Quyền im lặng lại nóng

Người xem: 178

Cuteo@

Hôm qua, 30/3/15, UBTP của Quốc hội bắt đầu phiên họp toàn thể lần thứ 16 với việc thẩm tra dự án BLTTHS (sửa đổi). Dự án luật do VKSND Tối cao chủ trì soạn thảo, bổ sung mới tới 166 điều, sửa đổi 290 điều, bãi bỏ 19 điều và chỉ còn giữ nguyên 27 điều. 

Một trong những nội dung được tranh luận nhiều nhất là “Quyền im lặng”

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể, cho rằng BLTTHS hiện hành đã quy định quyền này. Tại Điều 10 quy định: “Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội”. Hay các điều 48, 49, 50 quy định: “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến”.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đề nghị cân nhắc: “Chúng ta đứng trước một sự việc phạm tội, chúng ta phát hiện tội phạm và phải bảo vệ người bị hại. Có mạng người bị giết ở đấy, người ta có ngóc đầu dậy được không để tố giác tội phạm? Đành rằng anh có quyền nhưng không nên nói câu “quyền im lặng”. Tôi đề nghị cân nhắc thật kỹ, không thì rất khó cho cơ quan điều tra (CQĐT)”.

Ông Vương cũng nói thêm: “Anh đã gây án, đã có tội, có hành vi vi phạm pháp luật thì anh phải có sự trình bày chứ? Tôi bảo vệ quyền lợi cho anh nhưng anh phải tôn trọng… Nó chém nó giết thế, đưa vào công an, cứ ngồi im, chờ mấy ngày đợi ông luật sư đến thì chả ai làm được. Đó là thực trạng”.

Và đây là nội dung chính trong bài viết của ông Trần Dương Công – Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea Súp, tỉnh Đăk Lăk, bàn về vấn đề này:

Hiện nay, chưa có văn bản pháp lý nào chính thức quy định về quyền im lặng của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.Tại một số nước trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản, họ quy định quyền im lặng là quyền không khai báo khi không có sự tư vấn, chứng kiến của luật sư. Theo đó, khái niệm im lặng không có nghĩa là không nói bất cứ điều gì mà im lặng là chưa khai khi chưa có sự hiện diện của luật sư. Hiểu theo cách như trên thì im lặng chỉ được thực hiện trong một giới hạn nhất định, khi chưa có luật sư thì người bị bắt, người bị tạm giữ sẽ không khai báo bất cứ điều gì có liên quan đến nội dung vụ việc; Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu im lặng có nội hàm rộng hơn không khai báo. Không khai báo không đồng nhất với im lặng, không khai báo là không nói bất cứ điều gì có liên quan vụ việc, trường hợp đặc biệt người bị bắt, người bị tạm giữ vẫn khai nhưng khai báo quanh co, chối tội, khai không đúng sự thật thì vẫn nằm trong khái niệm không khai báo. Trong trường hợp này, im lặng là không khai bất cứ điều gì có liên quan đến vụ việc trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Kể cả trong trường hợp có luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì im lặng vẫn hiện hữu và vẫn có thể được thực hiện. Vì vậy, một khi quyền im lặng vẫn có hiệu lực thì đồng nghĩa họ có quyền im lặng trong suốt quá trình tố tụng, thậm chí cho đến khi họ ra trước Tòa án.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định quyền im lặng vào Bộ luật Tố tụng hình sự với lý do, thời gian qua, xảy ra một số vụ án, người bị bắt, bị tạm giữ bị bức cung, dùng nhục hình và sự việc có thể không xảy ra nếu khi được triệu tập đến cơ quan điều tra, họ có quyền im lặng cho đến khi luật sư có mặt hoặc việc hỏi cung chỉ được diễn ra khi có mặt luật sư. Tuy nhiên, sẽ là không thuyết phục nếu quy định quyền im lặng vào Bộ luật Tố tụng hình sự, bởi những lý do sau đây:

Một là, nếu quyền im lặng được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì được áp dụng như thế nào và trong giai đoạn nào của quá trình tố tụng. Theo đó,quyền im lặng chỉ được áp dụng từ khi một người bị bắt cho đến khi được gặp luật sư hay quyền im lặng được áp dụng trong suốt quá trình tố tụng, theo đó, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không chỉ im lặng trong suốt quá trình điều tra mà đến giai đoạn xét xử, tại phiên tòa đều có quyền giữ im lặng, không cần biết có hay không có sự hiện diện của luật sư, không cần thiết phải nói bất cứ điều gì vào bất cứ thời điểm nào hoặc trả lời bất cứ câu hỏi nào. Tất nhiên, quyền im lặng không phải là quyền tuyệt đối và có thể không được áp dụng trong một số trường hợp nhất định.

Nếu chọn cách thứ nhất,quyền im lặng chỉ được áp dụng từ khi bị bắt cho đến khi gặp luật sư thì khi chưa có sự hiện diện của luật sư thì người bị bắt, bị tạm giữ sẽ không khai bất cứ điều gì có liên quan đến vụ việc, có luật sư mới khai, không có sẽ không khai. Vậy khoảng thời gian chờ đợi sự hiện diện của luật sư có được giới hạn không và nếu có thì sẽ được giới hạn trong thời gian bao lâu, trong thời gian chờ đợi luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng có được khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng các biện pháp ngăn chặn khác hay không. Chưa kể, không phải trường hợp nào cũng thuê luật sư hoặc luật sư đến ngay sau khi thân chủ của họ bị bắt, bị tạm giữ như ở một số nước trên thế giới, trong trường hợp người bị bắt không thuê luật sư thì giải quyết như thế nào.

Nếu chọn cách thứ hai, thì việc im lặng trong suốt quá trình tố tụng có bị coi là chống đối, là không hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật và trong nhiều trường hợp có thể gây ra những cản trở nhất định cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập thông tin, củng cố chứng cứ, hoàn thiện hồ sơ vụ án. Chưa kể, với vụ án có nhiều đồng phạm, nhiều tình tiết liên quan đến nhiều người, nhiều vụ thì việc im lặng của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể sẽ gây trở ngại trong quá trình điều tra, phá án, thậm chí có thể để lọt tội phạm.

Chính sách pháp luật của nhà nước ta, luôn khoan hồng với những người thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đây cũng là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi lượng hình. 

Nếu quyền im lặng được áp dụng trong suốt quá trình tố tụng thì sẽ là bất lợi không chỉ đối với người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo mà còn ảnh hưởng đến quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, dễ bỏ lọt tội phạm, nhất là những vụ án có tình tiết phực tạp, có đồng phạm. Trong khi với điều kiện phương tiện kỹ thuật hình sự phục vụ điều tra còn nhiều hạn chế thì việc phải nâng cao nghiệp vụ điều tra bằng cách tăng cường kỹ thuật khám nghiệm hiện trường, lấy lời khai từ nhân chứng, tìm kiếm các thông tin khác sẽ rất khó khăn và tốn kém, không thể so sánh được với các nước phát triển. Vì thế việc củng cố và thu thập chứng cứ của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ ít chắc chắn hơn, việc bỏ lọt tội phạm hoặc không đủ chứng cứ kết tội là điều dễ xảy ra. Bỏ lọt tội phạm nhiều sẽ đe dọa đến cuộc sống bình yên của nhân dân, luật pháp không nghiêm, không công bằng.

Hai là, Bộ luật Tố tụng hình sự tại điểm c, khoản 2 Điều 48, điểm c khoản 2 Điều 49 đã quy định người bị tạm giữ, bị can có quyền “trình bày lời khai”. Thực chất, đây chính là một phần của quyền im lặng vì đã là quyền thì họ có thể trình bày lời khai hoặc không thực hiện việc trình bày lời khai. Việc họ không trình bày lời khai hoàn toàn thông qua việc họ im lặng trước cơ quan tiến hành tố tụng. Do đó, không cần thiết quy định “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo nữa. Thực tế họ có thể im lặng (nếu họ muốn), cơ quan tiến hành tố tụng không có quyền bắt họ phải khai báo bằng các biện pháp không hợp pháp.

Ba là, nếu nói rằng ghi nhận quyền im lặng để tránh oan sai, chống bức cung, nhục hình là không thuyết phục bởi lẽ, dù quyền im lặng được ghi nhận thì cũng chỉ là một trong những quyền mà người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có được, bản thân quyền im lặng không phải là công cụ để con người chống lại một sự vi phạm. Bộ luật hình sự đã giành riêng một số điều luật để xử lý đối với hành vi bức cung, dùng nhục hình, đó là các Điều 298 (Tội dùng nhục hình), Điều 299 (Tội bức cung). Việc một số người có hành vi bức cung, dùng nhục hình đối với người bị bắt, người bị tạm giữ chỉ là những”con sâu làm rầu nồi canh”, là hành vi của một số người cố tình vi phạm, biết luật pháp đã quy định rõ là cấm bức cung, dùng nhục hình, nhưng vẫn vi phạm thì đã có chế tài xử lý theo quy định. Không thể quy chụp việc không quy định quyền im lặng là nguyên nhân dẫn đến oan sai, bức cung, nhục hình.

Bốn là, tỷ lệ luật sư trên tổng dân số ở nước ta hiện nay rất thấp, khoảng 1/14.000 dân và chỉ bằng 1/10 so với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Theo một thống kê, cả nước có 62 Đoàn luật sư với hơn 6.250 luật sư và hơn 3.000 người tập sự hành nghề luật sư đang hoạt động trong 2.750 tổ chức hành nghề luật sư. Nếu đối chiếu với khoảng 90 triệu dân mà chỉ có 6.250 luật sư hành nghề là quá ít – bình quân 1 luật sư phải phục vụ hơn 14.000 dân và tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi tỷ lệ án phải giải quyết tại các địa phương là rất lớn, thời gian có hạn, nếu quy định quyền im lặng được áp dụng từ khi bị bắt cho đến khi gặp luật sư thì có lẽ phải thành lập văn phòng luật sư hoặc chi nhánh ở tất cả địa bàn cấp huyện để đáp ứng cho tương xứng với số lượng án và số lượng người bị bắt, bị tạm giữ liên quan đến vụ việc hình sự, chưa kể ở địa bàn cấp huyện, địa hình đi lại khó khăn, nhiều khu vực ở vùng sâu, vùng xa. Thực tế thì ở hầu hết địa bàn cấp huyện ở các tỉnh thành trên cả nước đều chưa có văn phòng luật sư hoặc nếu có thì số lượng rất khiêm tốn. Nếu căn cứ vào thực trạng này mà quy định quyền im lặng cho đến khi luật sư có mặt thì không biết phải giải quyết thế nào cho đủ số lượng luật sư đáp ứng cho tất cả những người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo để họ thực hiện quyền của mình khi có nhu cầu; Chúng ta không phủ nhận việc tham gia của luật sư ngay từ giai đoạn ban đầu của quá trình tố tụng sẽ góp phần làm sáng tỏ vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ của họ. Tuy nhiên, không vì thế mà cho rằng, quy định cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền im lặng cho đến khi có mặt luật sư bảo vệ quyền lợi cho họ sẽ đảm bảo quyền con người, nâng cao vị thế của luật sư trong tiến trình giải quyết một vụ án.

Trong đấu tranh phòng chống tội phạm, bao giờ cũng phải dung hòa giữa lợi ích nhà nước với lợi ích cá nhân. Nếu mở rộng quá nhiều quyền cho cá nhân sẽ dẫn tới quá trớn, tùy tiện thậm chí chống đối, không hợp tác.

Trong điều kiện dân trí, nhận thức và truyền thống pháp lý của nước ta cùng với một đội ngũ luật sư còn khiêm tốn thì việc quy định thêm quyền nói chung và quyền im lặng nói riêng cũng cần cân nhắc và có lộ trình phù hợp, theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế xã hội. Trước mắt, các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải thích với người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo về quyền trình bày lời khai một cách trung thực, thành khẩn và quyền tiếp cận, nhờ luật sư bào chữa hoặc trợ giúp pháp lý để đảm bảo quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *