Thời gian qua, trên mạng internet xuất hiện một tổ chức có tên gọi là “Trà đàm dân chủ” hay còn gọi là “Đảng người Việt yêu người Việt”. Không chỉ thường xuyên bịa đặt tình hình trong nước, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, những kẻ cầm đầu của tổ chức này còn dụ dỗ, lôi kéo một số đồng bào dân tộc thiểu số trốn ra nước ngoài để tham gia vào tổ chức của chúng. Vậy sự thật cái gọi là “Trà đàm dân chủ” là gì?
Trần tình từ các nạn nhân
Năm 2005, Krajan Thuil ở thôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương (Lạc Dương, Lâm Đồng) được Nhà nước hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a. Nghe lời xúi giục của một số kẻ xấu, tháng 8 năm 2008, Krajan Thuil cùng 6 người bạn vượt biên sang Thái Lan. Anh này cho biết:
– Một số người bạn ở Thái Lan gọi điện nói, có một tổ chức người Việt sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi đi tị nạn chính trị ở Mỹ, nếu không đi được họ cũng sẽ bố trí cho một công việc phù hợp và thu nhập cao hơn nhiều so với ở Ma-lai-xi-a.
Chỉ sau 3 ngày trốn sang Thái Lan, nhóm của Krajan Thuil bị cảnh sát địa phương bắt giữ và đưa vào Trung tâm giam giữ người nhập cư trái phép (IDC) ở số 507 Soi Suan Phlu, đường South Sathorn, thủ đô Băng Cốc. Tại đây, họ gặp Nguyễn Hùng Phong, “cố vấn cao cấp” của “Trà đàm dân chủ”. Mượn danh nghĩa nhân viên từ thiện, Nguyễn Hùng Phong thường xuyên vào trung tâm tổ chức các buổi tuyên truyền nói xấu Đảng và Nhà nước ta đồng thời dụ dỗ, mua chuộc người trong trại tham gia “Trà đàm dân chủ”. Khi được sự đồng ý của những người bị lừa, Nguyễn Hùng Phong bắt họ đứng chụp ảnh, cầm cờ của chế độ Việt Nam cộng hòa cũ, đọc “lời tuyên thệ” do chúng soạn sẵn rồi chụp ảnh, ghi hình, ghi âm.
Krajan Thuil cho biết: “Mọi người cũng không tin lắm, nhưng vì ai nhận lời sẽ được ông ta cấp cho vài bộ quần áo cũ, một ít nước và bánh ngọt nên họ gật đầu đại”.
Ở trong trại 31 tháng, mọi người vẫn không thấy được đi Mỹ định cư. “Thỉnh thoảng, chúng tôi hỏi thì ông ta nói là đang làm thủ tục. Chúng tôi biết ông ta nói dối. Thực ra chẳng có ai được định cư ở Mỹ cả. Ngày 9-2-2010, chúng tôi được nhà chức trách Thái Lan trả về ViệtNam”, Krajan Thuil cho biết.
Sự thật về cái gọi là “Trà đàm dân chủ”
“Trà đàm dân chủ” là tổ chức phản động do Đỗ Hữu Nam lập ra đầu năm 2007 ở Cam-pu-chia (khi trả lời một số báo, đài nước ngoài, Nam nói bừa là thành lập tại TP Hồ Chí Minh). Bản chất cũng giống một số tổ chức phản động người Việt lưu vong khác là nhằm vu cáo, bôi nhọ chính sách của Đảng và Nhà nước ta, kích động hận thù dân tộc, tôn giáo; chia rẽ khối đại đoàn toàn kết dân tộc, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân.
Đỗ Hữu Nam, sinh năm 1958 tại xã Hải Tân (Hải Lăng, Quảng Trị). Năm 1980 khi có lệnh gọi nhập ngũ, Nam trốn sang Cam-pu-chia kiếm sống bằng nghề xe ôm, cờ bạc sau đó tham gia tổ chức phản động “Đảng nhân dân hành động” do Nguyễn Sỹ Bình “nặn” ra ở Mỹ với chức danh “Phó ban trật tự”. Tháng 7-1997, Đỗ Hữu Nam thâm nhập vào Việt Nam để tuyên truyền, lôi kéo những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào tổ chức của chúng. Tuy nhiên, hắn đã bị cơ quan an ninh của ta bắt tại cửa khẩu và bị kết án 8 năm tù về tội danh trốn ra nước ngoài để chống lại chính quyền nhân dân.
Sau khi mãn hạn tù, tháng 10-2005, Nam vượt biên sang Cam-pu-chia rồi liên lạc với Đỗ Thành Công, để lập ra cái gọi là “Phong trào dân chủ cho Việt Nam” nhằm moi tiền viện trợ của Nguyễn Sỹ Bình và một số tổ chức phản động người Việt tại Mỹ (Đỗ Thành Công bị cơ quan an ninh của ta bắt vào ngày 14-8-2006 vì âm mưu khủng bố lãnh sự quán Mỹ ở TP Hồ Chí Minh và bị trục xuất khỏi Việt Nam ngày 21-9-2006). Sau một thời gian hoạt động, tháng 1-2007, Nam đổi tên phong trào trên thành “Trà đàm dân chủ” hay còn gọi “Đảng người Việt yêu người Việt”. Bên cạnh Đỗ Hữu Nam, danh sách “lãnh đạo” tổ chức này còn có Mã Phi Danh, Nguyễn Hùng Phong, Trần Kim Tiến, Liang Hot E Đaur..
Để dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin tham gia, Đỗ Hữu Nam và đồng bọn khoác lác: Nếu là thành viên của “Trà đàm dân chủ”, mỗi người sẽ được lĩnh 50USD/tháng, được cấp điện thoại, xe máy và được bảo lãnh cho tị nạn chính trị ở Mỹ. Tuy nhiên, cách làm này tỏ ra không hiệu quả vì nhiều người thừa biết chỉ là lời hứa hão, nên Đỗ Hữu Nam và đồng bọn bèn quay sang tiếp cận một số người Việt là lao động nghèo đang sinh sống, làm ăn trên đất Thái Lan, Cam-pu-chia và ra điều kiện: Nếu ký vào bản danh sách trở thành thành viên “Trà đàm dân chủ”, cầm cờ và nói theo những lời do chúng soạn ra để cho chúng chụp ảnh, ghi hình thì sẽ được nhận 5kg gạo và 200 baht. Nhiều người dù chẳng biết “Trà đàm dân chủ” là gì nhưng vì được ít tiền và gạo nên họ đồng ý. Với phương thức này, Nam có được danh sách “thành viên” đưa lên website của mình, qua đó giúp y nhận tiền viện trợ từ Nguyễn Sỹ Bình để tiêu xài.
Về trường hợp một số đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng và một số tỉnh Tây Nguyên tham gia tổ chức “Trà đàm dân chủ”, cơ quan an ninh của ta cho biết: Năm 2005, 2006 trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có một số người dân tộc thiểu số được Nhà nước hỗ trợ đi xuất khẩu lao động tại Ma-lai-xi-a. Trong số đó, một số người do thu nhập thấp, lại bị chủ phân biệt đối xử nên tìm cách trốn về nước bằng đường bộ (từ Ma-lai-xi-a sang Thái Lan – Cam-pu-chia rồi về ViệtNam). Khi sang đất Thái Lan, một số bị cảnh sát địa phương bắt giữ. Một số không bị bắt, nhưng do trình độ thấp, khó kiếm việc làm nên phải sống vất vưởng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và thiếu thốn về vật chất của những người này, các đối tượng cốt cán của tổ chức “Trà đàm dân chủ” đã tìm cách tiếp cận, cho họ một ít tiền, gạo, nhu yếu phẩm để dụ dỗ, lôi kéo họ tham gia. Từ các đối tượng đầu tiên này, Đỗ Hữu Nam và đồng bọn chỉ đạo họ dùng điện thoại gọi cho bạn bè, người thân ở Ma-lai-xi-a và Việt Nam để rủ rê, hướng dẫn trốn đi. Tuy nhiên, khi sang tới nơi, nhiều người mới biết mình bị lừa.
Liên quan đến tổ chức này, vừa qua, Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án “Tổ chức đưa người trốn đi nước ngoài trái phép” đối với 2 đối tượng là Cil Chè và Kră Jăn Hô. Tòa đã tuyên phạt Cil Chè mức án 2 năm tù (nhưng cho hưởng án treo) và ra lệnh truy nã đối tượng Kră Jăn Hô đã trốn khỏi địa phương. Thượng tá Đỗ Văn Tường, Trưởng công an huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) cho biết: “Trong 26 đối tượng là người dân tộc thiểu số trên địa bàn trốn ra nước ngoài tham gia tổ chức phản động “Trà đàm dân chủ”, 8 người đã trở về Việt Nam”. Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Công Chánh, Phó bí thư thường trực Huyện ủy Lạc Dương cho biết: Huyện ủy đã chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm một số đảng viên là cán bộ chủ trì các xã, thị trấn trong công tác quản lý hành chính. Bên cạnh đó, huyện đã tổ chức rút kinh nghiệm về công tác xuất khẩu lao động; đưa một số đối tượng vi phạm ra kiểm điểm trước nhân dân; kết hợp với các tổ chức tôn giáo trên địa bàn phát động toàn dân cam kết không nghe và làm theo lời xúi giục của kẻ xấu; động viên, hỗ trợ về vật chất, tinh thần để những người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng; kết hợp cùng gia đình, dòng họ tuyên truyền, vận động con em đang ở nước ngoài trở về Việt Nam…
Bài: VŨ ĐÌNH ĐÔNG
Tin cùng chuyên mục:
Cảnh giác trước luận điệu của phản động lưu vong: Bài học từ vụ việc Trần Khắc Đức
Nhiều đối tượng nghiện ma túy bị lợi dụng để gây rối
Phản hồi chính thức của Mátxcơva, Kiev, NATO về kế hoạch của Trump nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraina
Nâng cao ý thức, văn hoá giao thông