Hạch tâm quyền lợi của Bắc Kinh

Người xem: 951

Từ Đài Loan vào Tây Tạng – Từ Hoàng hải xuống Đông hải….

Nếu lãnh đạo Bắc Kinh chủ trương rằng quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc là xây dựng hoà bình, phát huy nhân quyền và hợp tác kinh tế, là bảo vệ môi trường, giải trừ nguy cơ xung đột giữa các nước vì đấy là những điều có lợi cho mọi quốc gia, thì nhân loại đã có thể sống trong một thế giới khác. Khi đó, Trung Quốc là một cường quốc biết điều và có trách nhiệm về thiên hạ sự. Nhưng sự thể lại không vậy, bỉnh bút Nguyễn Xuân Nghĩa giải thích tại sao bằng cách kiểm điểm lại từng bước bành trướng của khái niệm “quyền lợi cốt lõi” của Bắc Kinh….


Thưa rằng chuyện Trung Quốc hành xử biết điều như vậy không xảy ra dù những chủ trương nói trên đã được quốc tế công nhận và nhiều quốc gia theo đuổi. Thay vào đó, lãnh đạo Bắc Kinh nêu ra một khái niệm co giãn về “hạch tâm lợi ích”, và nhìn từ quyền lợi của mình ra ngoài mà bất chấp quy luật hành xử của các nước văn minh.

Điển hình nóng hổi là cách xử trí trong chuyến thăm viếng Trung Quốc của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden vào tuần qua. Cuộc họp báo của ông bị cắt đứt, báo chí quốc tế bị đuổi ra ngoài. Cuộc thao diễn bóng rổ trong tinh thần hữu nghị giữa hai đội Mỹ-Hoa đã biến thành một vụ hành hung khiến đội banh Mỹ cầu cứu cảnh sát không xong nên phải đi trốn vào phòng thay áo!

Sau khi Joe Biden rời Trung Quốc để tiếp tục chuyến công du Á châu của ông, hôm Thứ Tư 24 Tháng Tám, bộ Quốc phòng Mỹ mới công bố bản phúc trình chuẩn bị xong từ mùng sáu Tháng Năm về tình trạng hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc. Những câu hỏi được nêu ra về mục tiêu đáng nghi ngờ của lãnh đạo Bắc Kinh khiến bộ Ngoại giao Trung Quốc lập tức phản pháo, và tơi bời đả kích Hoa Kỳ vào ngày Thứ Sáu 26.

Mà “hạch tâm lợi ích” đó là gì?

Chúng ta lại phải mở cuốn lịch và tấm bản đồ để chấm tọa độ trên hai trục thời gian và không gian….

***

QUYỀN LỢI MỔ RỘNG VỚI THỜI GIAN

Lần đầu tiên, khái niệm “hạch tâm lợi ích” xuất hiện trên ấn bản Anh ngữ của Nhân dân Nhật báo vào ngày 21 tháng Sáu năm 1980 – khi Bắc Kinh đã tiến hành cải cách – và đả kích việc Liên Xô xâm chiếm A Phú Hãn và việc Việt Nam tấn công Kampuchia. Theo cái kế khích bác của Thiên triều, hai hành động ấy đe dọa quyền lợi cốt lõi của… Tây phương!

Sau đó khái niệm này xuất hiện vài ba năm một lần.

Riêng về quyền lợi của Trung Quốc thì nó được lồng trong chữ khác, như “lợi ích căn bản” hay “trọng đại quan thiết” – mối quan tâm thiết yếu của Bắc Kinh. Nội dung bắt đầu thể hiện rõ nét hơn kể từ năm 2000, và nhắc đến hồ sơ Đài Loan cùng nguyên tắc “một quốc gia Trung Quốc”. Khi ấy, lợi ích căn bản của Thiên triều là cải cách kinh tế xã hội và thống hợp Đài Loan – vốn dĩ là vấn đề “nội bộ” của Trung Quốc.

Bước vào thế kỷ 21, khái niệm này được nhắc nhở nhiều lần hơn và mở rộng ra ngoài để bao trùm lên nhiều lãnh vực chiến lược và khu vực địa dư. Nếu đếm ra thì chữ “hạch tâm lợi ích” xuất hiện ba lần trong năm 2003 rồi gần trăm lần trong năm 2008. Năm ngoái, người ta tính ra là 325 lần!

Về nội dung, như Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc đã phát biểu nhân hội nghị Đối thoại về Kinh tế và Chiến lược (S&E Dialogue) với Hoa Kỳ vào Tháng Bảy năm 2009: quyền lợi cốt lõi đó gồm có ba mục là 1) bảo vệ chế độ, 2) phát triển kinh tế xã hội trong ổn định và 3) bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia. Tiết mục thứ ba, chủ quyền và lãnh thổ, được khai triển bằng những chữ rất nổ như “thống nhất quốc gia”, “lưỡng ngạn thống nhất” (với Đài Loan), “thống nhất đại nghiệp” hay “độc lập”.

Nhưng lại được mở ra một không gian rộng lớn hơn vì từ Đài Loan bao trùm lên hồ sơ Tây Tạng rồi cả Đông hải.

Quả như vậy vì khi theo dõi thì người ta thấy là từ khái niệm do một ủy viên có thẩm quyến về đối ngoại đề ra hai năm trước, truyền thông của Thiên triều đã vẽ rắn thêm chân trong tinh thần “bất khả tư nghị” và “bất khả tương nhượng”. Không thể bán cãi hay đổi chác gì hết!

Theo luận điệu của Bắc Kinh mới từ hai năm nay thôi, “hạch tâm quyền lợi” của Trung Quốc bao trùm lên Đài Loan, lên Tây Tạng (tức là cả chuyện liên lạc với đức Đạt Lai Lạt Ma), lên đất Tân Cương (gồm cả phong trào ly khai của dân Duy Ngô Nhĩ, được Bắc Kinh đồng hóa với khủng bố); nó trải từ Hoàng hải phía Bắc xuống tới Trung Nam hải phía Nam, nó đòi chủ quyền trên đảo Điếu ngư đài mà Nhật Bản gọi là Senkaku của minh, và các quần đảo tại biển Đông Nam Á, trong đó có Hoàng sa và Trường sa.

Quyền lợi ấy còn là quan hệ thương mại song phương với mọi quốc gia mà Thiên triều muốn giao thương, và cả quy chế hay giá trị của đồng Nguyên, là vấn đề cốt lõi cũng thuộc thẩm quyền của Trung Quốc, v.v….

Riêng hai đề mục có tính chất phòng thủ do Đới Bỉnh Quốc nêu ra – là 1) bảo vệ chế độ và an ninh quốc gia và 2) phát triển kinh tế và xã hội trong ổn định – lại ít được nhắc tới!

Thực tế thì trong mấy năm vừa qua, Bắc Kinh đã lặng lẽ chuyển từ thủ sang công.

Diễn biến của việc mở rộng lá quạt lên một vùng rộng lớn và nhiều hồ sơ phức tạp ấy là thế nào?

***

KHỞI THỦY LÀ ĐÀI LOAN….

Người ta có thể đồng ý rằng việc bảo vệ chế độ và hình thái phát triển kinh tế xã hội là quyền lợi cốt lõi của Bắc Kinh vì quốc gia nào cũng muốn giành lấy quyền quyết định về cách sinh sống và phát triển của mình.

Riêng với đảng Cộng sản Trung Quốc, một thế lực chính trị nổi lên sau 150 năm lụn bại của đất nước và bị liệt cường sâu xé, việc thu hồi lại những mảnh đất đã bị chiếm đóng là điều bình thường. Và cực kỳ cần thiết cho lẽ chính danh của chế độ. Vì thế, Hong Kong hay Macao đều phải lần lượt “hồi quy cố quốc”. Việc thống hợp Đài Loan cũng thế, dù lịch sử có những giai đoạn ly khai hay tự trị phức tạp hơn.

Từ đầu thế kỷ 21, hồ sơ này trở thành rắc rối vì sự xuất hiện và lớn mạnh của thành phần cư dân nguyên thủy, dân Đài Loan, chống lại thành phần thống trị xuất phát từ Hoa lục sau cuộc chiến Quốc-Cộng trong lục địa, là Quốc dân đảng. Khi Trần Thủy Biển – dân Đài Loan – và đảng Dân tiến của ông lên lãnh đạo, Bắc Kinh bắt đầu ngại phản ứng ly khai của chính người dân Đài Loan.

Thành phần “thổ dân” này đã từng bị Tưởng Giới Thạch đàn áp và bị di dân đến từ Hoa lục miệt thị là man rợ trí trá và hèn kém. Nhưng họ đã trưởng thànb và chẳng muốn liên hệ gì đến chuyện Quốc-Cộng ngày xưa. Cũng chẳng muốn “Quang phục Trung Hoa” theo chủ trương của Quốc dân đảng, và không tin vào nhu cầu đi vào lãnh đạo Bắc Kinh để lãnh đạo cả Trung Quốc.

Nếu có đổi tên thành Cộng hoà Đài Loan thì cũng được!

Vì thế, sự chuyển dịch dân số và thế lực chính trị tại đảo quốc Đài Loan trở thành cơn ác mộng cho Thiên triều. Tháng Ba năm 2005, Quốc hội Bắc Kinh ban hành đạo luật “Chống Ly Khai” và Bộ Chính trị yêu cầu Hoa Kỳ cùng các nước khác không đáp ứng lời kêu gọi độc lập của Đài Loan. Hồ sơ này trở thành “quyền lợi cốt lõi” và việc mua chuộc Quốc dân đảng để tiêu diệt mọi mầm mống tự trị đã được tiến hành, với sự hợp tác mẫn cán của Quốc dân đảng hay hậu thân của cái đảng già nua lạc hậu này.

Trong chiều hướng đó, Thiên triều chuẩn bị cả hai giải pháp văn võ để thống hợp đảo quốc.

Văn là qua ngả ngoại giao, kinh tế và tuyên truyền để cô lập xu hướng ly khai bên trong Đài Loan và để vận động Mỹ không bán khí giới cho chính quyền Đài Bắc nhằm bao vây cả đảo quốc hầu tiến tới thống nhất một cách ôn hoà. Võ là sử dụng võ lực lẫn sự uy hiếp để yểm trợ giải pháp thống nhất qua ngoại giao và chính trị. Và nếu/khi có đủ sức thì trực tiếp thôn tính.

Chính là nhu cầu ấy mới khiến Bắc Kinh hâm nóng hai bản thông cáo chung với Hoa Kỳ năm 1972 và 1982 về nguyên tắc “chỉ có một nước Trung Quốc” để đưa hồ sơ Đài Loan vào danh mục quyền lợi cốt lõi trong lời khẳng định nói trên của Đới Bỉnh Quốc vào Tháng Bảy năm 2009.

Nhưng, cũng chính là phản ứng suy nhược của Chính quyền Barack Obama đã khiến Thiên triều dấn tới và cài vào thông cáo chung của diễn đàn Đối thoại về Kinh tế và Chiến lược với Hoa Kỳ, Tháng 11 năm 2009, một nguyên tắc cứ tưởng là ngoại giao: hai nước tôn trọng quyền lợi cốt lõi của nhau cho một kỷ nguyên mới. Một “đồng thuận mới” cho “tân thời kỳ”.

Mà trong danh mục gọi là “cốt lõi” này không chỉ còn chuyện bảo vệ chế độ hay kinh tế chính trị hoặc việc thống nhất Đài Loan. Thiên triều bắt đầu lè lưỡi rắn ra ngoài….

Tháng Giêng năm 2011, khi xông đất Hoa Kỳ và gặp Cậu bé quàng khăn đỏ Obama, Hồ Cẩm Đào không nhắc đến chuyện quyền lợi cốt lõi này nữa. Nhưng truyền thông và các “học giả” của chế độ liên tục nhắc đến tinh thần không thể bàn cãi hay thỏa nhượng gì về hạch tâm lợi ích của Trung Quốc.

Dư luận Hoa Kỳ và thế giới, kể cả các “học giả” hay “nhà báo lão thành” thì tin rằng lời tuyên bố chính thức của lãnh đạo mới đáng kể, chứ những bình luận hay quan điểm kia chỉ là chuyện hăm he không cơ sở. Thực tế thì Bắc Kinh đã thành công khi gây ra ấn tượng rằng Trung Quốc sẽ triệt để bảo vệ quyền lợi cốt lõi của mình. Và từ đó chi phối phản ứng của thiên hạ.

Nghệ thuật “điều tiết ấn tượng” – perception management – là một phần linh động và hữu hiệu của đấu tranh, để đạt mục tiêu mà khỏi cần dụng binh. “Bất chiến tự nhiên thành” là kết quả của “thuật quỷ biển”, biển lận và quỷ quái.

***

SAU ĐÓ LÀ HĂM ĐỌA

Nhớ lại thì việc Tây Tạng là một phần không thể tách rời khỏi Trung Quốc đã được công bố trong một Bạch thư về Tây Tạng từ năm 1992. Và được Phó Chủ tịch / Ủy viên Bộ Chính trị Tăng Khánh Hồng minh định vào Tháng Tư năm 2006. Cũng năm 2006 đó, vào Tháng 11 người ta thấy chính Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói rõ – lần đầu tiên – rằng cùng với Đài Loan, Tây Tạng và nhân quyền, việc diệt trừ lực lượng khủng bố Đông Hồi tại Tân Cương là quyền lợi cốt lõi của Trung Quốc.

Các cơ quan truyền thông khác thì châm thêm trong nhu cầu cốt lõi việc bảo vệ Hoàng hải, Điếu Ngư đài và luồng ngoại thương với đồng bạc. Nghe mãi rồi mọi người cứ coi như lời tuyên truyền, nhưng dần dần bị thấm vào đầu.

Trong khung cảnh mập mờ ẩn hiện đó, lần đầu tiên người ta nghe đến chuyện hạch tâm lợi ích của Trung Quốc bao trùm lên chủ quyền ngoài Trung Nam Hải là vào Tháng Ba 2010. Tức là cũng gần đây thôi, khi giới chức Bắc Kinh ỡm ờ nói chuyện với hai viên chức an ninh và ngoại giao Hoa Kỳ ngay tại Bắc Kinh. Báo chí Mỹ có thay nhau loan truyền cùng một chi tiết ấy nên gây ra ấn tượng là Bắc Kinh đã nhiều lần khẳng định như vậy.

Mà thật ra mọi chuyện vẫn là mờ ảo vì không viên chức hữu trách nào công khai nói ra một điều cực kỳ ngang ngược: một vùng biển quốc tế lại thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung Quốc, tương tự như loại vấn đề “nội bộ” như Tây Tạng, Tân Cương hay Đài Loan.

Nhưng khi thấy Hoa Kỳ không chính thức phản đối trái bóng thăm dò, Thiên triều có thể đã kết luận: cứ thế mà nhấn tới!

Không qua phát biểu mà bằng hành động cụ thể, theo cái kiểu mềm nắn rắn buông. Hành động cụ thể là vừa hăm dọa khiêu khích vừa chiêu dụ từng nước liên hệ đi vào những thoả thuận song phương. Có thoả thuận ấy trong túi rồi, Thiên triều sẽ cho thế giới rõ rằng đây là chuyện nội bộ của bản quốc! Cho đến nay, chỉ có Hà Nội là đi vào cái trò đơn phương chờn vờn đó với việc một Thứ tưởng Ngoại giao qua Bắc Kinh hộp họp với Ngoại trưởng và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc.

Và xòe ra một thông cáo chung cũng rất mập mờ!….

***

Bài tổng kết này đã dài nên xin đi vào kết luận: chúng ta có nhiều cách suy luận về diễn biến trong ngôn ngữ của Bắc Kinh.

Trung Quốc có thể gặp nhiều khó khăn nội bộ nên cần vuốt ve tự ái dân tộc của người dân, và bọc xuôi theo áp lực của xu hướng bảo thủ trong đảng hoặc xu hướng bành trướng trong quân đội mà quậy sóng ngoài Đông hải. Trung Quốc cũng có thể khai thác cơ hội thuận lợi là nhân khi Hoa Kỳ còn mắc bận với hai chiến trường nóng tại Afgahanistan và Iraq mà nhấn tới để tạo ra sự đã rồi, trước khi nước Mỹ trở lại Đông Á như đã hứa hẹn.

Hoa Kỳ cũng có thể đã thấy vậy nhưng còn mắc vào những ưu tiên khác nên chỉ phản ứng cầm chừng. Và thật ra cũng chưa tin rằng Trung Quốc đã có khả năng bành trướng để trở thành một mối nguy cho nước Mỹ. Một số giới chức thì lại cho rằng thái độ hung hăng đó của Bắc Kinh càng khiến cho các quốc gia trong khu vực phải chọn lựa. Thay vì Hoa Kỳ phải mất công thuyết phục. Cũng có người lạc quan tin rằng do sự hung hăng này, Bắc Kinh đã tạo thế liên kết Đông Á có lợi cho nước Mỹ, trước tiên là giúp Hoa Kỳ xuất cảng thêm võ khí…. v.v. và v.v…

Bài này xin miễn đi vào những suy luận đó, vì hãy để độc giả có quyền chọn lựa!

Nguyễn Xuân Nghĩa

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *