LÀM GIẢ BẰNG KHEN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ CÓ THỂ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Người xem: 139

LâmTrực@

Dư luận đang sôi sục vì sự kiện Công ty bán hàng đa cấp Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (gọi tắt là Công ty Liên kết Việt) đã cung cấp thông tin sai lệch, gây nhầm lẫn về hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ nhiều người tham gia.

Với những dấu hiệu lừa đảo đã được công khai trên các phương tiện truyền thông, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận Thương hiệu sản phẩm, dịch vụ Việt Nam phát triển bền vững năm 2014 đã trao cho Liên kết Việt. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết cũng đang làm quyết định thu hồi giấy chứng nhận sản phẩm, dịch vụ được tin dùng năm 2015 với lý do tương tự.

Một tình tiết khác xin được lạm bàn là Công ty này đã làm giả bằng khen của Thủ tướng treo tại trụ sở công ty. 

Vậy hành vi làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có bị xử lý hình sự hay không? 

Hình ảnh sau đây cho thấy Liên Kết Việt đã làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ


Có ý kiến cho rằng, Công ty Liên kết Việt làm giả bằng khen của Thủ tướng Chính phủ treo ở trụ sở đã vi phạm pháp luật. Nhưng với hành vi ấy, chỉ có thể áp dụng khoản 1 Điều 5 Nghị định 42 để xử phạt hành chính đối với công ty chứ không thể xử lý hình sự.

Theo TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng trường hợp này không thể xử lý hình sự được. Bởi chỉ khi xác định rõ cá nhân nào có hành vi giả mạo bằng khen của Thủ tướng Chính phủ thì mới có thể xử lý về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 BLHS). Ông Tuấn phân tích: 

Thực tế để xử lý về tội này cần có hai dấu hiệu cơ bản là giả mạo con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. Tuy nhiên, yếu tố “nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân” chưa rõ lắm. Bởi công ty mới chỉ có hành vi treo bằng khen giả tại trụ sở, còn việc bán hàng của họ không sử dụng trực tiếp thông tin này. Do vậy vụ này vừa không thể xử pháp nhân vừa chưa đủ yếu tố cấu thành tội hình sự.

Theo ý kiến cá nhân, hành vi làm giả Bằng khen của Thủ Tướng Chính phủ của Liên Kết Việt đã cấu thành tội phạm và vì thế phải xử lý hình sự.

Điều 267 Bộ Luật Hình sự: “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”,  được quy định như sau:

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm:
A) Có tổ chức;
B) Phạm tội nhiều lần;
C) Gây hậu quả nghiêm trọng;
D) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ bốn năm đến bảy năm.4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.

Làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi làm ra con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức giống với con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thật của cơ quan, tổ chức đó hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

Việc Liên Kết Việt làm giả Bằng khen của Thủ tướng đã rõ, bởi Thủ tướng không hề cấp bằng khen cho công ty này, và ở đây, Liên Kết Việt vừa làm giả giấy tờ, vừa làm giả con dấu. Việc xác định chủ thể của hành vi làm giả này không khó bởi ai trực tiếp tiến hành hành vi làm giả Bằng khen và con dấu sẽ được xác định một cách dễ dàng. Cũng như vậy, về khách thể của tội phạm, hành vi trên là xâm phạm đến sự hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác. 




Xem xét mặt khách quan của tội phạm, có thể thấy Liên Kết Việt đã có hành vi sử dụng con dấu, giấy tờ giả nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân. 



Đáng chú ý, ở tội danh này, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành cơ bản của tội phạm này, tức là người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân là tội phạm đã hoàn thành. Vậy nên, Liên Kết Việt dù chưa lừa được ai thì tội phạm vẫn được coi là hoàn thành.

Về mặt chủ quan của tội phạm, Liên Kết Việt đã cố ý thực hiện hành vi của mình, tức là họ biết hành vi làm con dấu, tài liệu hoặc các giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức là hành vi vi phạm điều 267 BLHS, nhưng vẫn thực hiện, mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra hoặc không cần biết hậu quả của hành vi đó như thế nào. 

Từ những phân tích về 4 yếu tố cấu thành tội phạm, rõ ràng hành vi làm giả Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ của công ty Liên Kết Việt là vi phạm điều 267 Bộ Luật Hình sự, và hoàn toàn có thể xử lý hình sự.

Đồng tình với nhận định này, ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM, phát biểu: “Hành vi này đã thỏa mãn cấu thành tội phạm vì mục đích của nó là nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức, cá nhân (nói chung là lừa dối người khác). Với việc treo bằng khen giả này, mục đích Công ty Liên kết Việt nhắm tới là tạo uy tín cho công ty, khuếch trương thanh thế, uy tín, tạo lòng tin giả tạo để người khác nhầm tưởng họ là đơn vị rất có uy tín. Về bản chất đó chính là nhằm mục đích lừa dối khách hàng nhằm đạt lợi nhuận cao. Tuy nhiên, BLHS không đặt ra trách nhiệm với pháp nhân nên không xử lý được”.


Như vậy, theo tôi, ý kiến cho rằng, trong vụ việc này không thể xử lý hình sự mà chỉ xử lý hành chính của TS Phan Anh Tuấn là không chính xác.


Konplong, ngày 26 tháng 8 năm 2015

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *