Chuyện nhà báo Lê Duy Phong

Người xem: 201

Tác giả: Nhà báo Phạm Trung Tuyến
 
Nhiều nhà báo đang share một tài liệu được cho là tường trình của nữ sinh viên đi cùng nhà báo Duy Phong, nhân vật chính trong “sự cố” Yên Bái. Đó là việc gây bất lợi cho Phong.
 

Đối với các nhà báo điều tra, có một yếu tố quan trọng để thúc đẩy họ vào cuộc trong hầu hết các vụ việc. Đó là niềm tin nội tâm, dựa trên trải nghiệm cá nhân về nhân vật, sự kiện. Nếu các đồng nghiệp của Phong có niềm tin nội tâm vào sự trong sáng của Phong, họ nên tiến hành chứng minh điều đó bằng các chứng cứ, thay cho việc vội vàng bình luận dựa trên một văn bản không đủ sức thuyết phục, song lại có rất nhiều yếu tố nhạy cảm, gây phản cảm về tư cách nhà báo của Phong.
 
Các nhân chứng trong bữa tiệc ở Yên Bái không chỉ có cô gái trẻ, chủ nhân bản tường trình. Có nhà báo tên Công, có người đàn ông tên Thực. Mục đích chuyến đi đến Yên Bái của Phong chiều 21/6 cũng cần được làm rõ… Phong có đăng ký với toà soạn hay không, vì đó không phải là ngày nghỉ?
 
Một số người đặt câu hỏi có hay không chuyện Phong bị “gài bẫy”? Tôi cho rằng đây là một câu hỏi sai. Bởi cái gọi là “gài bẫy” là một khái niệm không xa lạ trong điều tra, công an, hay nhà báo, đều sử dụng khi cần để củng cố chứng cứ. Đối với nhà báo điều tra, hành vi “gài bẫy” phổ biến là “nhập vai”. Nhà báo khi tiến hành điều tra chống tiêu cực là xác định rõ mình đang bước vào một cuộc chiến, trong đó có sự đối kháng chứ không phải cuộc đi săn một chiều. Là nạn nhân bị “gài bẫy” không phải là lý do để bảo vệ nhà báo.
 
Việc một nhà báo điều tra phải đối mặt với hoàn cảnh nguy hiểm như bị gài bẫy, bị bắt giữ… là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Khi xác định tham gia một công việc nguy hiểm, việc trang bị cho mình những nguyên tắc an toàn, những phương án bảo vệ là điều cần thiết. Trong sự việc này, cá nhân Phong, và toà soạn báo Giáo dục Việt Nam đã không ý thức đầy đủ về công việc của mình. Trong quá trình thực hiện một tuyến bài điều tra nhưng Phong trở lại địa bàn một mình, và tuỳ tiện tiếp xúc với nhân vật, hoặc nguồn tin, tại một không gian nhạy cảm.
 
Từ trường hợp của nhà báo tên Phong, có không ít những vấn đề về chuẩn mực tác nghiệp của nhà báo điều tra cần được phân tích như những bài học. Ngoài những vấn đề nêu trên thì loạt bài về Yên Bái trên Báo Giáo dục Việt Nam cũng có những điều rất đáng tiếc.
 
Câu chuyện biệt phủ, dinh thự của quan chức địa phương vốn không lạ lẫm đối với người dân, chứ chưa nói báo chí. Nếu để điều tra nhằm cung cấp thông tin mới cho công chúng về vấn đề này, nhà báo cần chứng minh được sự liên quan trực tiếp của các quan chức đối với tài sản đó, thay vì đăng tải những thông tin dạng nghi vấn. Điều đó không làm sáng tỏ những vấn đề mà bạn đọc quan tâm, mà chỉ trở thành công cụ cho những cuộc đấu đá ở địa phương.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *