Bài chép của Fb Hoàng Tuấn Công
“BÀN HOÀN” VÀ “BÀNG HOÀNG”
“Vua tiếng Việt” (VTV) yêu cầu: “Viết lại cho chính xác từ sau: “Bàn hoàn”.
Tuy nhiên, đây là đáp án hoàn toàn sai.
“Bàn hoàn” (A) và “bàng hoàng” (B) là hai từ Việt gốc Hán, có tự hình và nghĩa từ vựng khác nhau. Hoàn toàn không phải A là sự cố chính tả của B. Cụ thể:
1) BÀN HOÀN 盤桓 từ ghép chính phụ gốc Hán, mà nghĩa của từng yếu tố được hiểu như sau:
-Bàn 盤 nghĩa là vòng quanh; bồi hồi; quanh quẩn (bàn nhiễu-盤繞; bàn toàn-盤旋; bàn khúc-盤曲);
-Hoàn 桓 là lo nghĩ (ưu dã – 憂也; ưu lự – 憂慮).
-BÀN HOÀN là “bồi hồi; quanh quẩn.” [bồi hồi – 徘徊; đậu lưu 逗留].
Trong tiếng Việt, cả “bàn” và “hoàn” đều là những yếu tố phụ thuộc, không có khả năng độc lập trong hành chức, nên thường được các nhà biên soạn từ điển xếp vào diện “từ láy”.
Bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” (Hồ Chí Minh) có câu:
Lòng riêng riêng những bàn hoàn
Lo sao khôi phục giang san Tiên Rồng.
Khi giảng bài này, giáo viên thường lưu ý học sinh phân biệt giữa “bàn hoàn” và “bàng hoàng”. Theo đây, nếu lầm “bàn hoàn” thành “bàng hoàng”, sẽ bị trừ điểm (TCTP đã nhiều lần chỉ ra sự sai sót, nhầm lẫn của các nhà biên soạn từ điển khi giảng về từ này).
2)BÀNG HOÀNG 彷徨: Đây là một từ mà ngay cả trong tiếng Hán, cả “bàng” và “hoàng” đều là hai yếu tố phụ thuộc, và được xem là từ song thanh (láy âm trong tiếng Việt). Ví dụ, mục “bàng” 彷, từ điển Hán ngữ hướng dẫn xem “bàng hoàng” 彷徨; mà mục “hoàng”, lại tiếp tục hướng dẫn xem “bàng hoàng” 彷徨. Trong tiếng Việt, “bàng hoàng” được sử dụng với nghĩa như trong tiếng Hán.
Đáng chú ý là cả hai mục từ “bàn hoàn” và “bàng hoàng” đều được “Từ điển tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học – Hoàng Phê chủ biên – NXB Hồng Đức-2016) thu thập và giải nghĩa:
-“bàn hoàn đg. (cũ). Nghĩ quanh quẩn không dứt > Tấc dạ bàn hoàn”.
-“bàng hoàng t. Ở trong trạng thái tinh thần như choáng váng, sững sờ, tâm thần tạm thời bất định > Bàng hoàng trước tin sét đánh…”.
Điều đáng nói, đây chính là cuốn từ điển mà Nghệ sĩ hài Xuân Bắc thường ôm khư khư trong tay làm đạo cụ mỗi khi dẫn chương trình; còn Tiến sĩ Đỗ Thanh Nga – Ban cố vấn của Vua tiếng Việt thì khẳng định với báo chí: “vẫn dựa vào từ điển của GS. Hoàng Phê làm chuẩn mực nên đôi khi các cố vấn phải tranh luận nhiều về đáp án không có trong cuốn từ điển đó. Cho nên, Ban cố vấn phải căn cứ vào đặc thù ngữ nghĩa, ngữ pháp của từ để cân nhắc đúng sai”!
Link kiểm chứng
Ghi chú: Nội dung phân tích hai từ “bàn hoàn” và “bàng hoàng”, được trích dẫn từ bản thảo “Viết lúc nông nhàn” (Hoàng Tuấn Công – sắp xuất bản).
Tin cùng chuyên mục:
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia