Sự nguy hiểm của lực lượng dân quân biển Trung Quốc trên Biển Đông

Người xem: 157

Tháng 8 năm ngoái Trung Quốc cũng sử dụng một đội dân quân biển diễn tập ở vịnh Bắc Bộ với nhiệm vụ trinh sát và đánh chặn để bảo vệ 1 giàn khoan.

Andrew Erickson, một giáo sư đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, nhà nghiên cứu trung tâm Fairbank của Havard ngày 31/3 viết trên trang cá nhân của tờ The Wall Streets Journal, lực lượng dân quân biển do chính phủ Trung Quốc tổ chức và tài trợ đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện tham vọng (bành trướng) lãnh thổ ở Biển Đông và Hoa Đông.

Trung Quốc là một trong số rất ít quốc gia có lực lượng dân quân biển. Lực lượng này thông thường bao gồm các tàu cá dân sự đóng nhiều “vai diễn” trên biển, từ việc được điều động tham gia cứu hộ cứu nạn trên biển cho đến đổ bộ đảo, tuyên bố “chủ quyền”. Những ngư dân này vẫn làm việc hàng ngày trong các công ty, tập đoàn nghề cá lớn và được tuyển dụng, huấn luyện bởi các tổ chức quân sự để bảo vệ (cái gọi là) lợi ích hàng hải của Trung Quốc.

Dân quân biển Trung Quốc được thành lập ngay những năm đầu tiên hình thành nhà nước này, được rút ra từ đội tàu cá lớn nhất thế giới. Những năm gần đây nó đã phát triển một cách khá tinh vi và được nâng cao tầm quan trọng, thực hiện các nhiệm vụ từ vận chuyển vật liệu xây dựng ra đảo đến thu thập thông tin tình báo. Thậm chí các đơn vị “dân quân biển” trọng tâm có thể được huấn luyện cách đối đầu với tàu nước ngoài nếu cần thiết theo kiểu “chiến tranh du kích trên biển”.

Hiện tại lực lượng này về cơ bản được Bắc Kinh sử dụng như tuyến đầu tiên để giám sát, hỗ trợ và gây áp lực với đối phương trong việc thúc đẩy yêu sách chủ quyền quốc gia và lợi ích (vô lý, phi pháp) của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc ít được biết đến ở nước ngoài, nhưng nó có thể cho một cái nhìn sâu sắc về giá trị của mình thông qua các nguồn Trung Quốc công bố công khai.

Trong tất cả những câu hỏi về lực lượng dân quân biển Trung Quốc, phức tạp nhất là ai điều khiển chúng. Xây dựng và đào tạo lực lượng dân quân biển hàng ngày được thực hiện bởi các lực lượng vũ trang ở các tỉnh thành ven biển. Chỉ huy quân sự cấp huyện trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến quân sự của lực lượng dân quân biển này. Tuy nhiên hoạt động của chúng rất phức tạp vì lực lượng này đóng nhiều vai trò khác nhau và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của nhiều cơ quan khác nhau.

Gần đây những nỗ lực đã được thực hiện để chuyển đổi lực lượng dân quân biển riêng lẻ rời rạc bằng cách giảm quy mô kích thước và tăng cường đào tạo “chuyên môn”. Một số đơn vị dân quân biển được chỉ định hỗ trợ cho quân đội và hải cảnh Trung Quốc, điển hình như tiểu đoàn dân quân biển huyện Ngọc Hoàn, tỉnh Chiết Giang được giao nhiệm vụ vận chuyển, cung cấp nhiên liệu, đạn dược và các vật tư khác cho các tàu hải quân.

Các đơn vị khác có vai trò hỗ trợ qua trinh sát, bảo vệ các công trình trọng điểm, khu vực quan trọng, gây nhiễu, tung hỏa mù đối phương, làm tăng năng lực vận tải biển, sửa chữa và cứu hộ y tế. Tháng 8 năm ngoái Trung Quốc cũng sử dụng một đội dân quân biển diễn tập ở vịnh Bắc Bộ với nhiệm vụ trinh sát và đánh chặn để bảo vệ 1 giàn khoan. 

Dân quân biển là lực lượng giúp Trung Quốc duy trì sự hiện diện tại các khu vực (nước này nhảy vào) tranh chấp hoặc đổ bộ lên các đảo khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp) phối hợp với các hoạt động chính trị, ngoại giao của nhà nước.

Mục đích Bắc Kinh sử dụng lực lượng này là kết hợp tốt nhất các hoạt động đánh bắt cá hàng ngày với duy trì khả năng đáp ứng nhanh chóng các hoạt động quân sự. Hàng ngàn tàu cá của lực lượng dân quân biển được trang bị hệ thống định vị vệ tinh dẫn đường quân sự Bắc Đẩu cho phép họ theo dõi các lực lượng khác, truyền tải thông điệp ngắn, thậm chí được trang bị cả máy tính bảng. 

Theo một tài liệu với sự đóng góp của nhiều cơ quan quốc phòng Trung Quốc năm 2007, Bắc Kinh thậm chí còn được kêu gọi xây dựng mạng lưới “trinh sát hàng hải sử dụng tàu dân sự và dân quân biển”.

Tài liệu này trích dẫn 2 tỉnh (giấu tên) sở hữu gần 20 ngàn tàu cá và thương mại, cùng với “hàng trăm ngàn” tàu của dân quân biển. Tất cả có thể sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực rộng lớn cho việc “trinh sát” của Trung Quốc. Chi phí duy trì phát triển lực lượng này do các tỉnh thành ven biển và các quận huyện có lực lượng này đảm trách. Kinh phí cho các nhiệm vụ cụ thể và các dự án lớn được cấp bởi chính quyền tỉnh. Chủ sở hữu tàu thuyền và các lực lượng thành viên dân quân biển được bồi thường thiệt hại hay chi phí phát sinh trong quá trình hoạt động theo quy định bằng văn bản của tỉnh.

Các cơ quan chính phủ Trung Quốc đang tham gia trong việc xây dựng lực lượng dân quân biển để thực thi luật thủy sản, an toàn hàng hải, vận tải quốc phòng và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Mỗi nhiệm vụ cụ thể, lực lượng này được trang bị vũ khí, các thiết bị thông tin điện tử thích hợp. Dân quân biển Trung Quốc được đào tạo hàng loạt kỹ năng, từ việc xác định tàu để dùng vũ khí hạng nhẹ và tổ chức hoạt động quân sự cho đến đảm bảo trung thành bằng giáo dục chính trị, quản lý.

Tuy nhiên lực lượng dân quân biển cũng gây ra những thách thức cho Trung Quốc. Một vấn đề cụ thể phát sinh là ngành công nghiệp đánh bắt cá tư nhân đã bị biến động lớn về lực lượng tàu cá và nhân viên. Khi đánh bắt trì trệ, nhiều công ty đánh bắt thủy hải sản đã phải bán tháo tài sản và sa thải người lao động buộc lực lượng chỉ đạo dân quân biển phải thay thế, đào tạo lại cán bộ. Hiện tại cơ quan quân sự địa phương ở Trung Quốc đang thử nghiệm các cách khác nhau để giải quyết những vấn đề này, kể cả việc duy trì đào tạo trong thời gian không phải mùa đánh bắt.

Bất kể những khó khăn nêu trên, lực lượng dân quân biển Trung Quốc có ảnh hưởng không nhó đến các nước láng giềng trong khu vực cũng như các cường quốc như Hoa Kỳ. Nếu nổ ra một cuộc xung đột ở Biển Đông và Hoa Đông, lực lượng này sẽ được triển khai phục vụ mục đích quân sự. Các nước láng giềng Trung Quốc ở Biển Đông phải đối mặt với lực lượng du kích và “tàu cá” vỏ thép như những gì đã từng xảy ra trong vụ Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm ngoái.

Hồng Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *