Lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, hội nghị tầm bộ trưởng của khối không đưa ra được thông cáo chung mà có chia rẽ sâu sắc. Ngày 13/7/2012, Chủ tịch hội nghị là Campuchia đã tuyên bố không thể phát đi thông cáo chung, bởi đây không phải là tòa án.
Tờ báo danh tiếng New York Times (Hoa Kỳ) ngày 13/7 dẫn lời một nhà ngoại giao ASEAN giấu tên khẳng định: Trung Quốc đã “mua” nước Chủ tịch ASEAN. Nhà ngoại giao này dẫn chứng một bản tin đăng trên Tân Hoa xã của Trung Quốc ngày 12/7 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cảm ơn Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã ủng hộ “các lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Nhìn lại các sự kiện bang giao giữa Trung Quốc và Campuchia trước thời điểm diễn ra sự kiện hội nghị ASEAN, thấy rõ Trung Quốc “quan tâm đặc biệt” đến Phnom Penh:
Ngày 13/6, ông Hạ Quốc Cường, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc gặp Thủ tướng Campuchia Hun Sen. Tại cuộc gặp, hai bên ký kết 7 thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực tài chính, y tế, hàng không, thông tin, giao thông vận tải. Theo báo The Phnom Penh Post, Bắc Kinh còn hứa cho Phnom Penh vay 430 triệu USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Cũng tại Phnom Penh, ngày 28/5, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt ký thỏa thuận hỗ trợ quân sự trị giá 20 triệu USD, được dùng để giúp Campuchia xây dựng các viện quân y, trường đào tạo quân sự.
Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Phnom Penh trong 3 ngày, kết thúc vào ngày 2/4. Khi đó, Bắc Kinh và Phnom Penh cùng nhau cam kết nâng kim ngạch thương mại song phương từ 2,5 tỷ USD (năm 2011) lên 5 tỷ USD trước năm 2017, Reuters đưa tin.
Tính từ năm 1994 đến tháng 6/2011, Trung Quốc đầu tư tổng cộng 8,8 tỷ USD vào Campuchia, trở thành nhà đầu tư lớn nhất của nước Đông Nam Á này. Trung Quốc chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực như thủy điện, khoáng sản, dệt may, ngân hàng, tài chính, du lịch và nông nghiệp.
Hội đồng phát triển Campuchia cũng ước tính nước này nhận đầu tư trực tiếp khoảng 1,19 tỷ USD từ Trung Quốc trong năm 2011, nhiều gần 10 lần so với đầu tư trực tiếp từ Mỹ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn là nhà tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất của Campuchia với giá trị hơn 2,1 tỷ USD.
Nhìn vào những gói ký kết tài chính, thương mại, có thể thấy Campuchia đang được Trung Quốc hỗ trợ tối đa nguồn lực phát triển kinh tế. Đó là “món quà” mà Bắc Kinh ưu ái dành cho Campuchia. Và kết quà là Hội nghị ASEAN 2012 mà Campuchia làm chủ tịch luân phiên không thể đưa ra thông cáo chung.
Bắc Kinh đã thành công trong việc kích hoạt chuỗi hiệu ứng mâu thuẫn giữa một ASEAN có biển và một ASEAN với các nước không có biển. ASEAN đang bị dồn vào những kịch tính khó lường. Mà càng có nhiều kịch tính, thì Bắc Kinh càng có nhiều chiêu bài để lấn lướt trên biển Đông.
Và để ăn mừng cho chiến thắng ấy, Trung Quốc đã xua 30 tàu cá xâm phạm vùng biển Trường Sa của Việt Nam, như một phép thử tiếp theo nhằm đào sâu thêm các rời rạc vừa lộ ra của khối ASEAN.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố