Đúng là không phải lúc nào chân lý cũng được sáng tỏ. Một bình nước miễn phí đặt trên vỉa hè, nhưng nó lại bị lực lượng công an, dân phòng “tịch thu” vì vi phạm các quy định về trật tự vỉa hè, lòng đường. Hành động “tịch thu” bình nước miễn phí ấy đã nhận được những phản ứng khác nhau, kẻ bảo đúng, người bảo sai. Vì lẽ đó người ta tranh luận sôi nổi trên mạng. Đây là tín hiệu đáng mừng vì văn hóa phản biện đã và đang ngày càng được tôn trọng.
Chuyện đúng sai, ai cũng có lý, và thiết nghĩ, số đông người ủng hộ bên này hay bên kia cũng chưa nói lên được điều gì, vì chân lý chưa hẳn đã xuất phát từ số đông. Nhưng điều quan trọng là mọi người đã thể hiện chính kiến của mình trên cơ sở tôn trọng cộng đồng và tôn trọng người khác.
Tuy nhiên, với lý do phản biện, nhiều người đã lợi dụng diễn đàn để mạt sát người khác và xa hơn là lợi dụng để kích động mâu thuẫn vùng miền và bài viết của Tuấn Khanh có tựa “Một lời khinh” là ví dụ điển hình.
https://nhacsituankhanh.wordpress.com/2015/08/02/mot-loi-khinh/
Anh Tuấn Khanh, một nhạc sĩ cũng có chút tên tuổi nhưng cách hành xử thật đáng buồn trong văn hóa phản biện. Thay vì lập luận, và minh chứng, Tuấn Khanh lấy sự sỉ vả, miệt thị vùng miền làm trọng và rồi tráng lên đó một lớp mạ với tên gọi “tình người” để lừa dối bạn đọc.
Tuấn Khanh viết: “Sự cho đi với tha nhân, không toan tính đột nhiên bị các nhóm trật tự đô thị, dân phòng… ập đến tịch thu không có một mẩu biên lai. Họ nói những bình trà đá nhỏ nhoi đó làm mất trật tự đô thị, điều mà ai cũng phải ngạc nhiên, so với những những quán chè nước, cà phê ở trung tâm đô thị vốn đã cống nạp tiền làm ăn cho các khu vực, thì vẫn được hoạt động tràn xuống mặt đường. Một cô bạn Hà Nội nhắn với tôi, thật ngắn gọn, về câu chuyện những bình trà đá miễn phí bị tịch thu đó: “thật khốn nạn!”.
Chỉ đoạn viết đó thôi đã cho thấy dường như những câu nói của Tuấn Khanh không phải xuất phát từ sự hiểu biết mà nó xuất phát từ sự hằn học trong con người anh đối với xã hội, mà ở đây là với lực lượng công an phường, khi họ vì chấp hành mệnh lệnh của UBND TP mà “tịch thu” bình nước miễn phí được đặt trên vỉa hè, nơi dành cho người đi bộ.
Thái độ lưu manh của người viết thể hiện ở chỗ, trong khi mọi người đang bàn tán về bình nước miễn phí đó thì Tuấn Khanh lôi cả “những quán chè nước, cà phê ở trung tâm đô thị vốn đã cống nạp tiền làm ăn cho các khu vực, thì vẫn được hoạt động tràn xuống mặt đường” vào câu chuyện.
Cần phân biệt rõ, những quán bán nước chè hay quán cà phê được phép kinh doanh cho dù là họ đã được “bảo kê” theo cách đáng hổ thẹn thì nó cũng không thuộc về chủ đề này. Sự nhập nhèm của Tuấn Khanh không có ý gì khác hơn là đánh lạc hướng dư luận rằng, cái bình nước kia cũng như một quán chè được cấp phép hoạt động. Chuyện chạy chọt, hay bảo kê sẽ được bàn đến trong một câu chuyện khác.
Trở lại vấn đề, Tuấn Khanh phát biểu: “đột nhiên bị các nhóm trật tự đô thị, dân phòng… ập đến tịch thu không có một mẩu biên lai. Họ nói những bình trà đá nhỏ nhoi đó làm mất trật tự đô thị, điều mà ai cũng phải ngạc nhiên“.
Trước hết là không hề có sự “đột nhiên” nào ở đây cả. Việc người dân đặt bình nước ở vị trí không thích hợp đã được chính các anh công an phường và người dân ở đây nhắc nhở nhiều lần. Điều này có nghĩa là đầu tiên họ dùng cái tình nhưng không hiệu quả, nên họ phải nhờ đến cái lý, tức luật pháp.
Cũng chả có gì đáng “ngạc nhiên” như Tuấn Khanh nói, nếu như ta so sánh và đối chiếu việc đặt bình nước trên vỉa hè, sát lòng đường với quy định của UBND TP Hà Nội về trật tự vỉa hè, lòng đường cũng như các quy định khác của pháp luật.
Bài báo “Dẹp bỏ trà đá miễn phí trên vỉa hè: Đúng hay sai luật? trên báo Đời sống và Pháp luật của Luật gia Đồng Xuân Thuận đã viết: “Xét về góc độ pháp lý, việc làm của công an là đúng pháp luật để đảm bảo an ninh trật tự lòng lề đường, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Khoản 3 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Nghiêm cấm sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép”. Như vậy, việc sử dụng hè phố vì bất cứ lý do gì cũng phải được cấp có thẩm quyền cho phép”.
Rõ ràng, với những điều luật như thế thì việc làm của các anh công an và dân phòng không sai. Tuấn Khanh có lẽ bị chi phối bởi sự hằn học nên đã vội vàng chứng minh bằng cách “mượn lời” của cô bạn Hà Nội để xả cho bõ tức bằng câu: “Thật khốn nạn“.
Tôi không biết ở đâu, miền quê nào lại có loại người bất chấp pháp luật để chửi bới những người thực thi pháp luật một cách đúng đắn? Tôi chưa thấy ở đâu người ta phản ứng mọi rợ bằng cách nhân danh “văn hóa” hay “tình người cao cả” để phỉ báng vào luật pháp.
Và đây, là một câu hợm hĩnh, có ý phân biệt vùng miền rằng, trà đá xuất phát từ miền Nam và nó được lan truyền ra miền Bắc như trong đoạn mở đầu của Tuấn Khanh. Đoạn sau Tuấn Khanh viết: “Không phải lúc nào văn minh và nhân ái cũng được tiếp nhận. Việc tịch thu trà đá miễn phí ở Hà Nội nhắc cho người ta nhớ chuyện những vị linh mục truyền giáo tìm đến những vùng mọi rợ với ước mơ xây dựng điều tốt đẹp, đã bị giết và hò reo ăn thịt ngay tại chỗ. Không khác gì“.
Đồng ý với anh Tuấn Khanh là “văn minh và nhân ái không phải lúc nào cũng được tiếp nhận“. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, chuẩn mực của một xã hội văn minh là thượng tôn luật pháp, không phân biệt thân phận, giới tính và vùng miền. Ở đây chuẩn mực văn minh đã không tới được với Tuấn Khanh, đó là sự thật đáng tiếc cho dù khuyết tật ấy có được lớp mạ kền là “lòng nhân ái cao cả“. Cái sự “văn minh” mà Tuấn Khanh nhắc tới cũng được bộc lộ bằng thái độ của người phê bình, nó cần tới sự công minh và lý lẽ thay vì thói hợm mình quy chụp cho người khác là “kẻ chờ gió phất cờ. Loại nguỵ biện xã hội – cơ hội chủ nghĩa“.
Kẻ chỉ biết chụp mũ người khác suy cho cùng chỉ là kẻ thể hiện não trạng bất biết đúng sai trong khi xã hội đã thay đổi từng ngày.
Không dám tranh luận vào thẳng vấn đề, Tuấn Khanh tìm cách móc nối vấn đề trọng tâm với những chuyện khác để che dấu dã tâm của mình là thông qua việc mạt sát bạn Chúng Nguyên (tác giả của bài báo “Cần phạt nặng người đặt bình nước miễn phí trên vỉa hè” được đăng trên Thanh Niên) để chửi rủa những trí thức miền Bắc, thậm chí là xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở đoạn sau đó, anh ta viết: “Với ý kiến của tác giả ấy (có thể mang sự lo ngại của nền giáo dục miền Bắc XHCN) thì sự vô ý thức của con người có thể dẫn đến bệnh truyền nhiễm. Nhưng ở mặt bằng văn hoá cơ bản của miền Nam từ cả thế kỷ, con người khi dùng chung, đều đã có ý thức của mình. Đó là sự khác biệt lớn mà hôm nay thì mới bị cào bằng“.
Thưa anh Tuấn Khanh vĩ đại, có lẽ anh đang đi quá đà, anh đã lợi dụng phản biện để kỳ thị vùng miền và ở đây là miền Nam và miền Bắc. Với từ “miền Bắc” được anh thêm cụ từ với ý mỉa mai là XHCN.. Với tôi, chỉ có kẻ hèn luôn mặc cảm với trình độ văn hóa bản thân mới tìm cách miệt thị người khác và kỳ thị vùng miền hòng mơ tưởng tới sự cao sang của bản thân.
Tôi hiểu ý anh ngay từ câu đầu tiên của bài viết, rằng trà đá mà Hà Nội có được là học từ miền Nam, và rằng miền Nam đã có văn hóa cơ bản cả thế kỷ, và nó hôm nay mới bị cào bằng. Tôi cũng hiểu, ý của anh cũng là giáo dục miền Bắc đã sản sinh ra sự vô cảm tới mức tịch thu bình nước miễn phí kia.
Cần phải nói với anh thế này, anh đã đúng khi cho rằng người miền Nam biết dùng trà đá trước miền Bắc. Nhưng anh cũng nên nhớ rằng cây chè, một nguyên liệu chính để làm ra trà đá lại không được trồng ở miền Nam. Và nực cười là kẻ khoe khoang rằng ta đây biết uống trà đá chưa bao giờ được đánh giá là văn minh cả.
Với lập luận về giáo dục như anh nói làm tôi chợt tự hỏi: Vì sao sau giải phóng thì chỉ có miền Nam mới có đội SBC (tức đội săn bắt cướp), trong khi miền Bắc không có? Tương tự như vậy, cụm từ “gái điếm“, rồi “mại dâm” cũng dần dần xuất hiện ở miền Bắc. Vậy nền giáo dục nào đã sản sinh ra cái đó và phải chăng những thứ dị hợm ấy là nền tảng văn hóa mà Tuấn Khanh đang nói tới?
Còn nhớ, đây không phải lần đầu Tuấn Khanh có những bài viết kích động sự kỳ thị vùng miền.
Trên Blog Tuấn Khanh, lần theo lịch sử những bài lưu trữ, chúng ta dễ dàng tìm thấy những bài viết kiểu này. Ban đầu là vài bài viết về các khu công nghiệp khát nhân công nhưng vẫn treo biển “No. Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa”. Tiếp đến là bài tường thuật về bạo loạn Bình Dương, trong đó ám chỉ rằng cuộc bạo động đó là do những người Nghệ An, Thanh Hóa tổ chức, giật dây, và rằng, bạo lực và cướp giật, đập phá, côn đồ đều do người Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh gây ra. Sau một thời gian im ắng vì bị dư luận lên án, Tuấn Khanh lại có bài “Di chúc Bắc Kỳ tự do“, cho đến nay, Tuấn Khanh lại có bài viết “Một lời Khinh” như đã bàn.
Người viết hoàn toàn không chấp nhận kỳ thị vùng miền và thành thực xin lỗi bạn đọc vì đã nói ra những câu có thể làm bạn tổn thương.
Thật may, bên cạnh những nhạc sĩ biến thái, cuồng ngôn và láo xược như Tuấn Khanh, chúng ta còn rất nhiều những nhạc sĩ chân chính khác.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga