Lật lại hồ sơ Nguyễn Thị Tấm – Chân dài làm khuynh đảo vườn cổ tích

Người xem: 692

Nguyễn Thị Tấm* (giấy tờ khai sinh ở chính quyền sở tại ghi là Vừ A Tấm), 16 tuổi, dân tộc Kinh, tôn giáo không, dấu vết riêng hoặc dị hình có nốt ruồi đường kính 1 mm ở dưới ngón chân cái bên phải, trú tại đội 7 tổ 3 xã Quyết Thắng huyện Tả Thanh Oai nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, mẹ mất sớm, bố đi bước nữa xấu hơn bước trước rồi cũng mất sớm, Tấm được nuôi dạy bởi mẹ kế và lớn lên cùng Vừ A Cám, em gái cùng cha khác mẹ. Dù từ bé gia đình sống ở quê nghèo, nhưng Tấm lại nổi tiếng cả vùng với nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành và cặp chân dài sung mãn.
 
(*): Tên nhân vật chưa được thay đổi
Gu thời trang của Tấm vẫn được các bạn trẻ ngưỡng mộ.
 
Năm ấy là năm Ất Dần, trời quang mây tạnh, khí lạnh tan dần, mấy giọt mưa xuân đã ngừng rơi xuống. Cuộc thi hoa hậu đầu tiên trên toàn cõi nước Nam được tổ chức với nhà tài trợ chính là hoàng cung Thăng Long và phần thường là một suất du học tại chỗ ở hoàng cung, tiền thân của ĐH hot gơn HGU. Nhận thấy tình hình thủ đô và các thành phố lớn đông đúc, thường xuyên ách tắc, xe ngựa đi không đúng làn còn xe bò thì dừng đỗ bừa bãi, chất thải từ phương tiện giao thông làm ô nhiễm không khí nặng nề, ảnh hưởng tới sức khoẻ thí sinh, đồng chí Lê Văn Vua, chủ nhiệm uỷ ban olympics hoa hậu quốc gia, đương kim hoàng thượng, chuyên gia đầu ngành về mỹ nhân học (lúc đó chưa có từ hot girl) đã dời địa điểm tổ chức về một làng ven đô thuộc xã Quyết Thắng. Tới dự có đông đảo các cơ quan thông tấn báo chí, nghệ sĩ chèo, danh ca chầu văn cùng các trạng nguyên, tiến sĩ mới nổi.
 
Lúc đó, tuy còn nhỏ tuổi nhưng Tấm đã có nhiều người bày tỏ tình cảm. Không muốn Tấm đăng kí dự thi vì sợ con nổi tiếng sẽ sao nhãng chuyện học thi đội tuyển của thầy Lương Thế Vinh phụ trách, mẹ kế trộn gạo Thái Lan với gạo Việt Nam, bắt Tấm nhặt hạt nào ra hạt nấy rồi mới được ra đường. Tấm buồn chỉ biết khóc than. Bỗng đâu có chuyện bàng hoàng xảy ra. Vừa lúc đó, fan cuồng lâu năm của Tấm là hot boy Bụt lồm cồm bò từ vị trí ẩn nấp là dưới gầm giường hiện ra giúp đỡ. Lại nói chuyện tráng sĩ Trần Bụt, quê gốc ở Ý Yên, Nam Định, dáng người cao một trượng tám thước, sử một cây phước trượng nặng ba vạn sáu nghìn cân, bí danh khi hoạt động cách mạng là Bống. Mỗi buổi trưa Tấm thường lén lút mang cơm ra ngoài vườn gọi Bống để cho ăn, thực ra cũng là vì không nỡ phụ lòng Bụt vậy. Bụt thấy Tấm khóc lóc bèn đỡ dậy hỏi chuyện qua loa ra chiều quan tâm lắm. Đoạn cho người mang theo quần áo đẹp, siêu xe Ferrari ngựa trắng cho Tấm cưỡi. Tấm từ chối năm lần bảy lượt rồi cũng nhận quà, lấy làm cảm kích lắm. Nhận sự giúp đỡ chí tình này của đồng bào Bụt, Tấm lén lút đi đăng kí dự thi hoa hậu. Vào hồi 09 giờ 35 phút ngày 31 tháng 2 năm Ất Dần, tại kilomet số 3 khu vực cầu Đuống bắc qua sông Hồng, Tấm đánh rơi một bộ giấy tờ gồm có chứng minh thư, bằng lái ngựa và một chiếc giày trong lúc đang phóng siêu xe mà không thắt nơ an toàn. Đồng chí Lê Văn Vua nhặt được chiếc giày này, và bước ngoặt của vụ án diễn ra từ đây khi Vua tuyên bố ai đi vừa sẽ được làm đặc cách phong làm hoa hậu.
 
Cuộc thi sắc đẹp diễn ra nhanh chóng với thắng lợi áp đảo thuộc về chân dài Nguyễn Thị Tấm. Nếu ngày nay Thanh Hằng có thể tự hào với cặp chân dài mét mốt thì có lẽ cũng chưa là gì với đôi bàn chân dài 35 cm của Tấm. Tất thảy các mỹ nhân, kể cả đàn ông lực điền giả gái đều không ai cho chân vừa đôi giày đó. Bình luận về sự kiện này, học giả nhân dân Trạng Quỳnh nói: “Miệng kẻ sang có gang có thép, Giày người đẹp vừa rộng vừa to.” Tấm nắm tay Vua đi về Hà Nội trong tiếng trầm trồ của bá quan văn võ cùng người hâm mộ, kèm theo đó là tấm vé đại diện cho Việt Nam dự thi hoa hậu hoàn vũ năm Bính Mão tổ chức tại Na-tơ-rang-pu-ra, thuộc nước Champa, nay là đảo Vinpearl thuộc nước CHXHCN Việt Nam.
 
Sự kiện Tấm đoạt ngôi hoa hậu gây ra không ít dư luận, đặc biệt là đối thủ trực tiếp của Tấm- Vừ A Cám. Khỏi cần phải nói, Cám ganh đua với Tấm trên mọi mặt trận. Ở ghêm sâu bắt tép tranh giải nhất là chiếc yếm đào hàng hiệu, Cám đã dùng thủ đoạn dụ Tấm đi gội đầu thư giãn để rồi ẵm lấy giải thưởng. Sau đấy, vụ lùm xùm tranh chấp Vua cũng đã tốn không ít giấy mực của giới báo chí. Thiết nghĩ, A Cám cũng nên biết lượng sức mình, bởi không những chân chẳng dài não lại cũng ngắn, Cám đã thua Tấm hoàn toàn ở phần thi tài năng đầy tính trí tuệ. Tấm biến thành chim Vàng Anh, rồi lại biến thành cây xoan, rồi khung cửi, rồi quả thị, sau đó lại hiện nguyên hình trở lại. Tài năng như vậy quả thật không ai sánh bằng. Ngày nay, nước Việt Nam ta vẫn giữ truyền thống ảo thuật vị nhân sinh, cũng như các cô con gái tuổi teen đều thích mặc đẹp ra đường quét rác chụp hình để rồi một đi không trở lại, cũng là học tập tiền nhân Tấm từ thuở xa xưa vậy.
 
Lật lại hồ sơ của người đẹp từng làm khuynh đảo nền cổ tích nước nhà Nguyễn Thị Tấm, nhiều bài học kinh nghiệm đã được các chuyên gia nhân trắc học, hình sự học, và tâm sinh lý học rút ra. Thứ nhất, nhận xét về chuyện tranh giành hot boy hot girl, thi sĩ Nguyễn Trại nói “tuy kim cổ nhiều lúc khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có.” Tiến sĩ nhân chủng học và khoa học giới tính Việt Vũ buột miệng ngâm một câu thơ “Thuỳ Lỉnh Thuỳ Linh, có phải vợ xinh, bay vào ống kính.” Giáo sư Ngọc Trinh từ trường đại học HGU cho biết: “Khát vọng tắm trắng của nhân dân ta đã có từ ngàn đời. Tấm là một trong những người Việt Nam đầu tiên thực nghiệm điều đó bằng cách phun nước sôi lên người Cám. Đây chỉ là một thất bại ban đầu, nhưng lại là tiếng trống giục giã cho phong trào sắc đẹp Việt Nam ngày càng phát triển.”
 
Trong khi đó, trao đổi với các bạn sinh viên….
 
…, GS Ngô Bảo Châu cho biết ông chưa đi tắm trắng bao giờ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *