Những ngụy biện của Đặng Đình Mạnh khi cố gắng bênh vực Việt Tân

Người xem: 1050

Lâm Trực@

Hà Nội, 25/1/2025 – Gần đây, trong bài viết đăng trên Đài Á Châu Tự Do (RFA) với tựa đề “Tại sao không thực hiện khủng bố nhưng lại bị cáo buộc khủng bố?”, luật sư Đặng Đình Mạnh đã đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ thành viên của tổ chức Việt Tân, đặc biệt là Châu Văn Khảm cùng đồng phạm. Ông Mạnh cho rằng khi chưa thực hiện hành vi bạo lực, các cá nhân này không thể bị xem là khủng bố. Đây rõ ràng là nhận thức lệch lạc, không chỉ bóp méo bản chất khủng bố mà còn ẩn chứa những ngụy biện nguy hiểm, góp phần che đậy vai trò của Việt Tân và các hoạt động đe dọa an ninh quốc gia của tổ chức này.

Ảnh chụp màn hình Fb của Đặng Đình Mạnh

Khái niệm khủng bố vốn không có một định nghĩa duy nhất và thống nhất. Tại Mỹ, các cơ quan như Bộ Ngoại giao, FBI và Bộ Quốc phòng có những cách tiếp cận khác nhau, thậm chí nhiều nghiên cứu đã chỉ ra có tới hơn một trăm định nghĩa về khủng bố trên thế giới. Tuy nhiên, tất cả đều đồng thuận rằng bản chất của khủng bố không chỉ nằm ở các hành động bạo lực cụ thể, mà còn bao gồm các hoạt động kích động, tổ chức và hỗ trợ cho mục tiêu gây mất ổn định. Đặc biệt, trong thời đại mới, khủng bố không chỉ gắn với vũ khí và bạo lực, mà còn được thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi hơn như kích động tư tưởng, phá hoại thông qua mạng lưới ngầm.

Tại Việt Nam, việc liệt tổ chức Việt Tân vào danh sách khủng bố dựa trên thực tiễn các hành vi tổ chức này đã thực hiện qua nhiều thập kỷ, bao gồm xâm nhập vũ trang, tài trợ bạo động và chỉ đạo các hoạt động chống phá. Những hành động này không chỉ nhằm mục đích làm tổn thương chính quyền mà còn đẩy người dân vào những bất ổn và rủi ro không cần thiết. Chính vì vậy, việc xử lý nghiêm minh là biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia và lợi ích của nhân dân.

Trong đó, Châu Văn Khảm là một trường hợp điển hình. Là thành viên lâu năm của Việt Tân, ông Khảm đã lén lút trở về Việt Nam để thiết lập mạng lưới và thực hiện các hoạt động tài trợ cũng như tuyên truyền. Dù ông Mạnh cho rằng Châu Văn Khảm và đồng phạm chưa thực hiện hành vi bạo lực, nhưng điều này không làm giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý. Vai trò của họ trong việc tạo dựng nền tảng cho các hoạt động khủng bố chính là nguyên nhân chính dẫn đến những bất ổn tiềm tàng.

Điều đáng chú ý hơn là cách ông Đặng Đình Mạnh cố tình dẫn dắt dư luận qua các luận điệu thiên lệch. Ông lập luận rằng Việt Nam không nên cáo buộc khủng bố khi chưa có hành động bạo lực cụ thể, cố tình bỏ qua một thực tế rằng chuẩn bị cho khủng bố cũng là một phần của khủng bố. So sánh sai lệch của ông về cách Việt Nam và các nước khác định nghĩa khủng bố càng làm lộ rõ sự thiếu nhất quán trong quan điểm của mình. Việt Nam có quyền tự xây dựng luật pháp và chính sách riêng dựa trên bối cảnh chính trị – xã hội của quốc gia. Các quốc gia phương Tây, mặc dù thường xuyên lên tiếng chỉ trích, cũng có những chính sách cứng rắn tương tự trong việc bảo vệ an ninh của họ.

Không chỉ dừng lại ở các ngụy biện về luật pháp, ông Mạnh còn dùng những luận điệu cảm tính để mô tả Châu Văn Khảm và những cá nhân liên quan như những người “bất đồng chính kiến” hoặc “nạn nhân của đàn áp.” Thực tế, Việt Tân là một tổ chức đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm phá hoại nền hòa bình, độc lập và chủ quyền của Việt Nam. Các vụ xâm nhập vũ trang thất bại trong quá khứ hay các chiến dịch tài trợ, kích động bạo động gần đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những tổn thất mà Việt Tân gây ra không chỉ dừng lại ở mức độ vật chất mà còn làm tổn thương nghiêm trọng đời sống xã hội và lòng tin của nhân dân.

Các lập luận mà Đặng Đình Mạnh đưa ra thực chất chỉ là cách bao biện và đánh lạc hướng dư luận, nhằm biến những kẻ hoạt động khủng bố thành các “nạn nhân” của luật pháp. Đây không chỉ là nhận thức sai lệch mà còn thể hiện sự thiếu trung thực trong việc phân tích vấn đề. Ông cố tình phớt lờ những nguy cơ mà Việt Tân đã và đang gây ra đối với đất nước, bao gồm cả việc tuyển mộ nhân sự, tuyên truyền tư tưởng phản động và thúc đẩy các hoạt động phá hoại qua mạng lưới quốc tế. Chính những hành động này đã khẳng định Việt Tân là một tổ chức không thể biện minh, dù dưới bất kỳ góc nhìn nào.

Việc Đặng Đình Mạnh bênh vực Việt Tân không những làm méo mó nhận thức công chúng mà còn gián tiếp tiếp tay cho các hoạt động phi pháp, đe dọa đến an ninh và sự ổn định quốc gia. Sự ngụy biện và lệch lạc của ông không thể che đậy thực tế rằng Việt Tân là tổ chức có lịch sử lâu dài về các hành động phá hoại và khủng bố. Đối mặt với những ngụy biện đó, công luận cần nhận diện rõ bản chất và tầm nguy hại của các thông tin sai lệch, đồng thời bảo vệ sự thật trước mọi sự xuyên tạc và bóp méo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *