“Đào, Phở và Piano”: Phê bình thiếu khách quan và định kiến cá nhân

Người xem: 2292

Ong Bắp Cày

Bài đăng trên Facebook cá nhân của bà Trần Nguyễn Thiên Hương – Tổng biên tập tạp chí Harper’s Bazaar Vietnam, chê bai bộ phim “Đào, Phở và Piano” một cách thiếu khách quan, mạng nặng định kiến cá nhân.

“Phê bình thiếu khách quan, kém hiểu biết, mang nặng định kiến cá nhân và có ý đồ đen tối…” là những ý kiến của dư luận về bà Trần Nguyễn Thiên Hương.

Tôi không rõ trình độ nhận thức về các thể loại phim, trình độ cảm thụ nghệ thuật của bà đến đâu và hiểu biết của bà về các vấn đề liên quan như thế nào, nhưng cách phê bình hay nói cho sang mồm là “nhận xét” của bà là thiếu khách quan.

Trong bài viết, bà Trần Nguyễn Thiên Hương chỉ ra những điểm yếu của phim như diễn xuất, âm thanh, trang điểm,… nhưng lại cố tình lờ tịt những điểm mạnh như nội dung ý nghĩa, bối cảnh lịch sử được tái hiện đẹp mắt, thông điệp nhân văn, mang tính giáo dục… Chính những điểm mạnh này đã tạo nên cơn sốt vé của bộ phim này trong thời gian qua.

Việc chỉ tập trung vào những điểm tiêu cực và sử dụng ngôn ngữ mỉa mai, chê bai thể hiện sự thiếu khách quan trong đánh giá một tác phẩm nghệ thuật. Nhận xét của bà Hương thậm chí còn xúc phạm những nhà làm phim và xúc phạm nặng nề những khán giả chân chính.

Không chỉ thế, phán xét bà Trần Nguyễn Thiên Hương còn mang nặng định kiến cá nhân, chứa đựng cảm xúc tiêu cực về phim do nhà nước sản xuất hoặc đặt hàng cho các cá nhân sản xuất.

Bà Hương rất sai khi phát biểu rằng “phim nhà nước chỉ nên làm xong cất vào kho. Mà tốt nhất là đừng làm nữa. Để Trấn Thành làm được rồi”.

Phát ngôn này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với những nỗ lực của ekip làm phim và cho thấy định kiến cá nhân của bà về năng lực làm phim của nhà nước.

Bên cạnh đó, phát biểu của bà Hương cũng cho thấy bà đang tôn sùng cá nhân quá mức và chắc chắn dư luận đã đúng khi phản ứng rằng bà Trần Nguyễn Thiên Hương bị “Hạn chế về kiến thức và tầm nhìn”.

Hiện tại, cả phim “Đào, Phở và Piano” và phim Mai của Trấn Thành đều là những bộ phim đang hot, tạo ra được những hiệu ứng tích cực của xã hội. Một phim có những thông điệp mang tính giáo dục lịch sử, văn hóa, nghệ thuật và nhân văn một cách đậm đặc, trong khi đó phim kia có hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và đặc biệt là doanh thu kỷ lục… Cả 2 phim đều được khán giả đón nhận tới mức trở thành chủ đề thời sự hàng ngày. Dù xét dưới góc độ nào đi nữa thì tôi cho rằng cả 2 phim đều đang thành công và vì điều đó, chúng ta nên vui mừng.

Đành rằng, dưới góc độ cá nhân, bà Trần Nguyễn Thiên Hương có quyền đánh giá, nhận xét, ủng hộ ai đó, nhưng phán rằng, khán giả ‘bị lừa” và rằng, “phim nhà nước làm xong nên cất vào kho” hay “không nên xem vì mất thời gian” thì rõ ràng bà đang thiên vị và phát biểu hàm hồ, đồng bóng. Điều này không chỉ là sự đánh giá không chính xác mà còn là việc làm thiếu khách quan và thiếu trách nhiệm với vai trò của một người làm truyền thông. Việc chỉ trích mà không có bất kỳ lập luận cụ thể nào, như bà Trần Nguyễn Thiên Hương đã thực hiện, chỉ làm mất đi giá trị của cuộc thảo luận và tạo ra sự hiểu lầm về một bộ phim có sự cống hiến lớn từ đội ngũ sản xuất.

Việc đánh giá giá trị phim lịch sử như “Đào, Phở và Piano” là điều không dễ dàng và để so sánh “Đào, Phở và Piano” với “Mai” của Trấn Thành thì càng khó. Bởi việc so sánh là khập khiễng. Nó giống như so sánh một tác phẩm Opera do một ca sĩ dòng opera biểu diễn với một bát hát của dòng nhạc thị trường do giới trẻ trình bày vậy. Rất khó để so sánh. Nếu muốn so sánh, thì cần đến những người hiểu biết (có chuyên môn càng tốt), cần đến cái nhìn toàn diện, khách quan, cần có kiến thức về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật,… mà có vẻ như điều này bà Trần Nguyễn Thiên Hương còn thiếu sót.

Chạy lướt qua các trang mạng có thể thấy, bài viết của bà Hương đã khiến cộng đồng bức xúc. Công bằng mà nói, bài đăng của bà Hương đã nhận về nhiều ý kiến trái chiều, nhưng đa số là phẫn nộ và chỉ trích. Nhiều người cho rằng bà thiếu tôn trọng đối với những người làm phim và xúc phạm đến những khán giả yêu thích “Đào, Phở và Piano”. Bằng chứng của sự phẫn nộ thể hiện ở việc bà Trần Nguyễn Thiên Hương đã phải gỡ bài viết, dù rằng ê kíp làm phim và những nghệ sĩ chân chính không hề lên tiếng mà vẫn chỉ giữ thái độ Tràng An lịch lãm.

Tôi cho rằng, bà Hương đã làm ảnh hưởng đến uy tín của tạp chí Harper’s Bazaar Vietnam. Việc một người đứng đầu tạp chí có những phát ngôn thiếu chuẩn mực đã khiến nhiều người đặt dấu hỏi về chất lượng và định hướng của tạp chí này.

Ngoài ra, có thể đặt ra câu hỏi về mục đích thực sự của bài đăng. Liệu đây có phải là một chiêu trò PR cá nhân, hay có ý định chủ động thay đổi ý kiến của cộng đồng về bộ phim? Việc này không chỉ là thiếu trung thực mà còn có thể tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với ngành công nghiệp điện ảnh nói chung.

Cuối cùng, việc đánh giá một bộ phim lịch sử như “Đào, Phở và Piano” chỉ dựa trên quan điểm cá nhân và không có lập luận chặt chẽ là không công bằng. Các tác phẩm nghệ thuật nên được đánh giá với tư duy rộng lớn, không bị ảnh hưởng bởi quan điểm cá nhân hay mục đích khác ngoài việc đánh giá chất lượng nghệ thuật thực sự của chúng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *