Nguyễn Quang Thiều “đấu tố” Hà Nội, Lạng Sơn và Cần Thơ

Người xem: 242

Lâm Trực@
 

Hôm qua 13/6/2022, tờ Tuổi Trẻ thông tin “Hội Nhà văn ‘thất vọng’ vì Hà Nội ngó lơ đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho nhà văn trẻ dự hội nghị”. Bài viết dẫn lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Hữu Việt để “đấu tố” việc Hà Nội, Lạng Sơn và Cần Thơ không phản hồi công văn xin tiền hỗ trợ vé máy bay cho các nhà văn trẻ của thành phố dự Hội nghị “Những người viết văn trẻ toàn quốc” diễn ra cuối tuần này tại Đà Nẵng.

Đã có công văn xin tiền, lại không nhận được sự ủng hộ, có lẽ do bức xúc quá, trong khi không thể tiết chế được cảm xúc, nên các anh mới phải cay cú tung hê lên mạng và lên báo như thế. 
 
Sự bực bội của anh Thiều, anh Việt làm tôi nhớ đến chuyện một nhóm đi xin tiền làm “từ thiện” ở quê tôi. Sau khi vác cả rổ những đường mật tử tế đi xin, họ sẽ ngồi lại với nhau kiểm đếm và liệt kê danh sách những người ủng hộ nhiều để tuyên dương và không quên đưa vào danh sách những gia đình không có hoặc chưa có đóng góp rồi lên loa truyền thanh công bố. Dĩ nhiên, những ai đã được nhắc đến lần thứ 2 mà không chịu đóng góp sẽ bị bêu tên. Đó là một câu chuyện dài và buồn liên quan đến pháp luật, quy tắc ứng xử xã hội.
 
Trở lại với chuyện xin tiền của Hội nhà văn Việt Nam, Hà Nội, Lạng Sơn và Cần Thơ bị bêu tên lên mạng trước khi lên báo. Và với những người không có đủ thông tin sẽ dè bỉu 3 địa phương này, kể cả TP Cần Thơ, sau đó đã cấp kinh phí cho 2 đại biểu đi dự.
 
1.Tờ Tuổi Trẻ viết “Hà Nội là địa phương có số đại biểu được mời dự Hội nghị Những người viết văn trẻ đông nhất với 27 người”, nhưng thực tế trong danh sách của Hội nhà văn TP Hà Nội chỉ có 3 người. 
 
Có lẽ, do là nhà văn nên anh Thiều phóng đại lên “một chút” để tăng thêm sức nặng cho những ẩn ức của mình? 
 
Tôi không rõ còn 24 người nữa là những ai?
 
2.Anh Thiều cho rằng hành xử của Hà Nội “làm thất vọng những nhà văn trẻ” và “việc gửi công văn xin tiền là “một phép thử với các địa phương. Bởi cả nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa diễn ra năm ngoái tại Hà Nội đều khẳng định văn hóa có vai trò ngang bằng kinh tế, chính trị, và “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhưng thực chất các địa phương đang thực hiện chủ trương đó ra sao?”.
 
Xin thưa anh Thiều, “Văn hóa” là một phạm trù rộng lớn, đan xen và hàm chứa trong mọi hoạt động xã hội và hành vi ứng xử của con người. Xin nói thẳng rằng, Hội nhà văn chỉ là một tế bào văn hóa thôi anh ạ. 
 
Thực tế phũ phàng lắm, bằng cảm nhận của một người đọc, hàng chục năm qua, tôi thấy Hội nhà văn chưa có cống hiến nào để ghi dấu cho sự phát triển văn hóa của nước nhà. Không có tác phẩm để đời nào để “dẫn dắt, soi đường cho quốc dân đi”. Thực tế, một vài tiểu thuyết được gọi là hay, một vài bài thơ được đánh giá cao…. nhưng tiếc thay nó không phải là sản phẩm của Hội nhà văn, mà lại là của những cư dân mạng thuộc các câu lạc bộ thơ Facebook, và các diễn đàn văn chương trên mạng. 
 
Nói như thế, để thấy, Hội nhà văn Việt Nam còn phải phấn đấu rất nhiều mới bắt nhịp được với chuyển biến của thời cuộc.
 
3. Thành thực mà nói, cho đến giờ phút này tôi cũng không biết lý do nào khiến Hà Nội không duyệt chi kinh phí mua vé máy bay cho các nhà văn trẻ đi dự Hội nghị ở Đà Nẵng. Nhưng theo tôi Hà Nội không cấp kinh phí không phải là vì “Hà Nội đang nước sôi lửa bỏng” như anh Thiều ám chỉ.
 
Cái chuyện “nước sôi lửa bỏng” mà anh Thiều bóng gió không ảnh hưởng gì đến việc mua vé đi và về cho các nhà văn trẻ. Với 27 (cứ cho là như thế đi) thì số tiền chi ra chỉ khoảng 150 triệu đồng. Đó là số tiền không phải là lớn, nhưng vấn đề không phải là lớn hay nhỏ mà cái chính là phải đúng các quy định của pháp luật.
 
Tôi đã tìm và thấy không có bất cứ quy định nào của Thành phố cho phép duyệt chi mua vé máy bay cho hội viên Hội nhà văn Việt Nam đi dự Hội thảo. Nếu có, xin mời anh Nguyễn Quang Thiều và anh Hữu Việt cung cấp làm minh chứng!
 
Tôi đã đọc (1) Thông tư số 42 ngày 28/4/2017 về Hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho các hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội nhà báo địa phương giai đoạn 2016-2020; (2) Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính; (3) Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước; và (4) Quyết định số 650/QĐ-TTg ngày 25/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật, báo chí ở Trung ương và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương, hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao ở các Hội Nhà báo địa phương giai đoạn 2016 – 2020 và nhiều quy định khác, nhưng không có quy định nào cho phép chi hỗ trợ tiền vé may bay cho các đại biểu Hội nhà văn Việt nam đi dự Hội nghị. 
 
Ngay cả khi Quyết định số 650/QĐ-TTg còn hiệu lực thì đối tượng chi dù rộng lớn, nhưng không bao gồm các đại biểu dự Hội nghị, mà chỉ bao gồm những tác giả có hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật phù hợp với các đề tài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 650/QĐ-TTg để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đất nước và của địa phương, được Hội đồng hỗ trợ hoạt động sáng tạo văn học nghệ thuật xét duyệt thông qua mà thôi.
 
Trên thực tế, việc chi tiền mua vé máy bay bằng nguồn ngân sách Nhà nước cho các đại biểu dự hội nghị cũng phải theo dự toán được các cấp thẩm quyền phê duyệt theo kế hoạch. Tôi tin, các anh Hội nhà văn đã không thực hiện quy định này của pháp luật.
 
Đi xin hỗ trợ kinh phí từ chính quyền thì cần thượng tôn pháp luật, tránh đẩy chính quyền vào thế khó xử. Đi xin kiểu gửi “Tối hậu thư” thì không khác gì cố tình đẩy chính quyền Hà Nội vào thế khó, phải làm sai quy định, vi phạm pháp luật…. để rồi sau đó chính các anh lại sử dụng câu chuyện ấy tố ngược Hà Nội trên mạng và trên báo?
 
Xin không được thì dỗi, hằn học, bêu xấu người ta lên mạng và lên báo không phải là hành vi có văn hóa. Văn hóa chuẩn mực nhất là tuân thủ các quy định của pháp luật anh Thiều, anh Việt ạ.
 
4.Khác với sự cạnh khóe rằng “Hà Nội đang lúc nước sôi lửa bỏng”, tôi nghĩ Hà Nội từ chối vì lý do khác nữa. Đó là, một lần làm sai (vi phạm các quy định về sử dụng tiền ngân sách) sẽ tạo ra tiền lệ xấu, bởi hiện có rất nhiều các hội tương tự như Hội nhà văn Việt Nam. Chẳng hạn, như: Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) và các Hội Văn học nghệ thuật địa phương…
 
Nếu hội nào cũng xin kinh phí mua vé máy bay cho đại biểu đi dự hội nghị như Hội nhà văn Việt Nam thì kinh phí nào chịu cho được, phải không anh Nguyễn Quang Thiều?
 
5. Nhắc lại một chút, trong số 27 nhà văn trẻ nằm trong danh sách được gọi của Hà Nội thì chỉ có 3 nhà văn đang là hội viên của Hội Nhà văn Hà Nội. Về nguyên tắc, Hội Nhà văn Hà Nội không thuộc Hội nhà văn Việt Nam, vì thế việc triệu tập các nhà văn trẻ của Hội nhà văn Hà Nội mà không thông qua Hội nhà văn Hà Nội là cách hành xử thiếu văn hóa, ít nhất là không thể hiện sự tôn trọng. 
 
Thực tế là Hội nhà văn Hà Nôi không được biết các thành viên của mình được cử đi dự Hội nghị tại Đà Nẵng. Vậy có lý do gì để Hà Nội phải hỗ trợ kinh phí mua vé máy bay cho họ?
 
6.Hội văn học Việt Nam thực ra cũng chỉ là một hội bình đẳng với các hội khác, nhưng được ưu ái hơn nhờ có sự hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Tôi chưa có số liệu cập nhật, nhưng thông qua wiki, tôi được biết hàng năm Hội văn học Việt Nam được hỗ trợ khoảng 400 tỷ đồng và theo như vài trang mạng thì con số này đã bị giảm đi nhiều. Đó là con số cực lớn mà các hội khác (liệt kê ở phần 4) không có được, đó là chưa kể đến việc được cấp cả Trụ sở làm việc rộng lớn. Nhưng thành thật mà nói, giá trị đem lại cho xã hội không khác gì việc đầu tư vào Viện toán cao cấp cho anh GS, TS Ngô Bảo Châu, vẫn là con số không tròn trĩnh.
 
Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng nếu đem kết quả hoạt động của hội này ra so sánh với kết quả hoạt động của những hội khác như hội cựu chiến binh, hay hội người câm điếc thì tôi nghĩ sẽ có nhiều kết quả thú vị.
 
Cuối cùng thì, không gì bằng “Tự lực tự cường” đâu, anh Thiều ạ. Hãy bớt cái tôi một tí, hãy bỏ cách nghĩ tầm gửi như thời bao cấp đi, để nhìn sang các hội khác xem họ hoạt động như thế nào, hội nhập với thế giới ra làm sao, và trước mắt là xem họ xã hội hóa bằng cách liên kết với doanh nghiệp và các nhà tại trợ khác để có hướng đi đúng, thực tế. Bởi văn học trước hết và chủ yếu là để phục vụ con người, phục vụ cuộc sống.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *