NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI HẾT THỜI

Người xem: 184

Tôi lên báo Đảng rồi cacc ạ. Nhưng bản đăng báo thì không loằng ngoằng được, tôi phi quả viết riêng cho Faceboook lên đây. Cacc thì phải được ưu ái hơn các độc giả báo chứ nhẻ, hehe.
***
Đa phần mọi người đều thích sự nổi tiếng, được nhiều người biết tới. Lưu danh trên đời này có lẽ là khao khát của từ những bậc trí giả hàn lâm cho tới anh nông dân cày ruộng. Nổi tiếng cấp phường thì nó xoàng xĩnh quá, nổi hẳn trên báo đài cho cả nước biết mình thì nó mới là hoành tráng.

Một sớm ta ra phố thì mấy chị thì thầm với nhau “ô kìa, anh ấy đấy, người đâu trông đẹp trai thế mà tài nhỉ”. Một tối ta đi coi phim gặp mấy em xinh tươi cứ nhìn ta rồi cười rúc rích và thì thầm với nhau những điều chị em rất mực. Bố ta cười khà khà vuốt râu bên ấm trà. Mẹ ta hớn hở khoe với láng giềng. Chao ôi là thú vị.

Tuy nhiên không phải ai muốn cũng được nên trong khi chờ đợi hoặc mơ mộng tới lượt mình, người ta cứ dồn sự chú ý cũng như tình cảm cho người đang được nhắc tới.

Ôi thế là ta nức nở hâm mộ người lính đương thời Nguyễn Đình Chiến, nhà giáo đương thời Đỗ Việt Khoa, hay ca sĩ hợp thời Lệ Rơi. Vẫn là ta đấy nghẹn ngào khi nghe hoàn cảnh của chị Lượm (không phải chú bé Lượm liên lạc) nơi kinh thành Huế, cậu bé Hào Anh nơi đầm tôm xứ Cà Mau hay cha con anh Hồ Văn Lang, người sống chốn rừng sâu Quảng Ngãi,. Ấy cũng vẫn là ta đang sôi sục lên với Công Phượng qua CĐ24 và giậm chân với anh Thanh, chị Đào tại ĐƯT7.

Hiển nhiên là theo thói quen khai thác thông tin theo lớp lang ở ta thì bạn cứ yên tâm là chuyện bạn từng đá lông nheo với chị bán hoa tươi đầu ngõ hay chuyên mặc quần đùi lụa mỡ gà đi tập thể dục cũng sẽ được phơi bày cho bàn dân thiên hạ biết.

Cứ mỗi lần có một nhân vật được truyền thông nhắc đến là cả cộng đồng nổi sóng những hỉ, nộ, ái, ố và thậm chí xắn tay áo nhảy vào tích cực tham gia đóng góp công sức, tiền bạc để cứu rỗi những mảnh đời ngang trái. Vậy những có bao giờ ta tự hỏi, khi bão tan rồi thì họ ở đâu không?

****
Người đương thời giờ đã hết thời

Có lẽ thật bàng hoàng khi biết ông Chiến đang lãnh án chung thân về tội lừa đảo thông qua công ty Bắc Hà và tập đoàn Bắc Hà Hongkong. Trong bản án ấy không nhắc tới việc ông từng là khách mời của chương trình Người đương thời của VTV nhưng có thể thấy thông tin ấy nhan nhản trên các báo. Mặc dù khéo léo không kết tội vai trò của chương trình trong việc gây dựng uy tín cho ông nhưng rõ ràng sự nổi tiếng của ông trở nên như dầu loang trên biển sau khi lên sóng quốc gia với tư thế người lính làm kinh tế vĩ đại.

Một người đương thời nữa cũng từng là ngôi sao sáng trên khắp cách kênh truyền thông cả nước ấy chính là nhà giáo Đỗ Việt Khoa với tư cách người chống lại gian lận trong thi cử. Có ai còn lạ gì bệnh thành tích cũng như sự yếu kém của nền giáo dục nước nhà nhưng việc chống lại của thày Khoa tạo cảm hứng cho xã hội về một điều gì đấy trong sáng lắm, phơi phới lắm. Cảm hứng lớn đến độ thày được mời lên chương trình Người đương thời của VTV. Bộ trưởng Bộ Giáo dục khi đó là ông Nguyễn Thiện Nhân đã trực tiếp về thăm hỏi và sau đó ông phát động phong trào Hai không nổi tiếng.

Mọi thứ qua đi và thầy không mang nổi cái bóng quá lớn của chính mình khi từ hình ảnh người chiến sĩ tiên phong chống lại tiêu cực trong giáo dục, thầy trở thành một người khang khác. Không khó để biết cái khang khác đấy của thầy là gì nhưng rõ ràng là buồn. Buồn đến mức PGS Văn Như Cương cũng đã từ chối nhận thày về trường ông như đã hứa khi thày đang trong tâm bão. Phong trào Hai không giờ nghe đâu cũng lặng lẽ lắm. Hoặc là nó được thay thế bằng phong trào khác.

****
Những hoàn cảnh đáng thương thì hỡi ôi, vẫn đáng thương

Cô Trần Thị Thuỳ Dương sau khi bị phát hiện là người mạo nhận hay là người bịa ra câu chuyện về mối tình đầu xúc động của cô bé Lượm thì đã phải đối diện với búa rìu dư luận. Dù cho cô có gửi thư công khai xin lỗi chương trình và cam kết bồi hoàn lại mọi khoản tiền ủng hộ thì sự khinh khi của người đời là bản án cô mãi mãi phải mang theo. Nghe đâu cô đã chuyển nhà vì không chịu nổi áp lực!?

Cậu bé Hào Anh của chúng ta thưở nào thì giờ đây liên tục lên báo vì đuổi mẹ ra khỏi nhà và có dấu hiệu ăn chơi đua đòi. Thật không khó đoán khi ta hiểu em được giáo dục ra sao từ cha mẹ. Thật không khó đoán khi em được lôi ra từ đầm tôm và o bế tại mọi nơi để bù đắp những ngược đãi mà em phải chịu đựng. Tất nhiên, thật không khó đoán khi em ý thức được em là chủ sở hữu của khoản tiền lớn mà cộng đồng đóng góp cưu mang em.

Chuyên gia nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất đã nói: “Xã hội có giúp đỡ nhưng lại không tới nơi tới chốn. Trên thực tế, những đứa trẻ bình thường không được giáo dục cũng dễ ăn chơi sa đọa, ngược đãi cha mẹ huống chi một đứa trẻ không được học hành như Hào Anh”. Phải chăng ta chỉ trợ giúp như một thói quen?

Còn người rừng của chúng ta thì sao? Anh gần như lạc lõng giữa cuộc đời sau mấy mươi năm sống cách biệt với đời sống xã hội trong rừng sâu. Người viết bài không hiểu liệu chăng cái môi trường khắc nghiệt kia sẽ đem lại hạnh phúc cho anh hơn.

****
Và những người chúng ta từng giận dữ thì họ vẫn còn cuộc đời phía trước

Công Phượng đang dần thoát ra khỏi tâm bão khi vô tình bị cuốn vào câu chuyện về gian lận tuổi tác. Thậm chí rằng nếu có sự gian lận nào đó thì dù sự thật là cốt lõi của nền thể thao nhưng ta vẫn có thể thông cảm cho anh. Thật mừng anh đã được xác nhận sự trong sạch.

Nhưng cũng có một sự thật khác khi cất lên tiếng nói thì hai người trong cuộc, anh Thanh ca sĩ hát rong và chị Đào khiếm thị lại chịu sự bẽ bàng. Xã hội vốn đã bị mất niềm tin vào nhiều thứ sẽ lên án anh chị vì sự gian dối của mình. Thật buồn khi chỉ vì muốn nổi tiếng, vì muốn những lợi nhuận từ đó mà anh chị đã lừa dối người xem truyền hình cả nước và cả nhà đài.

Nhưng xét cho cùng, câu chuyện của anh chị cũng không có gì ghê gớm lắm nếu không muốn nói nó đã nhen lên đâu đó chút yêu thương, thiện tâm trong lòng người. Thế âu cũng là chắt lọc ra được giữa bao nhiêu lờ đờ nước đục một điều gì tử tế. Tôi thấy vui khi họ hàng nhà “vợ” anh vẫn độ lượng giang tay với anh dù có vì điều gì đi nữa.

****

Thật sự khi viết bài này tôi muốn hỏi những người sắp nổi tiếng rằng chúng ta đã sẵn sàng để nổi tiếng chưa? Bằng ấy những người đã từng nổi tiếng khắp cả nước bây giờ họ phải đối diện với cơn bão truyền thông như thế liệu có đủ để chúng ta ý thức lại về mục đích dấn thân vào chốn thị phi của mình. Họ dường như là nạn nhân của chính sự nổi tiếng ấy của mình dù là vô tình được truyền thông lôi lên hay cố tình lợi dụng.

Ihatebeingfamous viết trên Reddit rằng cô/anh ấy đã có mặt trên phim, trên tạp chí và trên nhiều chương trình talkshow và bây giờ cuộc sống bị đảo lộn tất cả tới mức không dám ra khỏi nhà đi mua đồ ăn vì bị soi mói.

Cái chết của ca sĩ tài năng người Anh Amy Winehouse mới đây thôi có lẽ là tiếng chuông gióng lên về áp lực của những người nổi tiếng. Trong quá trình tiến tới cái chết của cô có nhiều điều liên quan tới sự quan tâm quá mức của truyền thông và những tay săn ảnh.

Âu cũng là điều mà những người làm báo nên cân nhắc khi khai thác về mảnh đời riêng của ai đấy để làm tấm gương điển hình cho cả xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *