Lịch sử hoang đường của yêu sách “đường lưỡi bò” |
Thạc sĩ Hoàng Việt, Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh, nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này cho biết, yêu sách về “đường lưỡi bò” ban đầu được đưa ra một cách không chính thức từ hai chính quyền, một là từ Cộng hòa Trung Hoa (sau thất bại năm 1949 phải chạy ra Đài Loan, từ thời điểm này gọi là chính quyền Đài Loan), và từ Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập từ năm 1949 tới nay (gọi tắt là Chính phủ Trung Quốc).
|
Hội nghị San Francisco năm 1951 tại Hoa Kỳ đã biểu quyết phủ nhận chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc
Theo các học giả Trung Quốc kể cả Đài Loan, vào năm 1935 để đối phó với yêu sách của Pháp đối với chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên Biển Đông, Cộng hòa Trung Hoa (CHTH) đã cho xuất bản một bản đồ chính thức đầu tiên về các đảo trên Nam Hải (tên Trung Quốc gọi Biển Đông), bản đồ này chưa thể hiện “đường lưỡi bò”. Tháng 2 năm 1947, Bộ Nội vụ nước CHTH đã tiếp tục cho xuất bản Bảng tài liệu tra cứu tên cũ của các đảo biển ở Nam Hải, trong đó liệt kê 159 đảo, đá. Sau đó, tháng 1 năm 1948, Bộ Nội vụ nước CHTH chính thức công bố một bản đồ có tên Nanhai zhudao weizhi tu (Bản đồ các đảo trên Nam Hải), tháng 2 năm 1948 bản đồ này được xuất bản chính thức, trên bản đồ này có xuất hiện một đường mà Trung Quốc gọi là “đường chữ U”, một số học giả gọi nó là “đường lưỡi bò”, bởi nó nhìn giống một cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông, được thể hiện trên bản đồ lúc này là một đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn. Trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện bao trùm xung quanh cả bốn nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông, đó là các quần đảo Hoàng Sa (Paracels), Trường Sa (Spratlys) và Pratas (Trung Quốc gọi là Đông Sa) và bãi cạn Macclesfield (Trung Quốc gọi là Trung Sa). Đường này được vẽ tùy tiện và không có tọa độ xác định chính xác. Năm 1949, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) ra đời, cũng cho ấn hành một bản đồ, trong đó “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như trên bản đồ trước đó gồm 11 đoạn. Tuy nhiên, đến năm 1953, bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cho xuất bản bản đồ có thể hiện “đường lưỡi bò” như trên, nhưng cả CHTH lẫn CHNDTH chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức gì về “đường lưỡi bò” đó cả. Năm 2003, các học giả Li Jin Ming và Li De Xia của Trường đại học Hạ Môn (Trung Quốc) đã công bố một bài viết đăng trên tạp chí Ocean Development & International Law, tiếp tục trình bày và làm rõ về lập luận đối với “đường lưỡi bò” này. Hai học giả này đã tổng kết một số quan điểm của các học giả Trung Quốc, trong đó hầu hết là khẳng định về chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo và các vùng nước xung quanh các đảo đó nằm trong “đường lưỡi bò”. Các học giả Trung Quốc này được hai học giả trích dẫn như Cao Chí Quốc (Gao Zhiguo), Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc cho rằng đường yêu sách này sở hữu các đảo nằm bên trong hơn là một đường biên giới biển. Ông ta nhận xét, mặc dù “Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ các cột nước của vùng Biển Đông”, nhưng “tất cả các đảo và vùng nước kế cận trong đường biên giới này phải thuộc quyền tài phán và kiểm soát của Trung Quốc”. Zou Keyuan cho rằng, yêu sách của Trung Quốc không nên xem như yêu sách “vùng nước lịch sử” theo nghĩa truyền thống mà giống như một dạng yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán lịch sử chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối. Nói cách khác, đây là sự ngụỵ biện liên hệ “đường lưỡi bò” với các khái niệm quyền chủ quyền và quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển hiện đại. Tháng 7 năm 1996, Nhà xuất bản Thông tin Kinh tế Hồng Kông cho xuất bản cuốn The petropolitics of the Nansa islands – China’s indisputable legal case của Phan Thạch Anh (Pan Shi Ying), theo lời của ông ta thì “Chính phủ CHNDTH thông qua việc ấn bản các bản đồ này muốn gửi ba thông điệp tới cộng đồng quốc tế: 1) Khu vực nằm trong đường biên giới này là các đảo, đá và các vùng nước kế cận của chúng đã thuộc chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc trong lịch sử. 2) Phù hợp với các công ước quốc tế, vị trí và hướng đi của con đường đứt khúc 11 đoạn này (sau thay bằng 9 đoạn) đã được vạch ra theo cách gần như là đường cách đều giữa rìa ngoài của bốn quần đảo trong Biển Đông và đường bờ biển của các quốc gia kế cận. Điều này đã và đang là hợp pháp vào thời gian đó của chiếm cứ, chiếm hữu và quản lý. 3) Thực tiễn sử dụng các đường đứt khúc hơn là một đường liên tục để đánh dấu một số các khu vực chủ chốt đã chỉ ra thực chất của việc “chưa dứt điểm” để lại những khả năng đưa ra những điều chỉnh cần thiết trong tương lai. Với Công hàm ngày 7-5-2009 có kèm bản đồ “đường lưỡi bò”, có vẻ như Trung Quốc đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải thừa nhận “tính chất lịch sử của “đường lưỡi bò”, coi Biển Đông như một “vịnh lịch sử”. Đường này sẽ được ngộ nhận là đường biên giới quốc gia trên biển của Trung Quốc. Họ cũng rất khéo kết hợp con đường này với các khái niệm đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của luật biển quốc tế hiện đại bằng tuyên bố dưới dạng Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với các vùng nước phụ cận của quần đảo Nam Sa (Trường Sa theo tên Việt Nam). Như vậy toàn bộ Biển Đông sẽ trở thành ao hồ của Trung Quốc. Theo các tiêu chí để thỏa mãn một vùng nước được coi là “vùng nước lịch sử”, thì Trung Quốc phải chứng minh được họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng nước trong đường lưỡi bò này một cách thật sự và liên tục trong một thời gian dài. Điều này thật không đơn giản, bởi vì: Các văn kiện chính thức của Nhà nước phong kiến Trung Quốc, như Đại Nguyên Nhất Thống Chí (1294), Đại Minh Nhất Thống Chí (1461), Đại Thanh Nhất Thống Chí (1842), trước năm 1909 đều khẳng định “cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là Nhai huyện, đảo Hải Nam”. Các bản đồ lãnh thổ Trung Quốc của người nước ngoài cùng thời cũng vẽ và giải thích phù hợp với cách hiểu này của người Trung Quốc. Bản đồ Trung Quốc thế kỷ XVII của Peter de Goyer và Jacob de Keyzer thuộc Công ty Đông Ấn – Hà Lan cũng có lời giải thích rất rõ: “nơi xa nhất của Trung Quốc bắt đầu từ phía Nam đảo Hải Nam ở 18 độ vĩ Bắc, rồi từ đó ngược lên phía Bắc đến vĩ độ 42 độ [9]. Trung Quốc chỉ thực sự bước chân lên quần đảo Hoàng Sa năm 1909 khi quần đảo này đã thuộc Việt Nam, không còn là đất vô chủ. Về Trường Sa, cho tới tận năm 1932, Công hàm ngày 29-9-1932 của Phái đoàn ngoại giao CHTH tại Paris vẫn còn khẳng định các nhóm đảo “Amphitrite” (Lưỡi Liềm) và “Croissant” (An Vĩnh) của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) “tạo thành phần lãnh thổ Trung Quốc nằm tận cùng ở phía Nam”. Trung Quốc đã không đưa ra được các bằng chứng nào có sức thuyết phục về việc họ đã thực thi chủ quyền trên toàn bộ vùng biển rộng lớn này một cách liên tục, hòa bình từ thời xa xưa. Các sách Hán văn cổ đều ghi nhận các hoạt động của dân đánh cá và dân buôn Ả Rập, Ấn Độ, Malaysia, Việt Nam và Vùng Vịnh trong vùng biển này, không có một bằng chứng nào cho thấy Biển Đông hoàn toàn là “ao hồ của Trung Quốc”. Các chính quyền phong kiến Trung Quốc cũng không thiết lập hoặc duy trì có lợi cho họ một sự độc tôn nào trong vùng biển này, khả dĩ có thể loại bỏ hoạt động khai thác của các đội Hoàng Sa và Bắc Hải của triều Nguyễn (Việt Nam). Ngược lại còn có những sự kiện lịch sử thừa nhận tính hợp pháp của các hoạt động đó như trường hợp năm 1774 quan huyện Văn Xương giúp đội viên đội Hoàng Sa khi đi làm nhiệm vụ bị bão dạt vào đất Trung Quốc. Theo Yann Huei Song thì mặc dù “đường lưỡi bò” đã xuất hiện trên các bản đồ xuất bản ở Trung Hoa lục địa từ năm 1949, nhưng chưa bao giờ CHNDTH yêu sách chính thức các vùng nước nằm trong đường này như các vùng nước lịch sử. Đại diện của CHNDTH đã không tuyên bố như vậy trong Hội nghị Công ước Luật Biển lần III. Theo luật pháp quốc tế, các hành vi mà quốc gia thể hiện phải mang tính công khai ý chí thực thi chủ quyền trên lãnh thổ đó. Những hành vi bí mật không thể tạo nên cơ sở cho quyền lịch sử, ít nhất các quốc gia khác phải có cơ hội được biết những gì đang diễn ra. Như vậy, kể cả CHTH lẫn CHNDTH đều chưa bao giờ công bố chính thức yêu sách về vùng biển bên trong “đường lưỡi bò” đó. Đặc biệt, Điều 1 Tuyên bố năm 1958 về lãnh hải của CHNDTH đã nhấn mạnh rằng: “Chiều rộng lãnh hải nước CHNDTH là 12 hải lý. Điều khoản này áp dụng cho tất cả các lãnh thổ của nước CHNDTH, bao gồm lục địa Trung Quốc và các đảo ven bờ của lục địa cũng như các đảo Đài Loan và xung quanh đó, quần đảo Penghu (Bành Hồ) và tất cả các đảo khác thuộc Trung Quốc bị phân cách với đất liền và các đảo ven bờ biển của nó bởi biển cả”. Như vậy, Tuyên bố 1958 của Trung Quốc xác định rõ ràng các đảo bị tách biệt với lục địa bởi biển cả, chứ không phải là “vùng nước lịch sử”. Chẳng lẽ lại tồn tại vùng biển cả nằm trong nội thuỷ của Trung Quốc? Không thể có điều vô lý đó. Do vậy, Tuyên bố và các đạo luật của các nhà chức trách Trung Quốc, đặc biệt Tuyên bố năm 1958 của CHNDTH là không phù hợp với yêu sách lịch sử được phân định bởi “đường lưỡi bò”. Tuyên bố về đường cơ sở của Trung Quốc ngày 15-5-1996 càng làm cho sự mập mờ này của họ tăng lên bởi họ yêu sách một đường cơ sở nối cả Hoàng Sa nhưng lại không đề cập gì đến Trường Sa. Hơn nữa, tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951, các quốc gia tham gia đã khước từ đề nghị trao trả cho Trung Quốc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và thực tế tranh chấp về chủ quyền trên Hoàng Sa giữa Việt Nam và Trung Quốc hay tranh chấp chủ quyền đối với toàn bộ hay một phần quần đảo Trường Sa giữa Việt Nam, Malaysia, Philippines và Trung Quốc cho thấy không thể nói là “đường lưỡi bò” được các quốc gia khác công nhận. Như vậy, có thể nói là yêu sách này chưa bao giờ có được sự thừa nhận của cộng đồng quốc tế. Theo thạc sĩ Hoàng Việt, bản chất thực sự của yêu sách này vẫn đang bị bao phủ bởi sự bí ẩn, Trung Quốc (kể cả Đài Loan) đều mập mờ với các tuyên bố không rõ ràng. Tuy nhiên, những hoạt động của Trung Quốc cho thấy quốc gia này thực tế đang yêu sách tất cả các vùng nước và tài nguyên nằm trong vùng Biển Đông. Những phân tích về yêu sách này theo luật pháp quốc tế cho thấy vì cơ sở pháp lý thiếu thuyết phục cho nên Trung Quốc không đưa ra những yêu sách lịch sử của mình với các tọa độ rõ ràng, và giữ im lặng về bản chất của “đường lưỡi bò” cũng như chế độ pháp lý của vùng biển được bao bọc bởi nó. |
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật