Cuteo@
Chúng ta đang phân phân giữa bên lý và bên tình trong việc phân xử đúng sai ở câu chuyện công an tịch thu trà đá từ thiện.
Trước hết phải nói thế này, làm từ thiện là việc làm rất đẹp, rất đáng khuyến khích. Việc một công dân hay một nhóm công dân tự nguyện làm từ thiện bằng cách đặt bình nước miễn phí trên vỉa hè giúp người có hoàn cảnh khó khăn vơi đi cơn khát là nghĩa cử đẹp, và chúng ta trân trọng, đánh giá cao tấm lòng của họ.
Chúng ta cũng phải nói rằng, vỉa hè, lòng đường rất cần phải sạch, đẹp, và vì thế cần phải có kỉ cương để bảo đảm rằng văn minh đô thị được thực hiện. Bạn để bất kể thứ gì, treo bất cứ thứ gì trên hè phố đều có thể ảnh hưởng mỹ quan đô thị và một bình nước làm từ thiện là một ví dụ.
Mâu thuẫn bắt đầu phát sinh ở chỗ, một mặt chúng ta muốn đô thị có bộ mặt thật đẹp, thật văn minh, nhưng chúng ta lại cũng muốn người có hoàn cảnh khó khăn phải mưu sinh nơi hè phố có được sự tiện lợi. Vậy nên, vấn đề là ở chỗ làm sao giải quyết được mâu thuẫn này.
Tôi đã đánh giá cao, ý kiến của bạn nào đó nói rằng, nếu bạn đã làm từ thiện bằng bình nước miễn phí, hãy để nó trong khuôn viên nhà bạn, và treo tấm biển “Nước uống miễn phí” ngay trên tường nhà bạn. Người muốn uống sẽ vào nhà bạn để uống, và như vậy hè phố vẫn đẹp mà bạn lại vẫn có dịp để thể hiện tấm lòng thảo thơm của mình.
Người chủ của bình nước đã có lòng tốt đến thế, sao lại không thể tốt hơn nữa bằng cách động viên người muốn uống vào tận cửa nhà mình mà uống?
Chả lẽ, những người muốn uống nước miễn phí kia lại “lười” đến độ không muốn dựng xe ngay ngắn trên hè để uống một ngụm nước thơm thảo? Và nếu họ “lười” tới mức không muốn làm điều ấy thì họ hoàn toàn không xứng đáng để uống như ly nước nghĩa tình này đâu. Nếu chỉ vì chữ “tiện” mà làm hỏng mỹ quan đô thị thì cả bạn lẫn người muốn uống đều rất đáng chê trách.
Quan điểm của tôi là một xã hội văn minh thì dứt khoát phải thượng tôn luật pháp. Làm từ thiện cũng phải tuân thủ luật pháp từ việc nhỏ nhất.
Từ suy nghĩ này, tôi nghĩ bạn nào đó viết trên Thanh Niên rằng công an đã thực thi luật một cách cứng nhắc là không đúng. Ở đây, các bạn cũng mâu thuẫn ở chỗ, một mặt yêu cầu công an, trật tự đô thị phải thực thi luật pháp nghiêm chỉnh để bạn có được vỉa hè thoáng đẹp, trật tự, nhưng mặt khác bạn lại cũng muốn bình trà đặt trên vỉa hè cùng tờ logo nhem nhuốc trên gốc cây.
Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt: “Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trái phép“. Dưới góc nhìn này, hành vi đặt bình nước trên vỉa hè đó là vi phạm quy định của chính phủ. Nếu như công an, trật tự phường không tịch thu thì bản thân họ đã không hoàn thành nhiệm vụ. Vậy điều gì sẽ xảy ra đối với họ?
Mặt khác, lực lượng công an, dân phòng sẽ bị các bạn lên án nếu không đảm bảo cho vỉa hè được trật tự văn minh bằng cách tịch thu bình nước. Nhưng chính các bạn lại cũng la toáng lên khi họ thu bình nước đó. Sao các bạn lại vô lý đến thế?
Các bạn cũng không nên quy kết rằng, việc giúp đỡ dân nghèo phải xin phép là hành động quan liêu. Như đã nói, nếu tôn trọng luật pháp, bạn cần xin phép chính quyền để đảm bảo rằng, việc bạn là được nhà nước cho phép, kiểm soát và bảo vệ. Nói một cách nôm na là, việc xin phép không khó và nó sẽ làm cho mọi hành động của bạn trở nên hợp pháp, được xã hội công nhận. Ở ta, việc xin phép hoàn toàn không khó khăn gì (tham khảo trình tự, thủ tục ở đây).
Các bạn cũng không nên quá lời khi nói rằng, tịch thu bình trà miễn phí là tịch thu sự tử tế hay tịch thu lòng tốt. Lối nói quá ấy tạm thời xoa dịu cơn bực tức của một số người, nhưng về lâu dài, nó cổ súy cho thói tùy tiện, coi thường luật pháp.
Nói ra sự thật dù có bị ném đá cũng là điều nên làm. Rất không nên nhân danh lòng tốt để đặt cái tình trên cái lý, dẫn tới hệ lụy kỉ cương xã hội bị phá vỡ, tạo ra các tiền lệ không hay.
Lòng tốt rõ ràng đáng trân trọng nhưng cần được đặt đúng chỗ. Không thể nói, một bình nước không phải là lấn chiếm vỉa hè và hãy tưởng tượng vì bình nước đó mà bạn bán được nhiều hàng, thì sẽ có ngay hàng trăm bình nước được đặt trên vỉa hè đó vì doanh số của cửa hàng chứ không phải vì lòng tốt.
Cũng không nên so sánh rằng, ở tây, người ta có vòi nước công cộng phục vụ dân sinh vì vòi nước đó là do nhà nước lắp đặt (hợp pháp) và đảm bảo vệ sinh. Suy nghĩ về vòi nước công cộng thực ra cũng đáng để chính quyền cân nhắc lắp đặt, nhưng không thể so sánh với bình nước tùy tiện đặt trên vỉa hè được. Có người đã nói rằng, để bình nước ở sát lòng đường là tiện cho người uống, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông vì thói tùy tiện của người dân.
Cuối cùng, cần phải thẳng thắn chỉ ra rằng, việc để bình nước trên vỉa hè mà không xin phép là vi phạm các quy định về trật tự xã hội và nó cần phải bị chỉnh đốn cho dù nó nhân danh lòng tốt.
Người viết rất tâm đắc khi ai đó đã nói, lòng tốt không thể dùng để bào chữa cho việc vi phạm luật pháp, vì luật pháp phục vụ toàn dân chứ không phục vụ cá nhân, cho dù là cá nhân nghèo, lang thang hay đang trong trạng thái khát nước giữa trưa hè 40 độ của thủ đô Hà Nội.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới