Báo ANTĐ có bài viết: “Không có chuyện lát 1m vỉa hè hết 1 tỉ đồng“. Tuy nhiên, thông điệp về sự lãng phí vẫn là cần thiết, vì thế Tre làng vẫn cho đăng bài để bạn đọc tham khảo.
Cứ 1m vỉa hè “ăn” 1 tỷ: xây cung điện… hoàng gia?
—————————-
Không có chuyện lát 1m hè hết 1 tỷ đồng
ANTĐ – Trong tổng mức đầu tư khoảng 975 tỷ đồng của tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, có tới hơn 600 tỷ đồng là kinh phí GPMB. Hạng mục vỉa hè của dự án này chỉ có mức đầu tư chưa tới 2 tỷ đồng.
Mấy ngày gần đây, một số trang báo mạng đưa thông tin TP Hà Nội đã phải chi ngân sách tới 500 tỷ đồng chỉ để lát gạch 500m vỉa hè tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu mà vẫn không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên số liệu thực tế cho thấy, thông tin này hoàn toàn không chính xác. Trong tổng mức đầu tư khoảng 975 tỷ đồng của tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, có tới hơn 600 tỷ đồng là kinh phí GPMB. Hạng mục vỉa hè của dự án này chỉ có mức đầu tư chưa tới 2 tỷ đồng.
Mỗi năm chi gần 300 tỷ đồng cho vỉa hè
Ngày 4-7, nói về kết quả thực hiện Năm trật tự văn minh đô thị 2014, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đánh giá, chưa đồng đều ở các địa bàn. Bên cạnh những thay đổi tích cực được dư luận rất hoan nghênh, cá biệt còn có những trường hợp không chuyển biến gì đáng kể.
Nêu ví dụ vỉa hè kém chất lượng trên tuyến vành đai I, đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nói: “Vì sao tôi lại chọn tuyến đường này để đi kiểm tra? Vì đây là dự án trọng điểm có suất đầu tư rất cao. Thêm nữa, tuyến đường này vừa mới làm xong, hiện còn nhiều nơi vỉa hè đã xuống cấp, chứ không phải tuyến Kim Liên – Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu là kém nhất”.
Được đầu tư rất lớn song hè tuyến phố Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu chưa đẹpTuyến này đáng lẽ phải làm tốt nhất, bởi TP đầu tư kinh phí cao nhất. Cụ thể, đoạn Kim Liên – Ô Chợ Dừa, dài 1.080m, TP đã chi hơn 1.000 tỷ đồng, còn đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu dài khoảng 500m, TP đã chi tới 975 tỷ đồng. Bí thư Thành ủy nói: “Đáng lẽ ra con đường 1,5km được đầu tư nhiều tiền như vậy thì phải làm cho đẹp, cả đường, hè, cây trồng… đều phải đẹp. Thế nhưng, các đơn vị có trách nhiệm lại chưa làm được điều đó. Chính vì thế tôi yêu cầu kiểm điểm làm rõ trách nhiệm”.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng nêu rõ, theo số liệu do Sở GTVT thống kê, kinh phí chi cho vỉa hè 3 năm gần đây nhất (2011 tới 2013), riêng với 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng), TP đã chi tới 890 tỷ đồng, tức bình quân gần 300 tỷ đồng/năm. “Không thể để tái diễn tình trạng vỉa hè kém chất lượng năm này qua năm khác. Chúng ta phải cố gắng khắc phục, sửa chữa ngay để những tiến bộ đạt được thật sự đồng bộ” – Bí thư Thành ủy nói.
Chỉnh sửa ngay những bất cập
Cũng trong ngày 4-7, trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết, với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hè đường trong nội thành, TP luôn đặt ra yêu cầu phải được đầu tư đồng bộ theo đúng quy hoạch. Thành phố luôn đề cao yếu tố chất lượng, không chỉ với hè, đường mà còn cả hệ thống cây xanh, chiếu sáng, quảng cáo… đồng bộ đi kèm. Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, hè đường của TP được cải thiện rất nhiều. Một số quận như Ba Đình, Hoàn Kiếm làm rất tốt, bộ mặt đô thị đã khang trang lên rõ rệt. Tuy nhiên, riêng trên tuyến vành đai I, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, chất lượng hè ở đây có vấn đề, đặc biệt là bó vỉa cao, không phù hợp với các phương tiện cá nhân của người dân.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho biết, TP đã thành lập Đoàn kiểm tra do Sở Xây dựng chủ trì để kiểm tra lại toàn bộ hạng mục vỉa hè, từ khâu thiết kế đến thi công, xây dựng xem có sai sót không. Qua kiểm tra, dù làm đúng thiết kế, nhưng nếu thiết kế đó chưa phù hợp, TP phải xem xét, chỉnh sửa ngay.
Ông Nguyễn Thế Thảo nói: “Tôi được nghe báo cáo là thi công đúng thiết kế. Nhưng thiết kế này từ năm 2008, và tới giờ có bất cập như thế thì phải khắc phục ngay. Trường hợp do chất lượng thi công thì phải xử lý nhà thầu thi công. Sai đến đâu thì xử lý đến đó…”
Cũng trong chiều 4-7, trả lời câu hỏi của phóng viên xung quanh công tác phân bổ ngân sách hàng năm cho vỉa hè Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho biết, ngân sách TP năm 2014 đã phân bổ từ cuối năm 2013. Tuy nhiên, với năm tiếp theo (2015), HĐND TP sẽ tính toán kỹ thêm việc phân bổ ngân sách dành cho duy tu, cải tạo, nâng cấp hè phố. “Yêu cầu chung là phải đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, khó khăn hiện nay” – ông Lê Văn Hoạt nói.
Vỉa hè đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu có vốn đầu tư 2 tỷ đồng
Đó là thông tin từ ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, chiều 4-7.
– Lãnh đạo TP yêu cầu làm rõ trách nhiệm các đơn vị liên quan tới vỉa hè kém chất lượng trên tuyến Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, là chủ đầu tư dự án, ông có thấy trách nhiệm của mình?
– Ông Nguyễn Sỹ Bảo: Quy trình thi công đã tuân thủ theo thiết kế. Tuy nhiên, thiết kế được duyệt chưa thuận lợi cho sinh hoạt của người dân. Viên vỉa hơi cao, nhất là tại các điểm bố trí ga thu nước. Cao độ vỉa hè và đường ở nhiều điểm trước cửa nhà dân chưa thuận tiện cho việc đưa xe lên xuống, dẫn tới việc một số hộ dân tự xây bục bệ bê tông và thang sắt để tạo lối lên hè…
Ở đây, công tác giám sát thi công còn khiếm khuyết, không kịp thời khắc phục hư hỏng. Chủ đầu tư thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương trong quản lý. Chúng tôi nhận khuyết điểm vì vỉa hè không đạt yêu cầu. Hiện, Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đang tập trung khắc phục những bất cập của hạng mục vỉa hè để sớm đưa công trình vào phục vụ người dân.
– Thưa ông, hạng mục vỉa hè có kinh phí đầu tư là bao nhiêu?
– Trong tổng mức đầu tư 975 tỷ đồng của dự án, kinh phí dành cho GPMB chiếm phần lớn, lên tới hơn 600 tỷ đồng. Phần kinh phí dành cho xây lắp chỉ gần 80 tỷ đồng, trong đó, kinh phí dành cho hạng mục vỉa hè khoảng 2 tỷ đồng. Hiện nay, chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu khoảng 1,9 tỷ đồng.
Về giải pháp khắc phục, tại các khu vực tập trung nhiều hộ dân, sẽ tiến hành hạ toàn bộ cao độ vỉa và tạo vát hè vuốt nối. Ngoài ra, một số vị trí vỉa hè bị hỏng, vỡ do các hộ dân thi công công trình nhà ở (cho máy xúc lên hè để đào móng hoặc tập kết ô tô chở vật liệu, phế thải lên hè…) cũng phải sửa chữa. Tổng diện tích hư hỏng khoảng 170 m2.
– Vậy kinh phí khắc phục sai sót sẽ do ai chịu?
– Kinh phí khắc phục sẽ do các đơn vị thực hiện dự án chi trả. Xin nói thêm, hạng mục vỉa hè đang trong quá trình triển khai, chưa bàn giao. Do đó, phải làm tới khi nào Sở GTVT đồng ý nghiệm thu mới coi là hoàn thành hạng mục này.
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân