Lâm Trực@
Kể từ ngày 1/1/2025, quy định về việc cung cấp thông tin vi phạm giao thông chính thức có hiệu lực, cho phép cá nhân, tổ chức nhận thưởng tối đa 5 triệu đồng cho mỗi vụ vi phạm được phản ánh. Đây được đánh giá là một giải pháp mang tính đột phá, góp phần nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân, đồng thời hỗ trợ lực lượng chức năng xử lý các hành vi vi phạm hiệu quả hơn.
Ảnh minh họa
Việc trao thưởng không quá 10% số tiền xử phạt hành chính theo Nghị định 176/2024/NĐ-CP sẽ khuyến khích người dân tham gia vào công tác giám sát, báo tin. Điều này không chỉ tạo động lực kinh tế mà còn nâng cao tinh thần trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ gìn an toàn giao thông. Khi các hành vi vi phạm không chỉ bị phát hiện qua hệ thống giám sát chuyên dụng mà còn thông qua sự hợp tác của công dân, hiệu quả quản lý trật tự an toàn giao thông hứa hẹn sẽ tăng đáng kể.
Tuy nhiên, chính sách mới này cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt là nguy cơ lạm dụng hoặc xâm phạm quyền riêng tư cá nhân. Những cá nhân cố tình quay video, chụp hình để “săn vi phạm” một cách có chủ đích và liên tục, nếu không thực hiện đúng quy định, có thể vi phạm pháp luật. Quá trình ghi hình rất dễ phát sinh các trường hợp thu thập hình ảnh hoặc thông tin không phù hợp, gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của người bị ghi hình. Trong bối cảnh đó, mọi hình ảnh, thông tin thu thập phải liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ và chỉ được phép sử dụng để trình báo cơ quan chức năng.
Nếu thông tin bị sử dụng cho mục đích không chính đáng hoặc bị lan truyền trên mạng xã hội, người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật. Việc tùy tiện lưu trữ và phát tán hình ảnh mà không đảm bảo quyền lợi của công dân nơi công cộng có thể dẫn đến các mâu thuẫn nghiêm trọng, thậm chí làm tăng nguy cơ kiện tụng và tranh chấp pháp lý.
Một vấn đề khác cần lưu ý là nguy cơ giả mạo hoặc dàn dựng hình ảnh, video để nhận thưởng. Việc làm này không chỉ gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc thẩm định, xử lý vi phạm mà còn làm suy giảm sự minh bạch và uy tín của chính sách. Nếu bị phát hiện cố tình trục lợi hoặc gây khó khăn cho hoạt động quản lý nhà nước, cá nhân vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, đặc biệt nếu hành vi này làm gián đoạn hoạt động của cơ quan chức năng.
Để hạn chế những tác động tiêu cực, các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện chính sách này, đồng thời đảm bảo cơ chế bảo vệ quyền lợi của người cung cấp thông tin. Công tác tuyên truyền, giáo dục và kiểm soát tình hình phải được thực hiện đồng bộ để tránh những xung đột xã hội không đáng có.
Quan trọng hơn, người dân tham gia vào việc cung cấp thông tin vi phạm cần nhận thức rõ vai trò của mình, đảm bảo tuân thủ pháp luật và tránh lợi dụng quy định để phục vụ mục đích cá nhân. Chỉ khi tất cả các bên cùng hành động đúng đắn và có trách nhiệm, chính sách này mới thật sự phát huy hiệu quả, góp phần xây dựng một môi trường giao thông an toàn, văn minh hơn.
Tin cùng chuyên mục:
Đàm Vĩnh Hưng nhận tin sét đánh về vụ kiện, đối diện nguy cơ bồi thường hàng chục triệu USD
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng chuyển file ghi âm qua Telegram kèm lời nhắn “nghe xong thì xóa đi”
Vụ án Lưu Bình Nhưỡng: Những sai lầm phải trả giá đắt
Xây dựng lực lượng Công an hiện đại: Tinh gọn bộ máy, xây dựng Công an 3 cấp