VỀ “HỘI NGHỊ THÀNH ĐÔ” CỦA MẶC LÂM RFA

Người xem: 199

Cuteo@

Đã đến lúc giải mật Hội Nghị Thành Đô?


Đó là tựa đề bài viết của Mặc Lâm đăng tải trên RFA.


Tôi đồng ý với Mặc Lâm – RFA rằng, “Hội Nghị Thành Đô là cụm từ nhức nhối đối với người quan tâm tới vận mệnh đất nước có liên quan đến yếu tố Trung Quốc“. 


Trong nhiều bài viết gần đây, cái tên “Hội nghị Thành Đô” được nhắc đến khá nhiều, và với cách đưa tin viết bài ấy, người đọc có cảm tưởng rằng, tại Hội nghị đó hình như Việt Nam đã phải xuống thang và đã ký những thỏa thuận bất lợi. 


Tất nhiên, đó chỉ là cảm tưởng mà không có bất kỳ minh chứng nào xác đáng để tin đó là sự thật. 

Báo chí nhà nước, và những nguồn tin của chính phủ tuyệt nhiên không có bất kỳ một thông tin nào, kể cả những phản ứng với những bài viết của những người “có tiếng chống phá nhà nước“. Vì thế, “Hội nghị Thành Đô” với nội dung cụ thể của nó vẫn là bí mật.

Việc người đọc các bài viết về Hội nghị này có cảm giác như thế là tất yếu bởi nó được người viết dùng con chữ với tâm địa của họ để thỏa mãn cách nghĩ của một số người, đồng thời hướng lái, dẫn dắt họ có cách hiểu tiêu cực nhằm tấn công trực diện vào đảng và nhà nước Việt Nam.

Mặc Lâm, phóng viên RFA, trong bài viết có tựa: “Đã đến lúc giải mật Hội nghị Thành Đô” đã áp dụng cách viết như vậy. Tất nhiên, Mặc Lâm với tư cách là công cụ đắc lực của RFA không có tư cách gì để đòi hỏi Việt Nam phải bạch hóa những bí mật nhà nước của mình.

Tính thiếu xác đáng và khách quan trong bài báo của Mặc Lâm thể hiện ở việc chỉ căn cứ vào một bức ảnh chụp để phán đoán như một kết luận khoa học là hết sức thiếu thuyết phục. Mặc dù đôi chỗ, để tỏ vẻ khách quan, Mặc Lâm đã trích dẫn kiểu “trời ơi” để minh chứng cho suy đoán thiếu thiện chí của mình. Trong bài báo của mình, đăng trên RFA Mặc Lâm đã viết như thế này: 

Trong hai ngày 3 và 4 tháng 9 năm 1990 Hội nghị Thành Đô được tổ chức tại Tứ Xuyên quy tụ lãnh đạo cao cấp của hai nước Việt Nam-Trung Quốc cho đến nay vẫn còn để lại trong lòng người dân nhiều câu hỏi về những gì mà hai bên bàn luận. Những khuôn mặt phía Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Phạm Văn Đồng, cố vấn ban chấp hành Trung ương Đảng. Phía bên kia là Giang Trạch Dân, Tổng bí thư đảng cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.

Qua hình ảnh, những cái bắt tay đi kèm những nụ cười cho biết họ vừa bàn thảo những sự kiện quan trọng nhưng không ai được đọc hay nghe những gì mà hai bên thỏa thuận bên trong hội nghị. Từ đó đến nay, sự bí mật, hay nói đúng hơn là bưng bít vẫn bao trùm câu chuyện Thành Đô như một vùng cấm của người cộng sản mặc dù nội dung của nó liên quan đến vận mệnh quốc gia dân tộc“.

Người viết entry này không nghĩ là sau khi đạt được những thỏa thuận trong một Hội nghị cấp cao thì bộ mặt của những người tham gia phải buồn rầu, ủ rũ hay tỏ ra quá nghiêm trọng. 


Hãy lên mạng và gõ từ khóa “Hội nghị“, chắc các bạn sẽ không thể tìm thấy một bộ mặt nào tỏ rõ sự thất vọng. Ngược lại, các bạn sẽ thấy kèm với những cái bắt tay ngoại giao là những nụ cười. 



Như vậy, với thủ pháp mô tả nụ cười và thái độ của những người tham dự Hội nghị Thành Đô để kết luận điều gì đó thì quả là nực cười. Tôi không nghĩ, các thành viên Hội nghị lại có thể cười sau khi ký kết được một thỏa thuận không lợi cho đất nước. Điều này càng không thể phù hợp với bản lĩnh và trí tuệ của người Việt Nam.

Trong một đoạn khác của bài viết, Mặc Lâm dẫn dụ người đọc vào mối nghi ngờ bằng việc trích lời (không hẳn là trích dẫn) ông Đại tá Nguyễn Đăng Quang kể về ông Nguyễn Cơ Thạch bị “thất sủng” dưới sức ép của Trung Quốc, với đoạn trích dẫn vô thưởng vô phạt. Thủ đoạn viết này nhằm chia rẽ sự đoàn kết trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Nó cũng không còn lạ, bởi những kẻ chống phá nhà nước Việt Nam đã sử dụng từ lâu.

Trong bài viết, chúng ta cũng sẽ được thấy Mặc Lâm tự tay vả vào mặt mình khi ở đầu bài viết nói rằng “hội nghị Thành Đô vẫn bao trùm bí mật“, nhưng đoạn sau lại nói là “mờ ám“. Thật thế, nếu nói nó còn “bí mật“, tức là chưa ai biết gì về nó, thì không thể nói nó là “mờ ám“!

Như một người được chứng kiến và biết rõ về Hội nghị Thành Đô, Mặc Lâm phán: “Lịch sử cho thấy bất cứ sự thỏa hiệp mờ ám nào dù tinh vi tới đâu cũng bị lật tẩy. Không ai có thể buộc kẻ thù không được công bố những gì mà trong quá khứ đã trót bằng lòng với chúng“. Nhưng cũng chính Mặc Lâm lại viết: “Tài liệu về hội nghị này hết sức ít ỏi khiến bao nhiêu học giả muốn nghiên cứu về nó phải chịu thua vì sự trung thành của người trong cuộc“. 


Vậy đã “chịu thua“, nghĩa là không thể biết thì sao lại dám nói là “mờ ám“?


Đọc toàn bài, hẳn bạn đọc sẽ không ngạc nhiên bởi lối viết thiếu công bằng. Tất nhiên, sẽ không có sự công bằng ở đây vì Mặc Lâm chủ ý bôi nhọ, gây nghi ngờ cho người đọc về nội dung của Hội nghị Thành Đô. Luận điệu này nguy hiểm ở chỗ nó chia rẽ đảng và nhà nước với nhân dân, ít nhất là làm cho người dân nghi ngờ về tính xác thực của những thông tin trên.


Thực ra, tôi không biết về nội dung của Hội nghị này, song, tôi vẫn có thể hiểu được những thỏa thuận được ký kết thể hiện trong kỷ yếu của Hội nghị Thành Đô hiện đang thuộc bí mật quốc gia với cả phía Trung Quốc và Việt Nam, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Cả hai bên không công bố nó chính là một trong những biểu hiện của sự tôn trọng lẫn nhau và trên hết là vì lợi ích của cả hai dân tộc. 



Trên thế giới hẳn đã có nhiều thỏa thuận giữa các quốc gia đã được giữ kín cho tới khi hết thời hiệu và giải mật.



Khách quan mà nói, Trung Quốc cực kỳ thâm hiểm trong ngoại giao và nổi tiếng là quốc gia lật lọng. 



Nếu thực sự có thỏa thuận “bất lợi” cho Việt Nam như Mặc Lâm viết: “Việt Nam một tỉnh tự trị của Trung Quốc” thì có lẽ sự kiện giàn khoan 981 kia sẽ không cần phải xảy ra. Nói cho đúng, nếu phía Trung Quốc có được “lợi thế” từ Hội nghị Thành Đô thì họ sẽ không ngần ngại công bố ngay cái điều khoản mà Mặc Lâm “trích dẫn” từ Thời Báo Hoàn Cầu cho cả thế giới biết.



Và đây, có đáng để chúng ta tin tưởng vào một đoạn trích vô thưởng vô phạt như thế này hay không?



Tờ Thời báo Hoàn Cầu và Tân Hoa Xã vừa cùng nhau công bố những chi tiết mà hai cơ quan này gọi là sự thật về “Kỷ Yếu Hội Nghị” trong những ngày vừa qua với những câu chữ như sau:


Vì sự tồn tại của sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Cộng sản, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc giải quyết các mối bất đồng giữa hai nước. Phía Việt Nam sẽ cố gắng hết sức mình để vun đắp tình hữu nghị vốn lâu đời vốn có giữa hai đảng và nhân dân hai nước do Chủ tịch Mao Trạch Đông và Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây đắp trong quá khứ. Và Việt Nam bày tỏ mong muốn sẵn sàng chấp nhận làm một khu vực tự trị thuộc chính quyền Trung ương tại Bắc Kinh, như Trung Quốc đã dành cho Nội Mông, Tây Tạng, Quảng Tây….

Phía Trung Quốc đồng ý và đồng ý chấp nhận đề nghị nói trên, và cho Việt Nam thời gian 30 năm (1990-2020) để Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết các bước tiến hành cần thiết cho việc gia nhập đại gia đình các dân tộc Trung Quốc.“.


Thật nực cười phải không các bạn. Sự bịa đặt của Mặc Lâm đã tỏ ra quá vụng về khi nó và các luận điệu tương tự không phù hợp với thái độ của người Việt Nam trước hiểm họa Trung Quốc. 



Các bạn có thể thấy rõ thái độ của Việt Nam qua phát biểu của những người lãnh đạo đất nước. 



Hẳn các bạn không thể quên lời phát biểu hùng hồn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri La: “Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình bởi vì chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo là thiêng liêng. Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó“.



Tiếp theo, Mặc Lâm lại viết: “Trung Quốc đã dùng sự mập mờ của Hội Nghị Thành Đô để bịt miệng lãnh đạo Việt Nam trong hoàn cảnh lịch sử khiến tay họ trót nhúng chàm vì quá tin vào người bạn xã hội chủ nghĩa“. Có lẽ, trong bài báo này, thì đây là sự bịa đặt và vu khống trơ trẽn, bỉ ổi nhất. Có ít nhất hai lý do để nói về điều này. Thứ nhất, Việt Nam hiểu rất rõ Trung Quốc và luôn cảnh giác với ông bạn khổng lồ này vì thế họ không dễ mắc mưu của Trung Quốc. Thứ hai, hoàn toàn không có một chứng cứ nào để khẳng định rằng, trong “hoàn cảnh lịch sử” khiến các lãnh đạo Việt Nam “nhúng chàm” được, bởi nội dung của Hội nghị Thành Đô vẫn còn trong vòng bí mật như chính Mặc Lâm nói ở phần đầu bài viết.



Rõ ràng, những giọng điệu của Mặc Lâm là thiếu cơ sở, và mang nặng tính áp đặt, với mục đích hạ bệ lãnh đạo đất nước, và qua đó làm giảm lòng tin của người dân với họ.

Còn nữa, câu nói xuẩn ngốc vào bậc nhất hành tinh này sẽ thuộc về Mặc Lâm khi phán: “Tuy nhiên vì Hà Nội tiếp tục im lặng nên câu hỏi đã dần dần biến thành sự thật cho dù chỉ phân nửa sự thật đến từ Hoàn Cầu Thời Báo“. Khó ai có thể chấp nhận được kiểu lập luận như thế. Một “câu hỏi” sẽ không thể nào là một “sự thật“. Sự thật sẽ mãi là sự thật, chứ không thể vì “sự thật” không được nói ra thì điều giả dối sẽ là “sự thật” được.


Đến ông Nguyễn Đăng Quang cũng được Mặc Lâm trích: “Cái thông tin này thì bản thân tôi nghĩ rằng không phải là thật. Hoàn Cầu Thời báo nó tung ra để gây chia rẽ mâu thuẫn trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam với nhau thôi và gây phân hóa trong người dân Việt Nam với nhau“. 



Rõ ràng, trên thực tế, dù là Hoàn Cầu Thời Báo hay Tân Hoa xã thì chúng cũng đã chứng tỏ độ thiếu tin cậy đến tởm lợm của nó qua sự kiện gian khoan 981.



Câu chuyện Hội nghị Thành Đô sẽ vẫn còn tiếp diễn và việc bạch hóa nó sẽ phải mất nhiều thời gian và phụ thuộc vào nhiều yếu tố. 



Cho dù Mặc Lâm có cố tình viết thế nào đi chăng nữa, chúng ta hoàn toàn có thể tin những thỏa thuận tại Hội nghị Thành Đô là có lợi cho nhân dân hai nước, hai dân tộc. Chúng ta cũng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, Trung Quốc tại hội nghị đó “không có cửa nào” có thể ép được Việt Nam, bởi chúng ta cũng đã không hề khoan nhượng trên trận tuyến bảo vệ lãnh thổ. 



Quan trọng hơn hết, khí phách, bản lĩnh và nhân cách con người Việt Nam không bao giờ cho phép đánh đổi chủ quyền để lấy sự hữu nghị, hòa bình viển vông.


Bài viết của Mặc Lâm có thể nói lên nhiều điều, nhưng trên hết, người ta thấy thái độ và tâm địa đen tối của người viết và quan thầy của anh ta, mà nếu so sánh, nó còn hạ đẳng hơn cả loại lưu manh chữ nghĩa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *