Khoai@
Lần đầu tiên trong lịch sử, các biện pháp điều tra đặc biệt đã được đề nghị luật hóa trong Dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp – “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật”.
Các biện pháp đặc biệt được đề cập như: nghe điện thoại bí mật, ghi âm, ghi hình bí mật, khám xét bí mật, bóc mở thư tín, bưu kiện, bưu phẩm, phong tỏa tài sản, nguồn tài chính…Đây là những biện pháp điều tra thường được áp dụng với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, khủng bố, rửa tiền và tham nhũng.
Tuy nhiên, đây lại là những biện pháp trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân, liên quan tới bí mật đời tư, thư tín, chỗ ở, tài sản của công dân…vì thế đã có 2 luồng ý kiến là ủng hộ và chưa ủng hộ.
Ngay cả luồng ý kiến ủng hộ cũng còn đề nghị phải cân nhắc thận trọng về thời điểm, thời hạn, đối tượng áp dụng. Cũng có ý kiến đòi hỏi phải nêu rõ, biện pháp đặc biệt là các biện pháp nào.
Tuy nhiên, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng, các biện pháp đặc biệt không cần nêu cụ thể trong luật mà giao cho Bộ Công an quyết định.
Đồng quan điểm với ông Lê Quy Vương, Ông Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên UB Quốc phòng An ninh, thì đặt vấn đề liệu quy định cụ thể trong luật có khả thi không: “Vì áp dụng biện pháp này phụ thuộc vào tình hình tội phạm. Luật chỉ nên quy định mang tính nguyên tắc, rồi cụ thể hóa trong các luật khác như luật Phòng chống ma túy”.
Đại diện cơ quan soạn thảo, Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình phân tích: Đây có thể là nguồn chứng cứ trực tiếp chứng minh tội phạm, đã được quy định ở nhiều luật như an ninh quốc gia, phòng chống ma túy, rửa tiền…, không có gì là mới, quốc tế đã làm rồi. “Nhưng chúng tôi không thể quy định cụ thể, mà nhường quyền cho Chính phủ, tức là Bộ Công an. Và chỉ quy định trong 3 trường hợp: Thứ nhất là liên quan đến an ninh quốc gia, ma túy, tham nhũng, khủng bố, rửa tiền; Thứ hai là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và có tổ chức; và thứ ba là người bị hại, người tố giác tội phạm tự nguyện đề nghị cơ quan điều tra tổ chức công tác bí mật đối với mình”, ông Bình cho biết.
Theo Viện trưởng, để Bộ Công an quy định cụ thể cũng là do với sự phát triển của công nghệ, chưa thể nhìn hết được các biện pháp có thể có trong tương lai. Ông cũng nhấn mạnh: “Nhưng vẫn có những nguyên tắc rất chặt chẽ là người điều tra chỉ được dùng những thông tin để chứng minh tội phạm, những thông tin khác có được phải hủy”.
Thực tế, nước nào cũng đã áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt này. Tuy nhiên, không phải bất cứ biện pháp điều tra đặc biệt nào cũng được luật hóa.
Người viết entry này cho rằng, luật hóa các biện pháp này thể hiện sự minh định của luật pháp đối với những hoạt động mà người dân cho là nhạy cảm. Mặt khác, nó cho phép các cơ quan chức năng và người dân có điều kiện giám sát các hoạt động của cơ quan điều tra và chính nó lại tạo ra một hành lang pháp lý an toàn cho những người thực thì công vụ.
Cho dù các biện pháp điều tra đặc biệt này có được luật hóa hay không, đây cũng là một bước tiến mới trong hoạt động lập pháp ở nước ta.
Tin cùng chuyên mục:
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra