Cặc

Người xem: 514

LâmTrực@
Tôi biết chắc không phải chỉ mình tôi mới có cảm giác ấy. Trong đám bạn bè tôi, hầu hết là trí thức và một số là phụ nữ, cũng có nhiều người nói với tôi như vậy. Họ cũng thấy câu văng tục ấy hiên ngang, hùng dũng và đầy… khí thế. Tại sao?
Tôi sực nhớ một câu chuyện xảy ra hồi cuối năm 2002, lúc tôi về thăm Việt Nam. Trong một bữa nhậu, một nhà thơ từ Canada về nửa đùa nửa thật chê một nhà thơ ở Sài Gòn là hay viết sai chính tả. Ví dụ anh nêu lên là: trong một bài thơ gửi in trong một tuyển tập của những nhà thơ được xem là tiêu biểu của Việt Nam hiện nay, thay vì viết “cặc”, nhà thơ ấy lại viết “cặt”. Nhà thơ ở Sài Gòn nhìn sang tôi như tìm một trọng tài. Tôi gật đầu xác nhận: “C”. Anh không cãi, nhưng lại cố chống chế: “Tôi nghĩ viết chữ ‘cặt’ với chữ ‘t’ nghe nó mạnh mẽ hơn. ‘Cặc’, với chữ ‘c’, thấy nó cong cong và nghe nó yếu xìu.”
Dĩ nhiên là nhà thơ ấy nguỵ biện. Nhưng đằng sau sự nguỵ biện ấy là một sự thật: anh dùng chữ “cặc” trong bài thơ không phải vì nhu cầu nói tục mà chủ yếu vì nhu cầu bộc lộ một cái gì đó anh nghĩ là “mạnh mẽ”. Ðiều đó có nghĩa là, với anh, chữ “cặc” không phải chỉ biểu thị bộ phận sinh dục của đàn ông mà còn biểu thị một thái độ. Mà, nghĩ lại xem, đâu phải chỉ với anh thôi đâu. Với người khác cũng thế. “Cặc” hay bất cứ từ nào chỉ các bộ phận sinh dục của nam hay nữ cũng đều bao hàm trong chúng một thái độ nhất định. Ðiều đó cũng lại có nghĩa là, bộ phận sinh dục không phải chỉ có tính sinh lý, chỉ trần là xác thịt, mà, cũng giống như toàn bộ thân thể con người, còn là một ý niệm… văn hoá.
Trước hết là thân thể con người. Trong cách nhìn của giới nghiên cứu hiện nay, nói theo sự tóm tắt của Janet Lee, “thân thể là một ‘văn bản’ của văn hoá, là hình thức biểu trưng trên đó ghi dấu các quy phạm và các thiết chế xã hội”.[2] Ở Việt Nam, các học thuyết lớn, vốn được du nhập từ Trung Hoa và Ấn Ðộ, ít quan tâm đến thân thể, tuy nhiên, trong cách nhìn truyền thống của người Việt Nam, biểu hiện qua ngôn ngữ, thân thể lại có tầm quan trọng hết sức đặc biệt: trong tiếng Việt, có hai từ chính chỉ thân thể: “người” và “mình”. Cả hai đều đồng nghĩa với con người nói chung: “người” vừa là thân thể (ví dụ: người ướt đẫm mồ hôi) vừa là cộng đồng (ví dụ: người Việt / người Úc) vừa là nhân loại (ví dụ: của chuột và người); “mình” vừa là thân thể (mình đau như dần) vừa là một cá nhân cụ thể (“mình” với tư cách ngôi thứ nhất số ít) vừa là một tập thể (“mình” với tư cách ngôi thứ nhất số nhiều). Trong cả hai hệ thống chuyển nghĩa, thân thể bao giờ cũng được xem là một trung tâm.
Về một phương diện nào đó, trung tâm của thân thể là gì nếu không phải là bộ phận sinh dục, yếu tố chủ yếu xác định phái tính, từ đó, vị trí của cá nhân trong cấu trúc xã hội? Ðụng đến bộ phận sinh dục là đụng đến văn hoá, thậm chí, đụng đến một trong những phần sâu thẳm nhất của văn hoá. Cả Sigmund Freud lẫn Jacques Lacan đều xem những khoái cảm sinh lý là nguyên nhân chính dẫn đến việc hình thành nhân cách, đều xây dựng lý thuyết về dục vọng, dục tính và chủ thể tính của họ trên hình ảnh của dương vật (hoặc sự thiếu vắng của dương vật), và đều hình dung lịch sử văn minh của nhân loại như là một tiến trình đè nén và thăng hoa của bản năng sinh lý vốn chủ yếu gắn liền với các bộ phận sinh dục.[3] Từ mấy chục năm gần đây, dưới ảnh hưởng của Michel Foucault, bộ phận sinh dục hay thân thể con người nói chung, càng ngày càng được nhìn như một cái gì được tạo thành hơn là có sẵn: nó được tạo thành bởi các hoạt động diễn ngôn và các quy phạm văn hoá trong những hệ thống quyền lực nhất định.[4] Trong ý nghĩa này, đụng đến bộ phận sinh dục cũng là đụng đến chính trị: những câu chuyện về các bộ phận sinh dục và các hoạt động của chúng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình đời sống chính trị và đạo đức trong xã hội, từ đó, góp phần quan trọng trong việc định hình ý niệm bản sắc cá nhân, và cũng từ đó, làm thay đổi hầu như toàn bộ các mối quan hệ tương tác giữa người với người.[5]
Mang tính văn hoá, cặc không phải chỉ là một vật thể mà còn là một ký hiệu, hơn nữa, một ẩn dụ, tồn tại như một biểu tượng, nghĩa là vừa là nó lại vừa không phải là nó. Nó là biểu tượng của vô số điều khác nhau: với các nhà sinh học, nó là biểu tượng của sự truyền giống; với các nhà đạo đức, nó là biểu tượng của xác thịt và của sự phàm tục, một đối cực của tinh thần và sự linh thiêng; với các nhà nữ quyền, nó là khí cụ dùng để trấn áp; với các nhà thẩm mỹ truyền thống, nó là biểu tượng của sự tục tằn; với các nhà thẩm mỹ theo khuynh hướng cách tân, nó là… cách mạng, v.v… Tính biểu tượng ấy làm cho “cặc” trở thành từ đa nghĩa và đa tầng: nó thâu tóm trong nó cả lịch sử nhận thức và lịch sử thẩm mỹ của một cộng đồng. Người ta đối diện với nó không phải chỉ với tư cách một cá nhân mà còn với tư cách của một tập thể và một lịch sử. Cảm giác thích thú hay khó chịu của người đọc khi đọc bài viết này là một thứ phản ứng có điều kiện, được hình thành dần dần qua thời gian, với vô số những tác động từ bên ngoài, chứ tuyệt đối không phải là một cái gì tự nhiên nhi nhiên. Bắt chước cách nói đã thành sáo ngữ, tôi có thể nói thế này: bạn hãy cho tôi biết bạn có cảm giác như thế nào khi đọc chữ “con cặc” trong bài viết này, tôi sẽ cho bạn biết bạn là ai.
Là một biểu tượng, “cặc” khác với “lồn”.[6]
 
Hãy thử để ý đến các câu chửi tục hay văng tục của người Việt Nam. Nói chung, cách chửi tục và văng tục của người Việt Nam có mấy đặc điểm chính: thứ nhất, hay nhắc đến các bộ phận sinh dục;[7] thứ hai, phái nào nhắc đến bộ phận sinh dục của phái ấy.[8] Chính ở điểm thứ hai này, chúng ta có cơ hội nhìn thấy những khác biệt trong cách nhìn của hai phái nam và nữ về bộ phận sinh dục của chính họ.
 
Cứ lấy ngay những câu chửi tục làm ví dụ. Ðiều cần ghi nhận đầu tiên là, trong tiếng Việt, ở phía nữ giới, hoàn toàn không có từ nào có thể được xem là tương đương với từ “trỏ cặc” hay “văng cặc” ở nam giới. Rõ ràng là phụ nữ không “văng” và cũng không “trỏ”. Chửi nhau, họ dùng các động từ khác: bú, liếm, chui, nhét, v.v… Trong khi đó, nam giới thì khác. Ðã đành là có một số trường hợp, người ta cũng đòi “nhét” của quý của mình vào miệng đối thủ, nhưng những cách diễn tả như vậy khá hiếm hoi. Phổ biến hơn, người ta chỉ nói một cách ngắn gọn: “Cặc!” hay “Cặc tao đây nè!” Vậy thôi.
Sự khác biệt ở đây là gì? Khác, trước hết, ở chỗ: với phụ nữ, chửi chủ yếu là một cách hạ nhục đối phương, chà đạp lên nhân phẩm của đối phương, bắt đối phương phải làm những chuyện bị xem là thật đáng xấu hổ; với nam giới, chửi chủ yếu là một hành động thách thức và khiêu khích, tự nâng mình lên cao hơn đối phương. Khác, còn ở điểm nữa: trong cách nhìn của nữ giới, bộ phận sinh dục của chính họ là một cái gì xấu xa và dơ dáy, nơi dùng để trừng phạt, để đày đoạ và để sỉ nhục người khác; trong cách nhìn của nam giới, bộ phận sinh dục của họ là cái gì rất đáng… tự hào, với nó, người ta xác định một thế đứng đầy ngạo nghễ.[9]
Thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Ðã đành cả hai đều là những bộ phận quan trọng nhất trong việc xác định cái giống (sex) của con người, nhưng trong khi bộ phận sinh dục của phái nam là cái gì lộ hẳn ra ngoài, bộ phận sinh dục của phái nữ lại nằm sâu hút bên trong, trở thành một thế giới đầy bí ẩn, có mặt như một sự vô hình, thậm chí, như một sự khiếm khuyết, một thứ dương vật bị cắt bỏ hay bị lộn ngược vào trong;[10] trong khi bộ phận sinh dục của nam giới có thể bị thiến, bị liệt, bộ phận sinh dục của phụ nữ không có nguy cơ bị biến mất. Nó có đó và nó sẽ còn đó mãi. Chính vì vậy, người ta không phải lo lắng đến sự tồn tại của nó. Người ta quan tâm hơn đến những yếu tố thứ yếu và phụ thuộc: mái tóc, mí mắt, đôi môi, bờ vai, bộ ngực, cái eo, đôi mông, v.v… Hậu quả là, thứ nhất, chính vì sự quan tâm ấy, cái đáng lẽ là thứ yếu và phụ thuộc lại trở thành trung tâm: người phụ nữ có thể bị xem là không có tính-cái nếu có một mái tóc cụt, một bờ vai ngang, một bộ ngực lép, hay đôi khi, chỉ cần một giọng nói hơi ồ ề. Thứ hai, được xác định bằng nhiều yếu tố như vậy, ý niệm về tính-cái dễ lâm vào tình trạng phân tán và bất nhất: đây chính là lý do khiến cho hình ảnh của người phụ nữ ở những xã hội và những thời đại khác nhau rất khác nhau. Thứ ba, ở vị trí trung tâm, các yếu tố vốn là thứ yếu và phụ thuộc ấy đều mang tính văn hoá: chúng gắn liền với những cách nhìn và cách nghĩ của con người; chúng đi vào văn học và nghệ thuật; chúng trở thành những biểu tượng và những giá trị. Trong khi đó, bộ phận sinh dục lại bị quên lãng; và vì bị quên lãng nên mãi mãi mang tính sinh lý.
Ngay cả khi bộ phận sinh dục cũng như toàn bộ thân thể của phái nữ đã được “văn hoá hoá” thì, trong cách nhìn truyền thống mang nặng tính duy dương vật (phallocentric), chúng cũng không có giá trị tự tại đủ để có thể trở thành một sự tự hào hay thách thức: thân thể phụ nữ giống như một lãnh thổ tự nhiên, ở đó, cái đẹp thuộc về kẻ khác: chồng họ, người yêu của họ, hoặc những người đang nhìn ngắm họ. Họ sở hữu chúng nhưng không thực sự có chủ quyền trên chúng.[11]
Bộ phận sinh dục nam thì khác. Nó là yếu tố hầu như duy nhất xác định tính đực của nam giới. Mất nó, dù đẹp trai đến mấy, lực lưỡng đến mấy, dù râu ria rậm rạp đến mấy, người ta cũng không còn là đàn ông nữa. Bởi vậy không có người đàn ông nào lại không quan tâm đến bộ phận sinh dục của mình.[12] Không những quan tâm, họ còn, một mặt, lo lắng bảo vệ nó, từ đó, nói theo Sigmund Freud, nỗi lo lắng bị thiến hoạn (castration anxiety) trở thành một nét đặc trưng trong tâm lý nam giới, và hơn nữa, của con người nói chung; mặt khác, họ lại hết sức tự hào về nó: với nó, người ta được xem là có nam tính, một cái gì khác với nữ giới, hơn nữa, cũng lại nói theo ngôn ngữ của Freud, còn là điều làm cho phái nữ phải “ghen tị” (penis envy).[13] Ở dạng rút gọn nhất, có thể định nghĩa: đàn ông = con cặc. Ðó là lý do tại sao ngày xưa, ở Trung Hoa, một trong những hình phạt nặng nề nhất là… thiến; và cho đến tận ngày nay, ở Việt Nam, một trong những lời rủa độc địa nhất và quen thuộc nhất là bị chó ăn mất cu hay bị gà mổ mất dái.[14] Ðó cũng là lý do tại sao, cho đến bây giờ, ở nhiều bộ lạc, bọn đàn ông vẫn còn tròng bộ phận sinh dục của họ vào những cái ống được trang trí thật lộng lẫy rồi treo ngược lên trên bụng như một biểu tượng của quyền lực.
Vâng, cặc chính là biểu tượng của quyền lực.
Artemidorus, một học giả cổ đại Hy Lạp, trong cuốn The Interpretation of Dreams, xem bộ phận sinh dục của nam giới như sự diễn tả các mối quan hệ chằng chịt nhằm xác định vị thế của cá nhân trong xã hội: nó nói lên tài sản, địa vị, đời sống chính trị, gia đình, sức mạnh về thể chất cũng như sự kính trọng trong cộng đồng. Michel Foucault, trong cuốn The Care of the Self, tức tập ba của bộ The History of Sexuality, sau khi trích dẫn Artemidorus, cho con cặc nằm ngay ở vị trí giao điểm của các trò chơi quyền lực của các chủ nhân ông: với nó, người ta tập thói quen tự chủ, tự kiềm chế, không cho phép mình buông thả theo bản năng; người ta cũng xác định được ưu thế của mình trên người phối ngẫu bằng khả năng đâm thọc và xuyên thấu; người ta cũng xác định được thế đứng của mình trong xã hội vì nó gắn liền với các yếu tố truyền giống và dòng họ, v.v…[15]
Trong nghệ thuật cổ đại và trung đại, từ hội hoạ đến điêu khắc, trong khi hình ảnh khoả thân của phụ nữ xuất hiện tương đối muộn và thường gắn liền với cái nhìn mang dục tính; hình ảnh khoả thân của nam giới xuất hiện rất sớm, được xem là biểu tượng của sự sinh sản, của cái đẹp và nhất là của hùng tính. Ðể bảo vệ hùng tính như một đặc quyền của nam giới, các nghệ sĩ ngày xưa đã tước đoạt của nữ giới một điều mà trên thực tế họ cũng sở hữu: lông. Trong hầu hết các bức tranh phụ nữ khoả thân thời trước, bộ phận sinh dục bao giờ cũng trắng ngần, trong veo, như là ngọc, tuyệt không một sợi lông. Tại sao? Tại người ta cho lông lá là thuộc tính của phái nam.[16] Nam tính, hùng tính, do đó, đồng nghĩa với quyền lực.
 
Theo một số nhà hậu cấu trúc luận, đặc biệt các nhà nữ quyền, cả nền văn minh Tây phương – và có lẽ không phải chỉ có nền văn minh Tây phương mà thôi – được xây dựng trên một cột trụ chính: dương vật. Người ta gọi đó là một thứ chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism), ở đó, dương vật được xem như là một quyền lực, một trung tâm, một chuẩn mực, một thứ hệ quy chiếu được dùng để đo lường và đánh giá mọi sự vật và hiện tượng khác. Theo cách nhìn duy dương vật, loài người là những kẻ có… dương vật (bởi vậy “man”, đàn ông, mới đồng nghĩa với nhân loại nói chung, “mankind”); phụ nữ bị xem là những kẻ khuyết dương vật, nói theo chữ của Simon de Beauvoir, chỉ là “giống thứ hai”, hay nói theo Freud, những kẻ lúc nào cũng sống trong tâm trạng ghen tị và thèm thuồng.[17] Cấu trúc với những mở – cao trào – và kết thúc vốn được xem là mẫu mực trong truyện và kịch truyền thống xuất phát từ kinh nghiệm tình dục của nam giới: khi họ đạt đến tình trạng sướng ngất cũng là lúc kết thúc mọi “xung đột” và mọi vấn đề.[18] Thậm chí, theo Iris Marion Young, hình ảnh một đôi vú đẹp cũng được quy chiếu từ hình ảnh của dương vật: chiếc vú đẹp phải giống dương vật, nghĩa là, phải cao, chắc và nhọn, v.v…[19]
Ở Việt Nam, biểu hiện có khác nhưng thực chất cách nhìn cũng vậy.
Nhớ một truyện tiếu lâm ngày xưa: một hôm, một con cọp đến rình rập quanh một mái nhà tranh lụp xụp cạnh một khu rừng. Nó nghe hai vợ chồng trong nhà chuyện trò. Người chồng hỏi: “Nghe nói dạo rày cọp hay ra bắt người lắm, mình có sợ không?” Người vợ đùa, bỗ bã: “Cặc còn không sợ, sợ gì cọp.” Con cọp không hiểu “cặc” là gì nên rất đỗi hoang mang. Nó nghĩ thầm: đó hẳn là một con vật gì ghê gớm lắm, nhất định là ghê gớm hơn cả cọp. Từ hoang mang đến sợ hãi, nó lặng lẽ bỏ đi. Trên đường, tình cờ nó gặp một bà già. Bà già kinh hoàng, ngồi thụp xuống và co rúm người lại, nhưng con cọp trấn an: “Ðừng sợ. Tôi không ăn thịt bà đâu. Tuy nhiên, bà phải thành thực trả lời tôi câu hỏi này: con cặc là con gì mà nghe nói còn ghê gớm hơn cả cọp thế?” Bà già nhanh trí, hiểu ngay, bèn trả lời: “Ối dào, ông ấy khủng khiếp lắm. Ông ấy cắn tôi một cái mà đến nay đã mấy chục năm rồi vết thương vẫn chưa lành”. Nói xong, bà lấy tay quẹt vào dưới đáy quần rồi dí vào mũi con cọp. Con cọp ngửi mùi, phát khiếp, phóng chạy như bay, tự nhủ: “Ðộc thật! Nguy hiểm thật!”
Lại nhớ, Nguyễn Thiện Kế, nhà thơ trào phúng nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20 và cũng là anh rể của Tản Ðà, có hai câu thơ tả cảnh hộ đê ở miền Bắc:
Trên đê cụ lớn văng con cặc
Dưới đất thầy cai thượng cẳng tay.
“Văng cặc” là đặc quyền của tầng lớp bên trên. Chỉ có những người có quyền lực mới được văng cặc. Ðứng trước vua quan ngày xưa, bọn thường dân mà dám văng cặc thì thế nào cũng bị chặt đầu hoặc chết mòn trong tù ngục. Ðủ thấy những cái gọi là taboo – những điều cấm kỵ – cũng có tính giai cấp: chúng chỉ áp dụng đối với tầng lớp dưới của xã hội mà thôi. Chính vì thế, việc văng cặc, và từ đó, việc văng tục nói chung, đã biến thành một hành vi thách thức và khiêu khích mạnh mẽ và táo bạo nhất: chúng thách thức và khiêu khích với chính quyền lực. Văng cặc, do đó, trở thành một thái độ phản kháng và một sự nổi loạn.
Nên lưu ý là chính các quy phạm văn hoá cũng là một thứ quyền lực. Nổi loạn để chống lại các quy phạm văn hoá ấy là một hiện tượng thường xảy ra không những trong đời sống, đặc biệt ở giới trẻ,[20] mà còn cả trong văn học, đặc biệt ở những giai đoạn tính chất cũ kỹ và sáo mòn đã nặng nề đến mức gần như không thể chịu đựng được nữa.
Chính trong cái không khí ngột ngạt, nặng trĩu những công thức và giáo điều, những sự mệt mỏi và sợ hãi như thế, một tiếng “cặc” vang lên sang sảng, nghe rất… đã.
Tuy nhiên, tôi viết bài này không phải chỉ để biện minh cho cái “đã” ấy. Chắc bạn đọc cũng hiểu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *