hữu Lễ và các vị trong Hội đồng liên tôn đã bỏ chạy thục mạng vì sợ ?! Nguyễn Ðình Thắng bèn cấu kết với Ngô Thị Hiền, Ngô Ngọc Hùng cướp luôn tổ chức này. Ðó là lý do, tại sao một ủy ban tự do tôn giáo mà chẳng có một ông sư, ông linh mục nào làm giám đốc cả?… Mục đích của nhóm hoạt đầu trong Ủy ban tự do tôn giáo sẽ chỉ tạo ra chút tiếng tăm để dễ bề quyên góp”!
Mấy chục năm trơ tráo hoạt động dưới danh nghĩa BPSOS, CAMSA, CRFV, Nguyễn Ðình Thắng đã phơi bày bộ mặt của một kẻ bất lương, lấy “đầu cơ chính trị” làm nghề kiếm sống. Và bản chất các hành vi của Nguyễn Ðình Thắng đã được nhiều người Mỹ gốc Việt nhận ra, như tháng 7-2012 vừa qua, bình luận về các loại “thỉnh nguyện thư” do Thắng đầu têu, một số người Mỹ gốc Việt bình luận: “Xem việc vận động giúp người tị nạn là một thương vụ kiếm tiền thì việc đó coi như là cứu giúp người tị nạn kiểu… khốn nạn nhất”, và “Lại thêm một vụ lừa bịp thỉnh nguyện thư trắng trợn nhắm vào người nhẹ dạ, không hiểu biết về luật pháp”; thậm chí trên kbchn.com có người nhận xét: “Hay ho gì khi mang cái mác tiến sĩ ra lòe mấy anh tị nạn. Cu TS thất nghiệp này rõ ràng không có việc làm nên mới có quá nhiều thì giờ lập ra hết ủy ban cứu nguy, hỗ trợ, giờ lại ủy ban đòi nợ!… kiếm không ra việc, phải sống bám vào mấy cái ủy ban cứu nguy này, đấu tranh nọ, phải sống bằng thỉnh nguyện, sáng chế ra thuốc nổ TNT”!
Lợi dụng danh nghĩa một tổ chức NGO hoạt động “vì mục đích từ thiện, trợ giúp người tị nạn”, Nguyễn Ðình Thắng sử dụng tài trợ của NED vào các hoạt động tập hợp lực lượng, kích động cộng đồng người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam. Có thể liệt kê các hoạt động này gồm: liên kết với tổ chức khủng bố “Việt Tân” của Ðỗ Hoàng Ðiềm hỗ trợ tài chính cho một số nhân vật ở trong nước đội lốt tôn giáo để hoạt động chính trị; cấu kết với “quỹ người Thượng” của Ksor Kok kích động đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vượt biên sang Campuchia, xin tị nạn tại Mỹ; âm mưu thành lập cái gọi là “nhà nước Degar tự trị” rồi lôi kéo, lường gạt đồng bào gốc Tây Nguyên ở Mỹ biểu tình chống phá Việt Nam. Ðặc biệt, Nguyễn Ðình Thắng là một trong những kẻ luôn lớn tiếng vu cáo Việt Nam về các vấn đề nhân quyền, dân chủ, tôn giáo trên các diễn đàn quốc tế, phá hoại hình ảnh và uy tín của Việt Nam, tác động tiêu cực tới quan hệ Việt – Mỹ. Thí dụ tiêu biểu cho sự dối trá của Thắng là y đã “cung cấp cho RFA tin về việc vợ chồng bà Phạm Thị Phượng (Ðảng Vì dân) bị bắt tại Bangkok – Thailand. Bản tin này sau đó bị cho là sai sự thật. Bộ Ngoại giao Thailand và Việt Nam cùng khiếu nại. Phóng viên đưa tin bị RFA kỷ luật”. Bằng nhiều thủ đoạn, Nguyễn Ðình Thắng cung cấp bằng chứng sai sự thật, thiếu khách quan về thực trạng dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam để vận động một số dân biểu Mỹ như Loretta Sanchez, Christ Smith, Cao Quang Ánh (khi tại nhiệm),… hoặc các nhân vật như Grover Joshep Rees (cựu Ðại sứ Mỹ tại Ðông Timor, hiện là cố vấn pháp luật của BPSOS) để gây sức ép với Việt Nam, cản trở nỗ lực nâng tầm quan hệ Việt – Mỹ. Tháng 5-2011, nấp dưới danh nghĩa đại diện BPSOS và CAMSA, Thắng cùng một số người như Võ Trần Nhật (con trai Võ Văn Ái), Lê Duy Cẩn, Grover Joshep Rees… tham gia “diễn đàn nhân dân ASEAN” (APF 7) tổ chức ở Indonesia. Tại đây, y phát biểu vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, không bảo vệ quyền của người lao động ở nước ngoài, đồng thời tán phát khoảng 20 tài liệu do Võ Trần Nhật biên soạn. Bên cạnh đó, Nguyễn Ðình Thắng còn là kẻ chủ mưu nhiều hoạt động chống phá Việt Nam, như phát động cái gọi là “chiến dịch giải cứu Cồn Dầu”, cung cấp thông tin bịa đặt để dân biểu Christ Smith đưa ra Nghị quyết HR.1572 vu cáo Việt Nam “đàn áp tự do tôn giáo”, liên kết với Cao Quang Ánh tổ chức “điều trần” tại Hạ viện Mỹ nhằm vận động thông qua cái gọi là “Dự luật nhân quyền cho Việt Nam” (HR.1410)…
Là một kẻ cơ hội hết sức nham hiểm, Nguyễn Ðình Thắng có tài “đánh hơi” các vấn đề nhạy cảm và triệt để khai thác sự nhẹ dạ, cả tin của một số người. Ðối với lao động Việt Nam ở nước ngoài, y tìm cách kích động, lôi kéo họ vào các hoạt động chống phá Việt Nam. Chính Nguyễn Ðình Thắng và BPSOS, CAMSA do y cầm đầu đã xúi giục công nhân Việt Nam đang lao động tại Mỹ, Malaisia, Jordan đình công, bỏ việc, tạo cớ xin tị nạn; sau đó BPSOS hỗ trợ một số người này kiện các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam vì “buôn người” và các công ty nước ngoài vi phạm hợp đồng, từ đó gây thiệt hại cho doanh nghiệp và uy tín của Chính phủ Việt Nam. Trong “vụ kiện” của 17 lao động Việt Nam tại Houston (Texas), y đã phối hợp với Nguyễn Duy Hùng – Chủ tịch cộng đồng người Việt tại Houston, đứng sau kích động số người này khởi kiện các công ty Mỹ, công ty xuất khẩu lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam lên tòa án Liên bang Mỹ đòi bồi thường, đồng thời lợi dụng sự việc này để xuyên tạc, vu cáo. Xảo quyệt hơn, Nguyễn Ðình Thắng còn cố gắng tiếp cận sinh viên, trí thức trẻ người Việt tại Mỹ để lợi dụng họ vào hoạt động chống phá. Thông qua “Viện nghiên cứu người Mỹ gốc Việt” (VARI) do y thành lập, Nguyễn Ðình Thắng lên kế hoạch đào tạo “500 lãnh đạo trong 5 năm”, VARI sẽ hỗ trợ các công trình nghiên cứu, và hiện đang thử nghiệm giáo trình đào tạo tại Alabama và Mississippi. Ðầu năm 2012, biết tin Hội sinh viên Việt Nam (VSA) thuộc Ðại học Drexel (Philadelphia) tổ chức hội thảo về đề tài “Ðương đầu với khó khăn”, Nguyễn Ðình Thắng cùng BPSOS liên hệ với lãnh đạo VSA đề nghị hỗ trợ tài chính và phối hợp tổ chức hội thảo…
Hơn mười năm qua, sau khi chiêu bài “quyên góp ủng hộ đồng bào tị nạn” đã hết tác dụng, Nguyễn Ðình Thắng quay sang đầu cơ “lũ lụt”, bằng cách phối hợp với Ngô Thị Hiền tổ chức vận động cộng đồng người Việt ở Mỹ quyên góp “ủng hộ đồng bào lũ lụt trong nước”. Nhận định về thủ đoạn kiếm tiền của Nguyễn Ðình Thắng và Ngô Thị Hiền, Kim Âu viết: “bọn nhân danh chống cộng bịp để làm tiền đồng bào hải ngoại quá đông, bọn nhân danh thiện nguyện quyên góp cứu trợ bịp bợm để lấy tiền đồng bào bỏ túi làm giàu lại càng đông hơn”. Và trò ma mãnh của Thắng – Hiền nhanh chóng bị vạch mặt, từ năm 2000 trên báo Ðại chúng, ông Hoài Thanh công bố 22 bài viết tố cáo Thắng và Hiền không minh bạch về số tiền quyên góp. Trong các đợt “quyên góp” sau đó, khi bị tố cáo, Thắng và Hiền khẳng định đã gửi về nước cho NVL 90.000 USD, rồi lại đưa ra con số gửi NVL 50.000 USD, khi dư luận yêu cầu chứng từ, thì số tiền gửi về nước cho NVL chỉ còn… 10.000 USD! Thắng và Hiền đã 5 lần đệ đơn kiện ông Hoài Thanh và báo Ðại chúng về tội vu khống, nhưng không thành công. Tháng 10-2008, ông Hoài Thanh kiện ngược lại nhóm Ngô Thị Hiền với tội danh “kiện cáo vô cớ, làm ảnh hưởng đến danh dự, tinh thần, vật chất” và yêu cầu bồi thường. Ngày 21-9-2011, Tòa án quận Montgomery (Maryland) ra phán quyết cuối cùng: Ngô Thị Hiền, Ngô Ngọc Hùng và Ðài phát thanh Việt Nam hải ngoại phải trả 3 triệu USD cho ông Hoài Thanh…
Từ bản chất và hành vi Nguyễn Ðình Thắng thực hiện trong những năm qua, cần khẳng định rằng, xuyên suốt các thủ đoạn và mưu mô mà y đã thực hiện không phải vì “dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo” mà vì mục đích cá nhân xấu xa. Thái độ thù địch, những tuyên bố đầu môi chót lưỡi của Nguyễn Ðình Thắng thực chất là chiêu bài phục vụ cho tham vọng trục lợi, phá hoại sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam, tiếp tay cho sự bất lương, cản trở quan hệ Việt – Mỹ… Ðáng tiếc là, một số người Mỹ gốc Việt (vì lòng thù hận mù quáng, vì nhẹ dạ mà cả tin?) vẫn đồng lõa với Nguyễn Ðình Thắng để chống phá Việt Nam. Ðáng tiếc hơn, một số dân biểu Mỹ (vì thiếu sáng suốt nên đặt niềm tin vào Nguyễn Ðình Thắng, vì lá phiếu của cử tri là người Mỹ gốc Việt?) vẫn dung túng, tiếp tay cho Nguyễn Ðình Thắng, tạo cơ hội và diễn đàn giúp y khoa môi múa mép để bịa đặt, vu cáo Nhà nước và nhân dân Việt Nam. Họ có biết, bàn về trò hề “thỉnh nguyện thư” do Nguyễn Ðình Thắng khởi xướng, một người vốn rất thiếu thiện chí với Việt Nam, đã phải viết: “Ngày 5-3-2012 không là lịch sử đấu tranh nhân quyền, cũng chẳng có gì để huênh hoang, nếu không muốn nói đó là ngày xảy ra sự việc đáng xấu hổ nhất từ 37 năm nay khi một nhóm người Việt Nam đi vận động nhân quyền được khuyên nên về lo lắng cho những người làm nails, bảo nhau học thêm Anh ngữ cho khá, và đoàn kết giúp nhau thăng tiến (chẳng khác gì bảo quý vị chẳng biết gì về chính trị, ngoại giao hãy về lo chuyện áo cơm, sinh kế đi). Tiếp một nhóm dân thiểu số đa phần làm nail, Anh ngữ không thông thạo, nghề nghiệp phức tạp nên bà Christine có khuyên bảo chí tình đến thế là đúng rồi. Tiến sĩ Nguyễn Ðình Thắng nhớ đón cơ hội này để thành lập “Ủy ban cứu người làm nails” chắc chắn có cái fund khá lớn, lại dễ gây quỹ, quyên góp”!?
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật