Rượu, bia và văn hóa giao thông

Người xem: 249

Theo Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an, năm 2022, cả nước đã xử lý trên 300 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm khoảng 11% trên tổng số các trường hợp vi phạm bị phát hiện và xử lý. Tại Bình Phước, mặc dù lực lượng CSGT đã kiểm tra, xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nhưng vẫn còn 6.211 trường hợp vi phạm bị xử phạt hành chính, tạm giữ phương tiện và tước giấy phép lái xe.
 

Thực tế, uống rượu, bia như trở thành thói quen đối với nhiều người. Nhất là vào thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán do tiệc hội nghị tổng kết, liên hoan, tất niên, họp mặt đầu năm… diễn ra phổ biến, dẫn đến nhiều lái xe vi phạm nồng độ cồn. Vì vậy, sau mỗi kỳ nghỉ lễ, tết, chúng ta lại giật mình khi nghe, đọc những con số thống kê về số người chết và bị thương do rượu, bia tăng cao.

Dù biết sau khi “chén chú, chén anh” là chặng đường về còn xa xôi, nhiều phương tiện giao thông, nhưng các “đệ tử lưu linh” lại mặc sức ép nhau uống để thể hiện bản thân. Trong khi uống rượu, bia tác động tới hệ thần kinh trung ương, kích thích tâm lý và gây cảm giác buồn ngủ, mệt mỏi, làm cho thời gian phản ứng của lái xe chậm lại. Dẫn đến quá trình suy nghĩ của họ thiếu sáng suốt, giảm khả năng tập trung khi lái xe và gây tác dụng phụ, như mờ mắt, nặng tai… làm gia tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Người đã uống rượu, bia cũng sẽ liều lĩnh hơn, dẫn đến những hành vi nguy hiểm, như phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách… Thậm chí, say rượu, bia nhưng vừa điều khiển phương tiện vừa nghe điện thoại, nhắn tin, dẫn đến mất tập trung, không phản ứng kịp thời hay giật mình khi có tình huống bất ngờ nên tai nạn là điều khó tránh khỏi.
 
Theo quy định của pháp luật, lái xe gây tai nạn khi đã uống rượu, bia, tùy mức độ có thể bị phạt tù đến 15 năm, phạt hành chính ở mức cao và bị tước giấy phép lái xe. Việc sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông còn là tình tiết tăng nặng đối với lái xe gây tai nạn, thế nhưng dường như chế tài này chưa đủ sức răn đe và nhiều người vẫn “phớt lờ” các quy định, vẫn lái xe khi đã sử dụng rượu, bia. Dẫn đến mỗi năm có hàng trăm phiên tòa xét xử lái xe đâm chết người khi nồng độ cồn trong máu ở mức cao và không ít lái xe đã phải nhận những bản án rất nghiêm khắc.
 
Hạn chế tai nạn giao thông do uống rượu, bia đã và đang là vấn đề nóng của toàn xã hội, trong khi tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề. Vì vậy, giải pháp ưu tiên trước mắt là ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát; cương quyết xử lý nghiêm những hành vi vi phạm an toàn giao thông để bảo đảm tính răn đe… Nhất là phải nói không với tình trạng “xin xỏ” trong quá trình xử lý vi phạm giao thông. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như giúp người dân nhận thức rõ về sự nghiêm minh của pháp luật.
 
Bên cạnh đẩy mạnh những giải pháp ngăn chặn, phòng ngừa các nguy cơ về tai nạn giao thông thì ngành chức năng cũng phải đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về sử dụng rượu, bia. Về lâu dài, cần tổ chức tuyên truyền sâu rộng với hình thức đa dạng, hấp dẫn, phong phú, giúp người dân, nhất là giới trẻ hiểu rõ tác hại của rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông; hiểu được sự nguy hiểm của việc điều khiển phương tiện giao thông khi nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép… nhất là các chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cộng đồng.
 
Lâm Phương

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *