Trò lố bịch của những kẻ cơ hội: Màn kịch nhẫn tâm của Bùi Thị Minh Hằng

Người xem: 340

Hiểu rõ bản chất hiếu thắng và háo danh của Bùi Thị Minh Hằng, những người cơ hội chính trị luôn tìm cách “suy tôn” cô ta như “lá cờ đầu” cho việc đi tìm “dân chủ” ở Việt Nam. Mục đích thâm độc, sâu xa của màn kịch này là nhằm gây ảnh hưởng đến ANTT, kích động những người dân thiếu hiểu biết và gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân.

Trò lố bịch của những kẻ cơ hội

Cho đến thời điểm này, có lẽ, Bùi Thị Minh Hằng là nhân vật phải hứng chịu mọi hệ lụy từ màn kịch mà số người cơ hội chính trị dựng lên. Ngày 8-4, chúng tôi đã lên thị xã Sơn Tây, tìm gặp những người thân ruột thịt của Bùi Thị Minh Hằng để tìm câu trả lời cho động cơ và suy nghĩ của người đàn bà này. Chính giữa ngôi nhà số 15 phố Đốc Ngữ, phường Lê Lợi, nơi mẹ đẻ của Hằng đang ở, treo một bức ảnh chụp đại gia đình, trong đó chỉ thiếu mỗi Bùi Thị Minh Hằng. Bà Phạm Thị Hoán, mẹ đẻ của Hằng năm nay đã 86 tuổi không giấu nổi sự xúc động và nỗi buồn khi đề cập đến cô con gái thứ hai trong gia đình. “Tôi từng này tuổi rồi, chăm bẵm nó đủ đường mà chưa một ngày nó báo hiếu được tôi. Mỗi lần về nhà, nó chỉ gây thêm sự phiền phức”, bà Hoán bật khóc.

Bà Phạm Thị Hoán và những trang nhật ký buồn về Bùi Thị Minh Hằng

Sau ngày Bùi Thị Minh Hằng bị đưa đi cơ sở giáo dục (28-11-2011), bà Hoán đã có đơn gửi các cơ quan chức năng tố cáo việc Hằng bị kẻ xấu lôi kéo, lợi dụng. Trong đơn, bà Hoán bức xúc tố cáo một người phụ nữ cao tuổi cùng một nhóm người đã có hành vi mượn hình ảnh người thân của gia đình bà để nói xấu chế độ, xuyên tạc về hình ảnh những người đang thay mặt Nhà nước Việt Nam thực thi pháp luật để bảo vệ ANTT cho đất nước; đồng thời làm ảnh hưởng quá trình học tập của Bùi Thị Minh Hằng tại cơ sở giáo dục Thanh Hà… Bà Hoán nói rằng, chính con gái Bùi Thị Minh Hằng của bà từng bị nhóm người này lôi kéo và hiện nay được chính quyền, gia đình đưa đi học tập. Đơn có đoạn viết: “Gia đình tôi không hề thuê bất kỳ ai để “đấu tranh” như lời họ kêu gào ở cổng trại giáo dưỡng nói là đấu tranh đòi thả Bùi Thị Minh Hằng…”. Những người đứng tên ký lá đơn này, ngoài bà Hoán còn có chị em ruột và con gái ruột của Bùi Thị Minh Hằng.

Trở lại câu chuyện về Bùi Thị Minh Hằng cùng những lý giải cho hành vi cố chấp, thách thức, cố tình vi phạm pháp luật của cô ta. Chị ruột của Hằng, chị Bùi Thị Phương Nga (SN 1961) đã đúc kết ngắn gọn về em gái mình: “Em tôi từ nhỏ đã luôn tỏ ra hiếu thắng, háo danh, luôn thích nổi tiếng, thích mình phải hơn mọi người”. Những tật xấu đó của Bùi Thị Minh Hằng không chỉ “phát lộ” qua chuỗi hành vi vi phạm pháp luật, bị xử phạt hành chính và đưa vào cơ sở giáo dục, mà còn thể hiện qua cách ứng xử của cô ta đối với những thành viên trong gia đình. Năm 2008, Hằng từ Vũng Tàu về thị xã Sơn Tây, đùng đùng đâm đơn đến Phòng Tiếp dân tố cáo mẹ đẻ và các chị em gái làm hồ sơ giả để bán căn nhà 15 Đốc Ngữ, phường Lê Lợi. Thực tế khi bán nhà, mẹ của Hằng đã thu thập đủ chữ ký của 3 cô con gái, đồng thời giữ lại một khoản tiền khá lớn để chia cho Hằng. Bản thân Hằng đã nhận số tiền trên.

Tuy nhiên sau đó, Hằng thường xuyên quay về để tranh chấp với các chị em gái. Chị Nga nhớ lại: “Ngày 9-4-2009, Hằng về nhà chửi bới, gây sự với mẹ đẻ và các em, rồi mang bàn thờ bố đặt ở vỉa hè trước cửa nhà 15 Đốc Ngữ, nói rằng sẽ bỏ tiền mua lại nhà để làm nơi thờ cúng tổ tiên”. Vụ việc này, CAP Lê Lợi đã lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng, nhưng Hằng không ký biên bản. Ba ngày sau đó, Hằng lại đâm đơn tố cáo bị mất 28 triệu đồng tại nhà em gái ở 75 Quang Trung, thị xã Sơn Tây trong quá trình… xô xát với em rể. Cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và trả lời: Không có cơ sở kết luận số tiền 28 triệu đồng bị mất. Chị Nga rầu rĩ chia sẻ: “Hàng xóm xung quanh bảo, 7 lần gần đây cái Hằng về nhà thì cả 7 lần bà Hoán phải khổ. Mẹ tôi buồn quá, chỉ biết trút tâm sự vào cuốn nhật ký. Mà bà cũng mới viết thôi, từ ngày cái Hằng trở chứng, sinh hư…”.

Thực tế là, để kích động một con người với bản chất như Bùi Thị Minh Hằng không quá khó. Thời gian Hằng ở cơ sở giáo dục Thanh Hà đến nay, không dưới 2 lần nhóm người kích động cô ta đã kéo lên đòi gặp nhưng thực chất để gây mất trật tự, sau đó chụp ảnh, đăng trên các trang blog cá nhân. Số người này không biết rằng, ngày 11-12-2011, tại cơ sở giáo dục Thanh Hà, chính Hằng đã viết đơn trình bày, trong đó thể hiện ý muốn: Không có nhu cầu thăm gặp những người không đăng ký với trung tâm, ngoại trừ 3 con ruột và cậu, mợ, chú, dì.

Một mặt không chấm dứt những hành động để Bùi Thị Minh Hằng có cơ hội được học tập, giáo dục, nhận thức, chấp hành pháp luật; mặt khác, nhóm người xấu đã tìm cách tiếp cận, dụ dỗ thêm những thành viên trong gia đình người đàn bà này. Trao đổi với chúng tôi, một người em của Hằng kể lại: “Cách đây không lâu, ông N.K.T (người đã từng bị xử lý hình sự – PV) từ Hà Nội lên gặp tôi. Ông ta đặt vấn đề: “Em tham gia với bọn anh đi, chịu trả lời phỏng vấn đi. Em chắc chắn sẽ được nhiều tiền hơn chị của em”. “Các ông sẽ trả cho tôi được bao nhiêu tiền?”. “Đủ để em thỏa mãn nhu cầu”. “Xin lỗi ông, tôi không cần thứ tiền bẩn thỉu ấy”. Cuộc đối đáp ngắn gọn nhưng quyết liệt của em gái Bùi Thị Minh Hằng khiến gã N.K.T thẹn mặt, chuồn thẳng về Hà Nội.

“Chị em tay đứt, ruột xót. Nhưng em tôi ra xã hội, có những hành vi quá khích, gây mất ANTT, cần phải có biện pháp để nó sớm tỉnh ngộ, hướng thiện. Tôi cho rằng, đưa em tôi đi cơ sở giáo dục là biện pháp cần thiết, để phối hợp hài hòa sự giáo dục giữa gia đình và xã hội”, chị Bùi Thị Phương Nga nói. Biện pháp quyết liệt của cơ quan chức năng, tình cảm máu thịt của mẹ, các chị em và con gái Bùi Thị Minh Hằng lúc này là cách thức hữu hiệu để cô ta tỉnh ngộ và hiểu ra một điều: Hằng chỉ là con tốt, là kẻ bị đối tượng xấu lợi dụng để kích động, thực hiện những chiêu trò chống phá Nhà nước, gây mất ANTT…

Nhóm PV Nội chính

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *