CÓ NÊN THIẾN LOẠI TỘI PHẠM NÀY HAY KHÔNG?

Người xem: 95

Cuteo@

Đọc trên Tiền Phong bài viết có tên “Giết bạn gái để thay nhau hiếp dâm rồi đốt xác vào chiều 30 Tết” mà thấy nao lòng. Đây là lời cảnh báo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đặc biệt là tình trạng hiếp dâm kiểu súc vật – Hiếp nhiều lần đối với người đã chết.

Thực tế này đòi hỏi phải có hình phạt tương xứng.

Theo báo Tiền Phong, chiều 18/2/15 (tức 30 tết) Hoài, Lương, và chị N (30 tuổi, ngụ xã Hố Nai 3) và một số công nhân khác tổ chức nhậu tại nhà trọ ấp Lộ Đức (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom). Trong lúc ngồi uống rượu, Hoài và Khanh nẩy sinh ý định hiếp dâm chị N. Sau khi nhậu xong, một số công nhân ra về còn Hoài và Khanh rủ chị N. đến phòng trọ nơi Khanh làm bảo vệ.

Tại đây, Hoài và Khanh đã lao vào bóp cổ chị N. đến khi cô gái tử vong rồi thay nhau thực hiện hành vi hiếp dâm. Sau đó Hoài và Khanh đã khiêng xác chị N. ra ngoài vườn cây tràm, rồi dùng mùn cưa gỗ đốt xác nạn nhân để phi tang. Trước khi đốt, hai bị can này còn tiếp tục thực hiện hành vi giao cấu với nạn nhân thêm một lần nữa. Hoài còn lấy chiếc điện thoại Iphone của nạn nhân.

Đến sáng 20-2, người dân phát hiện thi thể của chị N. nên đã trình báo cơ quan công an. Qua rà soát thu thập thông tin, công an huyện Trảng Bom kết hợp công an tỉnh Đồng Nai nhanh chóng bắt giữ Hoài và Khanh. Tại cơ quan công an, cả hai đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Phản ứng với những vụ việc báo chí nêu, thái độ căm phẫn, giận dữ là âm hưởng chủ đạo. Đã có nhiều ý kiến khác nhau nhằm trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng hiếp dâm như vụ việc vừa qua? 

Còn nhớ, trên mạng đã từng xuất hiện bài viết với tựa đề: “Thiến” những kẻ hiếp dâm mới là nhân văn.

baodatviet.vn/…/dB-Tu-phapThien-nhung-ke-hiep-dam-moi-la-nhanvan-2…

Trong bài viết, ĐBQH Đỗ Văn Đương tán thành việc thiến, nhằm “Ngăn ngừa không để tái phạm tội và cũng không để sinh ra một đứa trẻ có “gien” phạm tội bẩm sinh, tức là đời cha đã hiếp dâm thì đời con cũng không loại trừ”. Trong bài, ông Đương nói đến một “ngày xưa”, khi “Pháp luật phong kiến người ta có hình phạt rất hay, người ăn trộm thì bị chặt tay, anh nào hiếp dâm người ta đem thiến”. Ông đề xuất:

Cùng với tuyên hình phạt tù, cần tuyên “thiến hóa chất” như một hình phạt bổ sung. Tức là cùng với việc đi tù, thì đồng thời tiêm loại thuốc đó để mất khả năng tình dục…Khi tiêm vào rồi phải tính đến khả năng không lấy lại được như cũ nữa, tức là làm suy giảm triệt để thì có dùng loại thuốc nào cũng không kích lên được nữa. 

Theo ông Đương, việc thiến “Khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội”. Ông cũng nói thẳng:

Giả sử trong trường hợp bản thân lâm vào tình trạng này tôi cũng đồng ý chịu hình phạt đó. Kể cả con cái mình, tôi cũng đề nghị như thế bởi vì không cần thiết tố chất dục vọng trái pháp luật, gây hại cho người khác, gây hấn cho xã hội, nhục nhã cho dòng họ, cho gia đình như vậy.

Tìm hiểu thêm được biết, hình phạt “thiến hóa chất” đang được áp dụng ở cả Mỹ (dù không phổ biến), cả Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan… cả ở một đất nước được coi là văn minh như Hàn Quốc. Và nếu phải kể thêm thì đó là Argentina, Úc, Israel, New Zealand. Nhưng nói gì thì nói, “thiến (bằng) hóa chất” có khác gì “cung hình”, một trong những hình phạt “tàn khốc” nhất trong lịch sử phong kiến. 

Nói đến thiến, không thể không nhắc đến Tư Mã Thiên. Sử gia nổi tiếng đã viết những dòng cay đắng khi nghĩ lại giây phút bị cung hình: “Mỗi khi nghĩ đến nỗi nhục đó thì mồ hôi ướt đầm áo, nghĩ mình chỉ đáng canh cửa cho đàn bà hay tốt hơn là nên ẩn thân vào nơi sơn cùng thuỷ tận”. Những người chưa từng bị thiến, có lẽ, sẽ không bao giờ hình dung sự hiểm độc của hình phạt. Một hình phạt vừa dã man, vừa tàn bạo khiến tội phạm, bắt đầu trở thành nạn nhân, sẽ sống cả đời trong sự hoảng loạn, sợ hãi, nhục nhã.

Trong khi còn đang cố tìm cách chống lại nạn hiếp dâm, chúng ta vẫn còn phân vân, liệu rằng thiến có phải là hình phạt tốt nhất hay vẫn chỉ là một hình thức xóa bỏ sự man rợ này bằng một hình thức man rợ khác?
——–
Bài viết có sử dụng tư liệu của nhà báo Vũ Hội (Tiền Phong) và Đào Tuấn (Bài trên Đất Việt).

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *