Do Vinasing Group không thực hiện đúng các điều khoản theo hợp đồng, ông Huỳnh Uy Dũng đã quyết định chấm dứt thương vụ chuyển nhượng KDC Đại Nam cho công ty này.
Liên quan vụ ông Huỳnh Uy Dũng (ông Dũng “lò vôi”) chuyển nhượng một phần Khu dân cư Đại Nam cho Công ty Cổ phần Vinasing Group (Vinasing), trưa 27/9, trả lời VTC News, ông Võ Kim Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam cho biết, thương vụ đã chấm dứt do Vinasing không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng.
“Cái này trước là hợp đồng ghi nhớ, nhưng sau đó Vinasing Group không thực hiện các điều khoản theo hợp đồng nên chúng tôi đã ra thông báo hủy bỏ hợp đồng ghi nhớ đó”, ông Võ Kim Thanh thông tin.
Các điều khoản mà Vinasing Group không thực hiện, theo ông Thanh là việc đóng 100 tỷ đồng tiền đặt cọc cho Công ty TNHH MTV Tân Khai, chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam.
Trước đó, ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tân Khai đã ký hợp đồng ghi nhớ về việc chuyển nhượng một phần dự án Khu dân cư Đại Nam (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) cho Vinasing Group (trụ sở tại quận Đống Đa, Hà Nội).
Vinasing Group do ông Lê Minh Thơ là người đại diện pháp luật kiêm Chủ tịch HĐQT. Đây là doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính về lĩnh vực môi trường.
Thương vụ chuyển nhượng này bao gồm: 219.999,9m2 đất ở (1.122 nền); 11.218,5m2 đất thương mại dịch vụ; 96.707,6m2 đất xây dựng nhà ở xã hội. Tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng này hơn 2.434 tỷ đồng. Trong đó, riêng đất ở giá trị hơn 1.979 tỷ đồng (tương đương 9 triệu đồng/m2).
Ngoài chức vụ Chủ tịch Công ty TNHH MTV Tân Khai, chủ đầu tư dự án Khu dân cư Đại Nam, ông Huỳnh Uy Dũng được nhiều người biết đến là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đại Nam, chồng bà Nguyễn Phương Hằng.
Theo tìm hiểu của PV, Khu dân cư Đại Nam do Công ty TNHH MTV Tân Khai làm chủ đầu tư, dự án tọa lạc tại mặt tiền đường quốc lộ 13 (xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).
Tháng 6/2018 dự án được UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định số 1094/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án và quy định quản lý theo đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
Với quy mô 96,7ha (2.459 căn nhà phố và biệt thự, 4 trường mẫu giáo, 1 trường THPT), dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành nơi đáng sống và đầu tư sinh lợi bậc nhất tại Bình Phước cho khoảng 12.000 người.
Ghi nhận thực tế của PV, sau hơn 4 năm triển khai, hiện dự án bao trùm vẻ hiu hắt, không một bóng người. Một số đoạn vỉa hè trong đường nội khu bị bong tróc, tiện ích cây xanh chết héo, phế liệu chất đống.
Dự kiến 2.459 căn nhà phố và biệt thự sau khi triển khai sẽ tạo sự sầm uất cho khu dân cư, song khung cảnh hoang vu, đầy cỏ khô, không một cư dân nào sinh sống khiến nhiều người thất vọng. Công trình duy nhất tại dự án (được dự định làm Trung tâm thương mại) được xây dựng đồ sộ, nhưng do không có dân cư nên công trình này cũng trong tình trạng “vườn không nhà trống”.
THY HUỆ
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội đề xuất tăng mức phạt giao thông: Giải pháp cần thiết để nâng cao ý thức chấp hành
Bi kịch Bắc Hà: Bài học từ một vụ án đau lòng
Tết yêu thương ở phường Nguyễn Du
Tết đoàn viên với chuyến tàu 0 đồng