Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật

Người xem: 469

Lâm Trực@

Hà Nội, 21/1/2025 – Với việc Nghị Định 168/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mức xử phạt cho hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là lỗi vượt đèn đỏ, đã tăng lên đáng kể. Điều này khiến dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, không chỉ vì mức phạt cao mà còn vì những tranh cãi về nguyên nhân gây tai nạn giao thông.

Theo quy định mới, mức phạt cho hành vi vượt đèn đỏ đối với ô tô đã tăng từ 4-6 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng, trong khi xe mô tô chịu mức phạt từ 4-6 triệu đồng thay vì 800 nghìn – 1 triệu đồng như trước. Đi kèm với đó là các biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn như trừ điểm trên giấy phép lái xe, tước giấy phép lái xe có thời hạn.

Những thay đổi này nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, bởi lâu nay hành vi vi phạm giao thông vẫn thường bị coi nhạ. Nếu không có các biện pháp mạnh tay, tình trạng vượt đèn đỏ, đi ngược chiều hay phóng nhanh vượt ẩu sẽ tiếp tục tái diễn, gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Dựa trên số liệu của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an), năm 2024 cả nước ghi nhận 21.532 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 9.954 người chết và 16.044 người bị thương. Đáng chú ý, 360 vụ tai nạn giao thông xảy ra do vượt đèn đỏ, làm 122 người chết và 301 người bị thương. Trong nhiều trường hợp, người vi phạm thừa nhận rằng họ vượt đèn đỏ vì không muốn chờ đợi, bắt chước các phương tiện khác hoặc thấy đường vắng.

Những thói quen xấu này đã tồn tại lâu dài, nhất là tại các nút giao thông không có lực lượng cảnh sát giao thông. Một số ý kiến trên mạng xã hội đã chỉ trích hệ thống hạ tầng giao thông như thời gian đèn vàng quá ngắn, biển báo thiếu rõ ràng hoặc khuất tầm nhìn. Tuy nhiên, bài toán tai nạn không nằm ở hạ tầng mà chủ yếu xuất phát từ việc coi thường luật lệ giao thông của chính người tham gia.

Chỉ trong nửa tháng đầu thực thi Nghị Định 168 (từ 1/1 đến 14/1/2025), cả nước ghi nhận 681 vụ tai nạn giao thông, giảm 355 vụ (34,27%) so với cùng kỳ năm trước. Số người chết và bị thương cũng giảm đáng kể, lần lượt 47 người (11,41%) và 426 người (34,24%). Những con số này cho thấy sự hiệu quả của biện pháp tăng nặng hình phạt đối với vi phạm giao thông.

Các biện pháp nghiêm minh đã góp phần hình thành thói quen dừng xe khi đèn đỏ, giảm tốc độ và tuân thủ các quy tắc khi điều khiển phương tiện. Việc đảm bảo trật tự giao thông không chỉ dựa vào pháp luật mà còn cần sự tự giác và ý thức của mỗi cá nhân. Quy định về giảm tốc độ và khoảng cách an toàn đã được Thông tư số 31/2019/TT-BGTVT ban hành, yêu cầu người lái xe giảm tốc khi qua nút giao, đoạn đường nguy hiểm hoặc khi gặp tín hiệu giao thông.

Bước sang năm 2025, với sự đồng lòng của dư luận và sự nghiêm minh của pháp luật, hy vọng rằng những hành vi xấu như vượt đèn đỏ, đi ngược chiều sẽ dần bị xóa bỏ. Việc nâng cao ý thức và xây dựng văn hóa giao thông an toàn là trách nhiệm của toàn xã hội, bắt đầu từ những hành động nhỏ như dừng xe đúng lúc và tôn trọng luật lệ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *