ĐIỀU LUẬT 258 VÀ “ARTICLE 2.7. UN CHARTER”

Người xem: 127


02-4-2016

Điều 258 Và Điều 2.7

Mỗi khi Việt Nam có vụ tuyên bố cáo trạng hay tuyên án xử một công dân về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258 Bộ Luật Hình Sự Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, thì y như đồng loạt các tổ chức như Giám Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch), Liên Đoàn Quốc Tế Nhân Quyền (International Federation for Human Rights), Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders), Bảo Vệ Nhà Báo (Committee to Protect Journalists), cùng một số cơ quan ngoại giao như các đại sứ quán cùng Cao Ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (United Nations Human Rights Office of the High Commissioner) đều lên tiếng nói bản án vi phạm không những Hiến Pháp Việt Nam với các quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí đã được minh định, mà còn các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (International Covenant on Civil and Political Rights), từ đó đòi Việt Nam chấm dứt các bản án theo Điều 258 do truy bức các cá nhân sử dụng quyền tự do phát biểu ý kiến. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đường đường chính chính áp dụng Điều luật 258 vào cuộc sống, mà không một nhà báo hay cá nhân công dân nào tìm đến phỏng vấn trực tiếp các luật sư nghị sĩ Quốc hội Việt Nam về những khúc mắc của họ đối với Điều luật 258 ấy; trong khi đó, các biện luận cao cấp như trên Báo Nhân Dân số ra ngày 29-3-2016 thì không có được đa số độc giả để giúp tỏa lan những cơ sở hiến định và luật định của Việt Nam đối với Điều luật 258. Vậy Điều 258 vì sao trở thành thứ trái tai gai mắt với nước ngoài cũng như những người Việt chống Việt trong khi lại được áp dụng danh chính ngôn thuận tại Việt Nam?

Trước hết, cần tham khảo Điều 2.7 Chương I Hiến Chương Liên Hợp Quốc (Article 2.7, UN Charter) đã xác quyết rằng “Hiến Chương này hoàn toàn không cho phép Liên Hợp Quốc được can thiệp vào các công việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào, cũng như không đòi hỏi các quốc gia thành viên phải đưa những công việc ấy ra giải quyết theo quy định của Hiến Chương này; song nguyên tắc này sẽ không ảnh hưởng đến việc áp dụng các biện pháp chế tài theo Chương VII” (Nothing contained in the present Charter shall authorize the United Nations to intervene in matters which are essentially within the domestic jurisdiction of any state or shall require the Members to submit such matters to settlement under the present Charter; but this principle shall not prejudice the application of enforcement measures under Chapter VII). Nội dung này cho thấy mức độ quan trọng ưu tiên trên hết của “công việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ” của mỗi quốc gia, và chỉ khi những nội dung nghiêm trọng như tội diệt chủng dưới sự điều chỉnh của Công Ước Về Diệt Chủng 1948 (1948 Genocide Convention) mới khiến “việc” diệt chủng không còn là “công việc nội bộ” nên nhất thiết phải có các biện pháp can thiệp chế tài từ quốc tế. Cũng dưới góc độ này, việc thế giới làm ngơ trước nạn diệt chủng ở Campuchia là vi phạm Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc, còn việc Việt Nam tấn công vào chính phủ diệt chủng Campuchia không bị xem như can thiệp vào công việc “cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ” của Campuchia. Như vậy, Việt Nam – cũng như Mỹ và nhiều quốc gia khác – đã tuân thủ các điều đã được minh định trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc để có những quy định làm luật lệ đối nội mà không bất kỳ quốc gia nào khác có thể can thiệp.

Việc các tổ chức và cơ quan ngoại giao hay lên tiếng chỉ trích Việt Nam thực thi Điều luật 258 có thể do hai nguyên nhân tế nhị sau:

1) Họ đã nhầm lẫn, quên rằng Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc (UN Charter) hoàn toàn khác với Điều 15.8 của Hiến Chương Hội Quốc Liên (Covenant of League of Nations), vì chỉ có Hội Quốc Liên mới tuyên rằng: “Nếu sự tranh chấp giữa các nước thành viên do một trong số họ nêu lên, và nếu Hội Đồng nhận thấy vấn đề phát sinh mà theo luật pháp quốc tế hoàn toàn thuộc thẩm quyền đối nội của nước ấy thì Hội Đồng sẽ ghi nhận và cho biết ý kiến cách giải quyết vụ việc” (If the dispute between the parties is claimed by one of them, and is found by the Council, to arise out of a matter which by international law is solely within the domestic jurisdiction of that party, the Council shall so report, and shall make recommendation as to its settlement), nghĩa là ngay cả khi đó là “việc riêng” theo luật quốc tế thì Hội Đồng vẫn có quyền can thiệp theo “ý riêng” vào nội tình quốc gia thành viên.

2) Giữ thể diện là thái độ thâm căn cố đế của toàn bộ loài người, nên những quốc gia gọi là cường quốc kinh tế tiên phong (như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, v.v.) hoặc đã từng là cường quốc kinh tế thực dân đế quốc (như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hà Lan, v.v.) một khi đã tạo ra những hào quang về tự do, dân chủ, nhân quyền, dân quyền cho chính mình, họ sẽ không bao giờ cam tâm chấp nhận tình trạng suy đồi suy vi hỗn loạn trong nước của họ vì những hào quang tự tạo đang gây tác dụng ngược chõi lại họ, trong khi các nước thoát thai từ Thế Giới Thứ Ba nhược tiểu mà đa số từng là thuộc địa của họ lại ổn định cao về chính trị và phát triển con người, kể cả phát triển vượt bậc về nhân quyền – qua thành tích xóa đói, giảm nghèo, tôn trọng nữ quyền, bảo vệ trẻ em, tôn trọng người già, vinh danh bình đẳng giới, xóa nạn mù chữ, tăng cao quyền lợi bảo hiểm y tế toàn dân, thông thoáng kinh doanh, phát triển giáo dục, và cuốn hút đầu tư, v.v. Cách duy nhất để giữ thể diện là luôn chỉ trích chê bai về tình hình nhân quyền và dân quyền tại các quốc gia ổn định ấy, như một thứ tồi tệ duy nhất có thể tạo ra để gán ghép cho những thể chế chính trị “phi truyền thống” ổn định, nhằm tạo nên sự “ổn định” trong tư duy của dân chúng đất nước đang giữ thể diện rằng chẳng đáng có gì để mơ tưởng từ những môi trường sống thường xuyên vi phạm nhân quyền, có miệng mà không được phép phát ngôn.

Các vụ “việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ” của Mỹ theo luật Mỹ mà Việt Nam tuân thủ Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc không bao giờ lên tiếng cáo buộc Mỹ vi phạm nhân quyền:



1) Ngày 09-11-2012, báo Huffington Post của Mỹ đăng tin nữ công dân 22 tuổi Denise Helms của California, Hoa Kỳ, đã bị sa thải đuổi việc khỏi Công ty Turlock Cold Stone Creamery do đã dám đăng trên Facebook gọi Tổng thống Obama là “mọi đen” (Nigger), thậm chí còn cho rằng trong vòng 4 năm thế nào Obama cũng sẽ bị ám sát. Cơ Quan Mật Vụ Mỹ đã vào cuộc điều tra các “phát ngôn” của cô gái này và cô đã viết tiếp trên Facebook rằng cô không phân biệt chủng tộc, không điên, mà chỉ đơn giản nêu ý kiến của mình. Tài khoản Facebook của cô sau đó bị xóa. Cơ Quan Mật Vụ Sacramento và Mật Vụ Thủ Đô Washington cho biết nếu có cơ sở để buộc tội các lời viêt của cô, Helms có thể bị bắt giam theo Điều luật 871 của Mỹ theo đó nghiêm cấm các xúc xiểm, đe dọa tổng thống, phó tổng thống hay các quan chức khác có thể kế nhiệm tổng thống theo luật định. Đối với các tải đăng trên facebook của Helms, cơ quan chức năng tìm đến nhà trường có các học sinh đã phát tán truyền đi các lời viết của Helms, và các học sinh này sau đó hầu hết phải xóa các tài khoản Twitter của mình. Đó là tự do ngôn luận tại Mỹ, theo công việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ của Mỹ mà tất cả các quốc gia khác không có quyền can thiệp, như đã minh định tại Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc

2) Trang Politico ngày 22-10-2013 đưa tin Jofi Joseph, quan chức cấp cao Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ và là thành viên đoàn Phủ Tổng Thống thương thuyết về chương trình vũ khí hạt nhân Iran, đã bị sa thải khỏi chức vụ và khỏi cơ quan quyền lực này chỉ vì đã đăng trên Twitter những chỉ trích đối với Ngoại Trưởng Hillary Clinton và các quan chức Hội Đông An Ninh Quốc Gia như Ben Rhodes, và về những thông tin như lạm dụng tình dục hay dịch vụ nữ hộ tống cùng những thâm cung bí sử Bộ Ngoại Giao. Các luật sư Phủ Tổng Thống đã ra lệnh cho Joseph phải rời khỏi khu vực Phủ ngay, và mất luôn vị trí sắp được luân chuyển đến làm quan chức tại Ngũ Giác Đài (Bộ Quốc Phòng Mỹ). Nếu như Helms là cô nhân viên tầm thường trẻ tuổi, thì Joseph là một cái tên quen thuộc của thế giới chính sách đối ngoại, có vợ là Carolyne Leddy, một nhân viên cấp cao của Đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ. Tất cả đều không được tự tiện tùy tiện “phát biểu” trên Facebook và Twitter. Mỹ không cho phép, và đó làcông việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ của Mỹ mà tất cả các quốc gia khác không có quyền can thiệp, như đã minh định tại Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc.

3) Barrett Brown là một nhà báo Mỹ sinh năm 1981 tại Dallas, Bang Texas. Ông đồng thời là nhà viết tiểu luận và châm biếm, tác giả của nhiều tác phẩm, viết bài cho những tờ báo tên tuổi như The Guardian, Huffington Post, và Vanity Fair, v.v. . Ông lập ra Dự Án PM nhằm tạo nên một mạng chuyên về các đe dọa đối với nhân quyền, đời tư cá nhân, và tình hình sức khỏe của các định chế dân chủ, v.v., với mục đích cung cấp các thông tin để các blogger, các phóng viên, và các nhà báo công dân sử dụng làm nội dung viết lách. Ngày 12-9-2012, Barrett bị bắt giam, không được phép tại ngoại với lý do “nguy hiểm cho sự an toàn của cộng đồng”. Nhiều đoạn đăng tải cũng như lời bình luận của Barrett lên YouTube và Twitter được sưu tầm để làm bằng chứng chống lại ông với gần 20 tội danh cấp liên bang. Tháng 1 năm 2015, sau thời gian dài đối mặt với bản án có thể lên đến 105 năm rồi giảm xuống 45 năm tù giam, Barrett cuối cùng bị kết án 63 tháng tù tại nhà tù liên bang với tội danh phạm trọng tội, cản trở luật pháp, đe dọa một nhân viên liên bang, phát tán các thông tin của tin tặc Anonymous, và phải đền 890.250 USD cho Công ty Stratfor vì đã chia sẻ đường link dẫn đến những dữ liệu bị rò rỉ của Stratfor. Mẹ của ông bị kết án 6 tháng tù treo và bị phạt 1.000USD vì đã cản trở thi hành công vụ khám xét nhà. Mỹ không cho phép thứ tự do tự tung tự tác mang tên tự do ngôn luận (freedom of speech) trên không gian mạng, và đó là công việc cấp thiết thuộc thẩm quyền nội bộ của Mỹ mà tất cả các quốc gia khác không có quyền can thiệp, như đã minh định tại Điều 2.7 Hiến Chương Liên Hợp Quốc.

Kết luận

Từ những tình tiết trên, có thể thấy rằng:

1) Các nước Âu Mỹ nhất thiết phải giải tán Liên Hợp Quốc (như đã giải tán Hội Quốc Liên) và thành lập một tổ chức quốc tế khác, nếu mơ tưởng đến việc viết bản Tân Hiến Chương phục vụ cho giấc mộng hão huyền có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, buộc Việt Nam phải xóa bỏ Điều 258 trong Bộ Luật Hình Sự của Việt Nam.

2) Công dân Mỹ phải tuân thủ luật pháp Mỹ. Không ai có quyền nói động đến nhân quyền tại Mỹ – trừ Tàu là cường quốc duy nhất hàng năm phát hành The Human Rights Record of the USA tức Ghi Nhận Tình Hình Nhân Quyền Tại Mỹ dành toàn bộ công trình đánh giá mức độ vi phạm nhân quyền tại Mỹ.

3) Công dân Việt Nam phải tuân thủ luật pháp Việt Nam. Không ai có quyền nói động đến nhân quyền tại Việt Nam – trừ Mỹ là cường quốc duy nhất hàng năm phát hành Country Reports on Human Right Practices tức Báo Cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ Về Thực Thi Nhân Quyền Tại Các Quốc Gia trong toàn bộ công trình đó có dành ra đôi ba trang đánh giá mức độ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.

4) Người Việt Nam nhất cử nhất động nhất thiết phải cẩn trọng khi sang Mỹ du học, tham quan, thăm thân, cư trú, vì những thông thoáng quá mức về tự do ngôn luận và dân chủ ở Việt Nam rất dễ hình thành thói quen hoàn toàn không thích hợp với sự hà khắc của luật pháp Hoa Kỳ, dẫn đến các cáo buộc và tội danh nghiêm trọng có khi đến hàng trăm năm tù dành cho ngay cả việc mà nếu nói theo ngôn phong luật pháp Việt Nam là lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Mỹ, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân Mỹ, chứ không phải trọng án nhiều trăm năm tù chỉ liên quan đến giết người hàng loạt hay khủng bố kinh hoàng.

Hoàng Hữu Phước, Thạc-sĩ Kinh-doanh Quốc-tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *