Khoai@
Bàn về loa phường, mới đây TS Nguyễn Thị Hường có bài viết “Người dân không thích loa phường” đăng trên tờ VnExpress. Bài viết của chị Hường có mấy điểm chính:
(1) “Khởi động lại hệ thống loa cộng nếu không cẩn thận sẽ góp phần làm gia tăng tiếng ồn khi phát không đúng lúc, đúng chỗ”, và vì “chúng đã có đài, có tivi để nghe, để xem và để cập nhật tin tức sinh động”.
(2) Loa phường “không xuất phát từ nhu cầu của đại đa số người dân sẽ cần phải cân nhắc”.
(3) Loa phường gây tốn kém ngân sách “cho truyền thông một chiều, thiếu tương tác, không tạo ra được nguồn lợi phái sinh có thể được coi là thiếu hiệu quả”.
(4) Tiếng loa phường sẽ làm ô nhiễm tiếng ồn. Nội dung này có ý lớn trùng với (1).
Cuối cùng, chị Hường kết luận: “Phân tích tác động của chính sách pháp luật phải tính đến hiệu ứng của các bên liên quan là nguyên tắc trong quản lý và thực thi công vụ”.
Xin trao đổi với TS Nguyễn Thị Hường đôi điều.
1.Loa phường hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng của nhà nước chứ không phải là “muốn” hay “không muốn”.
“Loa phường” là cách gọi dân dã, thân quen của hệ thống truyền thanh cơ sở (cấp xã, phường) và là một bộ phận quan trọng của hoạt động thông tin cơ sở, với chức năng cung cấp thông tin thiết yếu cho người dân, tới từng thôn, tổ dân phố và khu dân cư. Thông qua loa phường, người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin, quyền làm chủ của mình và nhà nước có nghĩa vụ phải cung cấp.
Quyền tiếp cận thông tin của người dân được quy định tại điều 25, Hiến pháp năm 2013.
Điều 25 này là cơ sở pháp lý ghi nhận quyền tiếp cận thông tin của người dân. Theo đó, người dân có quyền nhận được các thông tin cần thiết qua các kênh truyền thông công khai, sẵn có mà không cần phải yêu cầu và nhà nước có nghĩa vụ cung cấp, trừ trường hợp thông tin đó bị giới hạn theo luật định. Dưới góc nhìn này, việc loa phường hoạt động cung cấp thông tin cho người dân là biểu hiện của tính dân chủ trong hoạt động nhà nước, đóng via trò quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện các quyền con người, quyền công dân khác.
Quyền tiếp cận thông tin của người dân cũng đã được quy định trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau, như Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Luật Nhà ở năm 2014; Luật đất đai năm 2013, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sửa đổi năm 2020;…Trong các luật này đều có quy định người dân có quyền tiếp cận thông tin thông qu nhiều kênh khác nhau, trong đó có hệ thống truyền thanh cấp xã, tức loa phường.
Hiện nay, loa phường hoạt động theo Thông tư 39/2020/TT-BTTTT về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông của Bộ Thông tin-Truyền thông và các quy định khác của pháp luật.
Theo điều 6 của Thông tư 39, nội dung các chương trình phát thanh của loa phường tập trung vào 2 mảng lớn, là: (1) thông tin về hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền cấp xã; cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu đối với đời sống hằng ngày của người dân địa phương phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương; cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến người dân ở địa phương; những quy định của chính quyền xã và hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội ở địa phương, cơ sở; (2) phát sóng các chương trình phát thanh phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và địa phương theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trên hệ thống truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài Truyền thanh cấp xã.
Dài dòng như thế để thấy, hoạt động của loa phường là dựa trên những quy định của pháp luật, có căn cứ pháp lý, và là phương tiên để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin của mình.
2.Hà Nội chưa bao giờ bỏ loa phường để đến bây giờ phải “Khôi phục” như chị Hường viết. Trong suốt thời gian qua, đặc biệt là thời gian có dịch Covid-19, loa phường đã chứng tỏ sức mạnh của nó mà các phương tiện hiện đại không thể đáp ứng. Trên báo chí và mạng xã hội đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết tôn vinh chiếc loa phường không chỉ ở Hà Nội.
3.Loa phường đã xuất hiện và cống hiến cho xã hội đã 50 hoặc 60 năm, tuy nhiên không phải vì nó có cách đây đã lâu thì phải bỏ với lý do nó lạc hậu. Tác động của loa phường tới đời người dân, làm họ thay đổi nhận thức theo hướng tích cực đã được kiểm định của thời gian, nhất là vào thời kỳ đại dịch Covid-19, hoặc mỗi khi có thiên tai, lũ lụt.
Người ta không bỏ loa phường vì nó thực hiện chức năng nhà nước, bảo đảm cho công dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin như đã nói ở trên. Đừng đơn giản nghĩ rằng loa phường chỉ để nghe những thông tin chúng ta đã biết trên mạng xã hội, trên các trang thông tin điện tử… mà nó còn cung cấp những thông tin mà mạng xã hội hay các trang thông tin nói trên không thể thực hiện, sát nhu cầu của người dân, thiết thực với dân và ở ngay tại khu vực mà họ sinh sống.
Hai mảng thông tin lớn như đã trình bày ở (1) thì chắc chắn điện thoại, máy tính thông minh không làm được. Đặc biệt là trong phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai và cứu nạn cứu hộ.
Hãy tưởng tượng, khi hỏa hoạn, hay bắt cóc con tin xảy ra tại các khu chợ, các chung cư, nơi tập trung đông người mà thiếu các chỉ dẫn thoát nạn tức thời của cơ quan chức năng từ chiếc loa phường thì điều gì xảy ra?
Ở các quốc gia văn minh như Nhật, Nga, hay Mỹ thì hệ thống “loa phường” của họ vẫn được duy trì như một món ăn vừa “cưỡng bức”, vừa “tự chọn”. Dĩ nhiên, về tên gọi có thể có sự khác nhau, nhưng bản chất là hệ thống thông tin công cộng phục vụ dân sinh và để giải quyết các tình huống cấp bách, chúng được hiểu như loa phường ở Việt Nam.
Gọi là cưỡng bức vì có thể anh không muốn những vẫn phải nghe vì nhiều người khác muốn nghe. Gọi là tự chọn vì anh không muốn nghe thì có thể làm việc khác mà không cần chú ý vào đó.
Điện thoại, máy tính cá nhân,… chỉ mang tính cá nhân mà thiếu tính cộng đồng. Thông tin trên mạng thì nhiều nhưng nó lại được khai thác theo sở thích thị hiếu. Có người chỉ quan tâm đến thời sự, chiến sự ở đâu đó; có người thì quan tâm tới thời trang, showbiz, nhưng có người lại chỉ quan tâm đến các sự kiện nóng để bán hàng…. Và cuối cùng thì dù có mạng internet, nhưng không phải ai cũng tiếp cận được thông tin cần thiết liên quan tới chính cuộc sống của người dân, như chính sách mới, các quy định mới của pháp luật hay các chỉ dẫn có lợi cho người dân…
Nên chú ý rằng, thông tin trên các trang mạng xã hội cần phải kiểm chứng thật giả, đúng sai, trong khi đó thông tin từ loa phường là chính xác, kịp thời.
Ngay cả bây giờ, khi mà các phương tiện truyền thông hiện tại phát triển mạnh: Phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, mạng xã hội… thì loa phường, xã vẫn có vai trò, có chỗ đứng riêng của nó. Vấn đề là chúng ta sử dụng nó như thế nào cho hợp lý và hiệu quả.
Từ góc nhìn khác, rất nhiều người dân còn khó khăn trong tiếp cận đài, báo và mạng xã hội, thì loa phường rõ ràng phục vụ cho những người được coi là yếm thế này. Dưới hệ quy chiếu này, rõ ràng việc tổ chức hoạt động của loa phường là nhân văn.
4.Loa phường bị ghét bởi định kiến về tiếng ồn, bởi giọng đọc vấp váp không truyền cảm, bởi nội dung và chủ đề không thiết thực,, bởi thời gian và thời lượng bất hợp lý… Nhưng tất cả những vấn đề đó đều có thể được giải quyết bởi cách tổ chức quản lý sử dụng.
Trong văn bản 200 của Hà Nội đã nói rõ có ứng dụng trí tuệ nhân tạo, có cải tiến cả về nội dung, hình thức thể hiện, cũng như thời lượng, thời gian phát để không ảnh hưởng đến người dân.
Để làm được đó, cần có sự nghiên cứu cách bố trí loa phường sao cho hợp lý. Không nên hiểu loa phường theo cách truyền thống mà hãy hiện đại nó lên giống như một chiếc radio nhỏ, hoặc một chiếc đồng hồ báo thức như bên Mỹ. Theo đó, hạn chế loa nơi công cộng, bênh viện, trường học mà nên cá thể hóa vào từng hộ gia đình, trước mắt là các khu chung cư với hình thức nhỏ gọn như bao thuốc lá, chủ nhân có thể điều chỉnh âm lượng hoặc tắt.
Về địa điểm lắp đặt loa: căn cứ vào tình hình cụ thể từng địa bàn để lắp đặt sao cho tiện lợi cho người dân tiếp nhận được thông tin. Riêng loại nhỏ lắp trong nhà thì trước mắt áp dụng cho các khu chung cư và những người dân có nhu cầu.
Về nội dung: Loa phường không phải phương tiện để phát ca nhạc, do đó không nên đưa ca nhạc vào chương trình. Chỉ nên tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của đảng, nhà nước (trừ các trường hợp khẩn cấp) hoặc thông báo các thông tin từ chính quyền để người dân nắm được. Các nội dung này phải được chọn lọc, biên tập lại cho ngắn gọn, súc tích, đủ ý chứ không thể đọc nguyên văn bản với đầy đủ các căn cứ số má…
Về thời gian, mỗi bản tin chỉ nên kéo dài 15 phút trừ trường hợp khẩn cấp. Mỗi tuần chỉ nên phát từ 3 đến 5 ngày, mỗi ngày chỉ nên phát 1 đến 2 lần vào các thời điểm không ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
5.Tôi không đồng ý với TS Nguyễn Thị Hường khi cho rằng loa phường gây tốn kém ngân sách “cho truyền thông một chiều, thiếu tương tác, không tạo ra được nguồn lợi phái sinh có thể được coi là thiếu hiệu quả”.
Tổ chức hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân qua loa phường là một loại hình dịch vụ công, không thể nói là thích hay không thích, lãi hay lỗ, vì đó là hoạt động thuộc chức năng nhà nước (nước nào cũng phải chi tiền cho hoạt động này). Đã là thực hiện chức năng nhà nước thì đương nhiên cần đến kinh phí. Vấn đề là quản lý, sử dụng ngân sách hoặc các nguồn lực khác ngoài ngân sách như thế nào cho hiệu quả mà thôi.
Dĩ nhiên, không có ở đâu trên thế giới, tổ chức hoạt động thông tin qua hệ thống truyền thanh cơ sở lại tính lãi bằng đồng tiền.
Thực tế là có những nội dung được phát trên loa phường, anh có thể không thích nhưng tôi lại thích, anh có thể không cần nội dung nào đó, nhưng người khác sẽ cảm thấy như bắt được vàng… Vì thế tính hiệu quả của loa phường sẽ được tính đến trước hết và chủ yếu ở việc cung cấp được những thông tin thiết yếu nào, làm thay đổi nhận thức dẫn đến thay đổi hành động của người dân ra làm sao, và hiệu quả đôi khi còn được tính đến thông qua việc chỉ dẫn cho người dân phòng chống dịch, thiên tai, bão lũ hay cháy nổ… Đây là hiệu quả mà mạng xã hội không thực hiện được, hoặc có thể thực hiện được, nhưng hiệu quả không cao bằng loa phường.
Cuối cùng, chức năng mấu chốt của loa phường là chuyển tải thông tin thiết yếu đến người dân và tuyên truyền để phục vụ dân sinh, phục vụ cộng đồng, phục vụ đại chúng chứ không phải phục vụ hay làm phiền một cá nhân. Vì mục tiêu đó, mỗi người nên bớt cảm tính một chút, bớt cá nhân đi một chút, loa phường sẽ thực hiện được chức năng cộng đồng của mình.
****
P/s: Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường đang là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia. Tác giả thường chia sẻ ý kiến về các vấn đề dân sinh, xã hội.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới